BÀI LÀM

Cũng giống như bao cô gái khác, tôi đã trở thành một thanh niên xung phong để góp một phần sức lực nhỏ bé của mình vào cuộc chiến tranh giữ nước thần kì của dân tộc. Nữ nhà văn Lê Minh Khuê đã từng tâm sự như vậy. Bởi đã từng chứng kiến và sống cuộc sống của những cô gái thanh niên xung phong, nên hầu hết những tác phẩm đầu tay của chị đều viết về cuộc sống chiến đấu của lực lượng thanh niên xung phong và bộ đội trên tuyến đường Trường Sơn mà tiêu biểu là Những ngôi sao xa xôi, sáng tác vào năm 1971. Truyện đã khắc hoạ thành công hình ảnh của ba cô gái thanh niên xung phong tại một trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Họ có một vẻ đẹp tâm hồn đáng mến, đáng cảm phục.

Ba cô gái ấy là Nho, Phương Định và chị Thao. Họ hợp thành một tổ trinh sát mặt đường, ở trên một cao điểm, giữa một vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Đó là nơi tập trung nhiều bom đạn và sự nguy hiểm, ác liệt “Đường bị đánh lở loét, hai bên đường không có lá cây xanh và những rễ cây nằm lăn lóc”. Mọi thứ đều bị tàn phá và hủy diệt. Họ sống trong một cái hang dưới chân một cao điểm. Nhiệm vụ của họ là: “Quan sát địch ném bom, khi có bom nổ thì chạy đến đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom”. Đây là một công việc hết sức nguy hiểm và gian khổ vì họ phải thường xuyên chạy trên cao điểm giữa ban ngày, dưới cái nóng trên 30°C, phơi mình ra giữa vùng trọng điểm của máy bay địch. Nghĩa là, họ phải mạo hiểm với cái chết, luôn căng thẳng thần kinh: “Chân chạy mà vẫn biết rằng chung quanh có nhiều quả bom chưa nổ. Có thể nổ bây giờ, có thể chốc nữa. Nhưng nhất định sẽ nổ”. Công việc ấy đòi hỏi sự bình tĩnh, lòng dũng cảm và tinh thần trách nhiệm cao. Nhưng với ba cô gái thì những công việc này đã trở thành công việc thường ngày: “Chúng tôi bị bom vùi luôn. Có khi bò trên cao điểm và chỉ thấy hai con mắt lấp lánh. Cười thì hàm răng loé lên khuôn mặt nhem nhuốc”. Giữa muôn vàn nguy hiểm, những người con gái này vẫn tìm được niềm vui hồn nhiên của tuổi trẻ.

Từ những miền quê khác nhau, ba cô gái ấy đã đến với con đường Trường Sơn huyền thoại. Họ là một tập thể nhỏ, rất gắn bó và yêu thương nhau. Các cô đều có những phẩm chất chung của người chiến sĩ thanh niên xung phong. Ấy là tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, lòng dũng cảm không quản hi sinh. Dù phá bom nổ chậm là công việc cực kì nguy hiểm nhưng họ “Quen rồi! Một ngày chúng tôi phá bom đến năm lần. Ngày nào ít, ba lần”. Họ đã dũng cảm vượt qua sự đe dọa của tử thần để cống hiến cho Tổ quốc. Đặc biệt, ở họ còn có tình đồng đội – nhất là khi Nho bị thương. Bởi đều là những cô gái trẻ nên họ dễ cảm xúc, nhiều mơ ước, hay mơ mộng, dễ vui mà cũng dễ trầm tư. Ở trong hoàn cảnh chiến trường khốc liệt, những người con gái này vẫn thích làm đẹp cho cuộc sống của mình. Nho thích thêu thùa, chị Thao thích chép bài hát, hay “tỉa đôi lông mày của mình, tỉa nhỏ như cái tăm”. Còn Phương Định thì rất thích ngắm mình trong gương, ngồi bó gối mơ mộng và hát.

Bên cạnh những nét chung, ta còn thấy mỗi người là một cá tính riêng. Chị Thao là người lớn tuổi, từng trải nên những dự định về tương lai rất thiết thực. Người tổ trưởng ấy chiến đấu dũng cảm, chỉ huy kiên cường nhưng lại rất sợ khi thấy máu và vắt. Nhân vật Phương Định thì lại hay thích mơ mộng và sống với những kỉ niệm.

Vẻ đẹp phẩm chất của ba cô gái này được thể hiện lớn nhất qua nhân vật Phương Định. Là một cô gái Hà Nội, cũng như bao nhiêu cô gái mới lớn khác, Định rất nhạy cảm và quan tâm đến hình thức của mình: “Tôi là một cô gái khá, hai bím tóc dày tương đối mềm, một cái cổ cao kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Còn đối mắt tôi thì các anh chiến sĩ lái xe bảo: cô có cái nhìn sao mà xa xăm”. 

Định biết mình được nhiều người yêu mến, nhất là các anh lính để ý và có thiện cảm. Cô thấy rất vui và tự hào về điều này nhưng chưa dành tình cảm riêng cho bất kì ai. Ở giữa đám đông, Phương Định thường kín đáo, ít biểu lộ tình cảm của mình, tưởng như là kiêu kì nhưng thực chất đó chỉ là một chút điệu đà rất dễ thương và nữ tính.

Vào chiến trường đã ba năm, đã quen với thử thách và nguy hiểm, giáp mặt hàng ngày với cái chết nhưng trong Định vẫn không mất đi sự hồn nhiên, trong sáng và những mơ ước về tương lai. Giữa khói bom, lửa đạn, cô vẫn thích hát và thường hay hát những bài dân ca Ý trữ tình, Ca chiu sa của hồng quân Liên Xô, những điệu dân ca quan họ, những bài hành khúc… và còn bịa cả những lời ra mà hát: “Tôi mê hát. Thường cứ thuộc một điệu nhạc nào đó rồi bịa lời ra mà hát”. Những kỉ niệm về thời học sinh vô tư bên người mẹ, một căn buồng nhỏ ở một thành phố yên tĩnh trong những ngày thanh bình trước chiến tranh luôn sống lại ở trong cô ngay giữa chiến trường dữ dội. Nó vừa là niềm khao khát, vừa làm dịu mát tâm hồn trong hoàn cảnh căng thẳng, khốc liệt của chiến trường. Cô rất yêu mến những người đồng đội của mình. Trong chiến đấu, Phương Định rất dũng cảm, bình tĩnh, tự tin và có tinh thần trách nhiệm cao. Thái độ ấy được thể hiện rõ nét trong lần Phương Định phá bom. Không khí chứa đầy sự căng thẳng: “Vắng lặng đến phát sợ”, cảnh vật bị huỷ diệt “cây xác xơ, đất nóng, khói đen mật vờ trong không trung”. Cô có cảm giác các anh cao xạ ở trên kia đang dõi theo từng động tác, cử chỉ của mình, để rồi, lòng dũng cảm ở cô được kích thích bởi sự tự trọng. Cô tiến đến gần quả bom một cách bình tĩnh: “Tôi sẽ không sợ nữa, tôi sẽ không đi khom” “đàng hoàng” bước tới. Khi ở bên quả bom, kề với cái chết im lìm và bất ngờ, nhân vật cũng có nghĩ tới cái chết nhưng mờ nhạt. Còn ý nghĩ luôn thường trực trong Định là: “Liệu mình có nổ, bom có nổ không? Không thì làm thế nào để phá mìn lần thứ hai?”. Điều ấy cho thấy, việc hoàn thành nhiệm vụ luôn được Phương Định đặt lên hàng đầu. Nhân vật chấp nhận tất cả, kể cả hi sinh, miễn kịp thông xe, thông đường cho các đoàn quân kịp giờ ra trận. Sự tự tin, bình tĩnh, lòng dũng cảm và tinh thần trách nhiệm đã giúp cô phá bom thành công.

Kết thúc truyện ngắn là một cơn mưa đá. Sau trận chiến đấu của ba cô gái để phá quả bom giữa vùng trọng điểm. Vừa phải trải qua những căng thẳng hồi hộp và lo lắng khi Nho bị sập hầm, bị thương thì một cơn mưa đá kéo đến. Nó làm dịu cả bầu không khí ngột ngạt ngoài cửa hàng và làm dịu mát tâm hồn ba cô gái. Cơn mưa ấy đã đánh thức sự hồn nhiên, vô tư của tuổi trẻ, gợi về những kỉ niệm tuổi thơ.

Truyện được trần thuật theo ngôi thứ nhất. Người kể chuyện là Phương Định – nhân vật chính ở trong tác phẩm. Lựa chọn cách kể như vậy, mọi sự kiện và hình ảnh con người nơi trọng điểm truyện được phát triển qua cái nhìn và chính thái độ của người trong cuộc, tạo thuận lợi để tác giả miêu tả thế giới nội tâm nhân vật qua những độc thoại nội tâm. Mạch truyện được triển khai theo dòng tâm trạng, không theo thời gian, sự kiện mà thường đan xen giữa hiện tại và hồi tưởng quá khứ.

Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật đạt đến trình độ tinh vi. Tâm lý nhân vật Phương Định trong một lần phá bom được miêu tả cụ thể, tinh tế đến từng cảm giác, ý nghĩ dù chỉ thoáng qua trong chốc lát. 

Đọc Những ngôi sao xa xôi, chúng ta lại nhớ đến mười nữ thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc, mười khuôn mặt trẻ trung, tươi tắn, mười cặp mắt trong trẻo, họ đã anh dũng ngã xuống trong khi làm nhiệm vụ để thông đường cho xe và người kịp thời ra tiền tuyến. Hay nữ bác sĩ – liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm, một cô gái Hà Thành đã xung phong vào chiến trường Quảng Ngãi, dùng tài năng và tấm lòng của mình để cứu chữa cho những thương binh. Chị cũng đã ngã xuống trong khi làm nhiệm vụ… Trên đất nước Việt Nam ta, có nhiều và rất nhiều những cô thanh niên xung phong như thế. Có người đã ngã xuống trên đại ngàn Trường Sơn heo hút, có người may mắn được trở về với gia đình và người thân nhưng họ mãi mang trong mình nỗi đau: không được làm vợ, làm mẹ hay phải trở thành mẹ của những đứa con tàn phế. Họ đã cho đi cả tuổi xuân, cả những năm tháng đẹp đẽ nhất của một đời người để cống hiến cho dân tộc. Họ đã có mặt trên những trọng điểm của tuyến đường Trường Sơn chiến lược. Và trái tim đỏ rực của họ, của những người con gái Việt Nam anh hùng là những ngôi sao xa xôi mãi mãi lung linh, tỏa sáng.

Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê đã làm sống lại trong ta hình ảnh tuyệt đẹp về những chiến công phi thường của ba cô gái trong tổ trinh sát mặt đường, của hàng vạn cô thanh niên xung phong thời chống Mĩ. Lịch sử đã sang trang, đất nước đã thôi không còn bóng dáng của chiến tranh nhưng vẻ đẹp của họ vẫn lung linh tỏa sáng tâm hồn mỗi người. Khơi dậy ở chúng ta lòng yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm đối với Tổ quốc.

  Nguồn website giaibai5s.com     

Đề 37: Cảm nghĩ của em về vẻ đẹp của ba cô gái : thanh niên xung phong trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi.
Đánh giá bài viết