HƯỚNG DẪN

Đề bài chỉ đưa ra một nhận định khái quát và cô đúc về giá trị nổi bật của Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc: đó là một tiếng khóc bi tráng. Nhưng “tiếng khóc bi tráng” đó như thế nào thì không nói rõ (đây là dạng đề chìm), và dĩ nhiên, người viết phải tự tìm ra điều đó bằng sự hiểu biết của mình về tác phẩm. Nhưng tìm bằng cách nào? Trước tiên, phải xác định “tiếng khóc bi tráng” là tiếng khóc như thế nào; sau đó, mới soi vào tác phẩm để thấy “tiếng khóc bi tráng” đó được biểu hiện ở những phương diện nào của bài văn tế, nó cao cả, xúc động, truyền cảm mạnh mẽ ra sao,… trên cơ sở đó, đánh giá bài văn tế, nêu lên giá trị của nó lúc bấy giờ cũng như hiện nay. Như vậy, vấn đề cơ bản của bài làm này là phải xác định được các mặt chủ yếu của “tiếng khóc bi tráng” đó để phân tích nhằm làm rõ vấn đề nghị luận của đề bài.

Có thể xác lập dàn ý của bài viết như sau:

I. Mở bài:

Giới thiệu Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc – một tiếng khóc bi tráng trong văn học yêu nước chống Pháp ngay từ buổi đầu thực dân Pháp xâm lược nước ta.

II. Thân bài

1. Tiếng khóc bi tráng là tiếng khóc như thế nào?

– Vừa bị ai, vừa hùng tráng. Bi là đau xót; tráng là lớn lao, hùng vĩ;

– Quan trọng là ở chỗ: có bi, có tráng, nhưng cái tráng đã át cái bi để thành cái cao cả, anh hùng, đem đến cho cái bi màu sắc và âm hưởng hào hùng.

2.  Tiếng khóc bi tráng được biểu hiện ở những phương diện nào và biểu hiện ra sao trong bài văn tế?

– Tiếng khóc bi ai: Đó là tiếng khóc đau xót và thương tiếc của nhân dân đối với những người nghĩa sĩ đã hi sinh cho Tổ quốc, tiếng khóc não nùng của các gia đình liệt sĩ (mẹ già ngồi khóc trẻ, vợ yếu chạy tìm chồng…) (Phân tích qua nghệ thuật thể hiện của tác giả).

– Tiếng khóc hùng tráng: Văn tế là tế người đã khuất (ở đây là các nghĩa sĩ đã hi sinh), bản thân nó là một tiếng khóc, nhưng ở phần thích thực, tác giả đã nhiệt liệt ca ngợi tinh thần chiến đấu anh dũng vô song và chiến công tuyệt vời của những người nghĩa sĩ đánh giặc cứu nước, nên đã khiến cho tiếng khóc đó mang âm hưởng hùng tráng, hào hùng. Chính phần thích thực đã làm cho phần ai vãn trong bài văn tế tuy có bi nhưng không bi lụy.

– Cái tráng đã át cái bị để thành cái cao cả, cái anh hùng: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là khúc ca những người anh hùng thất thế, nhưng vẫn hiên ngang: “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc… muôn kiếp nguyện được trả thù kia.” (Phạm Văn Đồng).

– Tiếng khóc đó đã được biểu hiện xúc động, sâu sắc, thiêng liêng trong bài văn tế và truyền cảm mạnh mẽ đến người đọc (Phân tích qua nghệ thuật thể hiện của tác giả).

3. Đánh giá tiếng khóc

Đó là một tiếng khóc lớn – một tiếng khóc cao cả thiêng liêng. Nó đã vượt ra khỏi tình cảm riêng tư để thành tiếng khóc chung của Dân tộc, cả Dân tộc khác những người con tiêu biểu của mình đã hi sinh cho đất nước.

III. Kết bài:

Tiếng khóc bi tráng đó đã làm cho bài văn tế sống mãi cùng non sông đất nước và nhân dân Việt Nam.

ĐỀ 82: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc – Một tiếng khóc bi tráng.
4.7 (93.66%) 41 votes