I. KIẾN THỨC CƠ BẢN 

1. Tác giả

– Trần Đình Hượu (1926 – 1995) quê ở xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Từ 1963 đến 1993, ông giảng dạy tại khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông chuyên nghiên cứu các vấn đề lịch sử tư tưởng và văn học Việt Nam trung cận đại.”

– Các công trình chính: Đến hiện đại từ truyền thống (1996), Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại (1995), Các bài giảng về tư tưởng phương Đông (2001),.. .

– Năm 2000, Trần Đình Hượu được tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ. 

2. Tác phẩm

– Văn bản được trích trong cuốn Đến hiện đại từ truyền thống (1996) – một công trình được tặng Giải thưởng Nhà nước. Về một số mặt của văn hoá truyền thống được trích ở phần Về vấn đề tìm đặc sắc văn hoá dân tộc (mục 5, phần II và toàn bộ phần III).

– Phần Về vấn đề tìm đặc sắc văn hoá dân tộc gồm 3 nội dung:

+ Phần 1: Khái niệm chung về văn hoá và đặc sắc văn hoá dân tộc.

+ Phần II: Một số nhận xét về vài ba mặt của cái vốn văn hoá dân tộc Việt Nam.

+ Phần III: Xây dựng văn hoá Xã hội Chủ nghĩa từ cái vốn văn hoá truyền thống.

3. Khái niệm văn hoá

– Theo từ điển: Văn hoá là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. 

– Văn hoá bao gồm tất cả những gì con người sáng tạo, không có sẵn trong tự nhiên: ẩm thực, kiến trúc, âm nhạc, mỹ thuật, văn học, ngôn ngữ, phong tục, trang phục, tín ngưỡng, tôn giáo.

II. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI 

1. Tác giả Trần Đình Hượu đã đề cập đến những đặc điểm của truyền thống văn hoá Việt Nam trên cơ sở những phương diện chủ yếu của đời sống tinh thần và vật chất: tôn giáo, nghệ thuật (kiến trúc, hội hoạ, văn học), ứng xử (giao tiếp cộng đồng, tập quán), sinh hoạt (ăn, ở, mặc).

2. Đặc điểm nổi bật nhất trong các sáng tạo văn hoá của Việt Nam theo tác giả

– Văn hoá Việt Nam giàu tính nhân bản, tinh tế, hướng tới sự hài hoà trên mọi phương diện (tôn giáo, nghệ thuật, ứng xử, sinh hoạt). Thực tế cho thấy Việt Nam có nhiều tôn giáo, nhiều dân tộc cùng tồn tại trên lãnh thổ nhưng hầu như trong lịch sử . không xảy ra xung đột dữ dội về tôn giáo, về sắc tộc. Các công trình kiến trúc như chùa Tây Phương, chùa Một Cột, Tháp Rùa, lăng tẩm vua chúa đời Nguyễn… có kiến trúc với quy mô nhỏ nhưng vẫn có những điểm nhấn tinh tế, hài hoà với thiên nhiên… .

– Đặc điểm nổi bật nhất trong các sáng tạo của văn hoá Việt Nam: “Cái đẹp vừa ý là xinh, là khéo. Ta không háo hức cái tráng lệ, huy hoàng, không say mê cái huyền ảo, kì vĩ. Màu sắc chuộng cái dịu dàng thanh nhã, ghét sặc sỡ. Quy mô chuộng sự vừa khéo, vừa xinh, phải khoảng. Giao tiếp ứng xử chuộng hợp tình hợp lí. Áo quần, trang sức, món ăn đều không chuộng sự cầu kì. Tất cả đều hướng vào cái đẹp dịu dàng, thanh lịch duyên dáng và có quy mô vừa phải”.

– Tác giả khẳng định: “Nhìn vào lối sống, quan niệm sống, ta có thể nói người Việt Nam sống có văn hoá, người Việt Nam có nền văn hoá của mình. Những cái thô dã, những cái hung bạo đã bị xoá bỏ để có cái nền nhân bản. Tinh thần chung của văn hoá Việt Nam là thiết thực, linh hoạt, dung hoà”.

3. Những đặc điểm có thể coi là hạn chế của vốn văn hoá dân tộc

– Ngay trong mặt tích cực của văn hoá Việt Nam cũng ẩn tàng những hạn chế. Do quan niệm “dĩ hoà vị qui” trong mọi lĩnh vực đời sống tinh thần, vật chất nền văn hoá Việt chưa có một tầm vóc lớn lao, chưa có một vị trí quan trọng, chưa nổi bật và chưa ảnh hưởng sâu sắc đến các nền văn hoá khác. So sánh với văn hoá Hi Lạp, La Mã, Ấn Độ, Trung Hoa… ta mới thấy được điều đó.

– “Tôn giáo hay triết học đều cũng không phát triển”. Không có một ngành khoa học, kĩ thuật, giá khoa học nào phát triển đến thành có truyền thống. Âm nhạc, hội hoạ, kiến trúc đều không phát triển đến tuyệt kĩ…”. Không chuộng trí mà cũng không chuộng dũng. Dân tộc chống ngoại xâm liên tục nhưng không thượng võ”, “Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo”. Tác giả nhận định khái quát về bản chất của nền văn hoá truyền thống: “Đó là văn hoá của dân nông nghiệp định cư, không có nhu cầu lưu chuyển, trao đổi, không có sự kích thích của đô thị và lí giải về nguyên nhân của những hạn chế này: “Phải chăng đó là kết quả của ý thức lâu đời về sự nhỏ yếu, về thực tế nhiều khó khăn, nhiều bất trắc”.

4. 

– Những tôn giáo có ảnh hưởng mạnh đến văn hoá truyền thống Việt Nam là: Phật giáo và Nho giáo (Phật giáo và Nho giáo tuy từ ngoài du nhập vào nhưng đều để lại dấu ấn sâu sắc trong bản sắc dân tộc).

– Để tạo nên bản sắc văn hoá dân tộc, người Việt Nam đã tiếp nhận tư tưởng của tôn giáo này theo hướng: “Phật giáo không được tiếp nhận ở khía cạnh trí tuệ, cầu giải thoát, mà Nho giáo cũng không được tiếp nhận ở khía cạnh nghi lễ tủn mủn, giáo điều khắc nghiệt”. Người Việt tiếp nhận tôn giáo để tạo ra một cuộc sống thiết thực, bình ổn, lành mạnh với những vẻ đẹp dịu dàng, thanh lịch, những con người hiền lành, tình nghĩa, Sống có văn hoá trên một cái nền nhân bản.

– Những câu tục ngữ Việt Nam đã nói lên quan niệm đó: “Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”… Tư tưởng nhân nghĩa, trung quân ái quốc, tôn sư trọng đạo… của Nho giáo cũng được Việt hoá theo hướng phù hợp với tâm lí và xã hội người

Việt: “Học thầy không tày học bạn”, “Phép vua thua lệ làng”, “Việc nhân nghĩa cốt ở •yên dân”…

5. “Tinh thần chung của văn hoá Việt Nam là thiết thực, linh hoạt, dung hoà”. Đặc điểm này vừa nêu lên mặt tích cực, vừa tàng ẩn những hạn chế của văn hoá Việt Nam.

– Đây là điểm tích cực vì: 

+ Tính thiết thực khiến cho văn hoá Việt gắn bó sâu sắc với đời sống cộng đồng. Chẳng hạn nhà chùa là nơi thờ Phật tôn nghiêm nhưng đồng thời diễn ra nhiều sinh hoạt thế tục như ma chay, cưới hỏi, nuôi nấng trẻ em cơ nhỡ…

+ Tính linh hoạt thể hiện rõ ở khả năng tiếp nhận và biến đổi các giá trị văn hoá thuộc nhiều nguồn khác nhau sao cho phù hợp với đời sống bản địa của người Việt: Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo, Ki-tô giáo, Hồi giáo… đều có chỗ đứng trong văn hoá Việt.

+ Tính dung hoà là hệ quả tất yếu của hai thuộc tính trên trong văn hoá của người Việt. Các giá trị văn hoá thuộc nhiều nguồn khác nhau không loại trừ nhau mà được – người Việt tiếp thu có chọn lọc để tạo nên sự hài hoà bình ổn trong đời sống văn hoá.

=> Chính vì thế, vốn văn hoá Việt truyền thống giàu giá trị nhân bản, không sa vào tình trạng cực đoan, cuồng tín,

– Tuy nhiên, trong mặt tích cực lại tàng ẩn những hạn chế. Hạn chế ấy là vì luôn dung hoà nên thiếu những sáng tạo lớn, không đạt đến những giá trị phi phàm, kì vĩ. Chỉ có những tư tưởng tôn giáo hoặc quan niệm xã hội ít nhiều mang tính cực đoan mới tạo ra những giá trị đặc sắc nổi bật (Vạn lý trường thành – Trung Quốc, Kim Tự tháp – Ai Cập). Tuy nhiên, trong hoàn cảnh địa lí, lịch sử, xã hội cụ thể của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tính thiết thực, linh hoạt, dung hoà bảo đảm cho văn hoá Việt tồn tại qua những gian nan bất trắc của lịch sử.

6. Trong lời kết của đoạn trích, PGS. Trần Đình Hượu khẳng định: “Con đường hình thành bản sắc dân tộc của văn hoá không chỉ trông cậy vào sự tạo tác của chính dân tộc đó mà còn trong cậy vào khả năng chiếm lĩnh, khả năng động hoá những giá trị văn hoá bên ngoài. Về mặt đó, lịch sử chứng minh là dân tộc Việt Nam có bản lĩnh”.

– Khái niệm “tạo tác” ở đây là khái niệm có tính chất quy ước, chỉ những sáng tạo lớn, những sáng tạo mà không dân tộc nào hoặc có mà không đạt được tầm vóc kì vĩ, gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến xung quanh, toạ thành những mẫu mực đáng học tập.

– Khái niệm “đồng hoá” vừa chỉ vị thế tồn tại nghiêng về phía tiếp nhận những ảnh . hưởng lan đến từ các nguồn văn minh, văn hoá lớn, vừa chỉ khả năng tiếp thu chủ động của chủ thể tiếp nhận một khả năng cho phép ta biến những cái ngoại lai thành cái của mình, trên cơ sở gạn lọc và thu giữ.

– Khái niệm “dung hợp” vừa có những mặt gần gũi với khái niệm “đồng hoá”, vừa có điểm khác. Với khái niệm này, người ta muốn nhấn mạnh đến khả năng “chung sống hoà bình” của nhiều yếu tố tiếp thu từ nhiều nguồn khác nhau, có thể hài hoà được với nhau trong một hệ thống, một tổng thể mới.

   Như vậy, khi khái quát bản sắc văn hoá Việt Nam, tác giả không hề rơi vào thái độ tự. ti, miệt thị dân tộc. Và “Nền văn hoá tương lai” của Việt Nam sẽ là một nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Có hoà nhập mà không hoà tan, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại để làm giàu cho văn hoá dân tộc.

   Thực tế lịch sử, văn hoá và văn học Việt Nam đã chứng minh điều đó:

– Một ngàn năm, bằng mọi thủ đoạn, tập đoàn phong kiến phương Bắc cũng không thể thực hiện được ý đồ thôn tính Việt Nam.

– Thơ Đường luật ảnh hưởng khá nặng tính quy phạm của Trung Hoa nhưng trong quá trình sử dụng, ông cha ta lần lượt phá vỡ tính quy phạm.

– Chưa có chữ viết thì mượn chữ Hán, nhưng không phải chỉ mượn nguyên để sử dụng mà trên cơ sở đó, ta còn sáng tạo ra chữ ghi âm tiếng Việt: chữ Nôm. .

– Phật giáo từ An Độ, Trung Hoa. Nhưng Phật trong văn hoá Việt vẫn có nét đặc trưng: Quan Âm thành Phật ở Hương Tích, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã tạo được sự hài hòa giữa đạo – đời, nhà sư và nhà vua.

   Bản sắc văn hoá là cái riêng, cái độc đáo mang tính bền vững và tích cực của một cộng đồng văn hoá. Vì thế, nếu không có sự tạo tác của chính cộng đồng thì nền văn hoá đó sẽ không có nội lực bền vững.

III. LUYỆN TẬP

1. Anh (chị) hiểu thế nào là truyền thống “tôn sư trọng đạo”- một nét đẹp của văn hoá Việt Nam? Trình bày những suy nghĩ của anh (chị) về truyền thống này trong nhà trường và xã hội hiện nay.

Bài viết tham khảo

             Nghĩ về truyền thống “Tôn sư trọng đạo” 

   Khi không gian có những cơn gió se se lạnh, lá bàng bắt đầu trút xuống và trên bầu trời xuất hiện những cánh chim bay về phương Nam thì cũng là thời gian mà học sinh vui mừng, háo hức đón chào ngày 20 – 11, ngày Nhà giáo Việt Nam với những món quà thật ý nghĩa dâng lên thầy cô giáo để thể hiện truyền thống “Tôn sư trọng đạo”. 

   Vậy,“Tôn sư trọng đạo” là gì? Có thể hiểu rằng, “tôn sư là lòng tôn kính, thương mến của người học trò đối với thấy; “trọng đạo” là đề cao, xem trọng đạo lý. Tinh thần “Tôn sư trọng đạo” có từ rất lâu, đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Thời phong kiến, trong bậc thang giá trị, vua là trên hết, và người thầy xếp sau vua nhưng trước cha mẹ. Chúng ta thường nghe nói “Quân – Sư – Phụ” là thế. Những câu tục ngữ, ca dao truyền miệng từ xưa đến nay mà mọi người đều thấy quen thuộc: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Không thầy đố mày làm nên”, “Trọng thầy mới được làm thầy”, “Muốn sang thì bắc cầu kiều – Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, cũng thể hiện được truyền thống “Tôn sư trọng đạo”.

   Có nhiều người băn khoăn: Vì sao người học cần phải biết “tôn sư”? Bởi vì người thầy là người biết thương mến, lo lắng cho học trò mình, biết cách dạy dỗ, hướng dẫn cho học trò mình phát triển, tiến bộ, trở nên người tốt ở trên đời. Từ xưa, lịch sử giáo dục của dân tộc ta có những người thầy tiêu biểu, được nhân dân mãi mãi tôn vinh, gương sáng còn lan tỏa đến ngày nay như thầy Đỗ Năng Tế (thầy dạy cả văn lẫn võ cho hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị), thầy Chu Văn An, thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm, thầy Nguyễn Đình Chiểu và gần đây, có thầy Nguyễn Tất Thành (tức Bác Hồ kính yêu của chúng ta). Những người thầy đó đã để lại những tấm gương sáng về đạo làm thầy, không màng danh lợi, không chuộng hư vinh, hết lòng đào tạo bao thế hệ học trò, con em nhân dân phò đời giúp nước, làm rạng rỡ những trang sử vẻ vang của dân tộc. Không chỉ biết “tôn sư”, người học còn phải biết “trọng đạo”. Một trong những biểu hiện của tinh thần “trọng đạo” là xem trọng, biết ơn người thầy. Ngày xưa, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, ông bà, cha mẹ lại không quên nhắc nhở con cháu đi chúc Tết “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba lết thầy”. Trong không khí vui như Tết”, mọi người vẫn không quên dành cho những người thầy những lời chúc tốt đẹp, những sự quan tâm đầy tình nghĩa.

   Ngày nay nhà giáo được vinh danh là kĩ sư tâm hồn, nghề giáo được đánh giá là “Nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề cao quý. Lớp lớp nhà giáo đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “Vì lợi ích trăm năm trồng người” (Bác Hồ), họ đã giảng dạy những học sinh từ mẫu giáo đến việc đào tạo ra không chỉ những công nhân, viên chức bình thường mà cả rất nhiều kĩ sư, bác sĩ, tiến sĩ, giáo sư nổi tiếng. Và không giống những nghề cho ra đời những sản phẩm vật chất, nghề giáo đã tạo ra những con người tri thức, có đạo đức. Mà muốn tạo ra những sản phẩm con người vừa có đạo đức, vừa có tri thức trong thời buổi hội nhập, trong sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ hiện nay, chắc chắn làm một thầy giáo, cô giáo cũng chẳng dễ dàng gì. Để có một bài giảng tốt, một lời khuyên hay, người thấy trước tiên phải là tấm gương sáng, và đã phải trăn trở, nghĩ suy biết bao đêm ngày, lo lắng tất cả mọi thứ từ việc dặn dò học sinh học bài cũ, soạn bài mới cho đến việc thiết kế, soạn giáo án lên lớp. Đó là chưa kể đến những thầy cô nhà ở rất xa trường, phải đi rất nhiều cây số mới đến được lớp học, rồi lại có những thầy cô có hoàn cảnh rất khó khăn, cha mẹ già yếu, con cái đau ốm,… Nhưng vượt lên tất cả sự vất vả, người thầy luôn dành những gì tốt nhất mà mình chuẩn bị, dành hết cái tâm của mình để học sinh có thể hiểu bài, với một hi vọng giản đơn là mỗi học sinh sẽ trở thành một người có ích cho xã hội trong hiện tại và tương lai. Chính vì vậy mà hình ảnh người thầy đã khắc sâu vào tâm hồn của những ai từng là học sinh. Chắc chắn không ai có thể quên được ngày đầu tiên đi học “mắt ướt nhạt nhòa”, được cô giáo “vỗ về an ủi thật thiết tha”. Rồi trong một khoảng thời gian dài làm học sinh, biết bao người đã được thầy cô uốn nắn từng chữ viết, dạy cho cách làm người, cung cấp bao nhiều kiến thức. Viên phấn trên tay thầy cô càng ngắn dần, tóc thầy cô càng điểm nhiều sợi bạc thì học sinh càng được mở rộng thêm về kiến thức, về sự hiểu biết. Trong miền kí ức của học sinh, thầy cô là người cha, người mẹ thứ hai, là ngọn gió mơn man mùa hạ, là bếp lửa hồng sưởi ấm mùa đông giá rét.

   Tấm lòng của thầy cô bao la như trời biển, vậy mà trong môi trường học đường, vẫn còn đâu đó một số học sinh còn có biểu hiện xem thường kỷ cương học tập và thái độ tôn sư trọng đạo. Ở lớp, họ không chú ý nghe thấy, đua bạn. Ở nhà, họ không chịu học bài, | làm bài, ý thức tự giác của họ chưa cao, thậm chí họ còn có thái độ vô lễ, xem thường thầy cô. Đó là chưa kể đến một số học sinh đã rời trường, bất chợt gặp thầy cô trên đường thì nhìn đi chỗ khác hoặc cứ giương mắt rồi đi mà chẳng hề chào hỏi. Những học sinh đó thật là đáng trách.

   Người dân Việt Nam có tinh thần hiếu học và rất biết ơn người có công dạy dỗ mình dù người ấy chỉ dạy mình một chữ hay nửa chữ “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Mang ơn thầy là bổn phận của người học bởi “Không thầy đố mày làm nên”. Bổn phận này không phải chỉ là sản phẩm của lý trí thuần túy, nó xuất phát từ một tấm lòng, một tình cảm thật sâu xa bền bỉ: đó là sự thương mến kính trọng thầy. Mà đã thương mến, kính trọng, biết ơn thầy thì phải thể hiện bằng hành động thật cụ thể, chí ít phải chú trọng việc duy trì nề nếp, kỷ cương học tập và có thái độ “Tôn sư trọng đạo”. Mỗi học sinh cần học bài cũ, soạn bài mới trước khi đến lớp. Ở lớp học, chúng ta nên chú ý nghe thầy giảng, học tập cùng bạn, thi đua giành nhiều điểm tốt, lễ phép với thầy cô và thân ái với bạn bè. Đó chính là món quà tinh thần lớn nhất mà chúng ta dành tặng thầy cô. Thiết nghĩ, khi còn ngồi trên ghế học đường mà học sinh không học hành nghiêm túc, không kính trọng thầy, cô giáo thì sau này khó trở thành công dân tốt. Chắc chắn, các thầy cô giáo hết lòng với học sinh, với nghề nghiệp, ngày xưa họ từng là những học sinh có tinh thần “Tôn sư trọng đạo”.

   Ngày 20 – 11 đã đến, một ngày như bao ngày nhưng lại trọng đại hơn bao ngày bởi | đây là ngày Hội của các thầy, các cô; ngày mà các thầy cô có dịp nhìn lại thành quả do công sức khó nhọc của mình bỏ ra, ngắm những cây xanh do chính tay mình ươm mầm và chăm sóc, là ngày mà vẻ đẹp của các “kĩ sư tâm hồn” được tôn vinh, là ngày mà dân tộc Việt Nam thể hiện rõ nhất truyền thống “Tôn sư trọng đạo”. Với ý nghĩa ấy, học sinh chúng ta hãy trân trọng kính dâng các thầy, các cô những đoá hoa thành tích tươi thắm cùng lời chúc thầy cô dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, hoàn thành tốt công tác, mãi mãi thương yêu và dìu dắt học sinh từng bước trưởng thành.

                                                                          (Theo Tuyết Nga)

2. Theo anh (chị), nét đẹp văn hoá gây ấn tượng nhất trong những ngày Tết Nguyên đán của Việt Nam là gì? Trình bày những hiểu biết và quan điểm của anh chị về vấn đề này?

   Học sinh có thể tham khảo một số ý sau: 

– Tống cựu nghênh tân (tiễn năm cũ qua đón năm mới đến): cuối năm quét dọn sạch sẽ nhà cửa, sản ngõ, vứt bỏ những thứ rác rưởi, cùng làng xóm dọn dẹp nhà thờ, đình chùa, tắm giặt, cắt tóc, may sắm quần áo mới, trang trí bàn thờ, lau chùi bàn ghế, ấm chén và mọi thứ thức ăn vật dụng.

– Nhiều gia đình nhắc nhở, dặn dò con cháu từ phút giao thừa trở đi không quấy khóc, không nghịch ngợm, cãi cọ nhau, không nói tục chửi bậy, không vứt rác, viết, vẽ bừa bãi. Cha mẹ, anh chị cũng không quở mắng, trách phạt con em, đối với ai cũng tay | bắt mặt mừng, vui vẻ niềm nở dù lạ dù quen.

– Đối với bà con xóm giềng dù trong năm cũ có điều gì không hay không phải, điều nặng tiếng nhẹ hay xích mích gì đều xí xoá hết. Dù có thực lòng hay không nhưng không để bụng, cũng không ai nói khích bác hoặc bóng gió, ác ý gì trong những ngày đầu năm. Dẫu mới gặp nhau ít phút trước, nhưng sau phút giao thừa coi như mới gặp, người ta chúc nhau những điều tốt lành.

– Hái lộc, xông nhà, chúc Tết, mừng tuổi: ai cũng hy vọng một năm mới tài lộc dồi dào, làm ăn thịnh vượng, mạnh khỏe tiến bộ, thành đạt hơn năm cũ. Lộc tự nhiên đến, đi hái lộc (chỉ là một cành non ở đình chùa, ở chốn tôn nghiêm mang về nhà), tự mình xông nhà hoặc dặn trước người “nhẹ vía” mà mình thích đến xông nhà. Bạn nào vinh dự được người khác mời đến xông thì nên chú ý, chớ có sai hẹn sẽ xúi quẩy cả năm đối với gia đình người ta và cả đối với bạn. Nhiều người không tin tục xông nhà nhưng cũng phải dè dặt, chưa dám đến nhà ai sớm, sợ trong năm mới gia đình người ta xảy ra chuyện gì không hay đổ tại mình “nặng vía”. Tục xông nhà chỉ tính người đầu tiên đến nhà.

– Sau giao thừa có tục mừng tuổi chúc Tết. Trước hết con cháu mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Ông bà cha mẹ cùng chuẩn bị một ít tiền để mừng tuổi cho con cháu trong nhà và con cháu hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thích. Lời chúc có ca có kệ hẳn hoi nhưng xem người ta thích nhất điều gì thì chúc điều đó, chúc sức khoẻ là phổ biến nhất. Xưng hô hợp với lứa tuổi và quan hệ thân thuộc. Chúc Tết những người trong năm cũ gặp rủi ro tai hoạ thì động viên nhau “của đi thay người”, “tai qua nạn khỏi”, nghĩa là ngay trong cái hoạ cũng tìm thấy cái phúc, hướng về sự tốt lành.

– Quanh năm làm ăn vất vả, ít có điều kiện qua lại thăm hỏi nhau, nhân ngày Tết đến chúc mừng nhau, gắn bó tình cảm thật là đậm đà ý vị; hoặc điếu thuốc miếng trầu, hoặc chén trà ly rượu, chăng tốn kém là bao.

– Cũng vào dịp đầu xuân, người có chức tước khai ấn, học trò sĩ phu khai bút, nhà nông khai canh, thợ thủ công khai công, người buôn bán mở hàng lấy ngày… 

3. Theo anh (chị) hủ tục cần bài trừ trong ngày lễ tết ở Việt Nam là gì? Trình bày hiểu biết và quan điểm của anh (chị) về vấn đề này.

   Hủ tục cần bài trừ: Kiên quyết chống tệ liên hoan ăn uống, lãng phí, lối sống bê tha, rượu chè, cờ bạc, mê tín dị đoan…– Học sinh tự làm.

Nguồn website giaibai5s.com

Tuần 30: Nhìn về vốn văn hoá dân tộc – Trần Đình Hượu
Đánh giá bài viết