BÀI LÀM

“Còn thằng Mĩ thì không ai có hạnh phúc nổi cả”. Câu nói của người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi ngày nào giờ đã trở thành chân lý. Bởi nơi nào còn gót giày xâm lược của thực dân là nơi đó còn đau thương, tang tóc. Con người ta phải sống trong cảnh tan tác chia ly. Con xa cha, vợ xa chồng, mẹ vĩnh viễn mất con, nỗi đau cứ chồng chất theo thời gian người lính trong ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Thấu hiểu sự mất mát ấy của con người, và cũng để ca ngợi tình phụ tử thiêng liêng, sâu nặng, Nguyễn Quang Sáng đã sáng tác Chiếc lược ngà, một câu chuyện cảm động, viết về tình cha con giữa anh Sáu và bé Thu, được đặt trong hoàn cảnh éo le của cuộc chiến tranh. Đến với tác phẩm, người đọc không thể quên được nhân vật bé Thu, một cô bé hồn nhiên, ngây thơ nhưng đầy cá tính, bản lĩnh và có lòng yêu thương cha sâu sắc.

Bé Thu là nhân vật trung tâm của câu chuyện, được tác giả khắc họa hết sức tinh tế và nhạy bén qua ngòi bút miêu tả tâm lý tài tình của mình.

Đây là một cô bé có cá tính mạnh mẽ, có bản lĩnh cững cỏi, ương ngạnh. Trong lần anh Sáu về thăm nhà, dù bị mẹ quơ đũa doạ đánh, nó cũng không chịu gọi ba mà chỉ nói trống không. Khi bị dồn vào thế bí, một mình phải đối diện với nồi cơm đang sôi sùng sục, người đọc cứ ngỡ rằng con bé sẽ chịu thua, sẽ gọi ba để giúp đỡ cho mình, nhưng nó vẫn không chịu cất lên cái tiếng mà anh Sáu hằng mong đợi. Bé Thu lại hành động theo sự bướng bỉnh – tự mình làm lấy một công việc nguy hiểm và quá sức bằng cách “lấy cái vá múc ra từng cá nước”. Nghĩa là bé Thu không chịu nhượng bộ, không chịu thua cuộc. Kịch tính được đẩy lên cao khi con bé hất cái trứng cá mà anh Sáu đã gắp cho nó bằng tất cả tình yêu thương của mình. Giận quá, anh đã đánh con. “Tôi tưởng con bé sẽ lăn ra khóc, sẽ giẫy, sẽ đạp cả mâm cơm hoặc chạy vụt đi”. Nhưng nó lại “ngồi im, đầu cúi gằm xuống” và bỏ sang nhà bà ngoại. Con bé thật là ương ngạnh. Nhưng sự ương ngạnh của nó hoàn toàn không đáng trách. Trong hoàn cảnh xa cách và trắc trở của chiến tranh, nó còn quá bé để có thể hiểu được sự khốc liệt của bom đạn, cái cay xè của mùi thuốc súng và sự éo le của đời sống. Người lớn cũng không ai kịp chuẩn bị cho nó đón nhận những khả năng bất thường nên nó đã không tin anh Sáu là ba bởi vì vết thẹo, vết tích của chiến tranh đã làm cho khuôn mặt của anh Sáu bị biến dạng. Phản ứng tâm lý của bé Thu là hoàn toàn tự nhiên, chứng tỏ được tình cảm sâu sắc, chân thật của em dành cho người cha yêu quý. Đó không đơn thuần là sự bướng bỉnh của một cô bé đỏng đảnh mà điều ấy chứng tỏ em có cá tính mạnh mẽ, có lập trường bền chặt, bộc lộ phần nào đó tính cách cứng cỏi, ngoan cường của cô giao liên sau này.

Nhưng dù vậy, Thu cũng vẫn là một đứa trẻ mới 8 tuổi nên em vẫn không thể mất đi nét hồn nhiên, ngây thơ của con trẻ. Hẳn chúng ta còn nhớ, khi bị ba đánh, con bé đã bước ra khỏi mâm cơm rồi “xuống bến, nó nhảy xuống xuồng, mở lòi tói, cố làm cho dây lòi tói khua rổn ràng, khua thật to rồi lấy dầm bơi qua sông”. Đó là một hành động rất trẻ con. Nó tạo tiếng động để gây sự chú ý và muốn rằng, những người lớn đang ngồi ăn cơm kia sẽ ra dỗ dành, vỗ về và năn nỉ nó đừng đi chăng? Có một sự đối lập trong hành động của bé Thu, giữa một bên là sự cứng cỏi, già dặn hơn tuổi, nhưng ở khía cạnh khác, cô bé vẫn mong được yêu quý, vỗ về. Trong giây phút chia tay, để giữ anh Sáu ở lại, nghĩ rằng dùng hai tay để xiết chặt lấy cổ ba nó là chưa đủ nên nó phải “dang cả hai chân rồi câu chặt lấy ba”. Như vậy là ba nó sẽ không thể đi. Nó đâu có hiểu rằng, không một sức mạnh nào có thể giữ được anh Sáu ở lại, kể cả sức mạnh của tình phụ tử. Bởi đối anh và cả những người dân Việt Nam ta lúc đó, nhiệm vụ đặt ra hàng đầu là phải bảo vệ độc lập tự do cho dân tộc nên anh đành gác lại mọi riêng tư cá nhân. Cái hành động níu giữ ngây thơ ấy đã làm cho bà con xung quanh “có người không cầm được nước mắt”. Còn tôi – người kể chuyện “bỗng thấy khó thở như có bàn tay ai nắm lấy trái tim tôi”. Cố giữ dỗ dành ba nó bằng mọi cách là thế nhưng khi nghe bà ngoại “Cháu để ba cháu đi rồi ba cháu về mua cho cháu một cây lược” là nó “từ từ tuột xuống”. Điều ấy cho thấy, đối với trẻ con, những điều nó thích có một sức cám dỗ ghê gớm. Vả lại, nó chỉ nghĩ một cách đơn giản rằng, ba nó đi rồi sẽ trở về. Nếu biết trước đây là một cuộc chia ly vĩnh viễn thì làm sao bé Thu có thể dễ dàng để ba nó ra đi?

Đến với Chiếc lược ngà, hẳn người đọc không thể nào quên tình cảm mà bé Thu dành cho cha. Ở bé Thu luôn tồn tại một | tình yêu cha mãnh liệt. Bé Thu không nhận cha, đối xử lạnh nhạt, có lúc vô lễ với cha. Chính những hành động đáng ghét đó lại vô cùng đáng quý bởi lẽ đó là biểu hiện tuyệt vời của tình cảm người con dành cho cha. Cô bé không tin, thậm chí còn ngờ vực. Đến khi nghe bà ngoại giảng giải về cái theo trên má ba, Thu mới vỡ lẽ đó thực là ba mình. Sự nghi ngờ bấy lâu nay đã được giải toả. Cô bé cảm thấy ân hận, hối tiếc: “Nghe bà kể, nó nằm im lăn lộn cà thỉnh thoảng lại thở dài như người lớn”. Chính vì thế, phút cuối cùng trước khi anh Sáu đi xa, tình yêu và nỗi nhớ mong với người cha xa cách bị dồn nén bấy lâu nay bùng ra mạnh mẽ, hối hả, cuống quýt, có xen lẫn cả sự ân hận. Con bé cứng cỏi, mạnh mẽ ngày nào giờ không nén nỗi tình cảm. Nó bỗng kêu hét lên “ba”. Vừa kêu, vừa chạy đến, nhảy thót lên, ôm chặt lấy cổ ba nó “Vừa ôm chặt lấy cổ ba nó, nó vừa nói trong tiếng nấc: “Ba… ba… không cho ba đi nữa, ba ở nhà với con”. Nó hôn anh Sáu cùng khắp. “Hôn cả vết thẹo dài trên má của ba”. Thế mà vẫn chưa đủ, nó còn “dùng cả hai chân cầu chặt lấy ba”. Tất cả những cử chỉ đó là biểu hiện của một tình yêu nồng cháy. Cô bé đã khóc. Những giọt nước mắt chan chứa yêu thương làm rung động trái tim bao người.

Bằng ngòi bút miêu tả tâm lý trẻ thơ rất tinh tế, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã cho ta thấy được diễn biến tâm lý của | bé Thu trong lần anh Sáu về thăm nhà. Có những bất ngờ nhưng tất cả đều hợp lý, phù hợp với quy luật tình cảm của con người.

Chiếc lược ngà đã xây dựng thành công hình ảnh nhân vật bé Thu, một cô bé có cá tính cứng cỏi đến mức tưởng như ương ngạnh nhưng vẫn giữ được nét hồn nhiên, ngây thơ của con trẻ. Ở em đã tồn tại một tình yêu cha thật mãnh liệt. Truyện làm cho ta thấm thía hơn nỗi đau, sự mất mát mà chiến tranh đã mang đến. Hình ảnh chiếc lược ngà và tình cha con của họ sẽ còn sống mãi. Nó sẽ mãi là kỉ vật, là nhân chứng về tình yêu, nỗi đau, những mất mát, chia ly của người dân Việt Nam ta một thuở.

  Nguồn website giaibai5s.com     

Đề 40: Suy nghĩ về nhân vật bé Thu trong “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng
Đánh giá bài viết