BÀI LÀM

Khi tiếng súng xâm lược của thực dân vang lên ở đất Nam Bộ, cuộc kháng chiến chống Pháp ở đất Lục tỉnh này đã diễn ra, không những trên mặt trận, mà còn trong các tác phẩm thơ văn. Thơ văn đương thời thể hiện rõ quan điểm “đánh Tây là vinh, theo Tây là nhục”, nên xuất hiện nhiều tác phẩm ngợi ca sự chiến đấu quên mình, sự hi sinh anh dũng của những binh tướng bấy giờ. Đặc biệt với hình tượng người nghĩa sĩ nông dân, ta không thể quên được những dòng văn bi tráng, hào hùng viết về họ trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Nguyễn Đình Chiểu đã thực hiện được một điểm mới trong thơ văn xưa, lần đầu tiên phát hoạ rõ nét hình ảnh người nông dân – nghĩa sĩ anh hùng bằng một bài văn bi tráng mà hào hùng, trữ tình mà như có thép gang khích lệ.

Có thể nói hình ảnh người nghĩa sĩ nông dân hiện lên thật rõ ràng, chân thực qua hai thời điểm: lúc họ còn chân lấm tay bùn sống cuộc đời chân chất, giản dị, và khi họ đã “đứng lên thành những anh hùng”, dũng cảm chiến đấu chống ngoại xâm. 

Và thực vậy, ngay từ đầu khi Nguyễn Đình Chiểu khẳng định cái chết bất tử của người nghĩa sĩ nông dân; ông đã chỉ rõ hai thời điểm ấy: “mười năm công vỡ ruộng”, “một trận nghĩa đánh Tây”. Và ta hãy xem những hình ảnh ấy hiện ra như thế nào trong đoạn văn “thích thực”:

Nhớ lính xưa. 
Côi cút làm ăn, toan lo nghèo khó
Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay uốn quen làm, tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó…

Hiệu quả của phép đối làm ta cảm giác ý văn cũng được phân đôi. Một bên, nhà thơ muốn nói về cảnh lam lũ vất vả của người nông dân. Điều này thì đã quen thuộc, vì ai cũng đã nghe qua ít nhất là trong ca dao xưa, cảnh “con trâu đi trước, cái cày” theo sau”. Bốn chữ “việc” điệp lại chỉ làm ta thêm ấn tượng về cuộc sống vất vả của người dân Nam Kì. Song vế còn lại thì làm cho người đọc chú ý thực sự về xuất thân của người nông dân. Sẽ thực ngạc nhiên nếu đọc qua đoạn văn sau kể những chiến tích oanh liệt của người nghĩa sĩ nông dân, mà biết rõ rằng họ “không quen cung ngựa”, “đâu tới trường nhung”, thậm chí việc nhìn qua thao luyện thôi mà cũng “mắt chưa từng ngó”. Rõ ràng chiến tranh quá xa lạ với người nông dân Nam Kì. Họ không phải là những nghĩa sĩ Tây Sơn với truyền thống võ nghệ và sức khỏe tráng cường của người Bình Định. Họ không được huấn luyện với thao lược và trí tuệ của các lãnh tụ Lam Sơn như Lê Lợi, Nguyễn Trãi. Vậy hành trang của người nông dân là gì trên chiến trường ấy? Đó chính là ý chí của họ, sự chuyển biến trong nhận thức một cách sâu sắc mà ta dễ dàng ngộ ra ở đoạn văn tiếp theo:

Trong phong hạc phập phồng hơn mười tháng, trông tin quan như trời hạn trông mưa, mùi tinh chiến lấy hoá đã ba năm, ghét thời mọi như nhà nông ghét cỏ.

Bữa, thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan; ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ.

Một mối xa thư đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hươu; hai vầng nhật nguyệt chói loà, đâu dung lũ treo dê bán chó.

Nào đợi ai đòi ai bắt, phen này xin ra sức đoạn hình; chẳng thèm trốn ngược trốn xôi, chuyện này dốc ra tay bộ hổ. 

Trong đoạn văn, Nguyễn Đình Chiểu không ước lệ, không khuôn mẫu, mà hình tượng người nông dân vẫn hiện lên sinh động vô cùng. Chỉ với bút pháp tả thực, dùng thành ngữ theo phong cách người miền Nam: “như trời hạn trông mưa”, “như nhà nông ghét cỏ”, “muốn tới ăn gan”, “muốn ra cắn cổ”, cùng với những từ mang sắc thái quyết liệt, thể hiện sự sẵn sàng “há để ai”, “đâu dung”, “nào đợi”, “xin ra sức”, “dốc ra tay”, ta thấy từ những con người quanh năm chỉ biết lam lũ vất vả, họ đã trở thành những binh sĩ chống xâm lược thật hiên ngang bất khuất. Nhìn lại lịch sử, ba năm thực dân Pháp xâm lược và hoành hành đã gây bao nhiêu đau khổ cho nhân dân “Bến Nghé của tiền tan bọt nước – Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây” (Nguyễn Đình Chiểu). Thử hỏi cảnh bấy giờ ai không thù giặc? Giọng văn bộc trực đúng như lòng người nông dân vậy, thấy gì nói nấy, chẳng phải hình tượng hoá. Nhưng đằng sau lời văn thẳng thắn, vẫn canh cánh một lòng yêu nước, đau nỗi đau quê hương, nhục nỗi nhục dân tộc. Có thể để đau nhục thế mãi chăng? Không, cuối cùng người nông dân đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” mở đầu cho sự chiến đấu oanh liệt của mình. Sự trỗi dậy của người nông dân cũng là sự chuyển ý trong đoạn văn. Cái lam lũ cơ cực đã chấm dứt, bây giờ là những áng văn anh hùng. Ta chợt nhớ hình ảnh của Từ Hải trong Truyện Kiều: .

Râu hùm, hàm én, mày ngài
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.

Hay chính Nguyễn Đình Chiểu từng tả Lục Vân Tiên:

 Vân Tiên đầu đội kim khôi
Tay cầm siêu bạc, mình ngồi ngựa ô. 

Người nông dân lúc này đâu khác gì bậc anh hùng như Từ Hải, Vân Tiên? Khác chăng, là ở bút pháp hành văn của tác giả. Từ Hải, Vân Tiên anh dũng thật! Nhưng sự anh dũng của họ đã qua lí tưởng hóa, ước lệ hoá, nên họ cao lớn mà xa lạ. Còn người nghĩa sĩ nông dân thì khác, họ anh hùng nhưng gần gũi, chân thực hơn. Đến đây, tác giả tập trung phác hoạ sự chiến đấu của người nghĩa sĩ nông dân. Hào hùng thay! Những khí giới, tầm thường cũng trở thành vũ khí sắc nhọn. Bậc anh hùng xưa gắn với đao to, kiếm sắc, tên nhọn, giáo dài; thì người nông dân lại lập kì tích bởi “manh áo vải”, “ngọn tầm vông”, “lưỡi dao phay”. Như thế, cũng là những khí cụ thường ngày mà xưa người dùng là những con người chất phác, nay người dùng lại là những bậc anh hùng. Nhịp điệu đoạn văn sôi nổi hẳn lên, không trống không chiêng mà người đọc cũng dồn dập. Những từ ngữ mang tính sẵn sàng, thà hi sinh của người nông dân lại vang lên: “không chờ bày bổ”, “nào đợi mang”. Chiến tích cũng theo ý văn mà dày lên: đốt nhà dạy đạo, chém rớt đầu, tấn công vào được ngay cả đồn giặc:

Chi nhọc quan quản gióng trống là trống giục, đạp rào lao tới, coi giặc cũng như không; nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô của xông vào liều mình như chẳng có.

Như những Đăm Săn, Từ Hải, Vân Tiên, người nông dân vượt qua tên đạn kẻ thù để hướng đến mục đích cuối cùng là giết sạch quân thù. Chất sử thi vốn nằm trong văn học thời chiến tranh cổ đại rồi kháng chiến chống quân Minh… giờ lại bùng lên và cháy sáng. Những từ “đạp”, “xô”, “liều, “đâm ngang”, “chém ngược” mang sắc thái mạnh mẽ, oanh liệt, như đề cao thêm chiến tích của người nông dân. 

Cuối cùng, với những ngọn tầm vông, manh áo vải, lưỡi dao phay, dù không thoát khỏi hi sinh, nhưng người nông dân đã sống một cuộc đời oanh liệt, chết trong tư thế hiên ngang, khiến cho kẻ thù phải hãi hùng khiếp sợ!

Vậy là trong phần thích thực, với ngòi bút trữ tình hùng tráng, Nguyễn Đình Chiểu đã phác họa nên hình ảnh người nông dân từ khi còn chỉ biết ruộng trâu cho đến khi trở thành những anh hùng xông trần hiên ngang hi sinh oanh liệt.

Cùng với hình tượng tiếng khóc, hình tượng người nghĩa sĩ nông dân làm nên chất bi tráng của Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Và đến đoạn kết, một lần nữa người nghĩa sĩ lại hiện ra, ngay ở cõi âm:

Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia; sống thờ vua, thác cũng thờ vua, lời dụ dạy đã rành rành, một chữ ấm đủ đến công đó. 

Người nghĩa sĩ dù đã mất, nhưng ý chí, linh hồn vẫn còn làm tiếp nghĩa vụ bảo vệ quê hương đất nước. Bài văn khép lại, hình ảnh người nghĩa sĩ còn mãi cùng lòng yêu nước hào hứng và ý chí chống giặc kiên định.

Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là khúc tráng ca về hình tượng người nông dân – nghĩa sĩ. Trước Nguyễn Đình Chiểu, chưa ai làm được như ông, đưa hình tượng người nông dân thành anh hùng, thành biểu tượng chính nghĩa. Sau Nguyễn Đình Chiểu, cũng không ai thành công được như ông, hình ảnh người nghĩa sĩ xuất thân lam lũ, vất vả rồi trở thành oanh liệt, uy phong… mãi mãi là một trong những hình tượng đẹp nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm và để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người.

ĐỀ 81: Vẻ đẹp của hình tượng người nông dân trong văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu.
Đánh giá bài viết