I. CUỘC ĐỜI

Các em đọc phần Cuộc đời trong SGK, trang 110 và rút ra những nhận xét về cuộc đời của nhà thơ để trả lời câu hỏi 1 trong phần Hướng dẫn học bài. Sau đây là những gợi ý chính:

– Nguyễn Du may mắn được tiếp nhận truyền thống văn hóa của nhiều vùng quê khác nhau : tổ quán (quê cha) là Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh; sinh quán (nơi sinh) là Thăng Long (Hà Nội ngày nay); mẫu quán (quê mẹ) là Bắc Ninh, xứ Kinh Bắc. Mỗi vùng quê có một đặc điểm riêng đã góp phần tạo nên con người Nguyễn Du: đất Hồng Lam (núi Hồng Lĩnh, sông Lam) chân chất quật cường, đất Thăng Long tài hoa thanh lịch, đất Kinh Bắc thơ mộng trữ tình. Đó là một tiền đề thuận lợi cho sự tổng hợp nghệ thuật của nhà đại thi hào dân tộc.

– Thời thơ ấu và niên thiếu, Nguyễn Du sống tại Thăng Long trong một gia đình quý tộc phong kiến quyền quý. Ông có nhiều điều kiện thuận lợi để dùi mài kinh sử, có dịp hiểu biết về cuộc sống phong lưu, xa hoa của giới quý tộc phong kiến. Những điều đó đã để lại dấu ấn trong sáng tác văn học của nhà thơ sau này, như hình tượng những người ca nhi, kĩ nữ với tiếng đàn giọng hát và thân phận đau khổ của họ,… .

– Do nhiều biến cố lịch sử, từ năm 1789, Nguyễn Du đã rơi vào cuộc sống đầy khó khăn gian khổ hàng chục năm trước khi ra làm quan cho nhà Nguyễn. Những trải nghiệm trong môi trường quý tộc và đặc biệt cuộc sống phong trần đã đem lại cho Nguyễn Du một vốn sống thực tế phong phú, thôi thúc ông suy ngẫm nhiều về xã hội, về thân phận con người, tạo tiền đề quan trọng cho sự hình thành tài năng và bản lĩnh sáng tạo văn chương. Hơn mười năm lăn lộn chật vật ở các vùng nông thôn khác nhau là dịp để Nguyễn Du cảm nhận sâu sắc “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”, đồng thời cũng là dịp ông học hỏi, nắm vững ngôn ngữ nghệ thuật dân gian. Đây là vốn hiểu biết rất cần thiết cho sự hình thành phong cách ngôn ngữ của các tác phẩm thơ Nôm, đặc biệt là Truyện Kiều.

– Chuyến đi sứ sang Trung Quốc để lại những dấu ấn sâu đậm trong thơ văn ông, đặc biệt góp phần nâng tầm khái quát của những tư tưởng về xã hội và thân phận con người trong sáng tác của ông.

Năm 1965, Hội đồng Hòa bình thế giới đã công nhận Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới và ra quyết định kỉ niệm trọng thể nhân dịp 200 năm năm sinh của ông.

II. SỰ NGHIỆP VĂN HỌC

Các em đọc phần Sự nghiệp văn học trong SGK, suy nghĩ để trả lời câu hỏi 2 trong phần Hướng dẫn học bài. Sau đây là những gợi ý chính:

1. Các sáng tác chính

a) Sáng tác bằng chữ Hán

Gồm 249 bài thơ do Nguyễn Du viết vào các thời kì khác nhau:

Thanh Hiên thi tập (Tập thơ của Thanh Hiên) gồm 78 bài viết chủ yếu trong những năm tháng trước khi ra làm quan nhà Nguyễn. .

Nam trung tại ngâm (các bài thơ ngâm khi ở phương Nam) gồm 40 bài viết trong thời gian làm quan ở Huế và Quảng Bình, những địa phương ở phía Nam Hà Tĩnh, quê hương ông.

Bắc hành tạp lục (Ghi chép trong chuyến đi sang phương Bắc) gồm 131 bài thơ sáng tác trong chuyến đi sứ Trung Quốc. Xét về đề tài và cảm hứng sáng tác, có nhiều điểm tương đồng giữa các bài thơ chữ Hán trong Bắc hành tạp lục và Truyện Kiều.

b) Sáng tác bằng chữ Nôm

Gồm Đoạn trường tân thanh (còn gọi là Truyện Kiều) Văn chiêu hồn.

– Văn chiêu hồn nguyên tên là Văn tế thập loại chúng sinh (Văn tế mười loại chúng sinh) viết bằng thể thơ song thất lục bát. Bài văn tế thể hiện một phương diện quan trọng của chủ nghĩa nhân đạo trong sáng tác của Nguyễn Du : lòng thương người của ông hướng về những thân phận nhỏ bé, dưới đáy xã hội như các em nhỏ, các kĩ nữ, những anh học trò nghèo. Do giá trị nhân đạo sâu sắc mà Văn chiêu hồn đã được phổ biến rộng rãi, kể cả trong phạm vi nhà chùa.

Truyện Kiều được sáng tác trên cơ sở cốt truyện của tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc Kim Vân Kiều truyện, nhưng Nguyễn Du đã sáng tạo  nên một tác phẩm hoàn toàn mới, với cảm hứng mới, nhận thức lí giải theo cách của riêng ông, với thể loại truyện thơ khác hẳn Kim Vân Kiều truyện là tác phẩm tự sự văn xuôi. Chính vì thế, Nguyễn Du đã sáng tạo nên một kiệt tác độc nhất vô nhị của văn học trung đại Việt Nam.

2. Một vài đặc điểm về nội dung và nghệ thuật

a) Đặc điểm nội dung :Nếu so sánh nhiều nhà nho xưa làm thơ để nói chí (hướng về lí tưởng người quân tử, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ) thì nét nổi bật xét về nội dung của sáng tác Nguyễn Du là sự đề cao xúc cảm, tức đề cao tình, chiếm vị trí quan trọng hàng đầu trong thơ chữ Hán, Truyện Kiều, Văn chiêu hồn là tình cảm chân thành, là sự cảm thông sâu sắc của tác giả dành cho cuộc sống và con người, đặc biệt là dành cho những con người nhỏ bé, bất hạnh, dành cho người phụ nữ. Người ăn mày, người mù hát rong, những ca nhi, kĩ nữ,… vốn bị xã hội cũ coi rẻ được nhà thơ nói đến bằng một tấm lòng trân trọng, thương yêu. Đặc biệt, ngòi bút của Nguyễn Du dành cho người phụ nữ những vần thơ đau xót, thông cảm sâu sắc, mang tính triết lí cao :

                     Đau đớn thay phận đàn bà

                     Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

                                                                (Truyện Kiều)

                    Đau đớn thay phận đàn bà 

                    Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu ?

                                                            (Văn chiêu hồn)

   Ông lại là người đầu tiên trong văn học trung đại đã nêu lên một cách tập trung vấn đề về thân phận của những người phụ nữ có sắc đẹp và tài năng văn chương nghệ thuật (thơ, nhạc,…). Ông đã đề cập đến một vấn đề rất mới, nhưng cũng rất quan trọng của chủ nghĩa nhân đạo trong văn học : cần phải trân trọng những con người có tài năng như vậy.

b) Đặc điểm nghệ thuật: Nguyễn Du là nhà thơ có học vấn uyên bác, nắm vững nhiều thể thơ của Trung Quốc. Thơ chữ Hán của ông ở thể thơ nào cũng có bài xuất sắc. Đặc biệt phải nói đến tài năng nghệ thuật của nhà thơ trong bộ phận thơ Nôm, được thể hiện trên nhiều phương diện, trong đó nổi lên hai yếu tố quan trọng là ngôn ngữthể thơ. Nguyễn Du nắm vững và góp phần trau dồi ngôn ngữ văn học dân tộc, với tài năng cá nhân đã làm giàu cho tiếng Việt qua việc Việt hóa nhiều yếu tố ngôn ngữ ngoại nhập. Thể thơ lục bát đến Truyện Kiều của Nguyễn Du đã chứng tỏ khả năng chuyển tải nội dung tự sự và trữ tình to lớn của thể loại truyện thơ.

LUYỆN TẬP

– Các em tìm bài thơ Phản “Chiêu hồn” của Nguyễn Du trong Thơ chữ Hán Nguyễn Du (hoặc trong SGK Ngữ văn 9, tập một trước đây).

   Đọc kĩ (cả bản phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ), sau đó tiến hành thảo luận ở tổ về nội dung bài thơ này.

– Gợi ý: Cảm hứng của bài thơ là cảm hứng phê phán thực tại xã hội của Nguyễn Du, qua đó thấy cảm hứng phê phán xã hội phong kiến là cảm hứng chung của toàn bộ sáng tác Nguyễn Du.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 28: Nguyễn Du
Đánh giá bài viết