I. Tác giả và tác phẩm

1. Tác giả

   Tố Hữu sinh năm 1920 tại Thừa Thiên Huế và mất năm 2002 tại Hà Nội. Tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành.

   Tố Hữu sinh ra trong gia đình nhà Nho, từ năm sáu tuổi đã học làm thơ. Đến giữa những năm ba mươi, ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng. Trong cuộc vận động dân chủ năm 1936 – 1939, Tố Hữu lãnh đạo đoàn thanh niên Dân chủ ở Huế. Thơ của Tố Hữu bắt đầu xuất hiện trên báo vào các năm 1937 – 1938. Năm 1939, Tố Hữu bị thực dân Pháp bắt giam; năm 1942, ông vượt ngục tiếp tục hoạt động cách mạng. Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông lãnh đạo khởi nghĩa ở Huế. Sau cách mạng, ông trở thành nhà lãnh đạo tư tưởng, văn nghệ của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng trở thành một nhà thơ lớn của dân tộc.

   Tố Hữu đã để lại cho thế hệ sau nhiều bài thơ có giá trị. Ở Tố Hữu có sự gắn bó mật thiết giữa cuộc đời cách mạng và cuộc đời thợ. Thơ của ông chan chứa tình yêu nước, yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu cách mạng. Những tác phẩm đã xuất bản của ông có thể kể ra như tập thơ Từ ấy (1946), tập thơ Việt Bắc (1954), tập thơ Gió lộng (1961), tập thơ Ra trận (1972), tiểu luận Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta (1973), tập thơ Máu và hoa (1977), tiểu luận Cuộc sống cách mạng và văn học nghệ thuật (1981), tập thơ Một tiếng đờn (1992), hồi kí Nhớ lại một thời (2000)…

   Với những đóng góp cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, Tố Hữu đã vinh dự được phong tặng nhiều danh hiệu và giải thưởng khác nhau: Giải Nhất giải thưởng văn học Hội văn nghệ Việt Nam (1954 – 1955), Giải thưởng văn học ASEAN (1996), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (1996).

2. Tác phẩm

   Năm 1938, Tố Hữu được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Đó là một bước ngoặt vĩ đại trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Tố Hữu. Ghi nhận kỉ niệm đáng nhớ ấy với những cảm xúc và suy tư sâu sắc, Tố Hữu viết bài thơ Từ ấy. Bài thơ nằm trong phần Máu lửa của tập Từ ấy (tập thơ gồm ba phần: Máu lửa, Xiềng xích, Giải phóng).

II. Tìm hiểu tác phẩm

1. Tâm trạng của Tố Hữu khi bắt gặp lí tưởng cộng sản

   Mở đầu bài thơ, Tố Hữu kể lại một kỉ niệm của cuộc đời bằng bút pháp tự sự:

                  Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ

                  Mặt trời chân lí chói qua tim.

   Từ ấy là mốc thời gian có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Tố Hữu. Vào lúc đó, nhà thơ vừa tròn 18 tuổi, cái tuổi sôi nổi của bầu nhiệt huyết, lúc tác giả đang hoạt động sôi nổi trong Đoàn Thanh niên Cộng sản Huế và được kết nạp vào Đảng. Bằng những hình ảnh ẩn dụ như nắng hạ, mặt trời chân lí, chói qua tim, Tố Hữu khẳng định lí tưởng cách mạng như một nguồn sáng mới làm bừng sáng tâm hồn nhà thơ. Nguồn sáng ấy chính là mặt trời chân lí soi rọi trong tâm hồn tác giả. Cách gọi lí tưởng cộng sản một cách thành kính và hết sức ân tình. Tác giả lấy hình ảnh mặt trời để thể hiện sự giác ngộ lí tưởng cộng sản của mình. Mặt trời thiên nhiên đem lại ánh sáng, hơi ấm cho sự sống; Đảng cũng chính là một mặt trời mang lại sự sống cho tác giả, cho dân tộc Việt Nam, tỏa hơi ấm cho bạo lí tưởng đúng đắn. Tác giả hết sức tin tưởng và vui mừng khi bắt gặp lí tưởng cộng sản, được lí tưởng cộng sản soi đường.

2. Hình ảnh mặt trời chân lí

   Niềm vui sướng, say mê khi bắt gặp lí tưởng của nhà thơ được biểu hiện bằng những hình ảnh hết sức ấn tượng, trong đó hình ảnh mặt trời chân lí là đáng giá nhất. Với Tố Hữu, lí tưởng cộng sản có cái đẹp của mặt trời chân lí, lại có cái xanh tươi rạo rực của cuộc sống con người khiến tác giả có cảm giác chói chang trước một vầng ánh sáng diệu kì, lại vừa cảm thấy tâm hồn dịu mát như một vườn cây trái sum sê. Bản chất lí tưởng cộng sản đã làm người thanh niên ấy say mê, ngây ngất như một điều kì diệu:

Mặt trời chân lí chói qua tim.

   Mặt trời chân lí soi đến tận nơi sâu xa nhất trong tâm hồn Tố Hữu, làm bừng sáng lên ở tác giả một lí tưởng mới. Đó chính là lí tưởng nhân văn, nhân bản, rất gần gũi với con người, đem lại nguồn ánh sáng cho con người và được con người đón nhận bằng tất cả trái tim.

   Hình ảnh mặt trời chân lí chói qua tim là một sáng tạo mới mẻ và có chiều sâu của Tố Hữu trong thơ trữ tình cách mạng Việt Nam trước Cách mạng. Thời ấy, thơ ca cách mạng còn dùng những hình ảnh ước lệ như cửa độc lập, đèn tự do, hòn máu nóng, chiêu hồn nước… riêng Tố Hữu đã dùng một hình ảnh mới để bày tỏ tâm trạng của mình đối với cách mạng.

   Hình ảnh trên là một đóng góp có ý nghĩa đối với thế hệ trẻ đang mang trong mình bầu nhiệt huyết cống hiến cho công cuộc giải phóng dân tộc, đồng thời là hình ảnh làm cho thơ ca cách mạng mang tính hiện đại. Hình ảnh này vẫn còn nguyên giá trị cho dù đã trải qua bao thay đổi của thời đại.

3. Nhận thức mới về lẽ sống của nhà thơ

   Trong quan niệm về lẽ sống, những trí thức vốn xuất thân từ giai cấp tư sản và tiểu tư sản vốn đề cao cái tôi cá nhân chủ nghĩa. Khi giác ngộ lí tưởng cộng sản, Tố Hữu khẳng định quan niệm mới về lẽ sống và sự gắn bó hài hòa giữa cái tôi cá nhân và cái ta chung của mọi người. Với động từ buộc, câu thơ Tôi buộc lòng tôi với mọi người là một cách nói quá thể hiện ý thức tự nguyện sâu sắc và quyết tâm cao độ của Tố Hữu trong việc vượt qua cái tôi cá nhân để vì cái ta chung của cả dân tộc. Với từ trang trải trong câu thơ tiếp theo, Tố Hữu cho thấy sự trải rộng tâm hồn của mình với cuộc đời, tạo ra khả năng đồng cảm sâu xa với hoàn cảnh của từng con người cụ thể.

   Tình yêu thương của Tố Hữu đối với con người không phải là tình yêu chung chung mà là tình cảm của giai cấp. Câu thơ Để hồn tôi với bao hồn khổ khẳng định mối liên hệ với mọi người nói chung, trong đó nhà thơ đặc biệt quan tâm đến những mảnh đời lao khổ. Từ klối đời trong câu thơ tiếp theo chỉ một số lượng đông đảo những người cùng chung cảnh ngộ, thể hiện ý chí quyết tâm, đoàn kết trong việc phấn đấu vì mục tiêu giải phóng chính mình.

   Khi cái tôi cá nhân hòa chung vào cái ta của mọi người, khi cá nhân hòa mình vào tập thể thì lí tưởng của mỗi người trở thành lí tưởng chung và sức mạnh của mỗi người trở thành sức mạnh của toàn dân tộc. Đó chính là lẽ sống thường nhật và cũng chính là lẽ sống chan hòa của tác giả. .

   Qua bài thơ, Tố Hữu tự đặt mình giữa dòng đời và trong môi trường rộng lớn của quần chúng lao khổ. Tố Hữu đã tìm thấy niềm vui và sức mạnh không chỉ bằng sự giác ngộ, mà còn bằng chính sự thương yêu và .. chia sẻ đối với tất cả mọi người. .

4. Sự chuyển biến sâu sắc trong tình cảm của nhà thơ

   Trước khi giác ngộ lí tưởng cộng sản, Tố Hữu là một thanh niên tiểu tư sản. Lí tưởng cộng sản không chỉ giúp nhà thơ có được lẽ sống mới mà còn giúp nhà thơ vượt qua tình cảm ích kỷ, hẹp hòi của giai cấp tiểu tư sản để. có được tình hữu ái giai cấp với quần chúng lao khổ. Những điệp từ là cùng với các từ con, em, anh và số từ ước lệ bạn nhấn mạnh và khẳng định một tình cảm gia đình thật đầm ấm, thân thiết. Hình ảnh thơ cho thấy nhà thơ đã nhận thức sâu sắc rằng bản thân mình là một thành viên trong gia đình quần chúng lao khổ. Tấm lòng đồng cảm, chia sẻ của nhà thơ còn được biểu động, chân thành qua những hình ảnh như kiếp phôi pha, không áo cơm, cù bất, cù bơ. Qua những lời thơ ấy, người đọc cảm nhận được lòng căm hận của nhà thơ đối với sự thống trị của bọn thực dân, phong kiến. Chính những kiếp phôi pha, những em nhỏ cù bất cù bơ ấy mà người thanh niên ấy đã hăng say hoạt động cách mạng, đó cũng chính là những hình ảnh thường xuyên xuất hiện trong thơ Tố Hữu.

   Bài thơ chính là tuyên ngôn cho tập thơ Từ ấy nói riêng và toàn bộ các sáng tác của Tố Hữu nói chung. Bài thơ đánh dấu sự chuyển biến lớn trong tình cảm của tác giả đối với quần chúng cũng như đối với cách mạng.

5. Đặc sắc nghệ thuật của bài thơ

– Tác giả sử dụng nhiều biện pháp tu từ khác nhau như tượng trưng, so sánh, điệp từ. Sáng tạo những hình ảnh mới mẻ cho thơ trữ tình cách mạng như mặt trời chân lí chói qua tim, hồn tôi là một vườn hoa lá, rất đậm hương và rộn tiếng chim.

– Nhịp thơ dồn dập, tuôn chảy ào ạt như tâm trạng vui sướng, say mê của tác giả trong giây phút bừng sáng lí tưởng cách mạng.

– Lời bài thơ trữ tình, bộc lộ tâm trạng của nhà thơ một cách tự nhiên nhưng vẫn có một bố cục lôgíc, chặt chẽ theo ba ý trong một mạch thơ chung: lí tưởng cách mạng bừng sáng, nhận thức mới về lẽ sống và sự chuyển biến về tình cảm.

Nguồn website giaibai5s.com

Học tốt Ngữ Văn 11-Bài 24. Từ ấy
Đánh giá bài viết