I. Tác phẩm

   Bài thơ Chiều tối là một trong số nhiều bài thơ được in trong tập Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh.

   Hoàn cảnh ra đời của tập thơ gắn liền với quãng đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh. Ngày 28-1-1941, sau ba mươi năm hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo công cuộc giải phóng dân tộc. Ngày 13-8-1942, Nguyễn Ái Quốc lúc này lấy tên là Hồ Chí Minh lên đường đi Trung Quốc với danh nghĩa đại biểu của Việt Nam độc lập đồng minh hội và Phân bộ quốc tế phản xâm lược của Việt Nam, để tranh thủ sự ủng hộ của thế giới. Sau nửa tháng đi bộ, ngày 27-8-1942, Người tới xã Túc Vinh, huyện Đức Bảo, tỉnh Quảng Tây thì bị bọn chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giữ vì bị tình nghi là Hán gian. Chúng giam cầm và đày đọa Người trong suốt 13 tháng, giải qua gần 18 nhà giam của 13 huyện.

   Trong điều kiện bị giam cầm chờ đợi ngày được trả tự do, Hồ Chí Minh, làm thơ để giải khuây, đồng thời để bày tỏ ý chí và bày tỏ nỗi lòng.

   Trong thời gian đó, Người đã sáng tác 134 bài thơ bằng chữ Hán, ghi trong một cuốn sổ tay, đặt tên là Ngục trung nhật kí (Nhật kí trong tù).

   Chiều tối là bài thơ thứ 31 trong tập thơ. Cảm hứng của bài thơ được gợi lên trên đường chuyển lao của Hồ Chí Minh từ Tĩnh Tây đến Thiên Bảo vào cuối mùa thu năm 1942.

II. Tìm hiểu tác phẩm

1. So sánh bản dịch thơ – dịch nghĩa – nguyên tác.

   Câu thơ thứ hai của bản dịch thơ không diễn tả được hình ảnh cô dần (chòm mây lẻ loi, cô độc). Chuyển động của máy: mạn mạn (trôi chậm chạp gợi vẻ uể oải, lững lờ), dịch là chòm mây trôi nhẹ đã không chuyển tải hết tâm trạng của người nhìn mây trôi.

   Câu thơ thứ ba trong nguyên tác không có chữ nào nghĩa là tối. Không nói tối nhưng vẫn diễn tả được trời tối, đó chính là nét tài tình của thơ Đường trong nét bút của Hồ Chí Minh. Bản dịch thơ đã làm ý thơ quá lộ, không còn nhiều giá trị của thơ Đường.

   Câu thơ đầu và cuối nói chung là dịch sát nghĩa và đúng với nguyên tác chữ Hán.

2. Thiên nhiên trong hai câu đầu của bài thơ

   Hai câu đầu mang âm hưởng và chất liệu của thơ Đường rất rõ. Trong thế giới thẩm mĩ cổ điển phương Đông, hình ảnh cánh chim nhỏ đã trở thành một hình ảnh có tính chất ước lệ để tả cảnh buổi chiều.

   Câu thơ thứ hai đậm chất thơ Đường hơn cả. Câu thơ dich đã bỏ mất chữ cô và không chuyển hết nghĩa của từ láy mạn mạn. Cô là một chữ được sử dụng rất nhiều trong thơ Đường. Trong thơ Đường, các từ mạn mạn, cứ xứ, du du... cũng thường xuất hiện với mật độ cao. Câu thơ do không chuyển hết được các chữ ấy nên màu sắc thơ Đường ít nhiều bị giảm và tâm trạng của nhân vật trữ tình cũng không thể hiện hết được.

   Câu thơ cổ điển mà rất hiện đại. Nếu đọc kĩ và liên hệ đến hoàn cảnh sáng tác bài thơ, ta sẽ nhận thấy sự khác biệt giữa thơ của Bác và thơ xưa. Cánh chim trong thơ xưa gợi cảm giác về sự xa xăm, phiêu bạt, vô tận, càng bay càng mất hút trong cõi tuyệt cùng của hư không. Đám mây cũng vậy, . chúng mang dáng dấp của một mảnh hồn phiêu du. Mây và chim xuất hiện không phải để chứng minh sự hiện diện của chúng mà có thiên hướng mang cái nhỏ bé của con người hòa nhập vào vũ trụ bao la. Bác không nhìn theo cánh chim, chòm mây với cảm giác xa xăm, phiêu lãng mà nhìn bằng ánh mắt trìu mến, lưu luyến. Cánh chim đang tìm chốn dừng chân. Sau một ngày kiếm ăn mệt mỏi, cánh chim nhỏ bay về rừng tìm chỗ ngủ để rồi sáng mai, khi mặt trời lên, chúng lại dang cánh đón chào ngày mới. Câu thơ của Bác đã đưa cánh chim từ cõi hư không trở về với thế giới hiện thực. Ngay từ hai câu thơ đầu tiên, Hồ Chí Minh đã mở ra một hướng vận động rất hiện đại trong tư tưởng, tình cảm: hướng về sự sống và hạnh phúc của con người tuy bản thân đang chịu cảnh tù đày trên đất khách.

3. Bức tranh đời sống trong hai câu cuối

   Trong bức tranh chiều tối hiện lên hình ảnh của sơn thôn thiếu nữ. Sơn thân thiếu nữ dịch là cô em xóm núi tuy không sai về ngữ nghĩa nhưng làm mất đi khẩu khí trang trọng của nguyên tác. Trong thơ xưa, người phụ nữ là hình ảnh khá quen thuộc nhưng hoặc là người phụ nữ thượng lưu, khuê các, hoặc là những người bất hạnh, có hoàn cảnh đáng thương. Người con gái trong câu thơ của Bác là một hình ảnh với vẻ đẹp trẻ trung, khỏe khoắn đang trong tư thế của hoạt động lao động: ma bao túc.

   Hình ảnh sơn thôn thiếu nữ được đặt ở vị trí trung tâm của bài thơ làm cho bức tranh thiên nhiên trở thành bức tranh sinh hoạt của con người. Cô gái xay ngô trở thành chủ thể của bức tranh. Thiên nhiên dường như lùi về phía sau và làm nền cho con người khiến bức tranh toàn cảnh trở nên gần gũi, khỏe khoắn và ấm áp. Đây là sự vận động của hình tượng thơ phản ánh sự vận động của tâm hồn nhà thơ.

   Dường như tác giả không miêu tả mà chỉ ghi lại một cách chân thực hiện thực bằng những điệp ngữ liên hoàn ma bao túc, bao túc ma hoàn). Điệp ngữ nối liền hai dòng thơ tạo sự nối âm nhịp nhàng như diễn tả vòng quay của chiếc cối xay ngô. Nhịp quay ấy cũng chính là nhịp điệu lao động, là hơi thở của sự sống; đó còn là sự vận động của thời gian. Khi chiếc cối không còn quay nữa thì cũng là lúc kết thúc một ngày lao động, màn đêm buông xuống và ánh lửa lại rực lên.

   Hình ảnh lò than rực hồng chính là điểm nhấn trong câu thơ và cả bài thơ. Chữ hồng là điểm hội tụ, là trung tâm tỏa hơi ấm cho toàn bài thơ. Chữ hồng kết thúc bài thơ một cách tự nhiên, giản dị mà hết sức bất ngờ. Bất ngờ, thú vị và độc đáo ở chỗ Bác đã dùng ánh lửa hồng để diễn tả không gian vào đêm, lấy ánh sáng để diễn tả bóng tối. Cái hay trong thơ Đường chính là ở điểm này, tuy không nói về trời tối mà vẫn hình dung được không gian đang chuyển động từ xế chiều đến tối dần. Bản dịch thơ thêm vào chữ tối đã làm mất đi kết cấu chặt chẽ, bất ngờ trong sự vận động của hình tượng thơ, không diễn tả được cái hay của việc lấy hình ảnh để diễn tả thời gian trong bài thơ nữa.

   Bài thơ không kết thúc trong cảnh màn đêm bao phủ mà thay vào đó là ngọn lửa hồng ấm áp bừng sáng. Hình tượng thơ đã đi ra khỏi màn đêm, cũng như tư tưởng của Hồ Chí Minh đang hướng về phía ánh sáng. Ánh sáng ấy tỏa ra từ bếp lửa, từ cuộc sống bình dị của người lao động và được chiếu rọi dưới ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh, ánh sáng của niềm tin, lòng lạc quan tạo nên vẻ đẹp cách mạng cho toàn bài thơ.

4. Nghệ thuật tả cảnh và sử dụng ngôn từ trong bài thơ

   Bài thơ dùng bút pháp tả cảnh ngụ tình vừa cổ điển vừa hiện đại. Cánh chim bay và chòm mây trôi trong cảnh chiều muộn nơi núi rừng hẻo lánh đã bộc lộ sâu sắc nỗi lòng của người tù xa xứ, còn ngọn lửa hồng trong lò than nói lên niềm vui, lòng yêu thương con người và cuộc sống của nhà thơ. Cảnh chiều tối đậm sắc màu cổ điển như một bức tranh thủy mặc phương Đông; ngọn lửa rực hồng cũng là một hình ảnh thơ cổ điển quen thuộc nhưng ở đây lại mang màu sắc hiện đại khi nó tượng trưng cho sức sống của con người, và nhất là khi ngọn lửa gắn với hình ảnh cô gái xóm núi xay ngô. Cảnh chiều tối nhưng lại rực sáng ánh lửa đã đem đến cho bài thơ tứ tuyệt cổ điển này một sắc màu hiện đại, điều này rất ít thấy trong thơ cổ.

   Ngôn ngữ trong bài thơ rất hàm súc, gợi cảm, lời ít ý nhiều, tạo nên sự liên tưởng phong phú cho người đọc. Những hình ảnh được sử dụng đầy ắp cảm xúc của người tù, diễn tả tâm hồn yêu cuộc sống, yêu lao động, yêu con người của Hồ Chí Minh.

Nguồn website giaibai5s.com

Học tốt Ngữ Văn 11-Bài 23. Chiều tối
Đánh giá bài viết