HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

1. Xác định yêu cầu của đề bài

a) Yêu cầu đề thao tác lập luận: Đây là loại đề nghị luận về hiện tượng đời sống. Cần kết hợp các thao tác lập luận giải thích, bình luận, chứng minh và các phương thức biểu đạt tự sự, thuyết minh, biểu cảm để làm nổi bật suy nghĩ của cá nhân.

b) Yêu cầu về nội dung bàn luận: Trọng tâm của đề bài là nhận thức rõ ràng và cụ thể về cái yếu – nhược điểm của tính cách người Việt Nam (thiếu kiến thức cơ bản, chạy theo thời thượng, thiếu sáng tạo, nặng lí thuyết kém thực hành, cách học thụ động,…) từ đó xác định phương pháp khắc phục nhược điểm để chuẩn bị tốt hành trang vào thế kỉ mới.

2. Gợi ý lập dàn bài

Mở Bài

Có thế mở bài theo nhiều cách, nhưng cần dẫn nhập dề bài theo định hướng sau:

– Đất nước ta gia nhập WTO, hội nhập nền kinh tế thế giới đã ba năm nay song còn nhiều bất cập”, lại đang phải đối phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu, riêng Việt Nam lạm phát tăng cao, tất cả đều đòi hỏi chúng ta phải được chuẩn bị lại đầy đủ hơn, kĩ lưỡng hơn hành trang cho thế kỉ mới.

– Trong thời đại toàn cầu hoá, tiếp xúc và đối mặt với thế giới, người Việt Nam càng nhận rõ hơn những nhược điểm “dân tộc tính” của mình. Nhanh chóng khắc phục nhược điểm là một điều kiện tiên quyết để chúng ta hội nhập với thế giới.

Thân Bài

Cần triển khai bài viết theo hệ thống ý sau đây:

a) Giải thích ý kiến của Vũ Khoan, làm rõ hai nội dung: “cái mạnh” và “cái yếu”, của người Việt Nam, chủ yếu là đối tượng “người học”; dùng “cái mạnh” như đòn bẩy để tập trung phân tích nổi bật “cái yếu”; trong “cái yếu” nhấn mạnh hai điểm chính là thiếu kiến thức cơ bản và lối học thụ động lí thuyết suông.

b) Bàn luận về ý kiến Vũ Khoan: Dùng dẫn chứng thực tế để chứng minh mặt đúng đắn cũng như mặt cần bổ sung của ý kiến:

– Ưu điểm thông minh, nhạy bén với cái mới của người Việt Nam được thể hiện thế nào? Tác dụng nổi bật của ưu điểm là gì? Người Việt Nam học nhanh, bắt chước tốt, ưa thích cái mới và dễ thích nghi với cái mới, tư duy cởi mở, ít kì thị. Ưu điểm đó giúp người Việt Nam nhanh chóng hoà nhập với môi trường và thế giới, tạo nên sự tồn tại hoà đồng giữa các khuynh hướng đối lập, tránh được xung đột, theo đúng xu thế nhân loại đang kêu gọi hướng tới là “đối thoại” chứ không “đối đầu”.

– Nguyên nhân và tác hại của nhược điểm thiểu kiến thức cơ bản là gì? Nguyên nhân là không được trang bị nền tảng học vấn, không có tầm nhìn vĩ mô, nên không coi trọng đúng mức tầm quan trọng của các “kiến thức cơ bản” (kì năng giao tiếp với cộng đồng, khả năng tự học, năng lực chủ động ứng xử với các tình huống cuộc sống,…) đối với mỗi cá nhân cũng như với sự phát triển chung của xã hội; bị chi phối mạnh bởi đời sống vật chất, chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, không suy xét sâu xa nên chạy theo những ngành nghề có tính “thời thượng” giai đoạn. Tác hại là khoa học cơ bản không phát triển, nền học vấn nhất gốc, các giá trị nhân văn bị coi nhẹ, con người chỉ chăm chú làm giàu dẫn đến nhiều bi kịch gia đình: cha mẹ giàu có, quan cao chức trong song con cái nghiện hút, cờ bạc, trộm cắp, hành lạc,…

– Nguyên nhân và tác hại của nhược điểm học thụ động nặng về lí thuyết là gì? Nguyên nhân là mặt trái của “dân tộc tính”: vì bản tính nhanh nhạy nên suy nghĩ không sâu, tính cách dễ thích nghi đồng thời cũng là bản tính đơn giản, hời hợt, phiến diện. Một nguyên nhân nữa là hoàn cảnh xã hội và điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn làm hạn chế lối “học đi đôi với hành” một cách chủ động tích cực, “học chay” thì không tốn kém nhưng tất yếu sẽ dẫn đến “học vẹt”. Tác hại là hình thành lối suy nghĩ một chiều “ăn theo, nói leo”, kém tư duy độc lập và phản biện; thói quen suy nghĩ này rất nguy hiểm vì nó làm trì trệ tư duy xã hội, kìm hãm khả năng phát triển.

– Những giải pháp khắc phục nhược điểm: Nhà nước cần đầu tư thích đáng hơn cho công cuộc cải cách giáo dục; mỗi cá nhân cần dũng cảm và nghiêm khắc soi xét “dân tộc tính của chính mình, kịp thời tự uốn nắn, không ngừng tự học, tự đào tạo lại theo chuẩn quốc tế.

c) Trải nghiệm của bản thân: Liên hệ với bản thân anh / chị để thấy rõ hơn hậu quả của hai nhược điểm trên hoặc sự tiến bộ khi kịp thời vượt qua được “cái yếu”.

Kết Bài

Khẳng định vấn đề “cái yếu” của con người Việt Nam trong sự nghiệp học tập và hội nhập với thế giới là một thực tế cần phải nhìn thẳng và nhanh chóng khắc phục thì mới tránh được sự tụt hậu đáng tiếc.

 

ĐỀ 52: Từ ý kiến dưới đây anh / chị suy nghĩ gì về việc “chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới?”: “Cái mạnh của con người Việt Nam là sự thông minh và nhạy bén với cái mới… Nhưng bên cạnh cái mạnh đó vẫn tồn tại không ít cái yếu. Ấy là những lỗ hổng về kiến thức cơ bản do xu hướng chạy theo những môn học “thời thượng”, nhất là khả năng thực hành và sáng tạo bị hạn chế do lối học chay, học vẹt nặng nề…” (Theo Vũ Khoan, “Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới”) (Yêu cầu lập dàn bài)
4.3 (86.67%) 15 votes