1- Về quá trình hình thành truyện và chủ đề của truyện

Truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh bắt nguồn từ kho tàng thần thoại cổ, mà trực tiếp là từ thần thoại về núi Tản Viên (và kèm theo đó là ca từ thần thoại về con sông Đà, đoạn sông chảy qua vùng Việt Trì, Phú Thọ để nhập vào sông Hồng), nhưng đã được lịch sử hóa để thành một truyền thuyết.

Người Việt thời cổ cư trú ở vùng ven chân núi, chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước. Núi và đất là nơi họ xây dựng bản làng và gieo trồng. Còn nước tưới thì do những con sông đem lại: sống cho ruộng đồng chất phù sa màu mỡ cùng nước để cây lúa phát triển, nhưng nếu nhiều nước quá thì sông nhấn chìm hoa màu, ruộng đồng, làng xóm Vậy là cả núi và sông, mà nhất là sông, có mối quan hệ hai mặt với con người: vừa có lợi mà vừa có hại. Chúng trở thành nỗi ám ảnh đối với tổ tiên người Việt. Chúng trở thành đối tượng suy nghĩ và giải thích của họ. Người Việt cổ có nhiều thần thoại lẻ tẻ để kể về các ngọn núi và các con sông ở những nơi họ cư trú và làm ăn sản xuất. Đến khi những bộ tộc người Việt bắt tay vào xây dựng nhà nước đầu tiên của mình – Nhà nước Văn Lang, đứng đầu là các vua Hùng thì vùng Việt Trì, Phú Thọ được xác định là thủ đô đầu tiên của nước, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của nước Văn Lang. Đây cũng là nơi ngự trị của ngọn núi Ba Vì cao ngất mà đỉnh cao nhất là Tản Viên, cũng là nơi con sông Đà gặp gỡ sông Hồng – hai con sông lớn nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ, hằng năm vừa cung cấp cho những cánh đồng lúa mênh mông một lượng nước tưới khổng lồ kèm theo phù sa màu mỡ vừa có thể – và thực tế đã là như thế – gây ra nạn lụt vào thời điểm cao nhất trong năm (tức là khoảng tháng bảy, tháng tám tính theo lịch Việt cổ truyền) với hậu quả ghê gớm. Thế là trong hàng loạt mẩu thần thoại lẻ tẻ về rất nhiều ngọn núi (và về nhiều con sông lớn, nhỏ), thần thoại về núi Tản Viên và về con sông Đà ở vùng Phong Châu, kinh đô nước Văn Lang được chọn để nhào nặn thành truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh bằng cách gắn chúng với những yêu cầu lịch sử cụ thể đặt ra cho một thời đại lịch sử cụ thể là thời đại dựng nước của các vua Hùng. Chính vì được hình thành bằng con đường gia tăng yếu tố lịch sử cho thần thoại (lịch sử hóa thần thoại), trong những điều kiện cụ thể như vậy, cho nên truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh đã không chỉ dừng lại ở mục đích giải thích các hiện tượng tự nhiên nói chung (nguồn gốc ngọn núi, nguồn gốc dòng sông, nguồn gốc nạn lụt hằng năm, có mở đầu và có kết thúc) và phản ánh ước mơ chinh phục các hiện tượng tự nhiên của người Việt nói chung trong mọi thời đại. Truyện Sơn Tinh, Thủy Tin còn hướng đến một mục đích cụ thể có ý nghĩa phản ánh lịch sử: ca ngợi công cuộc chinh phục thiên nhiên (mà cụ thể ở đây là chinh phục nạn lũ lụt hằng năm trên vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng), một phương diện chủ yếu trong công cuộc dựng nước của tổ tiên chúng ta ở vào một thời đại lịch sử cụ thể – thời đại dựng nước của các vua Hùng. Cuộc xung đột được kể trong truyện cũng không chỉ là cuộc xung đột nói chung và muôn đời giữa nước với núi. Đó là cuộc xung đột giữa thần núi Tản Viên với thần nước sông Đà, cuộc xung đột vừa liên quan đến chuyện hôn nhân của nàng công chúa con vua Hùng thứ mười tám (con số ước lệ) vừa ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người Việt cổ trên địa bàn Phong Châu nói riêng, nước Văn Lang nói chung. Thế là truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh trở thành một “mắt xích” trong chuỗi truyền thuyết về thời các vua Hùng góp phần suy tôn các vua Hùng và ca ngợi thời đại Hùng Vương (suy tôn và ngợi ca lịch sử) đã có công mở nước, dựng nước, tạo dựng nền móng văn hóa – văn minh cho dân tộc, suy tôn, ngợi ca nền văn hóa – văn minh mà sau này được các nhà khoa học gọi tên là nền văn minh sông Hồng).

2. Hình tượng nhân vật (chính) và ý nghĩa tượng trưng

Trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh có bốn nhân vật: Sơn Tinh – núi Tản Viên, Thủy Tinh – vị chúa vùng nước thăm vốn từ ngoài biển xa hằng năm mượn sông Đà làm địa bàn “gây chiến” với Sơn Tinh, Hùng Vương thứ mười tám và công chúa Mị Nương. 

– Nhân vật Hùng Vương được xây dựng nhằm đem lại màu sắc lịch sử cho truyện kể muôn đời về Núi và Nước, Nhân vật công chúa Mị Nương xuất hiện trong truyện thực hiện vai trò làm đầu mối cho sự xung đột giữa hai vị thần, khiến truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh không còn là một thần thoại giải thích các hiện tượng tự nhiên thuần túy nữa, mà đã là một truyện kể (truyền thuyết) về việc con người chinh phục thiên nhiên để xây dựng và bảo vệ cuộc sống hạnh phúc của mình. Tựu trung, mọi điều xảy ra chỉ xoay quanh mâu thuẫn giữa thần Núi với thần Nước. Điều đó có nghĩa rằng chỉ có Sơn Tinh và Thủy Tinh là nhân vật chính, Hùng Vương và Mị Nương là nhân vật phụ góp phần tạo nên bối cảnh xảy ra cuộc xung đột giữa hai nhân vật chính.

Vì thế để có thể hiểu được ý nghĩa của truyện, ta cần tập trung phân tích ý nghĩa của hình tượng nhân vật chính. Cụ thể là phân tích các chi tiết nghệ thuật có giá trị được truyện dùng để xây dựng hình tượng nhân vật chính. Gồm có:

– Những chi tiết về cuộc thi tài và cầu hôn;

– Những chi tiết về cuộc giao tranh;

– Những chi tiết về cách kết thúc cuộc giao tranh.

a) Những chi tiết về cuộc thi tài và cầu hôn

Những chi tiết này vừa là sản phẩm của trí tưởng tượng mang đậm tính chất thần kì (Sơn Tinh chỉ cần vẫy tay một cái là núi đồi, cồn bãi mọc lên khắp phía đông, phía tây; Thủy Tinh chỉ cần đứng một chỗ mà hô được mưa đến, gọi được gió về), vừa không thoát li thực tế (là thần Núi, Sơn Tinh chỉ có thể điều khiển được đồi núi, cồn bãi; còn Thủy Tinh là thần Nước nên chỉ có thể gọi được gió bão, hộ được mưa lũ). Hai vị thần không thể đổi được tài nghệ cho nhau, cũng chẳng ai có thể kiếm được cả hai loại phép lạ đó. Mặc dù cả hai vị thần đều tài giỏi ngang nhau.

Những lễ vật mà Hùng Vương thách cưới thảy đều kì lạ và khó kiếm (nhất là lại chỉ được kiếm trong thời gian một đêm – thời hạn quá ngắn đến mức hoang đường, kì ảo đối với những người phải đáp ứng). Nhưng đó cũng lại là những thứ hoặc là sản phẩm của nghề trồng lúa nước (vốn là biệt tài của người Việt ngay từ thời Văn Lang), hoặc là dựa trên cơ sở thành tựu thuần hóa những động vật hoang dã thành vật nuôi trong nhà (những voi, gà, ngựa là những loài gia súc mà người Việt thời cổ đã nuôi để làm thực phẩm hoặc để giúp vào việc làm ăn, vận chuyển).

Sở dĩ chỉ riêng Sơn Tinh kiếm đủ lễ vật là vì đó chỉ gồm những thứ trên cạn. Thế là dân gian đã mượn lời thách của Hùng Vương để bộc lộ cảm tình, sự thiên vị đối với Sơn Tinh. Điều này cũng lại có cơ sở thực tế: để chạy khỏi vùng bị lụt, con người phải lên núi cao và chưa bao giờ nước lũ lại dâng đến ngọn núi – huống chi là núi Tản Viên cao nhất vùng Phong Châu.

Rõ ràng ở đây có sự kết hợp của trí tưởng tượng kì diệu với hoàn cảnh thực tế. Thần thoại trở thành truyền thuyết gắn bó với cuộc đời là như thế.

b) Những chi tiết về cuộc giao tranh

Cuộc đánh ghen của Thủy Tinh và cuộc chống trả của Sơn Tinh cũng có tính chất hai mặt như những chi tiết về cuộc thi tài và cầu hôn. Thủy Tinh là thần nên có sức mạnh ghê gớm tới mức chỉ có được trong trí tưởng tượng mang ảnh hưởng của thần thoại: hô mưa, gọi gió thì tạo nên bão dông, lũ lụt “rung chuyển đất trời… nước ngập nhà cửa, nước dâng lên lưng đồi, sườn núi, thành Phong Châu như nổi lềnh bềnh trên một biển nước”. Nhưng những hình ảnh tưởng tượng dữ dội, kì vĩ ấy vẫn dựa trên những kinh nghiệm, quan sát thực tế về những trận lũ lụt khủng khiếp trên dọc hai bờ sông Hồng, sông Đà trong mùa mưa bão hằng năm. Sơn Tinh cũng là thần nên năng lực cũng đạt tới mức khác thường, thần kì: “Tuần dùng phép lạ bốc từng quả đồi, dời từng dãy núi, dựng thành lũy đất, ngăn chặn dòng nước lũ”; đặc biệt là hễ nước sông do Thủy Tinh dâng lên cao bao nhiêu thì đồi núi do Sơn Tinh đắp cao lên bấy nhiêu, lúc nào cũng cao hơn mực nước. Tài năng đắp cao đất để ngăn nước đó là một phần có cơ sở ở quá trình trị thủy của tổ tiên người Việt, nhưng một phần (và là phần chủ yếu ở một tác phẩm văn học) bắt nguồn từ ước mơ của họ muốn có sức mạnh phi thường, khả năng to lớn để chiến thắng nạn lụt. Ước mơ ấy, suy cho cùng cũng nảy sinh từ thực tế lao động sản xuất và đấu tranh với thiên nhiên. Những điều này nói lên giá trị phản ánh hiện thực của những chi tiết nghệ thuật tưởng như hoang đường và cũng thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa sáng tác văn học dân gian với đời sống của nhân dân.

c) Những chi tiết về cách kết thúc cuộc giao tranh

Kết thúc truyện là sự chiến thắng của Sơn Tinh đối với Thủy Tinh – không thể không như vậy vì thực tế là nước lũ dâng cao đến đâu rồi cũng đến lúc phải rút. Nhưng Sơn Tinh đã thắng mà chưa thắng, Thủy Tinh dầu thua mà chưa chịu thua hẳn, hằng năm vẫn “làm mưa gió, bão lụt, dâng nước đánh Sơn Tinh”. Và rồi lần nào cũng vậy, Thủy Tinh “đánh mệt mỏi, chán chê… đành rút quân về”. Tuy nhiên, cách kết thúc ấy còn tổng kết một bài học kinh nghiệm lớn: con người không bao giờ chịu ngồi yên khoanh tay nhìn và chờ đợi bị động trước thiên nhiên; sức người hoàn toàn có thể, năm nào cũng vậy, chiến thắng được thiên tai lũ lụt.

Không chỉ mang những ý nghĩa như vậy, với cách kết thúc đã phân tích ở trên, truyện còn là lời thế hệ trước nhắn nhủ, gửi gắm cho thế hệ sau nhiệm vụ tiếp tục vươn lên chinh phục tự nhiên, làm chủ đất nước. Công trình thủy điện Sông Đà với nhà máy thủy điện Hòa Bình và sắp tới đây, với nhà máy thủy điện Tạ Bú, Sơn La (cùng các công trình thủy điện, để điều khác), sự nghiệp trồng rừng và giữ gìn, bảo vệ rừng chính là việc làm thực tế để tiếp tục sự nghiệp trị thủy, xây dựng đời sống no ấm, phồn vinh của cha ông ta.

Đề 31: Phân tích văn bản Sơn Tinh, Thủy Tinh
Đánh giá bài viết