DÀN Ý

1. Đặt vấn đề:

– Kể một câu chuyện có ý nghĩa về “cho” và “nhận”.

– Nêu vấn đề cần bàn luận: mối quan hệ giữa “cho” và “nhận” trong cuộc sống.

2. Giải quyết vấn đề:

– Giải thích:

+ “Cho”: là hành động gửi tặng đến người khác dưới nhiều hình thức: cụ thể, hữu hình (một bông hoa, một món quà, một nụ cười…); vô hình, trừu tượng (tình yêu, cuộc đời của cha mẹ cho con cái; tri thức, hiểu biết, kinh nghiệm của thầy cô cho học trò; những lời khuyên chân thành…).

+ “Nhận”: là sự đáp lại hành động “cho” của người khác.

– Bàn luận:

+ Thế nào là “cho” và “nhận” một cách đúng đắn, có văn hóa?

• “Cho”: phải thể hiện tình cảm chân thành, yêu mến, tôn trọng người khác chứ không phải là sự ban ơn, trịch thượng của người trên với người dưới.

• “Nhận”: người nhận cũng phải thể hiện lòng biết ơn, trân trọng người cho, tặng mình. Dù có từ chối cũng phải rất nhã nhặn, lịch sự, chân thành.

+ Mối quan hệ giữa “cho” và “nhận”: là quan hệ hai chiều. Nếu chỉ biết “nhận” thì sẽ trở thành kẻ ích kỉ, không thể tồn tại mối quan hệ lâu dài với người khác. Nếu biết cho đi thì sẽ được nhận những tình cảm yêu thương của người khác, sẽ tạo thành sức mạnh đoàn kết bền chặt.

3. Kết thúc vấn đề:

– Tóm lại vấn đề vừa bàn luận.

– Nêu bài học rút ra cho bản thân và mọi người.

BÀI LÀM

Đọc cuốn sách “Quà tặng của cuộc sống”, tôi đặc biệt ấn tượng với câu chuyện về Hai biển hồ ở bên Pa-le-xtin. Biển hồ thứ nhất có tên là biển Chết, là nơi không có sự sống nào bên trong cũng như xung quanh biển hồ này. Biển hồ thứ hai là Ga-li-lê; ở đây, nước lúc nào cũng trong mát, cây cối xanh tươi, thu hút đông đảo khách du lịch. Điều kì lạ là cả hai biển hồ này đều đón nhận nguồn nước từ sông Gioóc-đăng. . Nhưng nếu như biển Chết đón nhận nước từ sông Gioóc-đăng vào và giữ cho riêng mình thì biển Ga-li-lê lại đón nguồn nước đó rồi chia sẻ cho các hồ nhỏ, sống lạch. Vì thế, nước ở biển Chết trở nên mặn chát, còn nước ở biển Ga-li-lê luôn sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muông thú, con người.

Bài viết đó kết lại như sau: “Thật bất hạnh cho ai cả cuộc đời chỉ biết giữ riêng cho mình. “Sự sống” trong họ rồi cũng sẽ chết mòn như nước trong lòng biển Chết…”.

Câu chuyện trên cũng gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ về mối quan hệ giữa cho và nhận trong cuộc sống.

“Cho” có một ý nghĩa đơn giản như chính cách gọi tên nó vậy. Chúng ta thường nghĩ ai đó “cho” người khác một cái gì tức là hành động gửi tặng đến người khác một vật cụ thể, hữu hình. Một bông hoa tặng bạn bè trong ngày sinh nhật. Vài quyển sách hay mấy bộ quần áo cũ gửi tặng những bạn học sinh ở vùng miền núi, vùng sâu vùng xa. Hay đơn giản, chỉ là một nụ cười ấm áp khi bạn gặp một người thân quen, thậm chí một người lạ trên đường. Đó là những cái “cho” có thể nhìn thấy, có thể đong đếm được. Nhưng cũng có những cái “cho” vô hình, trừu tượng, khó có thể đong đếm. Có ai đó được “công cha nghĩa mẹ”, đặc biệt là tình yêu của cha mẹ dành cho con cái? Chỉ có thể hình dung “công cha như núi Thái Sơn- nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Cha mẹ không chỉ cho bạn một hình hài mà còn trao tặng cho bạn cả cuộc đời, còn truyền lại cho bạn biết bao truyền thống, di sản của những thế hệ cha ông đi trước. Và cũng có ai đong đếm được giá trị của “món quà” tri thức, hiểu biết, kinh nghiệm mà thầy cô tặng cho học trò chúng ta? “Món quà” ấy mang sức nặng của những giọt mồ hôi, của từng nếp suy tư, của những giờ khắc thao thức, trăn trở bên trong giáo án, và hơn hết là sự tâm huyết với nghề nghiệp và tình yêu thương học trò của thầy cô. Cũng có khi, bạn gặp một nỗi buồn, một người bạn đến bên và an ủi ta, đó là bạn đã “cho” ta một quà tặng đáng quý của tình bạn. Hay lúc ta mắc lỗi, một lời nói thẳng thắn về những khuyết điểm dễ làm ta bị tổn thương, nhưng biết đâu đằng sau lời góp ý chân thành ấy chính là tình yêu thương sâu sắc mà họ trao tặng… Có thể nói, một hành động “cho” đích thực bao giờ cũng đi từ trái tim đến những trái tim và hướng đến cái đích là niềm hạnh phúc của người nhận. .

Luôn luôn đi cùng với “cho” là “nhận”. “Nhận” được coi là sự đáp lại hành động “cho” của người khác. Nhận một món quà, nhận một ánh mắt, nhận một lời khuyên hay một tiếng yêu thương… Cũng có khi vì một lý do nào đó mà ta từ chối một món quà mà người khác trao tặng, nhưng không có nghĩa là ta không biết “nhận”. Sự “nhận” này nhiều khi cũng vô hình, trừu tượng như “cho” vậy.

Có thể nói, những hành động trên thế giới này là một chuỗi “cho” và “nhận”. Nhưng quan trọng là ta đã cho những gì và nhận những gì? Hơn nữa, thế nào là “cho” và “nhận” một cách đúng đắn, có văn hóa?

Không ít người trong xã hội ngày nay đã thể hiện thái độ thiếu văn hóa khi “cho” người khác. Cũng là một chút tiền lẻ, nhưng nếu ta nhẹ nhàng đặt vào tay người ăn xin khốn khổ thì sẽ khác với hành động ta ngồi trên xe ném vào mũ họ rồi vụt đi. Như vậy, hành động “cho” có văn hóa phải thể hiện tình cảm chân thành, yêu mến, tôn trọng người khác chứ không phải là sự ban ơn, trịch thượng của người trên với người dưới.

Còn với người nhận, họ cũng phải thể hiện lòng biết ơn, trân trọng người cho, tặng mình. Một nụ cười, một lời cảm ơn, một hành động cụ thể chứng tỏ thái độ biết ơn… sẽ khiến cho người “cho” cảm thấy hạnh phúc; và vì thế mà chính người “nhận” cũng đang thực hiện hành động “cho” đầy ý nhị. Có khi, chúng ta dù có từ chối cũng phải rất nhã nhặn, lịch sự, chân thành.

“Cho” và “nhận” là hai chiều của một sự trao đổi: niềm vui, nỗi buồn, tình yêu hay một lời muốn nói… Thế nhưng, có những người chỉ biết sống với toàn “nhận”, xem “cho” như là việc làm của người khác chứ không phải của mình. Nếu chỉ biết “nhận” như thế thì sẽ trở thành kẻ ích kỉ, và mối dây quan hệ quan hệ gắn kết mình với người khác cũng sẽ dần bị đứt đi. Ngược lại, nếu ta biết cho đi thì ta cũng sẽ được nhận những tình cảm yêu thương của người khác, sẽ tạo thành sức mạnh đoàn kết bền chặt. Cũng như biển Chết kia, nếu chỉ khư khư giữ nước cho riêng mình sẽ trở nên mặn chát, ngày càng khô kiệt sự sống, khiến cho muông thú và con người xa lánh. Còn nếu ta như biển hồ Ga-li-lê, đưa nguồn nước tràn qua các hồ ao, kênh rạch, nó sẽ không chỉ trở nên trong xanh mát rượi mà còn gieo trồng sự sống cho muôn loài, được muôn loài yêu mến và hội tụ xung quanh. Một ngọn lửa nhỏ bé sẽ bị dập tắt trước ngọn gió, Ngược lại, nếu bạn biết cho ngọn lửa của mình với mọi người xung quanh và nhận những ngọn lửa mới thì tất cả sẽ liên kết với nhau thành một rừng lửa, gió to chỉ càng làm lửa thêm cháy sáng mãnh liệt. Và khi đó, mỗi cá nhân cũng được tỏa sáng, không gì có thể dập tắt.

Nhìn lại chính bản thân mình, tôi nhận thấy tôi đã nhận được tình yêu thương và sự hy sinh lớn lao của cha mẹ mà chưa một lần nói câu “Cảm ơn bố mẹ! Con yêu bố mẹ!”. Những cố gắng, nỗ lực của tôi hình như cũng chưa đủ để xứng đáng với tình yêu và niềm hi vọng mà mọi người đã cho tôi, để tôi có thể tự hào là mình đã đóng góp chút gì cho xã hội, cho cộng đồng.

Còn bạn, bạn đã thực sự là người biết cho và nhận chưa? Bất chợt | trong tôi vang lên câu hát: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà tự hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. Và tôi lại thấy thấp thoáng màu áo xanh của tuổi trẻ tình nguyện lên đường vì cộng đồng, vì một tương lai tốt đẹp, tươi sáng hơn.

Giaibai5s.com

Đề số 8: uy nghĩ của em về vấn đề cho và nhận trong cuộc sống.
Đánh giá bài viết