I. TRỌNG TÂM KIẾN THỨC, KĨ NĂNG

1. Kiến thức

– Các tác phẩm văn học Việt Nam được học ở học kỳ II lớp 12 thuộc giai đoạn từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX. Nắm được nội dung nghệ thuật và một số đặc điểm của các thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch và văn bản nhật dụng. 

+ Truyện ngắn: Vợ nhặt (Kim Lân), Vợ chồng A Phủ (trích – Tô Hoài), Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu), Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành), Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi), Bắt sấu ở rừng U Minh Hạ (Sơn Nam), Một người Hà Nội (Nguyễn Khải).

+Tiểu thuyết: Mùa lá rụng trong vườn (trích – Ma Văn Kháng)

+ Kịch: Hồn Trương Ba, da hàng thịt (trích – Lưu Quang Vũ)

+ Văn bản nhật dụng: Nhìn về vốn văn hoá dân tộc (Trần Đình Hượu).

– Các tác phẩm văn học nước ngoài: nắm được nội dung tư tưởng mang tính nhân loại và đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm: Thuốc (Lỗ Tấn), Số phận con người (trích – Sô-lô-khốp), Ông già và biển cả (trích – Hê-minh-uế).

2. Kĩ năng

– Đọc – hiểu truyện ngắn, trích đoạn tiểu thuyết và kịch bản văn học hiện đại.

– Vận dụng những kiến thức về thể loại, đề tài, chủ đề tư tưởng của tác phẩm văn học để kiến giải những vấn đề có tính khái quát của văn học Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX.

II. ĐỀ LUYỆN TẬP

1. Những phát hiện khác nhau về số phận và cảnh của người dân lao động trong các tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, Vợ nhặt của Kim Lân cần chú trọng phân tích những nét đặc sắc trong tư tưởng nhân đạo của mỗi tác phẩm.

a. Số phận và cảnh ngộ của con người

* Vợ nhặt: Tình cảnh thế thảm của người dân lao động trong nạn đói năm 1945.

   Ở Vợ nhặt nhà văn miêu tả cái đói và cái chết đe doạ cuộc sống con người. Giữa cái đói và cái chết đe doạ, Tràng – con bà cụ Tứ ở xóm ngục bỗng nhiên nhặt được vợ ở giữa đường, giữa chợ nhờ mấy bát bánh đúc. Tràng lấy vợ trong tình cảnh éo le vui, buồn lẫn lộn, trong hoàn cảnh mẹ goá, con côi nuôi nhau còn khó khăn, nay lại thêm một miệng ăn nữa. Hạnh phúc của họ diễn ra trong tình cảnh thế thảm của nạn đói năm 1945.

* Vợ chồng A Phủ: Số phận bi thảm của người dân miền núi Tây Bắc dưới ách áp bức, bóc lột của bọn phong kiến trước cách mạng.

   Tô Hoài là người có công đầu trong việc khai khẩn miền đất Tây Bắc xa xôi mà thơ mộng trong văn xuôi hiện đại. Trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ, nhà văn đã dành sự quan tâm cho một vấn đề lớn: Vấn đề số phận của người dân lao động và số phận của các dân tộc ít người ở miền Tây Bắc Tổ quốc. Sự thể hiện là hai nhân vật trung tâm của truyện: Mị và A Phủ trong hành trình từ bóng tối đau khổ, ô nhục vươn lên ánh sáng tự do và nhân phẩm rất có sức thể hiện quy luật từ đau thương đến nỗ lực tự giải phóng mình của đồng bào các dân tộc miền Tây Bắc. Truyện Vợ chồng A Phủ gây ấn tượng với người đọc về cảnh ngộ đau thương, tủi nhục của người con dâu gạt nợ nhà thống lý Pá Tra, lúc đầu ở Mị diễn ra một quá trình tha hoá nhân cách: ở lâu trong cái khổ dưới ách áp bức nặng nề của giai cấp phong kiến và thần quyền, ách nam quyền ở miền rẻo cao, dường như mất đời sống ý thức, cảm giác chai lì, sống lầm lũi như con rùa nuôi trong xó cửa, như con trâu con ngựa chỉ biết ăn cỏ, biết làm việc mà thôi. Nhưng sâu thẳm trong tâm hồn Mị vẫn tiềm tàng một sức sống trẻ trung, tài sắc, khát khao tự do, khát khao tình yêu và hạnh phúc. Đã có hoàn cảnh tha hoá Mị thì nhất định có hoàn cảnh phục sinh Mị. Truyện cũng kể về chàng trai nghèo khổ và mồ côi là A Phủ, A Phủ tập trung những phẩm chất đáng quý của chàng trai Mèo: to lớn, khỏe mạnh, giàu khả năng lao động, dũng mãnh, đấy vũ khí nhưng bọn thống trị miền núi đã biến A Phủ thành nô lệ chung thân. Chàng trai tự do, sống phóng khoáng, vì một lẽ công bằng mà phải đem cả cuộc đời mình trả nợ phạt vạ cho nhà thống lý. Mị và A Phủ là hai con người cùng gặp cảnh ngộ đau thương trong nhà tù của thống lý Pá Tra, trong một hoàn cảnh và một tâm lý đặc biệt, Mị đã cắt dây cởi trói cho A Phủ. Hai người chạy trốn khỏi nhà thống lý Pá Tra rồi làm lại cuộc đời ở khu du kích Phiềng Sa. Nhà văn đã thể hiện một quy luật: Từ đau thương mà đến với tự do, được giải phóng khỏi ách áp bức đối với các dân tộc ít người ở miền núi Tây Bắc, và con đường giải phóng chính mình, giải phóng thân phận đau khổ đó là phải biết liên minh để cùng chống kẻ thù chung.

b. Tư tưởng nhân đạo của tác phẩm

* Vợ nhặt: Ngợi ca tình người cao đẹp, khát vọng sống và hi vọng vào một tương lai tươi sáng.

   Ở tác phẩm Vợ nhặt, Kim Lân không chỉ miêu tả tình cảnh thê thảm của người dân. nước ta trong nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu, mà còn thể hiện được bản chất tốt đẹp và sức sống kì diệu của họ: Ngay bên bờ vực của cái đói và cái chết, họ vẫn hướng về sự Sống, khát khao hạnh phúc gia đình và thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Cái đọng lại cuối cùng trong lòng người đọc vẫn là cách nhìn đời, nhìn người đầy xót xa, thương yêu thân thiết của nhà văn, là niềm tin của ông về cội nguồn nhân bản mãi mãi được lưu giữ trong cuộc sống của người dân lao động “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời”, trong đó nỗi khát khao làm người, khát khao sống là bất diệt.

* Vợ chồng A Phủ: Ngợi ca sức sống tiềm tàng của con người và con đường họ tự giải phóng, đi theo cách mạng.

   Khi cô đúc nỗi khổ của người dân miền núi vào hai nhân vật Mị và A Phủ để làm bản cáo trạng đối với bọn phong kiến thực dân, Tô Hoài đã gợi lên trong lòng người đọc niềm căm phẫn, đồng thời là niềm cảm thông, trân trọng đối với những nạn nhân đau thương. Không dừng ở đó, trong khi đào sâu vào hiện thực, Tô Hoài đã phát hiện, khẳng định những phẩm chất cao quý, ca ngợi năng lực làm người của người dân lao động miền núi. Ông nhìn thấy sức sống tiềm tàng ở nhân vật Mị, A Phủ và tin rằng dầu hoàn cảnh có khắc nghiệt đến mấy, dù bọn thống trị có tàn bạo đến đâu cũng không tiêu diệt nổi sức sống tiềm tàng của những người dân bị áp bức. Họ có đủ nghị lực để tự giải thoát khỏi xiềng xích nô lệ, làm lại cuộc đời.

2. Hãy so sánh và làm rõ những sáng tạo riêng của hai tác giả qua 2 tác phẩm: Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành và Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi.

   Cần So sánh trên một số phương diện tập trung thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng:

– Lòng yêu nước, căm thù giặc.

– Tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất chống kẻ thù xâm lược.

– Đời sống tâm hồn, tình cảm cao đẹp.

– Những nét đặc sắc về nghệ thuật thể hiện: nghệ thuật kể chuyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật, nghệ thuật xây dựng hình tượng và những chi tiết nghệ thuật giàu ý nghĩa,… 

3. Phân tích tình huống truyện trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu.

a. Những biểu hiện của tình huống truyện:

* Trước hết, đó là hai phát hiện của người nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng:

– Nghệ sĩ Phùng đến một vùng ven biển miền Trung chụp ảnh cho cuốn lịch năm sau. . Anh đã phát hiện được cảnh chiếc thuyền ngoài xa, trong sương sớm, đẹp như tranh vẽ – “một cảnh đất trời cho mà suốt đời cầm máy chưa bao giờ nhìn thấy. Trước vẻ đẹp của nghệ thuật, anh bộc lộ sự rung động trong trái tim tôi như có cái gì bóp thắt vào” và đồng thời anh cũng “phát hiện ra… khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Phùng còn nhận ra trong suy nghĩ của mình “… bản thân cái đẹp là đạo đức” (như Nguyễn Tuân đã quan niệm: cái đẹp phải kết hợp với cái tâm, cái tài kết hợp với cái thiện).

– Nhưng khi chiếc thuyền vào bờ, Phùng tận mắt chứng kiến tình trạng bạo lực trong gia đình qua cảnh hành động đánh vợ của người đàn ông làng chài; người vợ nhẫn nhục | chịu đựng; đứa con vì bảo vệ mẹ đã phản kháng lại cha… Những ngày sau, cảnh đó lại tiếp diễn. Phùng đã không ngờ sau cảnh đẹp như mơ là bao ngang trái, nghịch lý của đời thường. Hiện thực phũ phàng của cuộc sống làm cho Phùng cảm thấy cay đắng trước sự thật ẩn chứa đằng sau vẻ mặt trong ngần và tươi đẹp của cảnh vật: “… khiến tôi kinh ngạc đến mức… tôi cứ đứng há mồm ra mà nhìn…”.

* Tiếp theo là câu chuyện của người đàn bà và cách giải quyết ban đầu của chánh án Đầu ở toà án huyện:

– Đẩu khuyên người đàn bà bỏ chồng vì “cả nước không có một người chồng nào như hắn… Chị không sống nổi với cái lão đàn ông vũ phu ấy đâu”.

– Nhưng ngược lại, người đàn bà lại “chắp tay với lia lịa, xin “quý toà… đừng bắt con bỏ nó”. Thái độ này của chị xuất phát từ việc: toà không hiểu được cảnh ngộ của người lao động nghèo khổ; còn vì hạnh phúc đích thực của một người đàn bà trong vai trò một người vợ và vai trò của người mẹ… Lúc đầu, khi thấy người đàn bà không chịu bỏ chồng, Phùng rất ngạc nhiên và bất bình. Nhưng sau đó anh cảm nhận được nỗi niềm và cảnh ngộ của người đàn bà làng chài mà dần thay đổi bằng thái độ cảm thông và thấu hiểu.

b. Các nhân vật với tình huống

– Tình huống truyện được tạo nên bởi nghịch cảnh giữa vẻ đẹp chiếc thuyền ngoài xa với cái thật gần là sự ngang trái trong gia đình thuyền chài. Gánh nặng mưu sinh đẻ trĩu trên vai cặp vợ chồng người làng chài. Người chồng đã trở thành kẻ vũ phu. Người vợ vì thương con nên nhẫn nhục chịu đựng sự ngược đãi của chồng mà không biết mình đã | làm tổn thương tâm hồn đứa con. Cậu bé thương mẹ, bênh vực mẹ, thành ra căm ghét cha mình.

– Chánh án Đầu tốt bụng nhưng lại đơn giản trong cách nghĩ. Anh khuyến người đàn bà bỏ chồng là xong mà không biết bà cần chỗ dựa kiếm sống để nuôi con khôn lớn.

c. Ý nghĩa khám phá và phát hiện của tình huống

– Tinh huống mang ý nghĩa khám phá, phát hiện sâu sắc về đời sống và con người: Cuộc đời không đơn giản, xuôi chiều mà chứa đựng nhiều nghịch lý. Cuộc sống luôn chứa đựng nhiều mặt đối lập, mâu thuẫn, đừng vội đánh giá con người, sự vật ở dáng vẻ | bề ngoài, phải phát hiện ra bản chất thực sau vẻ ngoài đẹp đẽ của hiện tượng.

– Tình huống nhấn mạnh mối quan hệ gắn bó giữa nghệ thuật và cuộc đời. Phải có cái nhìn đa dạng, nhiều chiều. Nghệ thuật đích thực phải vì cuộc sống, vì con người, gợi mở những vấn đề mới cho sáng tạo nghệ thuật… Đẩu: vỡ lẽ ra nhiều điều trong cách nhìn nhận cuộc sống (giữa lí thuyết, sách vở và cuộc đời, vì sao người đàn bà không bỏ chồng…) Phùng: hiểu ra mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống: chiếc thuyền nghệ thuật chỉ mới là “bức ảnh chết” trên khung giấy chứ chưa phải là bức tranh đời sống. Người nghệ sĩ phải nhìn nhận sự vật, hiện tượng đa dạng nhiều chiều trong hoàn cảnh của nó và trong quan hệ với nhiều yếu tố khác.

4. Ý nghĩa tư tưởng của đoạn trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ. B. Cần tập trung phân tích những điểm cơ bản sau:

a. Phân tích hoàn cảnh trớ trêu của Hồn Trương Ba qua độc thoại nội tâm, đối thoại với các nhân vật, đặc biệt là đối thoại với các anh hàng thịt.

– Trương Ba bây giờ không còn là Trương Ba ngày trước.

– Trương Ba bây giờ vụng về, thô lỗ, phũ phàng.

– Mọi người xót xa trước tình cảnh của Trương Ba, xác anh hàng thịt cười nhạo Trương Ba, bản thân Trương Ba vô cùng đau khổ, dằn vặt.

b. Phân tích thái độ, tâm trạng của Hồn Trương Ba trong cuộc đối thoại với Đế Thích và quyết định cuối cùng của Hồn Trương Ba để rút ra chủ đề, ý nghĩa tư tưởng của đoạn trích nói riêng và vở kịch nói chung.

– Cuộc đối thoại với Đế Thích, đặc biệt lời thoại mang ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm.

– Cái chết của cu Tị và những hình dung của Hồn Trương Ba khi Hồn nhập vào xác cu Ti.

– Quyết định cuối cùng của Hồn Trương Ba: xin cho cu Tị sống và mình chết hẳn – ý nghĩ nhân văn của quyết định ấy.

c. Tổng hợp những điều đã phân tích, đánh giá chiều sâu triết lí và ý nghĩa tư tưởng của vở kịch: sự chiến thắng của lương tâm, đạo đức đối với bản năng của con người.

5. Ý nghĩa tư tưởng và đặc sắc nghệ thuật của các tác phẩm nước ngoài: Số phận con người của M. Sô-lô-khốp.

a. Ý nghĩa tư tưởng

   Số phận con người của Sô-lô-khốp đã khiến ta suy nghĩ nhiều hơn đến số phận của từng con người cụ thể sau chiến tranh. Tác phẩm đã khẳng định một cách viết mới về chiến tranh: không né tránh mất mát, không say với chiến thắng mà biết cảm nhận, chia sẻ những đau khổ tột cùng của con người sau chiến tranh. Từ đó mà tin yêu hơn đối với con người. Số phận con người khẳng định sức mạnh của lòng nhân ái, tinh thần trách nhiệm, nghị lực con người. Tất cả những điều đó sẽ nâng đỡ con người vượt lên số phận.

b. Đặc sắc nghệ thuật

   Số phận con người có sức rung cảm vô hạn của chất trữ tình sâu lắng. Nhà văn đã sáng tạo ra hình thức tự sự độc đáo, sự xen kẽ nhịp nhàng giọng điệu của người kể chuyện (tác giả và nhân vật chính). Sự hoà quyện chặt chẽ chất trữ tình của tác giả và chất trữ tình của nhân vật đã mở rộng, tăng cường đến tối đa cảm xúc nghĩ suy và những liên tưởng phong phú cho người đọc.

6. Truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn phê phán căn bệnh gì của nhân dân Trung Quốc ở đầu thế kỷ XX? Đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm.

– Lỗ Tấn phê phán những căn bệnh của người Trung Quốc đầu thế kỷ XX:

+ Bệnh u mê lạc hậu của người dân.

+ Bệnh xa rời quần chúng của những người cách mạng tiên phong.

– Đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm:

+ Cốt truyện đơn giản nhưng hàm súc.

+ Các chi tiết, hình ảnh đều giàu ý nghĩa tượng trưng. Đặc biệt là hình ảnh chiếc bánh bao tẩm máu người, hình ảnh con đường, hình ảnh vòng hoa trên mộ Hạ Du,…

+ Không gian, thời gian của truyện là một tín hiệu nghệ thuật có ý nghĩa.

7. “Nguyên lý tảng băng trôi” được thể hiện trong tác phẩm Ông già và biển cà của Hê-minh-uế như thế nào?

   Ý nghĩa biểu tượng trong đoạn trích Ông già và biển cả của Hê-minh-uế.

– Ông lão và con cá kiếm: Hai hình tượng mang một vẻ đẹp song song tương đồng trong một tình huống căng thẳng đối lập.

– Ông lão tượng trưng cho vẻ đẹp của con người trong việc theo đuổi ước mơ giản dị nhưng rất to lớn của đời mình.

– Con cá kiếm là đại diện cho tính chất kiêu hùng vĩ đại của tự nhiên.

– Trong mối quan hệ phức tạp của thiên nhiên với con người không phải lúc nào thiên nhiên cũng là kẻ thù. Con người và thiên nhiên có thể vừa là bạn vừa là đối thủ. Con cá kiếm là biểu tượng của ước mơ vừa bình thường giản dị nhưng đồng thời cũng rất khác thường, cao cả mà con người ít nhất từng theo đuổi một lần trong đời.

Nguồn website giaibai5s.com

Tuần 34: Ôn tập phần Văn học 
Đánh giá bài viết