I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

Hoàn cảnh sáng tác

– Ngày 19 – 8 – 1945 chính quyền ở thủ đô Hà Nội đã thuộc về tay nhân dân.

– Ngày 23 – 8 – 1945 trước 15 vạn đồng bào ta, vua Bảo Đại thoải vị.

– Ngày 26 – 8 – 1945 Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc về tới Hà Nội. Tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, Người soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập.

– Ngày 2 – 9 – 1945 tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Người thay mặt chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trước hàng chục vạn đồng bào, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mở ra một kỉ nguyên mới – kỉ nguyên độc lập, tự do.

II. HƯỚNG DẪN HỌC BÀI

1. Tác phẩm chia làm ba phần:

– Đặt vấn đề: Từ đầu đến “… không ai chối cãi được” – Cơ sở pháp lý và chính nghĩa của Tuyên ngôn Độc lập.

– Giải quyết vấn đề: Từ “Thế mà … dân tộc đó phải được độc lập” – Bản cáo trạng tội ác của thực dân Pháp và quá trình đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta.

– Kết thúc vấn đề: phần còn lại – chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyên bố với thế giới về quyền tự do, độc lập.

2. Việc trích dẫn bản Tuyên ngôn Độc lập (1776) của nước Mĩ và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền (1791) của Cách mạng Pháp trong phần mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của tác giả có ý nghĩa:

   Mở đầu bản tuyên ngôn, Bác khẳng định luận đề: quyền bình đẳng, quyền tự do, quyền được sống và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người. Đó là những quyền không ai có  thể xâm phạm được. Bác đã trích dẫn hai câu nổi tiếng trong hai bản tuyên ngôn của Mỹ và Pháp. Vậy Bác đã khẳng định quyền độc lập, tự do của dân tộc ta bằng chính lời lẽ của tổ tiên người Mĩ, người Pháp đã ghi trong hai bản Tuyên ngôn Độc lập (1776) và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền (1791), từng làm vẻ vang cho truyền thống tư tưởng và văn hoá của những dân tộc ấy.

– Việc trích dẫn ấy có ý nghĩa sâu sắc:

+ Những câu trích dẫn thực chất là những chân lí bất hủ của mọi dân tộc, chứ không phải là của hai dân tộc Mĩ và Pháp.

+ Hơn nữa, trong tranh luận, để bác bỏ luận điệu của đối phương còn gì đích đáng hơn là dùng chính lời lẽ của chính họ? Đây là cách tranh luận hiệu quả theo lối “Lấy gậy ông đập lưng ông”.

+ Ngoài ra, mở đầu bản tuyên ngôn, Bác nhắc đến hai bản tuyên ngôn nổi tiếng trong lịch sử nhân loại của hai nước lớn như thế thì cũng có nghĩa là đặt ba cuộc cách mạng ngang hàng nhau, ba bản tuyên ngôn ngang hàng nhau, ba dân tộc ngang hàng nhau và kín đáo hơn, Bác như muốn gợi lại về truyền thống của dân tộc ta.

   Bác đã ca ngợi bản Tuyên ngôn Độc lập của Mĩ (1776) là lời bất hủ có nghĩa là lời nói hay, đúng, có giá trị mãi mãi.

– Sau khi ca ngợi, Bác đã “suy rộng ra” nhằm nêu cao một lí tưởng về quyền bình đắng, quyền sống, quyền sung sướng và tự do của các dân tộc trên thế giới. Đây là đóng góp đầy ý nghĩa của Hồ Chí Minh đối với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, là phát sáng lệnh khởi đầu cho bão táp cách mạng ở các nước thuộc địa sẽ làm sụp đổ chủ nghĩa thực dân trên khắp thế giới vào nửa sau thế kỉ XX.

   Bằng lí lẽ đanh thép, lập luận chặt chẽ và những bằng chứng cụ thể, xác thực, Bác đã khẳng định chân lí về quyền tự do, bình đẳng của dân tộc ta.

3. Trong phần thứ hai của bản Tuyên ngôn Độc lập, tác giả đã lập luận để khẳng định quyền độc lập, tự do của nước Việt Nam.

a) Bản cáo trạng tội ác của thực dân Pháp

   Bác đã vạch trần những hành động trái hắn với nhân đạo và chính nghĩa” của chúng trong 80 năm thống trị nước ta.

– Về chính trị, chúng gây ra các tội ác: Tước đoạt tự do dân chủ, thi hành những luật pháp dã man, chém giết những chiến sĩ yêu nước của ta, thi hành ràng buộc dư luận – chính sách ngu dân, đầu độc bằng thuốc phiện, rượu cồn. 

Đó là những bằng chứng rất cụ thể, chính xác được viết dưới những câu văn ngắn gọn, đanh thép, hùng hồn, kết hợp với những điệp từ, biện pháp so sánh, mỉa mai:

“Lập nhà tù nhiều hơn trường học”. Cách dùng hình ảnh có tác dụng làm tăng thêm tội ác của thực dân Pháp: “Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong bể máu”.

– Về kinh tế, chúng gây ra các tội ác: bóc lột, tước đoạt, độc quyền in giấy bạc xuất nhập cảng, sau thuế nặng nề, cuộc sống nhân dân bần cùng, đè nén các nhà tư sản, bóc lột công nhân ta, gây ra thảm hoạ hơn 2 triệu đồng bào miền Bắc bị chết đói. Thực dân Pháp muốn kể công bảo hộ Đông Dương ư? Thì bản tuyên ngôn đã chỉ rõ không phải là công mà là tội vì trong vòng 5 năm (1940 – 1945) chúng đã hèn hạ và nhục nhã “bán nước ta hai lần cho Nhật”.

– Về quân sự: Thẳng tay khủng bố Việt Minh, khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đồng tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng.

   Bằng những lí lẽ đanh thép, chặt chẽ, Bác đã vạch trần tội ác của thực dân Pháp, khiến chúng không thể chối cãi được.

b) Quá trình đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta .

“Từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải là thuộc địa của Pháp nữa. Nhân dân ta đã nổi dậy giành chính quyền khi Nhật đầu hàng đồng minh.” Đây là luận điểm quan trọng bác bỏ lời tuyên bố Đông Dương là thuộc địa của Pháp và Pháp có quyền trở lại Đông Dương. Luận điểm này sẽ dẫn tới lời tuyên bố tiếp theo của bản tuyên ngôn.

– Chế độ thực dân Pháp trên đất nước ta vĩnh viễn bị chấm dứt và xoá bỏ. Điệp khúc “Sự thật” được lặp lại, nối tiếp nhau làm tăng thêm âm hưởng hùng biện của bản tuyên ngôn.

4. Tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập thể hiện phong cách nghệ thuật của Hồ Chí Minh trong văn chính luận: lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, ngôn ngữ hùng hồn.

   Một lối viết ngắn gọn, nghệ thuật lập luận chặt chẽ, đanh thép, hùng hồn, chính xác, bản Tuyên ngôn Độc lập được coi là một trong ba tảng đá lớn nhất của nền văn học nước nhà về xác định chủ quyền độc lập. Bản tuyên ngôn là sự nối tiếp truyền thống hào hùng của dân tộc, góp phần làm giàu đẹp lịch sử và nền văn hoá dân tộc, tô thắm tinh thần yêu nước, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc ta.

III. LUYỆN TẬP

   Lí giải vì sao bản Tuyên ngôn Độc lập từ khi ra đời cho đến nay là một áng văn chính luận có sức lay động sâu sắc hàng chục triệu trái tim con người Việt Nam.

   Gợi ý 

   Tuyên ngôn Độc lập (2 – 9 – 1945) là tuyên ngôn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nước độc lập do dân làm chủ, thực hiện ba mục tiêu: độc lập, tự do, hạnh phúc. Độc lập là điều kiện để mưu cầu cuộc sống tự do, hạnh phúc cho dân.

   Nó có ý nghĩa chính trị rất to lớn và có sức sống bền vững. Trong lúc làm cuộc Cách mạng tháng Tám, Việt Nam ở xa Liên Xô, trong thế còn đơn độc. Các thế lực phản động lại biết rõ cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là cuộc cách mạng triệt để, giành độc lập để đi lên chủ nghĩa xã hội – chủ nghĩa cộng sản, từ năm 1940, Tưởng Giới Thạch đã có kế hoạch “Hoa quân nhập Việt, diệt Cộng cầm Hồ”. Kẻ địch biết và có ý đồ đánh phá như vậy, cho nên về nghệ thuật lãnh đạo, không thể để chúng có chứng cớ và lấy cớ chống cộng mà đánh phá cách mạng Việt Nam. Từ đó, tên nước được đặt theo văn phạm Trung Quốc là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mục tiêu: Độc lập, tự do, hạnh phúc, nghe qua như là cách mạng Việt Nam theo tư tưởng cách mạng tư sản Tam dân chủ nghĩa” của Tôn Trung Sơn: dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc. Khi chuyển Đảng vào hoạt động bí mật thì tuyên bố giải tán Đảng.

   Cũng theo hướng đó, Tuyên ngôn Độc lập mở đầu bằng nêu cao hai tuyên ngôn của cách mạng tư sản ở Mĩ (1776) và ở Pháp (1791). Quyết định công bố Tuyên ngôn Độc lập và ra mắt Chính phủ lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch vào ngày 2 – 9 – 1945 trước cuộc mít tinh của hàng vạn dân thủ đô Hà Nội, cũng có ý nghĩa quan trọng. Ngày 2 – 9 – 1945 là ngày kết thúc thắng lợi cuộc Cách mạng tháng Tám trong cả nước và cũng là ngày mà quân đồng minh chưa kịp vào Việt Nam. Nêu cao hai bản tuyên ngôn của cuộc cách mạng tư sản ở Mĩ và ở Pháp, là hai văn bản nổi tiếng trong lịch sử thế giới cận đại mà ai có học đều biết, Tuyên ngôn Độc lập 2 – 9 đã chỉ rõ một lẽ phải không ai chối cãi được đó là “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”, “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Từ đó, lên án thực dân Pháp đã lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái để cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta trong 30 năm, trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa. Mùa thu 1940, rồi ngày 9 – 3 – 1945, trong 5 năm thực dân Pháp đã hai lần bán nước ta cho Nhật. Dân ta đã lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật chứ không phải từ tay Pháp. Nêu rõ như vậy là để bác bỏ một lập luận rất vô lí cho rằng, Pháp đã bị mất Việt Nam, nên phải giành lại Việt Nam. Tuyên ngôn đã khái quát tình hình Việt Nam: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị” để cho thấy rằng, dân ta lập ra chính phủ với chế độ Dân chủ Cộng hòa là việc đương nhiên. Tuyên ngôn đã khẳng định một quyết tâm sắt đá: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Tuyên ngôn Độc lập được công bố ngày 2 – 9 – 1945 đã tạo lí, tạo thế và tạo ra lực lượng đồng tình ủng hộ rộng rãi ở trong nước và trên thế giới đối với cuộc cách mạng Việt Nam. Như vậy, tuyên ngôn không chỉ là động lực mạnh về tinh thần mà đã trở thành một sức mạnh về vật chất để đánh thắng giặc Pháp, giặc Mĩ trong 30 năm. Lời Bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” là một sự thôi thúc cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong kháng chiến chống Mỹ, cũng theo tinh thần của bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 – 9 – 1945. Chủ trương đối mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập với nền kinh tế thế giới chỉ thành công lớn khi nó làm cho quyền độc lập tự chủ nêu trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 – 9 – 1945 thêm vững chắc.

   Dân tộc ta tự hào có được Hồ Chủ tịch – Người đã soạn thảo ra bản Tuyên ngôn Độc lập – một vị lãnh tụ vĩ đại có bản lĩnh về trí tuệ, về mưu lược ở tầm cao, rất cao. Ngày 2-9-1969, Bác Hồ qua đời. Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc điếu văn, trong đó có câu: “Dân tộc ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch – người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”. Câu đó nêu đúng tình cảm vô cùng quí mến đối với Bác Hồ và đã gây xúc động rất mạnh trong lòng mọi người.

Nguồn website giaibai5s.com

Tuần 3: Tuyên ngôn Độc lập (tiếp theo) – Hồ Chí Minh
Đánh giá bài viết