I. MỨC ĐỘ CẦN ĐẠT ĐƯỢC

– Trình bày và giải thích được đặc điểm chung của khí hậu Việt Nam: nhiệt đới gió mùa ẩm, phân hoá đa dạng và thất thường.

– Sử dụng bản đồ khí hậu để làm rõ một số đặc điểm của khí hậu nước ta.

II. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Tính chất nhiệt đới gió mùa ẩm

– Quanh năm nước ta nhận được lượng nhiệt mặt trời lớn. Bình quân 1m2 lãnh thổ nhận được trên một triệu kilô calo, số giờ nắng đạt từ 1.400 – 3.000 giờ trong một năm. Nhiệt độ trung bình năm đạt 21°C.

– Lượng mưa quanh năm lớn, trung bình 1.500 – 2000 mm/năm. Độ ẩm không khí rất cao (trên 80%).

– Một năm có hai mùa rõ rệt, phù hợp với hai mùa gió: mùa đông lạnh khô với gió mùa Đông Bắc, mùa hạ nóng ẩm với gió mùa Tây Nam.

2. Tính chất đa dạng và thất thường

– Khí hậu nước ta phân hoá mạnh mẽ theo thời gian và không gian, hình thành nên các miền và vùng khí hậu khác nhau:

+ Miền khí hậu phía Bắc: từ Hoành Sơn (vĩ tuyến 18°B) trở ra, có mùa đông lạnh, tương đối ít mưa và nửa cuối mùa đông rất ẩm ướt; mùa hè nóng và mưa nhiều.

+ Miền khí hậu Đông Trường Sơn: gồm lãnh thổ Trung Bộ phía đông dãy Trường Sơn, từ Hoàng Sơn đến Mũi Dinh (vĩ tuyến 11°B), có mưa lệch hẳn về thu đông. .

+ Miền khí hậu phía Nam: bao gồm Nam Bộ và Tây Nguyên, có khí hậu cận xích đạo, nhiệt độ quanh năm cao, với một mùa mưa và mùa khô tương phản sâu sắc.

+ Lên cao, khí hậu khác dưới thấp. Ở Sa Pa, Đà Lạt, (trên – 1.500m) có khí hậu mát mẻ quanh năm. 

– Khí hậu Việt Nam rất thất thường, biến động mạnh: năm rét sớm, năm rét muộn, năm mưa lớn, năm khô hạn, năm ít bão, năm nhiều bão….

III. GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI GIỮA BÀI

1. Dựa vào bảng 31.1, cho biết những tháng nào có nhiệt độ không khí giảm dần từ nam ra bắc và giải thích tại sao?

Trả lời:

– Các tháng có nhiệt độ không khí giảm dần từ nam ra bắc: 10, 11, 12, 1, 2, 3, 4.

– Nguyên nhân: do tác động của gió mùa Đông Bắc.

2. Vì sao hai loại gió mùa (Đông Bắc và Tây Nam) lại có đặc tính trái ngược nhau như vậy?

Trả lời:

– Gió mùa Đông Bắc thổi từ cao áp Xi-bia (ở vĩ độ cao của nửa cầu Bắc) có đặc tính khô và lạnh.

– Gió mùa Tây Nam thổi từ cao áp cận chí tuyến nửa cầu Nam, trở nên ẩm sau khi vượt qua vùng biển xích đạo để thổi vào nước ta.

3. Vì sao các địa điểm: Bắc Quang, Hoàng Liên Sơn, Huế, Hòn Ba lại thường có mưa lớn?

Trả lời: Vì các địa điểm này nằm ở vị trí đón gió.

4. Những nhân tố chủ yếu nào đã làm cho thời tiết, khí hậu nước ta đa dạng và thất thường?

Trả lời:

– Vị trí địa lí và lãnh thổ (nằm ở phía đông nam châu Á, lãnh thổ kéo dài theo vĩ tuyến)

– Địa hình (độ cao và hướng của các dãy núi lớn).

– Gió mùa (tạo nên mùa của khí hậu và khác nhau giữa các miền).

5. Sự thất thường trong chế độ nhiệt diễn ra chủ yếu ở miền nào? Vì sao?

   Trả lời: sự thất thường trong chế độ nhiệt diễn ra chủ yếu ở miền Bắc, do tác động của gió mùa (gió mùa Đông Bắc, gió Tây Nam từ vịnh Tây Ben-gan).

IV. GỢI Ý THỰC HIỆN CÂU HỎI VÀ BÀI TẬP CUỐI BÀI

1. Đặc điểm chung của khí hậu nước ta là gì? Nét độc đáo của khí hậu nước ta thể hiện ở những mặt nào?

Trả lời:

– Đặc điểm chung của khí hậu nước ta: nhiệt đới gió mùa ẩm.

– Nét độc đáo của khí hậu nước ta thể hiện ở:

+ Nhiệt độ cao (trung bình năm trên 21°C), lượng mưa lớn (1.500 – 2.000 mm/năm) và độ ẩm không khí cao (trên 80%); trong năm có hai mùa rõ rệt, phù hợp với hai mùa gió: mùa đông lạnh khô với gió mùa Đông Bắc và mùa hạ nóng ẩm với gió mùa Tây Nam.

+ Tính chất đa dạng và thất thường: Khí hậu nước ta phân hoá mạnh mẽ theo không gian và thời gian, hình thành nên các miền và vùng khí hậu rõ rệt. Khí hậu nước ta rất thất thường, biến động mạnh(có năm rét muộn, có năm rét sớm; năm mưa lớn, năm mưa muộn; năm ít bão, năm nhiều bão,..). 

2. Nước ta có mấy miền khí hậu? Nêu đặc điểm khí hậu của từng miền.

Trả lời:

Bốn miền khí hậu:

– Miền khí hậu phía Bắc: từ Hoành Sơn (vĩ tuyến 18°B) trở ra, có mùa đông lạnh, tương đối ít mưa và nửa cuối đông rất ẩm ướt; mùa hè nóng và nhiều mưa.

– Miền khí hậu Đông Trường Sơn: bao gồm phần lãnh thổ Trung Bộ phía đông dãy Trường Sơn, từ Hoành Sơn đến Mũi Dinh (vĩ tuyến 11°B) có mùa mưa lệch hẳn về thu đông.

– Miền khí hậu phía Nam: bao gồm Nam Bộ và Tây Nguyên, có khí hậu cận xích đạo, nhiệt độ quanh năm cao, với một mùa mưa và một mùa khô tương phản sâu sắc.

– Miền khí hậu Biển Đông Việt Nam: mang tính chất gió mùa nhiệt đới hải dương.

3. Em hãy sưu tầm năm câu ca dao, tục ngữ nói về khí hậu – thời tiết nước ta hoặc ở địa phương em.

Hướng dẫn: sưu tầm từ sách, báo, internet; xem cuốn “Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam” của Vũ Ngọc Phan, NXB Giáo dục.

Ví dụ:

+        Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng,

          Ngày tháng mười chưa cười đã tối.

+       Thâm đông, hồng tây, dựng mây.

          Ai ơi ở lại ba ngày hãy đi.

V. CÂU HỎI TỰ HỌC

1. Nhiệt độ trung bình năm của không khí trên cả nước đều vượt

A. 19°C           B. 20°C         C . 21°C.          D. 22°C.

2. Nhiệt độ không khí tăng dần

A. từ bắc vào nam.

B. từ tây sang đông 

C. từ thấp lên cao.

D. từ miền biển vào miền núi.

3. Loại gió thổi thịnh hành ở nước ta về mùa đông có hướng

A. tây bắc      B. đông bắc       C. đông nam     D. tây nam.

4. Loại gió thổi thịnh hành ở nước ta về mùa hạ có hướng

A. tây bắc     B. đông bắc     C. đông nam     D. tây nam.

5. Lượng mưa trung bình năm ở nước ta là

A. 1.200 – 2.000mm 

B. 1.300 – 2.000mm

C. 1.400 – 2.000mm

D. 1.500 – 2.000mm.

Nguồn website giaibai5s.com

Phần hai. Địa lí Việt Nam-Bài 31. Đặc điểm khí hậu Việt Nam
Đánh giá bài viết