BÀI LÀM

Nhà văn Nguyễn Ngọc đã từng nhận xét: Nguyễn Minh Châu xứng đáng là một trong những người mở đường tinh anh và tài năng, đã đi được xa nhất trong chặng đường đầu của công cuộc đổi mới văn học. Sau chiến tranh, nhà văn đã trở về, lặng lẽ tìm tòi để cho ra đời hàng loạt những truyện ngắn gây xôn xao thi đàn văn học đương thời. Truyện ngắn Bến quê của Nguyễn Minh Châu đã đi sâu vào mọi ngóc ngách trong tâm hồn con người, chứa đựng những khám phá mới mẻ, sâu sắc. Chính bằng ngòi bút ấy, nhà văn đã dựng lên một Bến quê. Qua nhân vật Nhĩ, một bệnh nhân sắp từ giã cõi đời, Nguyễn Minh Châu đã nói lên những suy ngẫm về con người, cuộc đời, và thức tỉnh, khơi dậy ở đồng loại, hãy biết nâng niu, trân trọng những vẻ đẹp bình dị, gần gũi, quen thuộc của cuộc sống, của quê hương.

Cũng như nhiều tác phẩm của mình, trong Bến quê, Nguyễn Minh Châu đã khai thác rất thành công tình huống truyện mang đầy nghịch lý. Mở đầu trang truyện, hình ảnh Nhĩ – nhân vật chính hiện lên trong một hoàn cảnh rất đáng thương: “Suốt đời Nhĩ đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất”, “đã từng in dấu chân khắp mọi chân trời xa lạ”. Bao cảnh đẹp nơi phồn hoa, đô thị, bao miếng ngon nơi đất khách, quê người, anh đều được hưởng thụ. Vậy mà, gần một năm nay, căn bệnh quái ác lại cột chặt anh vào giường bệnh. Anh bị liệt gần như toàn thân, đến nỗi không thể tự mình dịch chuyển lấy vài mươi phân lên chiếc giường hẹp kế bên cửa sổ. Mọi sinh hoạt đều chủ yếu nhờ vào Liên – vợ anh. Đó là một nghịch lý đầy trớ trêu. Và tình huống nghịch lý này lại dẫn đến một tình huống thứ hai trong truyện ngắn cũng đầy nghịch lý – một nghịch lý mà con người quên bẵng bấy lâu nay. Nhĩ nhận ra vẻ đẹp của bãi bồi bên kia sông Hồng ngay trước khung cửa sổ. Vì biết rằng sẽ không bao giờ đặt chân được lên mảnh đất ấy nên Nhĩ đã nhờ con trai thực hiện giúp mình cái điều khao khát đó. Nhưng đứa con trai không hiểu ý bố nên sa vào đám chơi phá cờ thế trên đường, để lỡ chuyến đò ngang duy nhất trong ngày, để niềm hi vọng của anh vụt tắt trong vô vọng.

Trong văn học đã có không ít những tác phẩm đặt nhân vật vào hoàn cảnh hiểm nghèo. Nhưng thường thì các tác giả hay khai thác tình huống ấy để nói về khát vọng sống và sức sống mạnh mẽ của con người (Như Chiếc lá cuối cùng của O-hen ri). Truyện của Nguyễn Minh Châu không khai thác theo hướng đó. Ông tạo ra những tình huống nghịch lý ấy để lưu ý người đọc đến một nhận thức về cuộc đời, cuộc sống và số phận con người chứa đầy những ngẫu nhiên, nghịch lý, vượt khỏi dự định, ước muốn, sự hiểu biết và toan tính của con người. Bằng suy ngẫm, bằng tổng kết qua biết bao trải nghiệm, con người mới nhận ra rằng, Con người ta trên đường đời khó tránh được những điều vòng vèo, chùng chình. Chỉ có những vẻ đẹp gần gũi, thiêng liêng (như cái bãi bồi bên kia sông, hay người vợ tần tảo, giàu đức hi sinh) là có thể cho ta chỗ dựa, nâng cho ta bước tiếp trên đường đời.

Tâm trạng của nhân vật Nhí trong Bến quê được thể hiện qua những cảm xúc và suy nghĩ của anh. 

Trước hết, đó là cảm nhận tinh tế của Nhĩ về vẻ đẹp của thiên nhiên. Những ngày cuối cuộc đời, trong cái dòng chảy của suy ngẫm và tình cảm mới xuất hiện nơi Nhĩ, thiên nhiên trong buổi sáng đầu thu dường như đẹp hơn. Những bông hoa bằng lăng nở muộn nhưng lại đậm sắc hơn. Con sông Hồng màu đỏ nhạt, “mặt sông như rộng thêm ra”. Vòm trời như cao hơn. Và đặc biệt là vẻ đẹp của bãi bồi bên kia sông Hồng “đang phô ra trước cửa sổ gian các nhà Nhĩ một thứ màu vàng thau xen lẫn màu xanh non”. Nó là cái tâm điểm, đồng thời cũng là cái thần sắc của bức tranh. Nhĩ say mê, chiêm ngưỡng vẻ đẹp đến kì lạ ấy trong sự bất ngờ, ngạc nhiên, thích thú. Vì sao vậy? Bởi vì đây là lần đầu tiên anh say mê chiêm ngưỡng nó, khám phá ra vẻ đẹp và sự giàu có của nó trong cảnh sắc vốn gần gũi, quen thuộc bấy lâu nay, nên anh yêu tha thiết sự giàu có, đơn sơ, gần gũi mà vô cùng mới mẻ của thiên nhiên. Nhưng cái tình yêu mới chớm nở ấy thực ra chỉ được nhen lên trong vô vọng. Anh có thời gian ngắm nhìn nó nhưng không thể bước đi. Dù chỉ cách đôi bờ nhưng đến với nó chỉ là giấc mơ xa vời tầm tay. Vì thế mà Nhĩ thấy cay đắng và hối tiếc. 

Nếu thiên nhiên khiến Nhĩ say mê và thất vọng thì những người thân lại gợi lên trong anh nỗi buồn xen lẫn những mặc cảm xót xa, tê tái. “Lần đầu tiên, Nhĩ để ý thấy Liên đang mặc tấm áo vá”. Đó cũng là lần đầu tiên, nỗi buồn về gia đình quặn lên trong anh. Hoàn cảnh của gia đình anh còn nghèo khó lắm, mảnh vá tên tấm áo Liên đang mặc không che giấu được điều đó. Nhưng những ngón tay gầy guộc của Liên vẫn âu yếm vuốt ve bên vai anh. Người chồng này đã nhận ra tất cả tình yêu, sự tần tảo và đức hi sinh thầm lặng của vợ và thấy mình có lỗi “Suốt đời anh chỉ làm em khổ tâm… mà em vẫn nín thinh”. Và Liên đã trả lời: “Có hề sao đâu… Miễn là anh sống, luôn luôn có mặt anh, tiếng nói anh trong gian nhà này”. Càng thấu hiểu tình yêu Liên dành cho mình, anh lại càng day dứt vì trách nhiệm của người chồng, người cha nơi anh chưa bao giờ được trọn vẹn. Ân hận vì mình đã quá vô tình và biết ơn sâu sắc người vợ hiền “vẫn giữ nguyên vẹn những nét tần tảo và chịu đựng hi sinh từ bao đời xưa”. Từ đó, nhân vật Nhã nhận ra rằng, gia đình chính là nơi nương tựa vững chắc cho anh.

Vào cái buổi sáng đầu thu ấy, khi nhận ra vẻ đẹp rất đỗi bình dị, gần gũi với cảnh vật. Dường như bằng trực giác, Nhĩ nhận ra thời gian của đời mình chẳng còn được bao lâu: “Đêm qua gần sáng em có nghe thấy tiếng gì không”. Và, “hôm nay, đã vào ngày mấy rồi em nhỉ?”. Có lẽ anh hiểu rằng, những chùm hoa bằng lăng cuối mùa và những tảng đất đổ òa vào giấc ngủ, chúng cũng giống cuộc đời của Nhĩ, tàn tạ, héo hắt dần, chuẩn bị xa lìa khỏi cuộc sống.

Cái chết dường như đang treo lơ lửng trước mặt. Khi các đốm tàn của ngọn lửa sự sống chưa tắt hẳn, cái khát khao trong anh trở nên cháy bỏng và gấp gáp hơn. Mới đây thôi, anh khám phá ra cái vẻ đẹp của bãi bồi bên kia sông, một miền đất của trù phú và mơ ước. Nhĩ đã từng đi qua rất nhiều nơi nhưng chưa hề đặt chân đến đó. Đến khi nhìn thấy, cảm nhận được vẻ đẹp của nó thì anh không thể đặt chân lên đó được. Vì thế, mà anh có khát khao duy nhất: được đặt chân lên bờ đất phía bên kia sông. Ước muốn ấy chính là sự thức tỉnh về những giá trị bền vững, bình thường và sâu xa của cuộc sống mà người ta thường lãng quên, bỏ qua, nhất là khi còn trẻ, khi ta đang bị những ham muốn xa vời lôi cuốn. Sự thức tỉnh ấy có xen lẫn với niềm ân hận, xót xa. Anh đang gửi gắm tất cả niềm tin, tình cảm vào Tuấn, nhờ con trai đặt chân lên cái bến bờ mơ ước kia. Nhưng Tuấn đầu có thể hiểu được ý nghĩa thiêng liêng chứa trong ước muốn của cha. Cậu sa vào chơi phá cờ thế, một trò chơi hấp dẫn mà cậu gặp trên đường đi. Nhĩ không trách con trai. Cũng như anh thời trẻ, nó chưa đủ chín chắn để nhận ra vẻ đẹp thực sự, vẻ đẹp nguyên vẹn cả trong những nét tiêu sơ của cuộc đời. Chỉ có anh đã từng trải, đã từng đi qua nhiều phương trời, nếm trải rất nhiều tình cảm, cảm xúc mới thấy yêu quý, trân trọng những giá trị bình dị kia thôi. Từ sự việc ấy, nhân vật chính trong tác phẩm mới nghiệm ra được cái quy luật phổ biến của đời người: “Con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái điều vòng vèo, chùng chình”. Con đường trong tâm thức của Nhĩ là vòng vèo, chùng chính vì nhiều người bị lạc đường, lạc hướng, thiếu trí tuệ, không bền chí, hay nản lòng. Tuổi trẻ và thời gian bị lãng phí, tâm hồn nông cạn, sống thiếu lý tưởng, tầm nhìn hạn hẹp nên không thể tìm thấy cái hấp dẫn trên đường đời ở phía trước. Tuấn đã để lỡ chuyến đò ngang qua sông duy nhất trong ngày.

Ở cuối truyện, khi thấy con đò ngang chạm mũi vào bờ đất bên này sông, Nhĩ đã thu hết tàn lực dồn vào một cử chỉ có vẻ kì quặc “giơ một cánh tay gầy guộc ra phía ngoài cửa sổ khoát khoát y như đang khẩn thiết, ra hiệu cho ai đó”. Hành động cuối cùng của giấc mơ. Anh đang nôn nóng thúc giục cậu con trai hãy mau để lỡ chuyến đò duy nhất trong ngày, làm anh không thể thực hiện được cái khát khao còn dang dở. Ta cũng có thể hiểu là Nhĩ đang cố hết sức gửi đến mọi người lời nhắn nhủ rằng, cần phải thức tỉnh để thoát khỏi sự vòng vèo, chùng chình mà ta đang sa vào trên đường đời để hướng tới những giá trị đích thực mà gần gũi trong cuộc sống. Lời nhắn nhủ ấy cũng là lời cuối cùng của cuộc đời anh. Nguyễn Minh Châu đã hóa thân vào nhân vật để nhắn nhủ với chúng ta những lời chân thành mà ý nghĩa. Con đò chở khách bên sông Hồng cập bến, đưa Nhĩ tới cõi hư không của một kiếp người.

Truyện ngắn Bến quê không chỉ hay bởi giá trị nội dung mà | nó còn có những giá trị nghệ thuật đặc sắc. Tâm lý của nhân vật Nhĩ đã được Nguyễn Minh Châu miêu tả một cách tinh tế. Tác giả đã trần thuật theo dòng tâm trạng của nhân vật. Trong Bến quê, mọi hình ảnh đều mang hai lớp nghĩa: nghĩa thực và nghĩa biểu tượng. Đó là hình ảnh của thiên nhiên, bãi bồi, bến sông – những vẻ đẹp bình dị, gần gũi của quê hương, xứ sở. Những bông hoa bằng lăng cuối mùa, những tảng đất lở ở bờ sông bên này, gợi cho ta biết sự sống của Nhĩ đã vào giai đoạn cuối. Đứa con trai chơi phá cờ thế trên hè phố gợi ra cái điều mà Nhĩ gọi là sự vòng vèo, chùng chình mà ta khó tránh khỏi trên đường đời. Hành động của Nhĩ ở cuối truyện cũng là một hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng cao.

Nhân vật Nhĩ là nhân vật tư tưởng. Nguyễn Minh Châu đã gửi gắm qua nhân vật này nhiều điều quan sát, suy ngẫm về triết lý, về cuộc đời và con người.

Cảm ơn nhà văn đã cho ta một bài học cảm động về tình yêu và lẽ sống. Không có gì hạnh phúc hơn khi được sống trong tình yêu thương của gia đình, trong vẻ đẹp bình dị mà gần gũi thân thuộc của quê hương, xứ sở. Bến quê đã thức tỉnh, nhắc nhở con người về những tình cảm tốt đẹp nhất, giúp ta sống đẹp hơn, biết lựa chọn cho mình một cách sống tốt nhất giữa dòng đời nhọc nhằn, bon chen và đầy vất vả này.

  Nguồn website giaibai5s.com     

Đề 38: Phân tích truyện ngắn Bến quê của Nguyễn Minh Châu
Đánh giá bài viết