BÀI LÀM

Nguyễn Minh Châu là cây bút xuất sắc của văn học Việt Nam thời kì kháng chiến chống Mĩ. Sau năm 1975, bằng những tìm tòi đổi mới sâu sắc về văn học nghệ thuật, đặc biệt là về truyện ngắn, Nguyễn Minh Châu trở thành một trong những người mở đường cho công cuộc đổi mới văn học. Đặc biệt, Bến quê là một trong những truyện ngắn xuất sắc của ông, qua số phận và hoàn cảnh nhân vật Nhĩ – nhân vật chính của truyện, nhà văn gửi đến chúng ta những thông điệp sâu sắc đầy tính nhân văn về cuộc sống và con người, khơi dậy trong ta tình yêu quê hương đất nước là yêu những gì bình dị, thân thuộc.

Nhân vật Nhĩ là nhân vật chính của truyện, trước hết Nhĩ là một người từng trải, đi rộng và có hiểu biết sâu rộng về cuộc sống. Suốt đời Nhĩ đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất”, anh đã từng in gót chân khắp mọi chân trời xa lạ. Có thể nói bao cảnh đẹp những nơi phồn hoa đô thị gần xa, những miếng ngon nơi đất khách quê người, anh đã được thưởng thức. Nhưng chính vào giờ phút cuối cùng của cuộc đời, thì một người yêu thích những chuyến đi như anh lại phải chịu một bi kịch là nằm trên giường bệnh và không được đi đâu. Và cũng chính lúc nằm trên giường bệnh anh thấm thía nhận ra những vẻ đẹp gần gũi, bình dị của quê hương hiện ra ở ngay quanh mình.

Nhĩ là một người có lòng yêu gia đình, yêu quê hương sâu sắc, cảm động. Khi chứng kiến người vợ của mình là Liên mặc tấm áo vá gầy xanh xao khi phải lo chạy chữa và chăm sóc mình đã xót xa nhận ra: gia đình chính là điểm tựa vững chắc nhất trong cuộc đời mỗi con người. Chỉ khi đi qua bao nhiêu chặng đường, hiểu thấm thía về cuộc sống thì cái tình cảm gia đình tuy thầm lặng mà xúc động nghẹn ngào như thế. Rồi, khi bị ốm không tự do đi lại, anh đã ngắm được cảnh đẹp của quê hương, của những thứ thân thuộc và bình dị mà bấy lâu nay anh chưa từng hay để ý tới. Qua cửa sổ nhà mình Nhĩ cảm nhận được trong tiết trời lập thu vẻ đẹp của hoa bằng lăng “đậm sắc hơn”. Sông Hồng “màu đỏ nhạt, mặt sông như rộng thêm ra”, bãi bồi phù sa lâu đời ở bên kia sông dưới những tia nắng sớm đầu thu đang phô ra “một thứ màu vàng thau xen với màu xanh non…” và bầu trời, vòm trời quê nhà “như cao hơn”. Đó là những gì rất bình dị mà đơn sơ, không phải là cái gì đó cao rộng và hùng vĩ như những chuyến đi của anh trước kia, nhưng bấy lâu nay anh đã vô tình đánh mất những kí ức về nó và rồi bây giờ đây, trong những giờ phút cuối tuổi hoa niên anh mới thấm thía đau đớn nhận ra. Sự bừng tỉnh của nhân vật Nhĩ cũng chính là thông điệp mà nhà văn muốn gửi đến chúng ta: rằng cái đẹp ở ngay cuộc sống bình dị xung quanh ta, nhắc nhở ta hãy biết sống chậm lại để nhận ra những giá trị và vẻ đẹp đơn sơ mà thiêng liêng ngay bên cạnh mình, đừng lao đi trên đường đời tấp nập và bỏ quên những gì gọi là bất biến. Bởi chính những gì tuy bình dị, gần gũi của quê hương yên bình mới là máu thịt của ta, là cái trường tồn, vĩnh cửu. Cũng chính vì thế, khao khát được đặt chân lên bãi bờ bên kia để cảm nhận được sâu sắc vị mặn mòi, đằm thắm của quê hương, Nhã đã gửi cả vào đứa con trai là Tuấn của mình. Nhĩ đã sai con đi sang bên kia sông “qua đò đặt chân lên bờ bên kia, đi chơi loanh quanh rồi ngồi xuống nghỉ chân ở đâu đó một lát, rồi về”. Nhĩ muốn con trai thay mặt mình qua sông, để ngắm nhìn cảnh vật thân quen, bình dị mà suốt cuộc đời Nhĩ đã lãng quên. Ở cuối câu chuyện, ta bắt gặp một cảnh tượng thật đáng thương và đáng suy ngẫm. Mặt Nhĩ đỏ rực lên, anh thu tất cả sức lực giơ bàn tay lên khoát khoát như ra hiệu cho một ai đó, như đang khẩn thiết ra hiệu cho một ai. Người ấy có thể là con trai anh nhưng người đọc cũng có thể hiểu rằng đây chính là cái khoát tay giục giã của chính Nguyễn Minh Châu dành cho chúng ta hãy biết tìm về với những giá trị đích thực của cuộc đời. Từ đó đủ để thấy trong lòng Nhĩ chưa bao giờ quên nhắc nhở lòng mình về cội nguồn, gốc rễ của bản thân, biết ân hận và lo lắng khi thấy Tuấn đang sa đà vào một đám chơi khác. Nếu không phải là người tự hào và tha thiết gắn bó với quê hương, liệu Nhĩ có hành động như vậy chăng? 

Bằng ngòi bút nghệ thuật đặc sắc và tinh tế, Nguyễn Minh Châu đã thành công trong việc gửi gắm những thông điệp về cuộc sống và con người để nhân vật của mình không trở thành cái loa phát ngôn của nhà văn. Diễn tả chân thực và sinh động nội tâm phức tạp của Nhĩ đã giúp người đọc có được những trải nghiệm thú vị về nhân vật, để khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước xuất phát từ việc yêu những điều bình dị, nhỏ bé, gần gũi quanh ta. Để người đọc thấm thía chiêm nghiệm rằng gia đình và quê hương sẽ là cái “bến” bình yên với mỗi chúng ta trong hành trang làm người của mình.

Nhân vật Nhĩ sẽ là một hình tượng nghệ thuật được nhắc mãi trong hành trình sáng tác của Nguyễn Minh Châu, giúp tên tuổi của nhà văn sống mãi trong lòng bạn đọc bởi những thông điệp giàu tính nhân văn.

  Nguồn website giaibai5s.com     

Đề 39: Cảm nhận về nhân vật Nhĩ trong truyện ngắn Bến quê của Nguyễn Minh Châu
Đánh giá bài viết