BÀI LÀM

Trường Sơn đông nắng tây mưa
Ai chưa đến đó thì chưa hiểu mình.

Có một thời, Trường Sơn là như thế. Cái con đường huyền thoại nối liền Nam – Bắc luôn nhừ nát vì mưa bom bão đạn ấy đã trở thành điểm hẹn cho rất nhiều văn nghệ sĩ. Viết về Trường Sơn, không thể thiếu hình ảnh của các cô gái thanh niên xung phong bởi đây là lực lượng có vai trò hết sức quan trọng: mở đường, san lấp hố bom, phá bom… để bảo vệ con đường, cho những đoàn xe băng băng về phía trước, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Văn học thời kháng chiến chống Mĩ đã ghi lại được nhiều hình ảnh đẹp, chân thực, cao cả về những người con gái ấy. Trong đó truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê là một tác phẩm tiêu biểu. Truyện kể về cuộc sống và công việc thường ngày của ba nữ thanh niên xung phong trong tổ trinh sát mặt đường. Cả ba cô gái ấy đều đáng mến, đáng cảm phục. Nhưng nhân vật để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng người đọc là Phương Định, một cô gái Hà Nội với những nét tính cách đáng yêu.

Vốn là một cô gái ở đất Hà thành, chưa hề đương đầu với những khó khăn, chưa qua gian nan, thử thách, chỉ biết sống trong hạnh phúc, bình yên bên gia đình, người thân và bè bạn. Vì yêu Tổ quốc nên cô đã vào chiến trường. Người con gái này xinh đẹp và luôn có ý thức về ngoại hình của mình. Phương Định đã tự đánh giá: Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá, hai bím tóc dày tương đối mềm, một cái cổ cao kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Và đọng lại trong bức chân dung ấy là một đôi mắt đẹp, có hồn, làm xao xuyến lòng người với cái nhìn “sao mà xa xăm”. Nhân vật tự đánh giá về mình là một cô gái khá, nhưng qua lời tự giới thiệu ấy, ta thấy người nữ thanh niên xung phong này rất đẹp. Chính vì thế mà cô được nhiều người, nhất là các anh lính để ý và có thiện cảm. Phương Định biết được điều ấy nên thấy vui và cả tự hào nhưng chưa dành tình cảm riêng cho bất kì ai. Nhạy cảm nhưng cô lại không hay biểu lộ thái độ của mình, tỏ ra kín đáo giữa đám đông tưởng như kiêu kì. Phương Định đã chiếm được cảm tình của người đọc bởi ngoại hình xinh xắn ấy.

Nhưng không chỉ có vậy. Vẻ đẹp tâm hồn của cô gái này mới thực sự chinh phục được bao người. Trước hết, đó là vẻ đẹp của tinh thần dũng cảm, thái độ bình tĩnh vượt lên mọi hiểm nguy và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Làm việc ở vùng trọng điểm, nơi máy bay địch bắn phá ác liệt, người con gái bé nhỏ này phải “Chạy trên cao điểm cả ban ngày, nóng trên 30 độ. Chân chạy mà vẫn biết rằng, khắp chung quanh có nhiều quả bom chưa nổ. Có thể nổ bây giờ, có thể chốc nữa nhưng nhất định sẽ nổ”. Nghĩa là cô có thể sẽ hi sinh bất kì lúc nào. Thế mà cô vẫn thấy bình thản, không chút run sợ, thậm chí còn cảm thấy: “Việc nào cũng có cái thú của nó” dù trên mình “còn một vết thương chưa lành miệng”. Mối nguy hiểm và sự căng thẳng luôn phải đối mặt với cái chết đã được cô gái cảm nhận với sự bình tĩnh, không chút sợ hãi qua cái giọng bình thản, pha chút hóm hỉnh của cô.

Thái độ bình tĩnh, dũng cảm ấy được thể hiện rõ nét hơn trong lần Phương Định phá bom. Không khí chứa đầy sự căng thẳng: “Vắng lặng đến phát sợ”, cảnh vật bị huỷ diệt “cây xác xơ, đất nóng, khói đen mật vờ trong không trung”. Cô có cảm giác các anh cao xạ ở trên kia đang dõi theo từng động tác, cử chỉ mình, để rồi, lòng dũng cảm ở cô được kích thích bởi sự tự trọng. Cô tiến đến gần quả bom một cách bình tĩnh: “Tôi sẽ không sợ nữa, tôi sẽ không đi khom”“đàng hoàng” bước tới. Khi ở bên quả bom, kề với cái chết im lìm và bất ngờ, nhân vật cũng có nghĩ tới cái chết nhưng mờ nhạt. Còn ý nghĩ luôn thường trực trong Định là: “Liệu mình có nổ, bom có nổ không? Không thì làm thế nào để phá mìn lần thứ hai?”. Điều ấy cho thấy, việc hoàn thành nhiệm vụ luôn được Phương Định đặt lên hàng đầu. Nhân vật chấp nhận tất cả, kể cả hi sinh, miễn kịp thông xe, thông đường cho các đoàn quân kịp giờ ra trận. Sự tự tin, bình tĩnh, lòng dũng cảm và tinh thần trách nhiệm đã giúp cô phá bom thành công.

Cũng như những con người trẻ tuổi đi tham gia kháng chiến, Phương Định đã sống với những người đồng đội, cùng chung lí tưởng, chung một hoàn cảnh chiến đấu vô cùng ác liệt nên dễ dàng hiểu và sẻ chia cho nhau. Từ đó, trong cô hình thành một tình cảm vô cùng thiêng liêng: tình đồng đội nồng ẩm. Đến với Những ngôi sao xa xôi, hẳn chúng ta còn nhớ, khi chị Thao và Nho lên cao điểm chưa về, cô gái ấy đã thấy sốt ruột và lo lắng biết đường nào. Cô nói như gắt vào máy khi đại đội trưởng điện hỏi tình hình, rồi chạy ra ngoài xem xét và cảm thấy “Có gì lý thú đâu nếu bạn tôi không quay về?”. Phương Định cảm phục và yêu mến những chiến sĩ mà cô đã gặp hàng đêm trên trọng điểm vào mặt trận. Cô rất cần sự cổ vũ, động viên của đồng đội. Bởi lẽ đó mà trong lần phá bom nổ chậm, người con gái này đã thấy tự tin và ấm lòng hơn khi cảm nhận được ánh mắt dõi theo khích lệ của các anh pháo binh. Sống với Nho, với chị Thao, Phương Định hiểu được sở thích của họ. Để dành cho Nho một cái kẹo dù nó “chảy nước và dính đầu cát”. Hiểu được sự lúng túng và hành động luẩn quẩn bên ngoài khi Nho bị thương của chị Thao là vì chị ấy sợ máu. Đoạn văn tập trung thể hiện cao nhất về tình đồng chí, đồng đội của nhân vật này là cảnh Nho bị thương. Phương Định đã “mọi đất, bế Nho đặt lên đùi mình”, rửa, băng bó vết thương pha sữa và tiêm cho Nho. Chiến tranh đã làm cho những con người này xích lại gần với nhau hơn.

Chiến tranh khiến Phương Định trở nên gai góc, cứng rắn nhưng cũng không làm mất đi ở cô nét hồn nhiên, trong sáng, mơ mộng của người con gái mới lớn. Định rất thích hát. Ngay từ lúc còn ở nhà, cô có thể ngồi lên thành cửa sổ trong căn phòng nhỏ bé của mình mà “hát say sưa ầm ĩ”. Sống trong cảnh đạn bom ác liệt, luôn kề bên cái chết, cô lại càng hay hát: Những điệu dân ca quan họ, bài Ca chiu sa của Hồng quân Liên Xô, những khúc dân ca Ý trữ tình, và cô còn bịa ra cả những lời mà hát: “Tôi mê hát. Thường cứ thuộc một điệu nhạc nào đó rồi lại bịa ra lời. Lời tôi bịa lộn xộn, ngớ ngẩn đến nỗi tôi cũng ngạc nhiên, đôi khi bò ra mà cười một mình”. Người con gái Hà thành này hát trong những khoảnh khắc im lặng, khi máy bay trinh sát bay rè rè, Cơn bão lửa sắp ụp xuống cao điểm; trong không khí ngột ngạt “khói lên và cửa hang bị che lấp”. Hát để động viên chị Thao, Nho và để động viên cả chính mình. Tiếng hát ấy đã thể hiện sự yêu đời, hồn nhiên, trong sáng của nhân vật, làm dịu đi khói lửa của chiến tranh, “át được tiếng bom” rơi đạn réo. Phải chăng, nhờ thế mà cuộc chiến bớt căng thẳng, khốc liệt?

Cũng như những cô gái mới lớn khác, Phương Định thường thích ngắm mình trong gương, hay “ngồi bó gối mơ màng”. Ngay giữa chiến trường dữ dội, những kỉ niệm về thời học sinh hồn nhiên, vô tư bên người mẹ, một căn buồng nhỏ ở một đường phố yên tĩnh trong những ngày thanh bình trước chiến tranh ở thành phố mình luôn sống lại trong cô. Sau một trận chiến đấu, giữa vùng trọng điểm căng thẳng: hồi hộp và cả sự lo lắng khi Nho bị sập hầm, bị thương thì bất chợt, một cơn mưa đá kéo đến. Nó làm dịu cả bầu không khí ngột ngạt ở bên ngoài hang và cũng làm dịu mát tâm hồn ba cô gái. Nó đánh thức sự hồn nhiên, vô tư của tuổi trẻ “Niềm vui con trẻ nở tung ra tràn đầy”. Và sau niềm vui như con trẻ ấy, Phương Định lại thẫn thờ nhớ về những kỉ niệm tuổi thơ, với những trận mưa nơi thành phố quê hương với những người thân yêu của mình. Đó không phải là sự yếu mềm mà là những rung động rất đời thường, cho Định thêm sức mạnh để chiến đấu, chiến thắng trở về.

Phương Định cũng như bao nhiêu cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn, dẫu hoàn cảnh sống và làm việc có khắc nghiệt đến thế nào thì họ vẫn giữ được tâm hồn trong sáng, như hình ảnh của cô thanh niên xung phong trong thơ Phạm Tiến Duật:

Cạnh giếng nước có bom từ trường 
Em không ngủ rửa ngày chân lấm    
Ngày em phá nhiều bom nổ chậm     
Đêm nằm mơ nói mớ mang nhà.        
                            (Gửi em – cô thanh niên xung phong) 

Họ đã sống và chiến đấu quên cả bản thân mình: 

Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa 
Đánh lạc hướng quân thù hứng lấy luồng bom”.             
                              (Khoảng trời hố bom – Lâm Thị Mỹ Dạ) 

Họ có mặt trên những trọng điểm của tuyến đường Trường Sơn chiến lược. Và trái tim rực đỏ của họ, của những người con gái Việt Nam anh hùng là những ngôi sao xa xôi mãi mãi lung linh, tỏa sáng.

Truyện được trần thuật theo ngôi thứ nhất. Nhân vật xưng tôi – Phương Định – cũng là nhân vật chính trong tác phẩm. Lựa chọn cách kể như vậy sẽ tạo thuận lợi để tác giả miêu tả thế giới nội tâm nhân vật. Do đó mà trong tác phẩm, tâm lí của nhân vật Phương Định được hiện lên một cách cụ thể, chi tiết đến từng cảm giác, ý nghĩ (nhất là trong cảnh phá bom, tâm trạng trước cơn mưa đá). 

Giọng điệu của nhân vật là giọng bình thản, pha chút hóm hình nhưng vẫn rất tự nhiên. Đúng là thứ ngôn ngữ của tuổi trẻ ở chiến trường. Qua đó đã cho chúng ta thấy được sự bình tĩnh, không chút sợ hãi dù nhân vật phải luôn đối mặt với cái chết. 

Lê Minh Khuê đã đặt Phương Định vào bối cảnh chiến tranh với tình huống thử thách giữa sự sống và cái chết, khai thác tâm lý nhân vật một cách tinh tế để làm rõ cái vĩ đại xen lẫn cái đời thường, bình dị của nhân vật. Cô là đại diện tiêu biểu cho hàng vạn nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Qua nhân vật này, tác giả không chỉ ngợi ca hào khí lãng mạn của tuổi trẻ Việt Nam trên tuyến đường huyền thoại ấy mà còn khơi gợi ý thức trách nhiệm với Tổ quốc ở mỗi người.

  Nguồn website giaibai5s.com     

Đề 36: Cảm nghĩ về nhân vật Phương Định trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê
Đánh giá bài viết