Đề 1: Tình thương là hạnh phúc của con người.

Dàn bài gợi ý

1. Mở bài

– Giới thiệu tổng quát: Trong cuộc sống, ai cũng từng nói, từng nghe hai chữ “tình thương”. Song có một thực tế khó phủ nhận không phải ai cũng thấu hiểu sâu sắc hai chữ rất đỗi giản dị mà vô cùng thiêng liêng ấy.

– Nêu vấn đề nghị luận: Quan niệm “Tinh thường là hạnh phúc của con người” có thể xem là một cách hiểu đáng tin cậy.

2. Thân bài

Giải thích

a) “Tình thương”: là một khái niệm chỉ một phẩm chất tình cảm, vẻ đẹp tâm hồn của con người. Đó là tình cảm thương yêu, chia sẻ và đùm bọc một cách thắm thiết”.

b) “Hạnh phúc”: là khái niệm chỉ “trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện”.

c) “Tình thường là hạnh phúc của con người”: là cách nói định nghĩa về tình thương: tình cảm thương yêu, chia sẻ và đùm bọc một cách thắm thiết của con người sẽ đem đến cho con người niềm sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện. Thực chất, đây là cách diễn đạt cô đọng về ý nghĩa, tác dụng của tình thường đối với đời sống con người.

Phân tích: Những biểu hiện của tình thương trong cuộc sống.

a)Tình thương giữa những người có quan hệ ruột thịt, thân thích.

– Tình yêu thương, sự chăm sóc, hi sinh… tự nhiên, tự nguyện của ông bà, cha mẹ dành cho con cháu.

– Sự nhường nhịn, giúp đỡ… giữa anh chị em.

– Sự đùm bọc, cưu mang… giữa những người họ hàng.

– Sự kính trọng, biết ơn, thái độ quan tâm, phụng dưỡng… của con cháu đối với ông bà, cha mẹ.

b) Tình thương yêu dành cho đồng bào, đồng loại.

– Thái độ đồng cảm, xót thương chân thành, sâu sắc dành cho những con người có số phận đau khổ, bất hạnh: những đứa trẻ mồ côi, những người già cô đơn, những người bị hắt hủi, những người bị tật nguyền (do bẩm sinh, tai nạn, nạn nhân chiến tranh…), người sống trong nghèo khó, người mang những căn bệnh hiểm nghèo… .

– Thái độ quan tâm, hành động sẵn sàng chia sẻ về vật chất cho những người sống khó khăn, thiếu thốn, cần sự giúp đỡ ở quanh mình: ủng hộ tiền, đồ dùng sinh hoạt, tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện do các cấp, ngành phát động như hiến máu nhân đạo, phong trào tình nguyện, nhịp cầu trái tim, nối vòng tay lớn, chăm sóc trẻ em khuyết tật, trẻ mồ côi trong làng SOS…

c) Tích cực lên án, đấu tranh chống lại những thế lực đày đoạ, bóc lột, ngược đãi con người.

Bàn luận về ý nghĩa, tác dụng của tình thương trong cuộc sống.

a) Ý nghĩa, tác dụng của tình thương trong cuộc sống.

– Tình thương yêu sẽ là ngọn lửa sưởi ấm tâm hồn những con người cô đơn, đau khổ, bất hạnh, truyền cho họ sức mạnh, nghị lực để vượt lên hoàn cảnh cô đơn, đau khổ, bất hạnh ấy.

– Tình thương tạo ra sức mạnh cảm hoá kì diệu đối với những người “lầm đường, lạc lối”, thậm chí cả kẻ thù.

– Được sống trong tình thương là niềm hạnh phúc lớn, là tiền đề để con người trở nên lương thiện: những đứa trẻ được nuôi dưỡng lớn lên trong tình yêu thương sẽ có tâm hồn nhạy cảm với những buồn vui, biết yêu thương, quan tâm đến người khác quanh mình. Trái lại, những đứa trẻ bị đối xử thô bạo, bị hắt hủi, bị ruồng bỏ sẽ là bất hạnh khôn cùng…

– Con người hạnh phúc vì được sống khi bị cái chết rình rập, được ăn khi đang đói, được đầy đủ khi đang nghèo khó, được hi vọng khi đang tuyệt vọng, được thành công sau khi thất bại… nhưng niềm hạnh phúc lớn lao nhất vẫn là được sống trong tình thương.

b) Không chỉ người được nhận tình thương mới hạnh phúc mà cả người trao tình thương cũng được hạnh phúc vì hạnh phúc không phải chỉ là “nhận” mà còn là “cho”.

Liên hệ bản thân.

3. Kết bài

Khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của ý kiến trên.

   Bài viết tham khảo

  Mỗi con người sinh ra trên thế gian này đã là một niềm hạnh phúc vĩ đại. Nhưng sinh ra để sống trong vô nghĩa thì cái diễm phúc lớn lao kia lại trở thành một thứ bi kịch chua xót. Ý nghĩa cuộc sống – điều làm nên hạnh phúc thực sự, để hạnh phúc tồn tại lâu bền nhất lại chỉ vang lên nhịp đập của nó khi được nuôi dưỡng bởi suối nguồn của tình yêu thương. Dường như quy luật ấy đã. trở thành muôn thuở và là chân lí của cuộc sống. Cũng bởi lẽ trên, đã có ý kiến cho rằng: “Tinh thương là hạnh phúc của con người”.

   Khi còn ở tuổi thiếu niên, dường như mọi người trong chúng ta thường nhìn nhận khái niệm hạnh phúc rất đơn giản là những điều mình mong muốn. Bước vào cuộc sống, bạn thật sự đặt chân lên cuộc hành trình tự khẳng định mình, tìm kiếm giá trị cuộc sống và ý nghĩa bản thân, bạn sẽ nhận ra rằng: “Tình thương là hạnh phúc của con người”. Đó cũng chính là một chân lí vĩnh hằng của cuộc sống. Dù mơ hồ hay rõ ràng, ai cũng có thể nhận ra rằng tình thương là những tình cảm đẹp đẽ và nồng nhiệt của con người, gắn kết những trái tim đồng cảm. Nó có thể là tình cảm lứa đôi, tình cảm gia đình, bè bạn và cao hơn cả là tình người nói chung. Đó có thể là những tình cảm bình dị nhất, gần gũi nhất từ sự quan tâm, chăm sóc nhau trong cuộc sống đến những tình cảm lớn lao hơn mang tính giai cấp, cộng đồng. Tình thương – đó là tấm lòng yêu thương chân thành và trong sáng – là tình cảm chỉ trao đi mà không cần nhận lại, không vụ lợi, không toan tính. Có thể nói, tình thương là một thứ tình cảm đẹp đẽ luôn tồn tại trong bản chất của mỗi con người. Và kết quả của sự yêu thương đó là sự thỏa mãn của con tim – cái được gọi là niềm hạnh phúc.

   Hạnh phúc là gì? Tự bao đời nay, con người luôn khao khát yêu thương, luôn kiếm tìm hạnh phúc. Người ta có thể cảm nhận được hạnh phúc nhưng để mô tả nó một cách rõ ràng thì không phải là một điều đơn giản. Chỉ có thể nói về hạnh phúc như là một trạng thái sung sướng vì cảm thấy thỏa mãn ý nguyện. Nhưng đó không chỉ đơn thuần là ước muốn vật chất hay sự thành công, mà là cả một tổng thể bao gồm những khái niệm hết sức trừu tượng, nhưng cũng thật đơn giản biết bao. Có đôi lúc, hạnh phúc là giọt nước mắt nóng hổi của mẹ và tiếng cười ấm áp của cha khi nhìn con ra đời khỏe mạnh. Hạnh phúc có khi là niềm xúc động khi nhận được một sự giúp đỡ hay một lời chia sẻ chân thành. Đối với nhiều người, hạnh phúc bắt đầu từ điều đơn giản nhất, khi mỗi sớm mai thức dậy, thấy mình sống có ích trên cõi đời.

                  “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy

                 Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”.

                                                         (Trịnh Công Sơn)

   Hạnh phúc đôi khi chỉ đơn giản và bình dị thế. Sự thật là có một mối liên hệ không thể tách rời giữa hạnh phúc và tình thương. Con người không thể sống hạnh phúc mà không có tình thương. Tinh thương mang lại hạnh phúc cho người nhận nó, giúp họ có thêm nghị lực để vượt qua mọi thử thách, khó khăn; là động lực giúp họ ngày càng hoàn thiện hơn. Trong Những người khốn khổ (V. Huy-gô), triết lí tình thương của nhân vật Giăng Van-giăng đã có ý nghĩa lớn lao, thay đổi số phận và giáo hóa con người.

   Giăng Van-giăng đã thay lời Huy-gô để nói lên một triết lí: “Trong đời chỉ có một điều, ấy là yêu thương nhau”. Không chỉ với người nhận, sự trao đi tình thương cũng là điều mang lại hạnh phúc. Khi bạn giúp đỡ một bà cụ đi qua đường thì bạn cảm thấy thế nào? Câu trả lời nằm trong tim bạn. Có phải bạn đang vui…? Thế có nghĩa là bạn đang hạnh phúc đấy. Trao đi yêu thương một cách tự nhiên, chúng ta sẽ nhận lại hạnh phúc xứng đáng. Bởi khổ đau được san se sẽ vơi nữa, còn hạnh phúc được san se sẽ nhận đổi. Thomas Merton đã từng nhận xét: “Nếu chúng ta chỉ biết tìm hạnh phúc cho riêng mình thì có thể chúng ta sẽ chẳng bao giờ tìm thấy. Hạnh phúc đích thực là biết sống vì người khác – một tình yêu không vị kỉ, không đòi hỏi phải được đền đáp. Đúng vậy, được yêu thương là một hạnh phúc, nhưng yêu thương người khác còn là một hạnh phúc lớn hơn. Fình thương mang lại hạnh phúc cho con người. Đó chính là lý do tại sao mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ chúng ta phải biết rèn luyện bản thân, để tạo nên hạnh phúc cho bản thân, cho gia đình và xã hội: “Cái đẹp cứu vớt thế giới (Đô-txôi-ép-xki). Tinh thường là nét đẹp tiềm ẩn sức mạnh vĩ đại, là niềm hạnh phúc quí giá của con người. Cần biết trân trọng những gì ta đang có, yêu thương và san sẻ để cuộc sống trở nên có ý nghĩa hơn.

   Ngày nào ta còn sống, tức là ta còn có cơ hội để cảm nhận hạnh phúc của cuộc đời. Vì vậy, chúng ta hãy chia sẻ lòng tốt và lòng nhiệt tình đối với người khác. Một câu ngạn ngữ của Scotland nói rằng: “Hãy sống thật hạnh phúc khi bạn còn đang sống – bởi vì bạn chỉ có một lần sống duy nhất mà thôi!”. Thế còn bạn thì sao? Tôi thì sao? Liệu chúng ta có biết nhận ra những điều tương tự? Mỗi ngày chúng ta có 24 giờ để sống, để yêu thương, để phát hiện những điều tuyệt vời nhất trong cuộc sống. Hãy cho đi tình thương để có thể cảm nhận cuộc sống một cách đầy đủ nhất, tuyệt vời nhất, trọn vẹn nhất, bạn nhé..

                                                                           (Sưu tầm)

   Đề 2. “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động.

   Ý kiến trên của M. Xi-xê-rống (nhà triết học La Mã cổ đại) gợi cho anh (chị) những suy nghĩ gì về việc tu dưỡng và học tập của bản thân?

Dàn bài gợi ý

1. Mở bài

– Trong quá trình tu dưỡng, rèn luyện và học tập, phấn đấu, không phải ai cũng xác định một cách đúng đắn, rõ ràng những tiêu chí để đánh giá đúng giá trị bản thân.

– Giá trị của một con người được thể hiện, khẳng định qua suy nghĩ, nhận thức hay lời nói, hành động?

– Nhà triết học cổ đã có gợi ý: “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”. Theo M. Xi-xê-rong, hành động mới chính là thước đo mọi phẩm chất của con người.

2. Thân bài

a) Giải thích nội dung câu nói

– Đức hạnh là phẩm chất đạo đức, trí tuệ, tâm hồn tốt đẹp của con người.

– Hành động: những việc làm cụ thể có ý thức, có mục đích.

– Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động: đạo đức, phẩm cách tốt đẹp của con người phải được thể hiện qua hành động, thể hiện bằng những việc làm cụ thể. Đức hạnh sẽ soi đường, định hướng cho hành động. Và hành động phải là tấm gương phản ánh đức hạnh, luôn luôn song hành, gắn bó mật thiết với đức hạnh.

b) Phân tích, chứng minh tính đúng đắn của câu nói 

– Vì sao “Mọi phân chất của đức hạnh là ở trong hành động”?

+ Hành động sẽ thể hiện trực tiếp giá trị, bản chất của một con người.

+ Những suy nghĩ, nhận thức đúng đắn, cao cả chỉ là biểu hiện bản chất, giá trị con người ở dạng tiềm ẩn, trừu tượng, khó nhận biết.

+ Lời nói tuy cũng biểu hiện trực tiếp bản chất một con người nhưng không có độ tin cậy cao: “Đừng nghe anh ta nói, hãy xem anh ta làm”.

+ Héc-béc (Anh) cũng khẳng định: “Câu trả lời ngắn nhất là hành động”.

– Đức hạnh là cội nguồn của hành động, là cơ sở chi phối hành động của một con người:

+ Một người có tấm lòng nhân hậu, bao dung, vị tha sẽ luôn có những hành động ứng xử đẹp đẽ, cao thượng:

Một đứa trẻ lễ độ, có học thức sẽ dắt cụ già qua đường khi thấy cụ đi lại khó khăn. Một chàng trai hào hiệp, có nghĩa khí ra tay cứu giúp người bị hà hiếp. Một người mẹ có tâm lòng nhân hậu cưu mang một đứa trẻ lang thang cơ nhỡ dù nhà mẹ chẳng khá giả gì.

+ Ngược lại: mọi hành động tàn ác, đố kị, giẫm đạp lên tình người chắc chắn bắt nguồn từ những kẻ phi đạo lí, tâm hồn bị tha hóa.

– Hành động là biểu hiện cụ thể của đức hạnh .

+ Nhà thơ – chí sĩ Nguyễn Đình Chiểu: Không mệt mỏi dùng văn chương để chiến đấu vì dân vì nước. Ông còn khẳng khái khước từ tên tỉnh trưởng người Pháp khi hắn định mua chuộc ông: “Đất chung còn mất thì đất riêng có nghĩa li gì. ” Đó là biểu hiện rõ nét nhất lòng yêu nước thương dân, bất hợp tác với giặc của cụ.

+Chủ tịch Hồ Chí Minh: Suốt đời phấn đấu, hi sinh cho dân ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, trẻ em ai cũng được học hành… Bác sống giản dị, vị tha, nhân ái chan hòa với thiên nhiên và con người. Hành động của Bác thống nhất với quan niệm nhân sinh, đạo đức của Người, là minh chứng cho những lời Bác căn dặn, dạy bảo cán bộ, thanh thiếu niên.

+ Những năm tháng chiến tranh: lớp lớp thanh niên gác tình riêng, hi sinh hạnh phúc cá nhân để lên đường chiến đấu đem lại hạnh phúc cho dân tộc. Đó là biểu hiện cụ thể của phẩm chất anh hùng, lòng yêu nước sâu sắc.

+ Trong cuộc sống hôm nay: biết bao người có hành động đẹp đẽ, cao thượng vì hạnh phúc của người khác. Tất cả là biểu hiện sinh động của những tấm lòng giàu đức hạnh.

c) Phê phán, bác bỏ .

– Lối sống đạo đức suông, đạo đức giả.

– Lối sống, hành động vị kỉ, sống vô bổ, đua đòi.

d) Bàn bạc, rút ra bài học

– Với tuổi trẻ học đường: cần rèn đức, luyện tài vì ngày mai lập nghiệp. Cụ thể:

+ Xác định được lí tưởng, mục đích sống cao đẹp.

+ Tự giác, thường xuyên rèn luyện thể chất, chăm lo sức khỏe bản thân.

+ Xây dựng cho mình một lối sống đẹp: nhân ái, năng động, tự tin, có trách nhiệm với tương lai của chính mình và của đất nước,

+ Có ý chí, quyết tâm vượt khó, có lòng say mê, sáng tạo, xác định được phương pháp học tập khoa học để tích lũy, làm giàu tri thức, biết vận dụng hiệu quả những tri thức, hiểu biết vào cuộc sống…

– Bản thân mỗi người: cần có những hành động cụ thể:

+ Quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ những người thân.

+ Tham gia tích cực, tự nguyện các hoạt động xã hội, từ thiện.

+ Tránh xa, tích cực đấu tranh chống lại những tệ nạn xã hội có sức cám dỗ tuổi trẻ: nghiện hút, trộm cắp, đua xe…

+ Đoạn tuyệt với những thói quen xấu mà tuổi trẻ thường mắc phải: sống buông thả, đua đòi, lười biếng, cẩu thả, vô tâm, ích kỉ, những hành vi, lối ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng…

– Chính mình:

+ Đã xác định cho mình lý tưởng, mục đích sống đúng đắn chưa?

+ Có kiên trì theo đuổi lí tưởng, mục đích đó không?

+ Trong lối sống của mình, có gì cần phát huy, có gì cần khắc phục, thay đổi?

+ Cần từ bỏ những thói quen xấu nào?

3. Kết bài

– Bài học có ý nghĩa nhất mà bản thân đúc kết được từ câu nói: Mỗi con người có cách tự bộc lộ, tự khẳng định mình khác nhau, song cách tự bộc lộ, tự khẳng định mình ngắn nhất, thuyết phục nhất là thông qua hành động và bằng hành động.

– Hành động cũng là thước đo tin cậy nhất để nhận biết, đánh giá bản chất, giá trị tốt đẹp của con người. Đó là một chân lí.

Bài viết tham khảo

   Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết “Sống trên đời cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…”. Gió sẽ cuốn những tấm lòng thảo thơm gieo tình yêu khắp muôn nơi, mang lại ánh sáng cho miền đất tăm tối, mang lại hạnh phúc cho những người cùng khổ. Mỗi chúng ta, hãy gửi theo gió tấm lòng mình để cứu giúp bao người, để chính chúng ta là những con người có lối “sống đẹp và cũng để cố gắng làm cho mộng tưởng trở thành lí tưởng, ảo tưởng trở nên thực tại, như một chân lí đã được đúc kết rằng: “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động”.

   Vậy phẩm chất là gì? Đức hạnh là những điều gì? Làm sao để nhận thấy nó đang tiềm ẩn trong thế giới nội tâm của mỗi cá nhân? Thật sự, tôi chưa thể để định nghĩa hay giải thích rõ ràng chính xác về những phạm trù sâu xa như thế. Nhưng nói một cách đơn giản, tôi ý thức được rằng khi một cá nhân có thể hết lòng làm việc vì một tập thể, một người giàu có sẵn lòng cho đi của cải vật chất để giúp các cụ già neo đơn, các em nhỏ mồ côi khuyết tật… thì đó là một trong những phẩm chất của đức hạnh! Bởi tình yêu trong đức tính cao quý đó cũng chính là động lực, là sức mạnh để con người đối xử nhân ái với nhau bằng một tình thương vô điều kiện, một sự tri ân không cần sự đền đáp, một sự trăn trở trước cái đói, cái nghèo, bơ vơ của những đứa trẻ bất hạnh.

   Tôi vốn dị ứng với các bạn thanh niên tóc tại nhuộm xanh, nhuộm đỏ, ăn mặc thiếu vải… Có một lần, tôi ăn ở một tiệm phở bên đường, một đội thanh niên như thế bước vào và ngồi ngay bàn đối diện. Quả thật, tôi ăn mất ngon. Lúc ấy, một ông lão bán vé số lại gần mời tôi mua. Tôi lắc đầu từ chối, mà không nhìn kĩ ông già. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng: mình không thể giúp hết tất cả những người bán vé số, thì tốt hơn hết là từ chối, và không mua vé sổ của bất kì ai. Còn muốn giúp đỡ người nghèo khó thì còn cả trăm ngàn cách khác để giúp đỡ. Ông lão đi sang bàn đối diện nơi đổi thanh niên kia ngồi và chìa tập vé số ra. Cô gái ngước lên, nhìn chăm chăm vào ông. Tôi chờ đợi một thái độ khó chịu hay một cái gì tương tự… Nhưng không, cô gái nhìn ông già và hỏi: “Ông ăn phở không, con kêu cho ông một tô?”. Và như để ông già tin chắc rằng mình nghe không lần, cô ấy nói tiếp: “Ông ăn đi, con trả tiền”. Tôi như lùng bùng cả lỗ tai. Tôi đã từng nghĩ rằng mình là người sống không xấu (quả thật là không xấu). Tôi đã từng ác cảm với những thanh niên mà tôi nghĩ là xấu… Nhưng trong trường hợp này, hành động của tôi không thể so sánh được với cô bạn trẻ “lai căng” ấy (cách tối gọi những người thanh niên mà tôi ác cảm, như tôi đã nói lúc đầu).

   Tôi từng đọc một bài thơ nghe qua tưởng chỉ là thơ vui nhưng lại mang một ý nghĩa sâu sắc: “Khi em sinh ra – Mọi người đều cười – Riêng em thì khóc tu tu – Hãy sống sao để khi chết đi – Mọi người đều khóc – Còn môi em thì nở nụ cười”. Bạn và tôi, hãy tự chiếm nghiệm cho mình lối sống đẹp, một phong thái phóng khoáng, lạc quan, một phẩm giá cao quí trong mỗi hành động để khi ở cuối con đường, chúng ta đều mỉm cười mãn nguyện!

                                                                                                  (Sưu tầm)

Đề 3. Hãy phát biểu ý kiến của anh (chị) về mục đích học tập do UNESCO đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.

Dàn bài gợi ý

1. Mở bài

– Con người ai cũng trải qua việc học, nhưng không phải ai cũng có ý thức xác định mục đích và mục đích đúng đắn của việc học.

– Mỗi thời đại, con người có mục đích học tập không giống nhau. Tổ chức UNESCO đã đề xướng… nhằm xác định mục đích học tập có tính toàn cầu.

2. Thân bài

a) Giải thích và làm rõ từng nội dung trong đề xướng của UNESCO

– Học để biết:

+ Học là quá trình tiếp thu tri thức từ sách vở, trường học, từ thực tế cuộc sống “trường đời”.

+ “Học để biết” là mục đích đầu tiên của việc học. “Biết” là tiếp thu, mở mang, có thêm kiến thức về đời sống, tự nhiên, xã hội và con người. Con người từ chỗ chưa biết  đến biết, biết ít đến biết nhiều, biết sơ sài đến biết sâu sắc, biết một lĩnh vực đến hiểu biết về nhiều lĩnh vực đời sống…

+ Nhờ học, con người có những hiểu biết phong phú, tự làm giàu kho tri thức khoa học của mình, tạo được vốn sống sâu sắc…

+ Quan trọng hơn, qua những tri thức đó, con người có khả năng hiểu biết về bản chất con người và tự nhận thức bản thân, “biết người”, “biết mình”, biết giao tiếp, ứng xử với nhau sao cho “Đắc nhân tâm”…

– Học để làm:

+ “Học để làm” là mục đích tiếp theo của việc học. “Làm” là vận dụng kiến thức có được vào thực tế cuộc sống. Đây là mục đích thiết thực nhất của việc học – “Học đi đôi với hành”.

+ Làm để tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần phục vụ nhu cầu cuộc sống của bản thân và góp phần tạo nên của cải cho xã hội.

+ Ví dụ: Người nông dân, kĩ sư, bác sĩ… đều mang kiến thức đã học được áp dụng vào thực tế, để tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội.

+ Học mà không làm thì kiến thức có được không có ích, không bền vững, không được sàng lọc.

– Học để chung sống:

+ Một trong những mục đích quan trọng nhất của việc học. “Chung sống” là khả nắng hòa nhập xã hội, kĩ năng giao tiếp, ứng xử… để tự thích nghi với mọi môi trường sống, các quan hệ phức tạp của con người trong quá trình sống để không bị tụt hậu, lạc lõng. Đây là hệ quả tất yếu của việc “biết”, “làm”.

+ Bởi lẽ, “con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội”. Bản chất, giá trị, nhân cách của con người được hình thành, nuôi dưỡng, khẳng định, thử thách trong các mối quan hệ đó.

– Học để tự khẳng định mình:

+ Là mục đích sau cùng của việc học. “Tự khẳng định mình” là tạo được vị trí, chỗ đứng vững vàng trong xã hội, thể hiện sự tồn tại có ý nghĩa của cá nhân mình trong cuộc đời. Mỗi con người chỉ có thể khẳng định mình khi có hiểu biết, có năng lực hành động, có khả năng chung sống.

+ Từ việc học, mỗi người có cơ hội khẳng định tri thức mình tích lũy được; khẳng định khả năng lao động, sáng tạo; khẳng định nhân cách, phẩm chất…

b) Bàn bạc, mở rộng vấn đề

– Nội dung đề xướng về mục đích học tập của UNESCO thật sự đúng đắn, đầy đủ, toàn diện.

– Mục đích học tập này thực sự đáp ứng, hoàn toàn phù hợp với yêu cầu giáo dục, đào tạo con người trong thời đại ngày nay. Mục đích này không chỉ dành riêng cho học sinh, sinh viên mà còn dành cho tất cả những ai là người học. Vì thế, có thể coi đây là mục đích học tập chung, có tính chất toàn cầu.

– Từ mục đích học tập đúng đắn này, mỗi người học thấy rõ những sai lầm nhận thức . về việc học: học không có mục đích; coi việc học là thực hiện nghĩa vụ với người khác; học vì bằng cấp, học vì thành tích; học mà không có khả năng làm, không biết chung sống, không thể khẳng định mình. Ví dụ: Học sinh không biết viết đơn xin nghỉ học đúng quy cách, kĩ sư giỏi, được đào tạo bài bản mà không chế tạo được những công cụ trong sản xuất nông nghiệp, có học vị, bằng cấp nhưng cách ứng xử thì vụng về, lối sống lại thiếu văn hóa…

c) Bài học về nhận thức và hành động của bản thân

– Mục đích học tập giúp con người, xã hội điều chỉnh được nhận thức về thời gian học: không chỉ học ở một giai đoạn mà phải học suốt đời; không chỉ học trong nhà trường mà cần phải học ngoài xã hội, người dạy không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn dạy “làm người”.. .

– Mục đích học tập này giúp người học:

+ Xác định rõ mục đích, động cơ và thái độ học tập. .

+ Ra sức học tập và rèn luyện, trang bị kiến thức về mọi mặt để có trình độ chuyên môn vững vàng, có khả năng hội nhập quốc tế. 

+ Học phải đi đôi với hành để khẳng định mình. Sống có ích cho cuộc đời và cho gia đình, xã hội.

3. Kết bài 

– Khẳng định vai trò của học tập: học để không bị ngu dốt, nghèo nàn và lạc hậu. Học ” để khẳng định sự thành đạt của cá nhân và sự tiến bộ của nhân loại. ..

– Liên hệ bản thân: Đã xác định được mục đích đúng đắn cho việc học của mình chưa? Cần phải làm gì để đạt được mục tiêu ấy?

Bài viết tham khảo

   Con người luôn luôn có nhu cầu học hỏi, mở mang tầm hiểu biết. Chính nhờ việc tích lũy và tìm tòi tri thức mà con người có sự phát triển vượt bậc như ngày nay. Trong xã hội, những con người có hiểu biết rộng luôn được trọng vọng, những người cầu tiến, ham học hỏi luôn được mọi người quí trọng, giúp đỡ. Tuy vậy, không phải ai cũng có thể hiểu hết được mục đích cũng như tầm quan trọng của việc học. Chính vì vậy mà UNESCO – Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc đã đưa ra đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình” như một định hướng cho việc học tập của mọi người.

   “Học” là quá trình tiếp thu và tích lũy kiến thức. Chính từ quá trình này, chúng ta mới biết được những điều cần thiết làm hành trang trong đời. Có học, chúng ta mới có đủ kiến thức để giải quyết những khó khăn và đạt được những thành công trong công việc. Có tìm tòi về thế giới, chúng ta mới biết về những nền văn hóa mới, mới biết được cách tôn trọng sự khác biệt giữa các quốc gia, từ đó, chúng ta mới có thể chung sống trong hòa bình, hòa hợp. Và có học, chúng ta mới có thể tạo được chỗ đứng riêng của mình, khẳng định được bản thân trong xã hội. Đó chính là những tác động to lớn của việc học mà UNESCO muốn gửi gắm trong câu “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Chẳng phải, đây là những điều chúng ta luôn mong muốn, luôn đặt làm mục tiêu hàng đầu để phấn đấu, nỗ lực hay sao? Thông qua lời đề xướng, UNESCO đã mang đến cho chúng ta một thông điệp: Việc học sẽ mang lại những thay đổi to lớn cho cuộc đời mỗi con người và có thể là cả thế giới. Kiến thức là một kho tàng bao la vô tận. Tất nhiên là không một ai có thể nắm giữ hết kho tàng ấy, bởi vì nó quá to lớn và luôn luôn mở rộng không ngừng. Tuy vậy, con người chúng ta luôn có khao khát được chinh phục kho tàng này, dù việc đó chẳng dễ dàng gì. Và chỉ có việc học mới có thể giúp chúng ta thực hiện ước mơ đó. .

   Chúng ta có thể học từ nhiều nguồn, bằng nhiều cách khác nhau. Không có một công thức nào, cũng không có giới hạn nào về thời gian và không gian cho việc học cả. Chúng ta có thể học từ thầy cô, bạn bè, mọi người xung quanh; học từ những kinh nghiệm trong cuộc sống,… rồi lại mang những kiến thức đó áp dụng vào cuộc sống, “làm giàu” cho bản thân ta cả về vật chất lẫn tinh thần và thậm chí giúp đỡ những người khác. Một đất nước có nhiều công dân có trình độ, có tri thức sẽ phát triển rất nhanh và nhanh chóng trở thành một nước phát triển, giàu có, thịnh vượng.

   Dân tộc ta có truyền thống hiếu học từ ngàn đời nay. Xưa kia, có không ít những vị trạng nguyên nhà nghèo nhưng vẫn quyết chí học hành, dùi mài kinh sử, gắng đem công sức, hiểu biết của bản thân ra xây dựng đất nước. Nhiều người trong số họ đã giúp đất nước ta giữ vững độc lập, chủ quyền. Họ đã khẳng định được mình và được lịch sử vinh danh. Ngày nay, hàng ngàn học sinh trên cả nước dù gặp khó khăn về vật chất nhưng vẫn cố gắng đi học vì họ biết rằng học tập là con đường duy nhất có thể thay đổi cuộc sống của họ, giúp họ chứng tỏ được minh trong xã hội. Thậm chí, cả những người đã có địa vị, có được nhiều thành công trong công việc vẫn phải học. Họ không nhất thiết phải đi học, song họ đã tự ý thức được tầm quan trọng của việc học đối với cuộc sống, với công việc, với sự nghiệp của mình. Có lần, một tờ báo đăng một bài viết về lớp học tiếng Việt ở Đức, về việc học tiếng Việt, văn hóa Việt của những người Đức chuẩn bị sang Việt Nam làm việc. Không ai yêu cầu họ làm như vậy, nhưng họ biết đó là những điều cần thiết cho cuộc sống của họ ở một đất nước mới với nền văn hóa khác biệt rất nhiều So với văn hóa Đức. Học hành có ý nghĩa to lớn như vậy, song không phải ai cũng nằm bắt được mục đích của việc học. Có những bạn học sinh chây lười, chán nản, bỏ bê học hành; lại có những bạn học hành qua loa, không nghiêm túc với hi vọng vượt qua được những kì kiểm tra mà không chú ý đến việc học thực chất. Như vậy, làm sao các bạn có thể nắm bắt được những kiến thức cần thiết cho mai sau? Liệu rồi đây, các bạn sẽ đương đầu với những thử thách trong cuộc sống như thế nào nếu không có một nền tảng tri thức vững chắc? Lại còn những bạn học hành rất chăm chỉ, luôn luôn dành thời gian cho việc học mà quên mất thời gian cho thế giới bên ngoài. Có lẽ các bạn quên rằng thế giới ấy luôn ẩn chứa những bài học bất ngờ mà sách vở không bao giờ có thể dạy cho các bạn được. Và cũng chính thế giới ấy mới là nơi các bạn thực hành và trải nghiệm những kiến thức các bạn học được. Học hành rất quan trọng, song cách học cũng như cách sắp xếp, cân bằng thời gian giữa học và thư giãn cũng rất quan trọng. Nếu không biết phương pháp học phù hợp thì du học rất nhiều song ta không tiếp thu được bao nhiêu, còn nếu không cân bằng được thời gian ta sẽ bị quá tải, từ đó dẫn đến chán nản rồi cuối  cùng là lười học. Một trò chơi nhỏ, một bản nhạc hay một bộ phim yêu thích sẽ giúp ta xua tan căng thẳng, chuẩn bị cho việc tiếp thu những kiến thức mới. 

   “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình” là một điều đúng đắn, và lời đề xướng này càng có ý nghĩa hơn nữa khi con người càng ngày càng phát triển hơn, tiến bộ hơn và chân trời tri thức ngày một rộng hơn. Trong tương lại, khi toàn thế giới đã chuyển sang nền kinh tế tri thức, kiến thức sẽ là nhân tố chính để có được chỗ đứng trong xã hội. Nếu không muốn bị bỏ lại phía sau nhân loại thì ta chỉ có một con đường là học mà thôi. Học để có thể tiến ra thế giới, “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” với một thái độ kiêu hãnh chứ không phải tự ti, rụt rè.

                                                                                               (Sưu tầm)

Tuần 2: Viết bài làm văn số 1: Nghị luận xã hội
Đánh giá bài viết