I. MỨC ĐỘ CẦN ĐẠT ĐƯỢC

– Trình bày được những nét đặc trưng về khí hậu và thời tiết của hai mùa; sự khác biệt về khí hậu, thời tiết của các miền.

– Nêu được những thuận lợi và khó khăn do khí hậu mang lại đối với đời sống và sản xuất ở Việt Nam.

– Sử dụng bản đồ khí hậu để làm rõ một số đặc điểm khí hậu của mỗi miền.

II. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Mùa gió đông bắc từ tháng 11 đến tháng 4 (mùa đông)

– Đặc trưng chủ yếu của mùa này là sự hoạt động mạnh mẽ của gió Đông Bắc.

– Trong mùa này, ở miền Bắc, do chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa Đông Bắc từ cao áp ở lục địa phương Bắc tràn xuống thành từng đợt, mang lại một mùa đông lạnh. Nhiệt độ trung bình nhiều nơi xuống 15°C.

– Trong khi đó, ở Tây Nguyên và Nam Bộ, thời tiết nóng khô, ổn định suốt mùa. Riêng duyên hải Trung Bộ có mưa rất lớn vào các tháng cuối năm.

2. Mùa gió tây nam từ tháng 5 đến tháng 10 (mùa hạ)

– Đây là mùa thịnh hành của gió Tây Nam.

– Trong mùa này, nhiệt độ cao đều trong toàn quốc và đạt trên 25°C. Lượng mưa lớn, chiếm trên 80% lượng mưa cả năm, riêng duyên hải Trung Bộ ít mưa.

– Thời tiết đặc biệt trong mùa này là gió Tây, mưa ngâu và bão. Riêng ở miền Trung và Tây Bắc có gió Tây khô nóng.

3. Những thuận lợi và khó khăn do khí hậu mang lại

– Cây cối phát triển được quanh năm. Nông nghiệp có điều kiện để xen canh, chuyên canh, đa canh. Ngoài sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới, nước ta còn có sản phẩm của ôn đới và á nhiệt.

– Có nhiều thiên tai, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống (hạn hán, lũ lụt, bão, ẩm ướt tạo điều kiện sâu bệnh phát triển…).

III. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI GIỮA BÀI

1. So sánh số liệu khí hậu ba trạm Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh (bảng 31.1) đại diện cho ba miền Bắc, Trung, Nam, em hãy cho biết:

– Nhiệt độ tháng thấp nhất của ba trạm.

– Lượng mưa trung bình tháng ít nhất của ba trạm.

– Nêu nhận xét chung về khí hậu nước ta trong mùa đông.

Trả lời:

– Nhiệt độ tháng thấp nhất của ba trạm: tháng 1.

– Lượng mưa trung bình tháng ít nhất của ba trạm: tháng 1.

– Nêu nhận xét chung về khí hậu nước ta trong mùa đông:

+ Nhiệt độ thấp, đặc biệt là ở miền Bắc (nhiệt độ tháng 1 ở Hà Nội là 16,4°C). Càng vào Nam, nhiệt độ càng tăng.

+ Lượng mưa thấp, đặc biệt ở phía nam (lượng mưa tháng 1 ở TP. Hồ Chí Minh là 13,8mm), Huế có lượng mưa cao hơn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

2. Em hãy nêu nhiệt độ tháng cao nhất của ba trạm khí tượng Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh (bảng 31.1, SGK, tr.110) và nguyên nhân của những khác biệt đó.

Trả lời:

– Nhiệt độ tháng cao nhất của hai trạm khí tượng Hà Nội và Huế là tháng 7, của trạm TP. Hồ Chí Minh là tháng 4.

– Nguyên nhân:

+ TP. Hồ Chí Minh nằm gần xích đạo, trong năm có hai lần Mặt Trời lên thiên đỉnh xa nhau, lần vào tháng 4; góc chiếu sáng của Mặt Trời lúc này lớn, nên nhiệt độ cao.

+ Huế và Hà Nội nằm gần chí tuyến hơn, trong năm có hai lần Mặt Trời lên thiên đỉnh, nhưng gần nhau. Tháng 7 là lúc góc chiếu sáng của Mặt Trời ở đây lớn nhất nên có nhiệt độ cao.

3. Dựa vào bảng 32.1, em hãy cho biết mùa bão nước ta diễn biến như thế nào?

Trả lời:

– Mùa bão trong toàn quốc ở nước ta bắt đầu từ tháng 6, kéo dài đến tháng 11.

– Mùa bão chậm dần từ Bắc vào Nam: Quảng Ninh đến Nghệ An, . bão bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào tháng 9; Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, mùa bão bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 10; Bình Định đến Bình Thuận, mùa bão bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 11; Vũng Tàu đến Cà Mau, mùa bão có hai tháng gần cuối năm (tháng 10 và 11).

4. Những nông sản nhiệt đới nào của nước ta có giá trị xuất khẩu với số lượng ngày càng lớn trên thị trường?

– Lúa gạo, cà phê, cao su, tiêu, điều,…

5. Em hãy nêu một số câu ca dao, tục ngữ phản ánh khí hậu – thời tiết nước ta: 

Trả lời:

– Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng, Ngày tháng mười chưa cười đã tối.

– Lúa chiêm lấp ló đầu bờ, Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên.

IV. GỢI Ý THỰC HIỆN CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP CUỐI BÀI

1. Nước ta có mấy mùa khí hậu? Nêu đặc trưng khí hậu từng mùa ở nước ta.

Trả lời:

– Nước ta có hai mùa khí hậu: mùa đông và mùa hạ

– Đặc trưng khí hậu từng mùa:

+ Mùa đông: từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, mùa gió đông bắc, lạnh, mưa phùn ở miền Bắc và mùa khô nóng kéo dài ở miền Nam.

+ Mùa hạ: từ tháng 5 đến tháng 10, mùa gió tây nam, nóng ẩm; có mưa to, gió lớn và dông bão, diễn ra phổ biến trên cả nước.

2. Trong mùa gió đông bắc, thời tiết và khí hậu Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ có giống nhau không? Vì sao?

Trả lời: 

– Không giống nhau. Ở Bắc Bộ, bầu trời nhiều mây, tiết trời lạnh, mưa ít. Ở Trung Bộ có nhiều mưa, càng vào phía nam càng ấm hơn. Ở Nam Bộ, bầu trời trong xanh, không có mưa, khô và ấm.

– Nguyên nhân: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ chịu tác động của gió mùa Đông Bắc lạnh, khô, đặc biệt là Bắc Bộ. Nam Bộ chịu tác động của Tín phong bán cầu Bắc với tính chất khí nóng.

3. Vẽ biểu đồ nhiệt độ và lượng mưa ở Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh (theo số liệu bảng 31.1). Nhận xét sự khác nhau của các trạm khí tượng đó. 

Hướng dẫn:

– Vẽ 3 biểu đồ cột kết hợp với đường (một biểu đồ nhiệt độ và lượng mưa của Hà Nội, một biểu đồ của Huế và một biểu đồ của TP. Hồ Chí Minh). Ở mỗi biểu đồ, trục hoành thể hiện 12 tháng; trục tung bên trái thể hiện lượng mưa (đơn vị: mm), trục tung bên phải thể hiện nhiệt độ (đơn vị: °C). Trên mỗi biểu đồ, các cột thể hiện lượng mưa, đường thể hiện nhiệt độ.

– Nhận xét sự khác nhau về nhiệt độ và lượng mưa ở ba trạm khí tượng theo các yếu tố:

+ Nhiệt độ: nhiệt độ trung bình tháng cao nhất và thấp nhất của mỗi địa điểm.

+ Lượng mưa: lượng mưa trung bình tháng thấp nhất và tháng cao nhất ở mỗi địa điểm; các tháng mùa mưa và các tháng mùa khô của mỗi địa điểm.

V. CÂU HỎI TỰ HỌC

1. Đặc trưng của mùa đông là

A. gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh mẽ

B. gió đông nam thổi liên tục

C. mưa lớn kéo dài

D. rét trên cả nước.

2. Cuối mùa đông thường có

A. mưa dông

B. mưa tuyết

C. mưa phùn

D. mưa ngâu.

3. Mùa bão trên toàn quốc từ tháng 6 đến tháng

A. 8.         B. 9         C. 10         A. 

 4. Điểm nào sau đây không đúng với mùa hạ ở nước ta?

A. gió đông nam thịnh hành

B. nhiệt độ trên 25°C

C. Lượng mưa chiếm 80% cả năm

D. Vùng Duyên hải Trung Bộ ít mưa.

5. Khu vực chịu ảnh hưởng nặng của gió Tây khô nóng là

A. miền Trung và Tây Bắc

B. Tây Bắc và đồng bằng Bắc Bộ

C. miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long

D. Tây Bắc và Tây Nguyên.

Nguồn website giaibai5s.com

Phần hai. Địa lí Việt Nam-Bài 32. Các mùa khí hậu và thời tiết ở nước ta
Đánh giá bài viết