BÀI LÀM

Đất nước ta đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO nhưng thực sự hội nhập với kinh tế toàn cầu thì có lẽ còn cả chặng đường dài phía trước. Bởi nhiều vấn đề kinh tế xã hội của chúng ta đang là những bài toán nan giải: kinh tế lạm phát, giá cả tăng cao, đời sống người dân khó khăn, trình độ dân trí thấp. Riêng trong lĩnh vực giáo dục, tình trạng thừa thầy thiếu thợ, chạy theo thành tích, bằng cấp chưa đạt chuẩn quốc tế, tệ nạn gian lận trong thi cử, mua bán học vị xuất hiện từ phổ thông đến đại học, trên đại học,… đó là những cản trở căn bản khiến chúng ta rất khó khăn để hội nhập quốc tế.

Nguyên nhân của những cản trở đó là gì? Vũ Khoan trong bài viết Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới đã góp phần chỉ ra một trong những nguyên nhân gây cản trở khả năng hội nhập quốc tế của chúng ta: “Ấy là những lỗ hổng về kiến thức cơ bản do xu hướng chạy theo những môn học “thời thượng”, nhất là khả năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế do lối học chay, học vẹt nặng nề…”. Ý kiến của tác giả chủ yếu hướng tới đối tượng “người học”, “việc học” vì vậy có thể khẳng định đây chính là “vấn đề” của thế hệ trẻ, đòi hỏi thế hệ trẻ cần phải suy nghĩ. Bên cạnh “cái mạnh” là “sự thông minh, nhạy bén với cái mới”, con người Việt Nam, theo Vũ Khoan, “vẫn tồn tại không ít cái yếu”, chủ yếu là “cái yếu” về kiến thức cơ bản và phương pháp học tập.

Trước hết, nói về “cái mạnh” mà ai cũng thấy rõ ở người Việt ta. Nhờ thông minh và nhạy bén với cái mới mà người Việt chúng ta dễ thích nghi với môi trường, hoàn cảnh; học hỏi nhanh, bắt chước tốt, tư duy cởi mở, ít kì thị. Những ưu điểm đó khiến chúng ta có khả năng hòa đồng cao, tránh được những xung đột “đối đầu” không cần thiết. Việc cha ông ta thực hành “tam giác đồng nguyên”, dung hòa tam giáo Nho, Phật, Đạo qua bao nhiêu triều đại; việc tín ngưỡng đa dạng của dân ta, kết hợp thờ cúng tổ tiên với thờ Phật, không bài xích các tôn giáo ngoại lai,… đều chứng tỏ sự “nhạy bén với cái mới” cũng như trí “thông minh” biết dung hòa các mâu thuẫn để tìm ra giải pháp phù hợp nhất. Hàng nghìn năm Bắc thuộc không làm chúng ta mất đi bản sắc dân tộc, thậm chí cái bản sắc đó càng được tô đậm hơn bởi cách chúng ta “bản địa hóa, “Việt Nam hoá” những truyền thống ngoại lai khi chúng gần gũi với tâm thức người Việt. Chẳng hạn, cũng là chữ nghĩa mà người Trung Hoa đề cao, trong Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu trở thành lối sống trọng tình nghĩa thuỷ chung đầy chất phác, bộc trực đậm chất Nam Bộ – cái “chất” mà người Pháp cũng phải công nhận đích thực là “dân tộc tính” Việt Nam.

Nhưng “dân tộc tính” nào cũng có mặt trái của nó. “Người học” Việt Nam ngày nay quả là đang phải đương đầu với “những lỗ hổng về kiến thức cơ bản do xu hướng chạy theo những môn học “thời thượng”. “Kiến thức cơ bản” có thể hiểu là những tri thức tối thiểu mà một con người trong xã hội cần phải được trang bị, ví dụ như khả năng giao tiếp với cộng đồng (nói và viết); khả năng tự học, năng lực tự giác tuân thủ pháp luật; năng lực chủ động giải quyết các tình huống mà cuộc sống đời thường đặt ra; hoặc những hiểu biết về môi trường sống, dinh dưỡng sức khỏe; ý thức về các giá trị nhân văn, nhân bản… Không phải nhà trường không dạy học sinh tất cả những điều đó. Nhưng vấn đề là ở chỗ, các “kiến thức cơ bản” chưa được tập hợp thành một hệ thống có tính chất bắt buộc. Và quan trọng hơn, người ta mải chạy theo những ngành nghề, môn học “có giá” của xã hội mà bỏ qua những môn học không hứa hẹn kiếm ra tiền. Xu hướng chọn nghề của một thời đã từng là: “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa, Giao thông bỏ qua, Sư phạm xin kiếu?”, hoặc gay gắt, chì chiết hơn: “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, muốn tan cửa nát nhà thì đi Sư phạm!”. Xu hướng chạy theo “thời thượng” đó phải chăng chỉ là lỗi của riêng “người học”? Rõ ràng không hoàn toàn chỉ do “người học”. Chính cơ chế xã hội, kết cấu nền kinh tế chính trị đã “đẻ ra” xu hướng “theo thời” lệch lạc phiến diện. Khi ấy, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư xây dựng, đương nhiên nghề giao thông rất thiếu việc làm. Còn nghề dạy học thì không được coi trọng. Với đồng lương còm cõi, thầy, cô giáo sống lay lắt bằng cách làm thêm đủ mọi nghề, thử hỏi ai dám chọn nghề “giáo” để đói đến chết? Và thầy, cô vật lộn mưu sinh cực nhọc, liệu có tâm huyết để dạy học trò những điều nhân văn cao cả? Mấy năm gần đây đến lượt “lên ngôi” của các ngành nghề thương mại, ngân hàng, tài chính, quản trị kinh doanh, điện tử viễn thông,… nghĩa là các môn học liên quan trực tiếp đến tiền bạc và dễ kiếm tiền nhất. Cứ như thế, người ta mải mê chạy theo mục đích tối thiểu của cuộc sống là kiếm tiền mà xao nhãng đi những kiến thức cơ bản” làm nên một công dân có ích. Tác hại của “cái yếu”, này không khó thấy mà lại rất khó khắc phục. Tôi nghe bố tôi đi làm về thường than phiền rằng các anh chị kĩ sư mới ra trường ở công ty bố không biết viết bản báo cáo, tường trình hoặc hợp đồng cho đúng quy cách, lỗi chính tả và câu quê cụt lung tung. Hay cơ quan dì tôi, tuyển được những nhân viên “trẻ trung năng động” thì lại rất thiếu khả năng làm việc theo nhóm, họ chỉ “thích độc lập tác chiến”, dẫn đến hiệu quả làm việc thấp bởi đó là những công việc đòi hỏi sự hợp tác tập thể Không chỉ có tác hại về “lỗ hổng” tay nghề kĩ thuật. Mà tác hại về “lỗ hổng” quan niệm nhân sinh mới thật đáng báo động. Nhiều cha mẹ “say mê nghề nghiệp”, hái ra tiền, gia đình giàu sang hoặc quan cao chức trọng mà không chú trọng giáo dục “kiến thức cơ bản” cho con cái, phó mặc con cái cho nhà trường, đều dẫn đến bi kịch: con cái thả sức chơi bời, lêu lổng, rồi sa vào các tệ nạn nghiện hút, cờ bạc, ma tuý, mại dâm, trộm cướp,… tạo thêm gánh nặng ngàn cân cho xã hội.

Một “cái yếu” đáng kể nữa của “người học” Việt Nam hiện nay là “khả năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế do lối học chay, học vẹt nặng nề”. Tại sao chúng ta lại sa vào “lối học vẹt, học chay nặng nề”? Trước hết, cũng phải kể đến hoàn cảnh xã hội và điều kiện kinh tế thiếu thốn của đất nước bao năm qua kết hợp với một tầm nhìn thiếu tính chiến lược của các nhà hoạch định chính sách. Học sinh học văn học và thư viện thiếu tác phẩm, cô giáo cũng chưa có thời gian đọc hết toàn bộ tác phẩm, chỉ dạy và học đoạn trích, tránh sao khỏi cô “giảng chay” trò “học chay” nói theo ý kiến người khác? Môn Hoá học thiếu dụng cụ thí nghiệm. Môn Sinh học không có vườn trường để học sinh quan sát cây cối, chim muông, nói cho đúng hơn là vườn trường không có gì ngoài đất trống với dăm ba cây cỏ và quanh năm cửa đóng then cài. Học địa lí nước nhà chỉ trên bản đồ chưa cập nhật. Học lịch sử chi trên sách giáo khoa với những con chữ và con số khô khan chết cứng; việc đi thăm bảo tàng thật hiếm hoi và đơn giản hơn, được học về một trận chiến tranh qua một cái sa bàn cũng đã là một điều mơ ước xa xỉ. Bên cạnh đó, nhặt trái của “dân tộc tính” cũng dễ khiến chúng ta “học vẹt”. Sự nhạy bén với cái mới nếu thái quá sẽ dễ trở thành công cạn, phiến diện, lai căng, đánh mất bản sắc. Nhạy bén với cái mới quá khiến người ta suy nghĩ không sâu, dễ dàng thụ động chấp nhận cái mới trên phương diện lí thuyết bao biện mà không chờ thời gian thực hành với sự chủ động kiểm nghiệm của chính mình. Những mặt trái đó chính là lối “học vẹt nặng nề” đã ăn sâu vào nhiều thế hệ học sinh, sinh viên. Ai đã qua tuổi học trò đều được nghe truyền tụng câu chuyện cười quen thuộc về một đứa bé học thuộc lòng như con vẹt: “Rắn là loài bò” hay một ông thầy thuốc lang băm chữa bệnh như con vẹt, không hiểu nghĩa sách đến nỗi giết chết bệnh nhân: “phúc thống phục nhân sâm”. Đương nhiên, chúng ta không thể phản đối việc học thuộc lòng của trẻ em với những bài thơ, câu văn hay là công thức, định lí toán học. Việc học thuộc lòng cũng rất cần cho người học ngoại ngữ, có những mẫu câu hay từ vựng buộc phải nhớ một cách máy móc không cách nào khác. Như vậy, “học thuộc lòng” và “học vẹt” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Một là loại phương pháp học và một là loại phi phương pháp. Loại phi phương pháp – “học vẹt” thì không cần suy nghĩ, không cần hiểu rõ. Còn học thuộc lòng không loại trừ sự suy nghĩ, so sánh, liên tưởng, lật đi, lật lại vấn đề. 

Tôi và bạn, chúng ta hãy dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, đối mặt với những “lỗ hổng” về kiến thức, cách suy nghĩ cũng như cách học phi phương pháp của chính chúng ta, đồng thời tích cực tìm biện pháp khắc phục. Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan cần thi hành một cuộc cải cách giáo dục triệt để tận gốc. Nhưng quan trọng hơn, mỗi người học” trẻ tuổi cần phải có ý thức chủ động, sáng tạo trong tiếp thu sự giáo dục và không ngừng quá trình “tự đào tạo”, “đào tạo lại” thì mới mong hành trang vào thế kỉ mới của chúng ta không bị lạc hậu với thế giới.

ĐỀ 53: Từ ý kiến dưới đây anh / chị suy nghĩ gì về việc “chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới?”: “Cái mạnh của con người Việt Nam là sự thông minh và nhạy bén với cái mới… Nhưng bên cạnh cái mạnh đó vẫn tồn tại không ít cái yếu. Ấy là những lỗ hổng về kiến thức cơ bản do xu hướng chạy theo những môn học “thời thượng”, nhất là khả năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế do lối học chay, học vẹt nặng nề…” (Theo Vũ Khoan, “Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới”) (Yêu cầu viết bài văn)
Đánh giá bài viết