BÀI LÀM

“Hoàng Lê nhất thống chí” là tác phẩm viết về những sự kiện lịch sử diễn ra trong khoảng 30 năm cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX, trong đó nổi bật nhất là phong trào Tây Sơn với vai trò to lớn của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Trong đoạn trích hồi thứ mười bốn, Nguyễn Huệ hiện lên với sự dũng mãnh, tài trí, tầm nhìn xa trông rộng,…

Nguyễn Huệ là người anh hùng được người đời tâm phục và kinh sợ, nổi tiếng là: “bức truyền thần vị chiến tướng trăm trận trăm thắng”. Đây là một vài lời nhận xét về Nguyễn Huệ của phe đối địch: “Nguyễn Huệ là một tay anh hùng lão luyện, dũng mãnh và có tài cầm quân. Xem hắn ra bắc vào nam, ẩn hiện như quỷ thần, không ai có thể lường biết. Hắn bắt Hữu Chỉnh như bắt trẻ con, giết Văn Nhậm như giết con lợn, không một người nào dám nhìn thẳng vào mặt hắn. Thấy hắn trỏ tay, đưa mắt là ai nấy đã phách lạc hồn xiêu, sợ hắn hơn sợ sấm sét”.

Trước tiên, Nguyễn Huệ hiện ra là con người hành động với tính cách mạnh mẽ, quyết đoán. Điều đó thể hiện qua từng thái độ, từng hành động của nhân vật: khi nghe tin giặc đã chiếm thành Thăng Long, mất cả một vùng đất đai rộng mà ông không hề nao núng “định thân chinh cầm quân đi ngay”. Rồi trong vòng một tháng đã làm biết bao việc lớn: “tế cáo trời đất” “lên ngôi hoàng đế”, tự mình “đốc suất đại binh” ra Bắc, với người cộng sĩ ở huyện La Sơn là Nguyễn Thiếp để hỏi kế sách; tuyển mộ quân sĩ và “mở cuộc duyệt binh lớn” ở Nghệ An, đích thân “dụ” tướng sĩ, định kế hoạch tấn công vào đúng dịp Tết Nguyên Đán,… Có thể thấy rõ ở Nguyễn Huệ chân dung một con người tự tin, nắm chắc thời thế để định hướng rõ hành động, không hề nao núng trước bất cứ tình huống nguy cấp nào, ngay cả khi đất nước đang bị giặc chiếm.

Nguyễn Huệ còn là con người có trí tuệ sáng suốt, nhạy bén trước thời cuộc. Sáng suốt trong việc phân tích tình hình thời cuộc và thế tương quan giữa ta và địch. Đưa ra lời phủ dụ có thể coi như bài hịch ngắn mà ý tứ phong phú, sâu xa, có tác dụng kích thích lòng yêu nước và truyền thống quật cường của dân tộc. Sáng suốt trong việc xét đoán và dùng người: phân tích, khen chê các tướng đúng người, đúng việc, nêu rõ công và tội của mỗi người, không ngần ngại khen ngợi Ngô Thì Nhậm về kế sách lui binh tạm thời, hi vọng tài năng của Ngô Thì Nhậm sẽ thể hiện trong việc ngoại giao với nhà Thanh sau khi chiến thắng,…

Nguyễn Huệ – một vị tướng có tài mưu lược, nhìn xa trông rộng và dụng binh như thần. Điều đó thể hiện ở kế sách vừa tiến quân vừa tuyển binh sĩ, tạo nên cuộc hành quân thần tốc khiến cho kẻ địch không thể ngờ được mà đối phó. Vừa mới khởi binh đã đánh giặc, vậy mà ông đã tuyên bố: “phương lược tiến đánh đã có  tính sẵn”, “chẳng qua mười ngày có thể đuổi được người Thanh”. Biết trước kẻ thù “lớp gấp mười nước mình”, bị thua một trận “ắt lấy làm thẹn mà lo mưu báo thù” khiến việc binh đao không bao giờ dứt nên Nguyễn Huệ còn tính sẵn cả kế hoạch ngoại giao sau chiến thắng để có thời gian “yên ổn mà nuôi dưỡng lực lượng”, làm cho nước giàu dân mạnh…

Tài dùng binh như thần: cuộc hành binh thần tốc do vua Quang Trung chỉ huy đến nay vẫn còn làm cho chúng ta kinh ngạc: ngày 25 tháng Chạp bắt đầu xuất binh ở Phú Xuân (Huế), một tuần lễ sau đã ra đến Tam Điệp, vậy mà đến đêm 30 tháng Chạp hành quân ra Bắc. Vừa đi vừa đánh giặc vậy mà ông hoạch định mồng 7 tháng giêng sẽ vào ăn tết ở Thăng Long, trong thực tế đã vượt mức hai ngày. Ông dùng lời dụ để khích lệ, động viên tinh thần các tướng sĩ (khẳng định chủ quyền dân tộc của ta và hành động xâm lược của nhà Thanh; nêu bật dã tâm của kẻ thù; khơi dậy truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm,…). Lời dụ rất ngắn gọn nhưng đã hàm chứa cái tâm của người chủ tướng, ý tứ thật phong phú, sâu xa, lập luận hùng hồn, chặt chẽ, có sức thuyết phục. Tài năng quân sự còn thể hiện qua việc chỉ đạo cuộc hành quân thần tốc ra Bắc của nghĩa quân Tây Sơn. Đó là nhờ tài năng quân sự lỗi lạc ở người cầm quân: mở tiệc khao quân, cho ăn Tết trước với lời hẹn mở tiệc ăn mừng chiến thắng ở thành Thăng Long để củng cố niềm tin quyết thắng: “Ta với các ngươi hãy tạm sửa lễ cúng Tết trước đã. Đến tối 30 Tết lập tức lên đường, hẹn đến ngày mồng 7 năm mới thì vào thành Thăng Long mở tiệc ăn mừng. Các ngươi nhớ lấy, đừng cho là ta nói khoác!”. Ông chọn ngay thời điểm Tết Nguyên Đán để phản công địch khiến chúng bất ngờ không kịp trở tay. Tấn công các thành, đồng thời lại sai quân chặn các ngả rút quân của địch, mở cờ dóng trống nghi binh nhằm áp đảo tinh thần quân giặc,… Sức mạnh niềm tin ấy không chỉ được tạo nên bởi kế sách tài tình hay lời dụ tâm huyết mà còn tỏa sáng từ hình ảnh lẫm liệt trong chiến trận của vị anh hùng áo vải. Ông thật sự là một vị tổng chỉ huy, thân chinh cầm quân ra trận, hoạch định chiến lược, trực tiếp tổ chức quân sĩ, bài binh bố trận, vừa tự mình thống lĩnh một mũi tiến công, xông pha chiến trận. Hình ảnh người thủ lĩnh ấy đã làm quân sĩ nức lòng, tạo niềm tin quyết thắng, đồng thời khiến kẻ thù kinh hồn bạt vía, rơi vào cảnh đại bại nhanh chóng.

Như vậy, Nguyễn Huệ đã đi vào những trang sử Việt Nam là một nhân vật xuất chúng, lẫm liệt, oai phong, đây còn là tấm gương sáng chói cho bao thế hệ noi theo, đến ngàn đời sau, người đời vẫn mãi nhắc tên người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 10: Phân tích hình tượng anh hùng Nguyễn Huệ trong hồi thứ mười bốn “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô Gia Văn Phái
Đánh giá bài viết