I. KIẾN THỨC CẦN NHỚ

   Nắm được khái niệm về nội dung và hình thức của văn bản văn học.

1. Các khái niệm của nội dung và hình thức trong văn bản văn học

   Trong văn bản văn học, không thể tách biệt nội dung khỏi hình thức, hay hình thức khởi nội dung. Nội dung chỉ có thể thể hiện trong hình thức, và hình thức phải là hình thức của một nội dung nào đó.

   (1) Các khái niệm thường được coi là thuộc về mặt nội dung của văn bản văn học có đề tài, chủ đề, tư tưởng, cảm hứng nghệ thuật.

– Đề tài : là lĩnh vực đời sống được nhà văn nhận thức, lựa chọn, khái quát, bình giá và thể hiện trong văn bản.

– Chủ đề : là vấn đề cơ bản được nêu ra trong văn bản. Chủ đề thể hiện điều quan tâm cũng như chiều sâu nhận thức của nhà văn đối với cuộc sống. Mỗi văn bản có thể có một hoặc nhiều chủ đề tùy quy mô cũng như ý định của tác giả.

Tư tưởng của văn bản là sự lí giải đối với chủ đề đã nêu lên, là nhận thức của tác giả muốn trao đổi, nhắn gửi, đối thoại với người đọc. Tư tưởng là linh hồn của văn bản.

Cảm hứng nghệ thuật là nội dung tình cảm chủ đạo của văn bản. Những trạng thái tâm hồn, những cảm xúc được thể hiện trong văn bản sẽ truyền cảm và hấp dẫn người đọc.

   Bốn khái niệm trên đây có liên quan biện chứng với nhau trong nội dung của văn bản văn học. Ta có thể khảo sát từng yếu tố một cách có hệ thống để đi đến một nhận định tổng hợp, chính xác về nội dung của văn bản văn học.

(2) Các khái niệm thường được coi là thuộc về mặt hình thức của văn bản văn học gồm ngôn từ, kết cấu và thể loại.

Ngôn từ là yếu tố đầu tiên của văn bản văn học. Các chi tiết, các sự việc, các hình tượng, các nhân vật,… đều được thể hiện bằng ngôn từ. Không có ngôn từ, ta không có căn cứ cụ thể để tìm hiểu, để thưởng thức văn bản. Nó là chất liệu duy nhất để tạo nên văn bản văn học.

Kết cấu là sự sắp xếp, tổ chức các thành tố của văn bản thành một đơn vị thống nhất hoàn chỉnh, có ý nghĩa. Kết cấu hàm chứa dụng ý của tác giả sao cho phù hợp với nội dung của văn bản, làm cho nội dung đó được nổi bật lên, gây sự chú ý và hấp dẫn đối với người đọc. 

Thể loại là những quy tắc tổ chức hình thức văn bản thích hợp với nội dung văn bản: hoặc có chất thơ, chất tiểu thuyết, chất kịch,… vì vậy, thể loại cũng là một yếu tố giúp cho việc thể hiện nội dung văn bản được hay hơn, hấp dẫn hơn, có hiệu quả hơn.

   Ngôn từ, kết cấu, thể loại là ba yếu tố không thể thiếu về mặt hình thức của một văn bản văn học.

2. Ý nghĩa quan trọng của nội dung và hình thức trong văn bản văn học

-Nội dung và hình thức là hai mặt tạo nên văn bản văn học. Hai mặt này có mối liên quan biện chứng, gắn bó với nhau trong văn bản văn học. Vì vậy cần tránh những xu hướng thiên lệch sau đây :

+ Không chú ý đến nội dung văn bản, chỉ chú ý đến hình thức cốt sao khác lạ, gợi tính hiếu kì của một số người đọc… Đó là một hướng đi không có triển vọng trong sáng tác văn học. .

+ Chỉ chú ý đến nội dung mà coi nhẹ hình thức thể hiện của văn bản văn học. Như vậy sẽ giảm đi giá trị nghệ thuật và không còn là một văn bản văn học đích thực.

– Văn bản văn học cần phải có sự thống nhất giữa nội dung và hình thức. Sự hài hòa giữa nội dung tư tưởng cao đẹp và hình thức nghệ thuật hoàn mĩ là phẩm chất của các văn bản văn học ưu tú. Điều đó được chứng tỏ trong các văn bản văn học của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Xuân Diệu,…

II. LUYỆN TẬP

Hướng dẫn giải bài tập

1. Gợi ý : So sánh đề tài của Tắt đènbước đường cùng :

– Giống nhau : Cả hai tác phẩm đều viết về cuộc sống bị áp bức, bóc lột của người nông dân ở nông thôn trước Cách mạng tháng Tám và sự phản kháng tự phát của họ. .

– Khác nhau : Tắt đèn tả cuộc sống nông thôn trong những ngày sau thuế, nông dân bị áp bức, bóc lột đủ đường buộc phải vùng lên phản kháng (chị Dậu). 

                      Bước đường cùng miêu tả cuộc sống hằng ngày lầm than cơ cực của nông dân : bị địa chỉ dùng thủ đoạn cho vay nặng lãi để cướp lúa, cướp đất, bị đẩy vào bước đường cùng, không còn lối thoát, phải đứng lên chống lại (anh Pha).

2. Gợi ý : Phân tích tư tưởng bài thơ Mẹ và quả của Nguyễn Khoa Điềm:

– Hai khổ thơ đầu nói đến lòng mong mỏi đợi chờ cũng như công phu khó nhọc của người mẹ khi chăm sóc cây trái trong vườn (Những mùa quả…. thầm lặng mẹ tôi).

– Từ chuyện trồng cây chuyển sang chuyện trồng người (khổ thơ cuối). Tác giả ví mình như một thứ quả mà người mẹ đã gieo trồng. Phải cố gắng học tập trau dồi để xứng đáng với tấm lòng người mẹ đã cất công nuôi nấng dạy dỗ, và kì vọng vào tương lai của con mình. Nhưng sau đó, là nỗi “hoảng sợ” của đứa con :

                   Tôi hoảng sợ, ngày bàn tay mẹ mỏi

                   Mình vẫn còn một thứ quả non xanh. 

   Nỗi “hoảng sợ” đó là sự lo lắng sâu sắc của đứa con. Nó chính là biểu hiện cao của ý thức trách nhiệm phải đền đáp công ơn người đã nuôi nấng dạy dỗ mình. Chữ “mẹ” ở đây có thể hiểu rộng ra là Tổ quốc. Đó là tư tưởng của bài thơ.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 32: Nội dung và hình thức của văn bản văn học
Đánh giá bài viết