BÀI LÀM 

Nhân ngày 22 tháng 12, trường em đã tổ chức mít tinh kỉ niệm Ngày Quốc phòng toàn dân. Nhân ngày lễ lớn này, trường em đã mời đoàn cựu chiến binh đánh Mĩ năm xưa đến thăm trường. Em biết và đã được gặp người chiến sĩ lái xe Trường Sơn năm xưa trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính của nhà thơ Phạm Tiến Duật. 

Người chiến sĩ lái xe năm xưa vẫn tươi cười, trên ngực chú đeo rất nhiều huân, huy chương. Giọng nói của chú khoẻ khoắn, âm vang, dõng dạc. Tiếng cười của chú rất sảng khoái khi về thăm trường. Chú đã trải qua rất nhiều năm chống Mĩ ác liệt nên trông chú già dặn, nhưng trên khuôn mặt đã nhuốm màu thời gian vẫn còn vương nét vui tươi, yêu đời, hóm hỉnh của người lính. Chú đã diện bộ quân phục mới nhất, trông chú rất nghiêm trang và trang trọng.

Em đến gần chú và chào to: 

– Cháu chào chú!

Chú quay lại và cười với em, sau đó em và chú đã ngồi nói chuyện rất vui vẻ. Chú kể lại về người lính Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mĩ rất gian khổ và khốc liệt. Năm 1969, máy bay Mỹ ném bom ồ ạt vào nước ta, chúng rải bom khắp nơi nên các chú khó mà vận chuyển được lương thực, thực phẩm, khí giới vào miền trong được. Chúng đã chặn đường tiếp tế của quân và dân ta. Nhưng chúng ta vẫn kiên cường để chống lại bọn chúng. Đó là thời kì lịch sử đối với chú.

Vì trên tuyến đường Trường Sơn năm xưa giặc Mĩ đã đánh. phá vô cùng khốc liệt, đã cày xới hàng loạt con đường, đốt cháy hàng loạt những cánh rừng và làng mạc. Trong số đó có làng của chú. Nên chú đã quyết tâm ra đi vì đất nước, vì Tổ quốc của chúng ta. Chú vào Trường Sơn nhận nhiệm vụ chuyển lương thực, khí giới vào miền Nam. Trên chặng đường ấy, những chiếc xe vận tải chở chú và nhiều chú bộ đội khác đã nối đuôi nhau đi ra tiền tuyến, cùng góp sức một lòng bảo vệ Tổ quốc. Chú nhớ nhất là chiếc xe mà chú lái ở Trường Sơn năm xưa, nó rất đặc biệt.

Chú kể bom đạn của Mĩ đã dội xuống như mưa, bom giật bom rung đã làm những chiếc kính của xe vỡ tan. Ngoài ra xe còn bị vỡ đèn, mui của xe thì bẹp, méo. Có những chiếc xe thì không có cả mui, thùng xe thì bị bẹp và xước trông rất kinh khủng, không có một chiếc xe nào mà thùng xe lại không có vết xước cả. Thời kì đó, cơ sở vật chất của nước ta còn rất thiếu thốn, nhất là phương tiện giao thông. Phương tiện đi lại rất khó khăn, đơn sơ, nghèo nàn. Nhưng chúng ta vẫn đánh Mĩ, kháng chiến đến cùng, đánh cho Mĩ phải lui, không khác nào “châu chấu đá xe”.

Chú còn nhớ rất nhiều kỉ niệm về thời kháng chiến chống Mĩ. Chú bảo lúc mới tham gia ngồi trên ca-bin chú rất sợ vì như không thể nào ngồi vững được. Lâu rồi cũng thành quen, vì những chiếc xe do các chú điều khiển kính chắn đã vỡ hết rồi, không có vật nào che chắn trước mặt nên luôn phải đối mặt với nào gió, nào bụi, nào mưa. Gió Trường Sơn thổi vào mặt ù ù, tưởng chừng như ai tát mà đau, nó mang theo rất nhiều bụi của con đường Trường Sơn. Nhưng cũng bởi không có gì che chắn nên thấy con đường trước mặt như chạy thẳng vào tim mình vậy. Thấy sao trời đẹp lung linh, cánh chim bay đột ngột như ùa thẳng vào buồng lái các chú ngồi. Ấy thế mà nó cũng chẳng làm gì được các chú đâu. Các chú vẫn đi, mọi người thì bảo Trường Sơn bụi lắm, con đường bị bom Mĩ cày xới ngày và đêm nên rất bụi. Xe của các chú đều không có kính nên bụi vào mắt bị cay xè. Tóc thì bạc trắng, bạc như người già, mặt thì lấm lem. Thế mà đến khi ngủ chẳng ai cần rửa mà lại phì phèo châm điếu thuốc hút. Ai nấy cũng nhìn nhau, mà bật cười vui vẻ.

Người ta bảo “Trường Sơn đông nắng, tây mưa. Ai chưa đến đó như chưa biết mình”. Quả thật là như vậy! Vì những ngày mưa ở đông Trường Sơn là những ngày mưa rất ác liệt. Ngồi ở trong xe mà mưa tuôn, mưa xối như khi ta ở ngoài trời. Mưa rất lớn làm xây xát cả da, thịt. Nhưng sức trẻ cùng niềm tin vào thắng lợi trước mắt đã khiến các chú quên hết mọi gian khổ. Những lúc mưa ngừng các chú chẳng cần thay áo mà vẫn tiếp tục đi. Cầm Vô-lăng lái hàng trăm cây số nữa cũng đâu xá gì. Vì gió lùa vào quần áo lại khô nhanh thôi. Cứ như vậy các chú đi suốt ngày, suốt tháng. Trải qua những ngày tháng khó khăn, gian khổ như thế mới thực sự hiểu được sức chịu đựng của chúng ta là vô cùng kì diệu.

Những chiếc xe không có kính cũng thật là thú vị, không gian rất rộng lớn được các chú thu hết ở trong buồng lái.

Tâm hồn của người lính, người chiến sĩ luôn lạc quan phơi phới, vui tươi. Thật đúng là “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Các chú gặp nhau rất vui vẻ, gặp nhau trên đường đi, cười với nhau, và trao những cái bắt tay thật ý nghĩa. Bắt tay qua cửa kính có sự hội tụ to lớn; hội tụ trở thành gia đình, họp thành tiểu đội, quây quần ấm cúng, bữa cơm đạm bạc quây quần giữa rừng. Hình ảnh bếp lửa Hoàng Cầm mà các chú quây quần bên nhau mỗi ngày rất vui. Tình cảm của các chú lại ngày càng sâu sắc, đầy ắp với những kỉ niệm. Tuy xe không có kính nhưng ở trong xe “có một trái tim”, trái tim của người chiến sĩ rất sôi nổi, trẻ trung và đầy sức sống, lạc quan, yêu đời. Các chú một lòng vì đất nước, một lòng vì miền Nam ruột thịt. Cùng với những cô gái thanh niên xung phong, họ đã làm nên lịch sử. Họ đã dâng hiến tuổi xuân và cả cuộc đời mình để hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Bao thế hệ cha anh đã ngã xuống để đất nước ta ngày hôm nay được hoà bình. Vì vậy chúng ta phải chung tay giữ gìn nền hoà bình, độc lập thật bền lâu.

Sau cuộc mít tinh, em và chú bộ đội đã chia tay nhau và hẹn một ngày nào đó em và chú sẽ được gặp lại nhau. Em ước mong sao đất nước ta sẽ phát triển không ngừng để không phụ lòng các chiến sĩ lái xe, các chiến sĩ vì đất nước mà không chịu lùi bước.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 34: Em hãy tưởng tượng gặp lại một người lính lái xe trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật và kể về cuộc gặp gỡ đặc biệt đó.
Đánh giá bài viết