HƯỚNG DẪN 

I. NỘI DUNG

1. Bố cục của bài thơ

– Nhắc đến Tản Đà, người ta nhắc đến nhà thơ được ví như cái gạch nối giữa thơ truyền thống và thơ hiện đại: là nhà thơ của giai đoạn giao thời. Ông là một thi sĩ tài hoa, bản tính ngông và có cuộc đời gian truân, lận đận, phải chật vật mưu sinh và sống đời nghèo khổ. Đó là cuộc sống điển hình của đa số người tài danh lúc bấy giờ.

– Bài thơ Hầu Trời có thể được chia thành những nội dung chính như sau:

+ Lí do cùng thời điểm lên hầu Trời

+ Cuộc đọc thơ đầy đắc ý cho Trời và chư tiên nghe giữa chốn Thiên đình

+ Bày tỏ cùng Trời về tình cảnh khốn khó của những người đeo đuổi nghề văn chương

+ Cuối cùng là cuộc chia tay đầy xúc động giữa tác giả cùng Trời và các chư tiên.

– Trong bài thơ, Tản Đà rất khéo léo trong việc miêu tả bối cảnh. Những cảnh dựng lên với các tình tiết như thật, hợp lô-gic: nằm một mình buồn – đun nước uống – ngâm văn – tiên xuống – nêu lí do – đưa lên trời – được đón tiếp trang trọng, mời đọc thơ – chư tiên khen tặng – Trơi hỏi danh tính – kể lể sự tình – Trời khuyên giải – về trần gian.

2. Ý thức cá nhân, ý thức nghệ sĩ của Tản Đà

Qua câu chuyện hư cấu lên hầu Trời, chúng ta thấy được nét tính cách ngông của Tản Đà. Ông mạnh dạn ca ngợi tài năng của mình. Điều đó thật khó chấp nhận khi ông là một nhà nho đang sống trong xã hội phong kiến. Cách hành xử của Tản Đà cũng chính là sự phản ứng trước những bất công xã hội đã gây nên những nỗi chua chát cho cuộc sống của những văn sĩ lúc bấy giờ, trước tình trạng “luân thường đảo ngược, phong hoá suy đồi” và sự lạc hậu, trì trệ của xã hội Việt Nam thời đó. Nhưng dù cuộc đời có bạc bẽo khách văn chương ra sao chăng nữa thì Tản Đà vẫn cứ đeo đuổi sự nghiệp và cố gắng cách tân, đa dạng về thể loại làm cho văn chương ngày một phong phú hơn. Đó là ý thức và cái tâm của một nhân cách đáng quý.

II. NGHỆ THUẬT

Đọc Hầu Trời, chúng ta thấy được tài năng, sự hóm hỉnh của Tản Đà. Ông dùng ngôn ngữ bình dân, nôm na, bình dị, ngữ điệu nói: lè lưỡi, chau mày, lắng tai nghe, bật buồn cười, tranh nhau dặn, làm tăng thêm ý vị cho bài thơ.

Trong Hầu Trời, ta thấy có sự cách tân của Tản Đà. Ông mượn các chi tiết hư cấu lên hầu Trời để bộc lộ cái ngông tự đề cao khả năng văn chương của mình, qua đó để giải thoát cái tôi cá nhân mà các nhà nho cũ không làm được.

ĐỀ 198: Ý thức cá nhân, ý thức nghệ sĩ của Tản Đà và nghệ thuật bài thơ Hậu Trời.
Đánh giá bài viết