* Hướng dẫn kể chuyện

Đề bài: Kể một câu chuyện đã nghe hoặc đã đọc về một nữ anh hùng hoặc một phụ nữ có tài.

               Kể về một người phụ nữ anh hùng.

   Từ thuở ấu thơ, ta được sinh ra và lớn lên trong vòng tay dịu hiền của mẹ. Đã có bao giờ chúng ta suy nghĩ về những người mẹ, những người phụ nữ Việt Nam, tự hào về những con người “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” ấy? Với tấm lòng trân trọng và khâm phục, hôm nay, tôi xin kể cho các bạn nghe một câu chuyện ca ngợi lòng dũng cảm, trí thông minh, tháo vát của người nữ đoàn viên thanh niên Nguyễn Thị Liên trong công tác phục vụ chiến đấu chống Mỹ cứu nước. Chị phải vượt qua những thử thách lớn lao nguy hiểm đến tính mạng, không kém gì những tấm gương chiến đấu anh hùng của anh em bộ đội ở tiền tuyến.

   Chị Nguyễn Thị Liên mới hai mươi hai tuổi, chị là tổ trưởng một tổ phá bom nổ chậm trên con đường Trường Sơn. Tổ chị có ba người chịu trách nhiệm một đoạn đường trọng điểm bị máy bay giặc Mĩ ngày đêm đánh phá rất ác liệt. Chúng nhằm vào khúc đường tương đối trống trải này để ngăn chặn mức cao nhất các đoàn xe vận tải của quân ta ở miền Bắc vào tiếp tế cho cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam anh hùng.

   Đêm hôm ấy, trời đã khuya, chị Liên cứ trằn trọc mãi không sao ngủ được. Chị nghĩ đến quả bom nổ chậm ban chiều. Không biết quả bom này là quả thứ mấy mà chị đã phá để thông đường càng sớm càng tốt cho xe quân ta tiến vào chiến trường lớn. Nhưng sao lòng chị vẫn cứ thấy bứt rứt không yên? 

   Lúc đó, nhận được lệnh của ban chỉ huy, chị nhanh chóng chuẩn bị dụng cụ rồi đi ngay. Đến nơi, chị thấy một quả bom to tướng nằm chênh ềnh ngay giữa mặt đường. Như đã quen thuộc, chị lại phá quả này theo kiểu bắn mìn phá đá. Đặt mịn lên thân quả bom, tra kíp nổ vào, rồi  châm lửa đốt dây cháy chậm. Xong đâu đấy, chị liếc mắt kiểm tra lại rồi chạy nhanh về hầm trú ẩn. Hai tiếng nổ nối tiếp nhau làm chị nẩy bật người lên. Chị lao ra khỏi hầm chạy băng lên mặt đường… Như những lần trước, chị đứng lại ngay, sững sờ nhìn cái hố bom khổng lồ sâu hoắm, xoáy vào mặt đường như xoáy vào tim gan chị. Chị nghĩ bụng: “Thằng Mĩ khiếp sợ con đường chiến lược này của ta, nên nó vãi bom như vãi trấu, toàn loại bom tạ. Nếu cứ phá bom như kiểu cũ như thế này, đường càng bị hổng nhiều, xe càng bị tắc lâu hơn. Chiến trường miền Nam đang khẩn thiết gọi ta từng giờ, từng phút… Phải nghĩ cách phá bom mà không hỏng đường quá nặng, xe ta ra chiến trường được nhanh chóng”. Chị nhớ lại từng động tác, suy nghĩ lại toàn bộ cách thức phá bom lúc ban chiều. Đã bao nhiêu đêm, chị suy nghĩ căng óc ra như vậy. Làm thế nào để bom Mĩ không tùy ý phá được con đường xương máu của ta nữa!

   Tiếng gà đã gáy lần thứ nhất, mắt chị Liên vẫn trân trần nhìn xoáy vào không gian. Chị tự hỏi: “Tại sao khi đánh bom bằng mìn lại có hai tiếng nổ. Như thế là mìn nổ trước, bom nổ sau”. Bỗng, chị như đã nghĩ ra được điều gì, chỉ mong trời sáng để thử cách phá bom mà chị mới nghĩ ra.

   Buổi chiều hôm ấy, tổ chị Liên đang đi kiểm tra mặt đường thì máy bay giặc Mĩ lại kéo đến ném bom. Chị phát hiện thấy một quả bom nổ chậm nằm ngay giữa mặt đường. Chị bàn với hai anh Chiến và Bồng – cách phá bom kiểu mới, rồi đề nghị hai anh gác ở hai đầu đường, chặn các xe vận tải lại, còn chị thì ở lại phá bom. Hai anh nhất định không chịu và cho đó là nguy hiểm. Nhưng chị Liên cũng không chịu. Hai anh đành phải chạy đi gác. Còn một mình, chị lấy con dao nhỏ đào đất chung quanh quả bom. Lúc này mặc dù đã là buổi chiều nhưng cái nắng mặt trời vẫn gay gắt chiếu vào gáy chị. Quả bom nổ chậm cũng nóng dần lên như có ai đốt. Mồ hôi chị vã ra như tắm. Đào đất xong, chị Liên lấy một mảnh : bìa cứng gói thuốc mìn cuốn lại thành hình phễu, ép phía dưới quả bom. Sau đó, chị chọn một kíp mìn gắn vào chóp phễu. Xong đâu đấy, chị kiểm tra lại xem mìn đã để vào chính giữa chưa? Cuối cùng, chị phủi tay, bật lửa châm vào dây mìn, rồi chạy ra xa để nấp tránh sức nổ và mảnh bom..

   Lần này vẫn có hai tiếng nổ nhưng nghe nhẹ hơn những lần trước. Chị Liên, anh Chiến và anh Bồng cùng chạy lại. Ba người sửng sốt reo lên: “Thành công rồi! Thành công rồi!”. Theo cách phá lần này của chị, quả bom bị sức mìn phá bên dưới làm bật tung lên nổ ở trên không. Mặt đường chỉ bị khoét sâu bằng chiếc lòng chảo. Chẳng cần cuốc xẻng, cả ba người dùng chân, dùng tay mà hốt đất xuống một chốc là đầy. Thế là đường lại nối liền, xe ta lại rầm rập từng đoàn kéo ra tiền tuyến. Các anh lái xe tươi cười, vẫy tay chào những người chiến sĩ làm đường dũng cảm và mưu trí.

   Từ đó người ta gọi kiểu bắn mìn phá bom ấy là “kiểu bắn mìn Nguyễn Thị Liên”. Nhờ thế mà anh em làm đường hễ gặp bom nổ chậm là phá luôn theo kiểu mới và thông đường được ngay. Ai cũng khen chị Nguyễn Thị Liên là: Cô kiện tướng phá bom nổ chậm.

                     Kể về người phụ nữ tài giỏi

   Trong công cuộc xây dựng đất nước, đã có biết bao người phụ nữ tài giỏi, họ đã vượt lên số phận của mình bằng ý chí và nghị lực để làm giàu cho chính mình và cho đất nước. Câu chuyện tôi kể cho các bạn nghe nói về chị Phan Huỳnh Minh Nguyệt sinh năm 1971, hiện chị là Giám đốc Công ty Cổ phần Duy Nguyễn và làm chủ Spa Sài Gòn Beauty Care, 152 Nguyễn Trọng Tuyển, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh.

   Cha mẹ chị chia tay nhau khi chị còn rất nhỏ. Chị lớn lên bên cạnh bà ngoại. Nhà bà ngoại nghèo nên sau mỗi buổi học, chị phải phụ ngoại buôn bán kiếm sống.

   Năm 11 tuổi, chị phải thức dậy từ một giờ sáng cùng ngoại đón xe đò đi Long Khánh – Đồng Nai mua chuối về bán. Sáu giờ về lại Sài Gòn, chị mới chuẩn bị tập vở đến lớp. Lên lớp Bảy, chị đạp xe mấy chục cây số mua rượu về bán lại cho các hàng quán. Hồi đó chị nhỏ con và ốm yếu nhưng phải chở tới bốn can rượu đi bỏ mối. Tiền lời mỗi can đủ mua một ki-lô-gam gạo.

   Có lần, chị bị đụng xe, bốn can rượu bị vỡ, bắn tung tóe trên mặt đường. Hết vốn, chị chỉ biết ngồi khóc và đạp xe quay lại năn nỉ người bán cho mua chịu rồi trả dần. Bỏ mối rượu được hai năm, chị xin vào – làm thuê cho chủ quán nhậu. Mặc dù làm việc vất vả nhưng lúc rảnh rỗi chị lại lấy sách ra học. Ngày qua ngày chị cứ làm như vậy cho đến khi chị thi đậu vào trường chuyên Lê Hồng Phong.

   Cuộc sống của mấy bà cháu chị trôi qua khốn khó. Gia đình chị không đủ tiền mua thịt cá nên bữa ăn hàng ngày chỉ toàn đồ chay.

   Học hết lớp 12, chị phải rời xa trường lớp, chị cần tiền để phụ bà nuôi em ăn học. Một người dạy miễn phí cho chị nghề may. Tuy nhiên trong chị vẫn ấp ủ một khát vọng được tiếp tục học. Nhờ chị chịu khó, nên khách hàng đặt may ngày càng đông. Cuộc sống đỡ vất vả, chị nảy ra ý định muốn đi học lại. Ban ngày nay, tối đến học thêm Anh văn, vi tính. Lấy được bằng B Anh văn, chị xin vào làm ở một công ty nước ngoài. Công việc đòi hỏi phải tiếp xúc với người nước ngoài thường xuyên. Thấy kiến thức của mình quá ít, chị quyết lấy được tấm bằng đại học.

   Ước mơ cuối cùng thành hiện thực sau bốn năm, chị rất toại nguyện khi cầm trên tay tấm bằng cử nhân Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.

   Chị lập gia đình năm 1994, chồng chị là công nhân cơ khí. Cưới nhau xong, anh thi vào Đại học Mở, nghành Công nghệ Thông tin. Chị chuyển sang làm thư kí giám đốc ở một công ty xuất nhập khẩu vi tính.

   Cả hai vợ chồng chị đều nỗ lực phấn đấu. Khi con trai chị được một tuổi, chị bàn với chồng mở công ty kinh doanh máy vi tính. Vét hết tiền trong nhà được mười triệu đồng, chị chạy vay thêm được năm mươi triệu đồng. Công việc kinh doanh suôn sẻ, chị trả được nợ ngay. Những tưởng cuộc đời mình từ đây sẽ được ổn định. Bất ngờ, chồng chị bị đột quỵ rồi qua đời. Chị rơi vào một cơn sốc nặng, lúc đó con chị mới hai tuổi. Đau buồn khiến chị quẫn trí, chị bỏ mặc việc kinh doanh cho nhân viên. Hai năm, ngày cũng như đêm chị nhốt mình trong phòng gặm nhấm nỗi đau. Con chị ngày một lớn. Chị giật mình phát hiện mình đã quá k khạo. Chị tự nhủ: “Phải tiếp tục đứng dậy, đương đầu với khó khăn để nuôi con nên người”.

   Thế là chị lại lao vào công việc, quên ăn, quên ngủ. Làm việc trở lại, chị mới biết thị trường máy vi tính đã bão hòa, khó phát triển.

   Làm việc mệt mỏi, chị đi massage thư giãn. Từ đây chị chợt nảy ra ý định kinh doanh spa. Đầu tư khoảng hai trăm triệu đồng, chị mở spa trên đường Pasteur.

   Thấy kinh doanh spa đông khách, chủ nhà lấy lại mặt bằng. Quyết không chịu thua, chị lại chạy đôn đáo tìm mặt bằng khác. Ròng rã hàng tháng trời, cuối cùng chị đã tìm được địa điểm mới.

   Nhìn chị làm việc hăng say, không ai biết hằng đêm chị vẫn khóc thầm cho mình. Đôi khi, chị thèm được nghe một câu an ủi, động viên mỗi khi gặp khó khăn.

   Dù sao tất cả những gì trải qua đã giúp chị có thêm nghị lực sống. Mong muốn duy nhất của chị bây giờ là nuôi con khôn lớn, thành tài.

Nguồn website giaibai5s.com

Giải bài tập Tiếng Việt 5 Tập 2-Tuần 30. Nam và nữ-Kể chuyện. Kể chuyện đã nghe, đã đọc
Đánh giá bài viết