I. LUYỆN TẬP VỀ PHÉP ĐIỆP (ĐIỆP NGỮ)

1. Trả lời các câu hỏi về các ngữ liệu:

a) Ở ngữ liệu (1), nụ tầm xuân được lặp lại nguyên vẹn, vừa tạo được âm hưởng cho câu thơ, vừa nhấn mạnh ý nghĩa, lại khiến người đọc dễ nhớ. Vì thế, không thể thay thế nụ tầm xuân bằng hoa tầm xuân hay hoa cây này được. Thay thế như vậy sẽ làm cho câu thơ khác về ý, hình ảnh và nhạc điệu, không gợi được hình ảnh người con gái.

   Chim vào lồng, cá mắc câu được lặp lại ở hai câu sau nhằm làm cho sự so sánh ở câu trước đó (“Như chim vào lồng, như cá mắc câu”) được rõ ý hơn. Cách lặp này không giống với cách lặp nụ tầm xuân ở câu trên : nụ tầm xuân lặp lại để kể tiếp sự việc, còn chim vào lồng, cá mắc câu lặp lại nhằm giải thích làm rõ ý so sánh ở câu thơ trước đó.

b) Trong các câu ở ngữ liệu (2), việc lặp từ là phép điệp tu từ, thể hiện ở việc điệp từ (gần – gần ; có – có ; vì – vì – vì – bì) và cả việc điệp vần (đen – đèn ; tiên – tiền); có tác dụng tạo ra nhịp điệu cân xứng hài hòa để nhấn mạnh ý và để dễ nhớ.

c) Phép điệp là phép lặp lại (câu, từ, vần, thanh điệu) mang ý nghĩa tu từ nhằm nhấn mạnh, khắc sâu ý, gây ấn tượng trong người đọc (khác với lỗi lặp).

2. Bài tập ở nhà

a) Ví dụ có điệp từ, điệp câu nhưng không có giá trị tu từ:

– “Tim anh ta đập nhanh hơn và anh ta ăn nhiều bữa hơn, uống nhiều rượu vang hơn và đọc sách nhiều hơn.” (Cái vô hạn trong lòng bàn tay, Ngữ văn 10, tập hai, tr. 74)

Các em tìm thêm hai ví dụ khác.

b) Ví dụ về phép điệp trong những bài văn đã học :

                   – Khi sao phong gấm rủ là

            Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.

                   – Mặt sao dày gió dạn sương 

          Thân sao bướm chán ong chương bấy thân!

                                   (Nỗi thương mình – Truyện Kiều)

Các em tìm thêm hai ví dụ khác.

c) Bài tập này các em tự làm.

II. LUYỆN TẬP VỀ PHÉP ĐỐI

1. Trả lời các câu hỏi về các ngữ liệu :

a) Ngữ liệu (1) và (2) là phép đối tạo thành hai vế cân xứng trong câu. Ở đây có cả đối vế, đối từ và đối thanh.

– Chim có tổ / người có tông. (Đối vế, đối danh từ, đối thanh trắc, bằng)

– Đói cho sạch / rách cho thơm. (Đối vế, đối tính từ, đối thanh trắc, bằng)

– Tiên học lễ :/ diệt / trò tham nhũng 

Hậu hành văn :/ trừ / thói cửa quyền.

Đối giữa hai câu, đối vế trong từng câu, đối động từ (diệt, trừ)

b) Ngữ liệu (3) và (4) có cách đối khác nhau:

– Vân xem trang trọng khác với

Khuôn trăng đầy đặn / nét ngài nở nang.

Hoa cười ngọc thốt đoan trang

Mây thua nước tóc / tuyết nhường màu da.

(Đối hai vế cân xứng trong câu hát : tiểu đối trong câu).

– Rắp mượn điền viên vui tuế nguyệt

Trót đem thân thế hẹn tang bồng.

(Đối câu trên với câu dưới từng từ (cụm từ) : Rắp mượn / Trót đem; điền viên / thân thế ; vui / hẹn ; tuế nguyệt / tang bồng).

c) Tìm thêm ví dụ trong phép đối :

– Hịch tướng sĩ :

(… ) Tới bữa quên ăn / nửa đêm vỗ gối;

(… ) Trăm thân này phơi ngoài nội cỏ / nghìn xác này gói trong da ngựa (…) 

– Đại cáo bình Ngô :

           (…) Núi sông bờ cõi đã chia,

         Phong tục Bắc Nam cũng khác.

        Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập,

        Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đến một phương.

Truyện Kiều :

                        Biết bao bướm lả ong lơi

              Cuộc say đầy tháng trận cười suốt đêm. 

                       Dập dìu lá gió cánh chim

             Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Trường Khanh.

– Thơ Nôm Đường luật : .

                   Lom khom dưới núi tiều bài chú

                   Lác đác bên sông chỉ mấy nhà

                   Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

                   Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.

                                       (Bà Huyện Thanh Quan – Qua Đèo Ngang)

d) Đối là phép tu từ tạo ra những hình thức đối trong văn bản văn học nhằm làm phong phú về ý nghĩa (tương đồng và tương phản), hài hòa về âm thanh, cân đối trong xếp đặt khiến câu văn có tính hoàn chỉnh và khả năng ghi nhớ. Đối có nhiều cấp độ : đối giữa các câu, giữa các vế trong câu, đối chọi về nghĩa, đối từ loại, đối thanh,…

2. Phân tích các ngữ liệu và trả lời câu hỏi

a) Phân tích :

– Thuốc đắng dã tật / sự thật mất lòng.

(Đối : – hai vế trong câu.

          – Đối từ : thuốc đắng / sự thật ; dã tật / mất lòng.

          – Đối thanh : tật (trắc) đối với lòng (bằng)

– Bán anh em xa / mua láng giềng gần.

(Đối : – hai vế trong câu.

          – Đối từ : bán / mua ; anh em / láng giềng ; xa / gần. 

           – Đối thanh : bán (trắc) / mua (bằng)

b) Trả lời câu hỏi :

   Phép đối trong tục ngữ có tác dụng: làm cho ý cần nói được nổi bật, nhấn mạnh, khắc sâu; trong tương quan so sánh mà chân lí càng nổi rõ, dễ hiểu, dễ nhớ. Phép đối khiến cách nói của tục ngữ trở nên chắc, gọn, tác động nhanh và trực tiếp đến người nghe. Mỗi từ chứa đựng một thông tin cô đúc và chính xác. Vì vậy không thể thay hai từ bánmua hoặc đổi chúng cho nhau. Ở đây câu tục ngữ muốn nhấn mạnh ý láng giềng gần còn quan trọng và cần thiết hơn anh em xa (“tối lửa tắt đèn” có nhau) nên phải là “bán anh em xa, mua láng giềng gần”).

   Chính vì thế tục ngữ ngắn mà khái quát được hiện tượng rộng, người không học cũng nhớ, cũng thuộc, không ghi lại mà vẫn được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân.

3. Bài tập ở nhà 

a) Tìm mỗi kiểu đối một ví dụ:

 – Kiểu đối thanh (trắc đối bằng): Ăn cây nào / rào cây ấy ; Uống nước / nhớ nguồn.

– Kiểu đối chọi về nghĩa : Gần mực thì đen / gần đèn thì sáng.

– Kiểu đối từ loại (tính từ đối tính từ, danh từ đối danh từ, động từ đối động từ) : Chó treo mèo đậy (chó / mèo (danh từ); treo / đậy (động từ)).

– Kiểu đối giữa các câu :

                          Khi sao phong gấm rủ là

                Giờ sao tan tác như hoa giữa đường.

                                                         (Truyện Kiều) 

b) Ra một vế đối cho các bạn cùng đối.

Ví dụ:        – Tết đến, cả nhà vui như Tết.

Đối lại là : – Xuân về, khắp nước trẻ cùng xuân.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 31: Thực hành các phép tu từ: Phép điệp và phép đối
Đánh giá bài viết