HƯỚNG DẪN 

I. TÁC GIẢ

Cù Huy Cận (1919 – 2005) sinh ra trong một gia đình nhà nho lớp dưới, quê ở làng âu Phú, huyện Hương Sơn (nay thuộc xã Đức Liên, huyện Vũ Quang), tỉnh Hà Tĩnh. Ông đỗ tú tài năm 1939 tại Huế, đỗ kĩ sư Canh nông năm 1943 tại Hà Nội. Huy Cận tham gia cách mạng từ năm 1942 khi còn là sinh viên. Sau Cách mạng tháng Tám, ông từng giữ chức vụ Bộ trưởng, Thứ trưởng, đồng thời có những đóng góp quan trọng trên lĩnh vực văn hoá nghệ thuật. 

Huy Cận bắt đầu làm thơ khi đang còn đi học. ông chịu ảnh hưởng của văn học lãng mạn Pháp, nhưng cũng rất thích thơ Đường và trân trọng vốn thơ ca dân tộc. Các sáng tác của ông được chia làm hai giai đoạn. Trước Cách mạng tháng Tám, với tập Lửa thiêng (1940), ông xứng đáng là thi sĩ hàng đầu của phong trào Thơ mới. Sau Cách mạng tháng Tám, thơ ông thể hiện tâm hồn của một thi sĩ và là một chiến sĩ trên mặt trận văn hoá với sự ra đời liên tiếp của các tập thơ: Vũ trụ ca (1942), Trời mỗi ngày lại sáng (1958), Đất nở hoa (1960), Bài thơ cuộc đời (1963), Hai bàn tay em (1967), Những năm sáu mươi (1968), Chiến trường gần đến chiến trường xa (1973), Ngày hằng sống, ngày hằng thơ (1975), Ta về với biển (1997),… Thơ Huy Cận hàm súc, giàu chất suy tưởng, triết lí, thể hiện những khao khát và lắng nghe sự hoà điệu giữa hồn người và tạo vật, giữa cá thể và nhân quần. 

Là một trong những nhà thơ của phong trào Thơ mới sau Cách mạng, Huy Cận đã tìm thấy tiếng nói chân chính cho tư tưởng nghệ thuật của mình. Ông là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca Việt Nam hiện đại và đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.

II. TÁC PHẨM

1. Xuất xứ và hoàn cảnh ra đời của bài thơ 

Bài thơ Tràng giang rút từ tập Lửa thiêng (1940). Theo lời kể của nhà thơ, vào một chiều thu năm 1940, lúc ông đang là sinh viên trường canh nông, khi đang ngắm con sông Hồng mênh mông tại bến đò Chèm, xúc động trước cảnh sông nước  bao la, Huy Cận đã viết bài thơ Tràng giang. Toàn bộ bài thơ là một bức tranh phong cảnh nhưng thực chất là để thể hiện tâm trạng của nhân vật trữ tình.

2. Giá trị nội dung 

a) Nhan đề và lời đề từ

Tràng giang là từ Hán Việt, nghĩa là sông dài. Với hai âm Hán và cách điệp vần ang, tràng giang gợi sắc thái cổ kính, góp phần tạo nên dư âm vang xa, trầm hùng về hình ảnh một con sông thấp thoáng vừa rất dài, vừa rất rộng. Không còn là một con sông Hồng cụ thể nữa mà là một con sông chảy về lừ lịch sử, dòng sông chảy trong không gian, dòng sông của tâm trạng.

– Lời đề từ: Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài dường như đã gói trọn cảm hứng chủ đạo của bài thơ. Tuy chỉ bằng một câu thơ bảy chữ những lời đề từ chính là điểm tựa cho cảm hứng, thâu tóm cái thần của bài thơ về một nỗi niềm, về cảm nhận sâu xa của cái tôi cô đơn trước vô cùng của trời đất. Thấm đẫm trong bài thơ là một nỗi buồn, cảm giác nổi trội nhất là cảm giác không gian. Cả bài thơ chính là sự triển khai một cách tập trung cảm hứng nêu lên ở câu đề từ này. 

b) Khổ thơ thứ nhất: Cảnh tràng giang mênh mông sông nước nhuộm đậm màu tâm trạng

– Hai câu đầu cánh vật thực ra tự nó không có gì đáng buồn. Song cái buồn tự trong lòng nhà thơ mang mang thiên cổ sầu đã lan toả theo những gợn sóng nhấp nhô dập dìu trên mặt nước mênh mông. Các từ láy: điệp điệp, song song và âm hưởng của hai chữ tràng giang gợi lên một không gian bát ngát, mênh mông, dài, rộng và cổ kính. Hình ảnh một con thuyền xuôi mái, buông trôi hờ hững để lại sau mình những rẽ nước song song…, tất cả khơi gợi nỗi buồn xếp lớp, chất đây, gối lên nhau như những con sóng.

– Hai câu thơ sau nỗi buồn như thấm thía, u sầu hơn. Đó là sự chia lìa của là cảnh ngộ của một cành củi khô lạc lõng, lênh đênh, nổi trôi vô định. Nhà thơ sử dụng chất liệu của đời thường Củi một cành khô để thể hiện sự nhỏ bé, đơn côi, đối lập với không gian rộng lớn bao la cuộn xiết. Hình ảnh thơ gợi sự ám ảnh về nỗi sầu buồn, cô liêu của kiếp người nhỏ bé vô định.

c) Khổ thơ thứ hai: Nỗi buồn thấm sâu, lan toả rộng trong không gian

– Hai câu đầu cảnh vật không sắc, không màu, không xao động, chỉ lặng lẽ mơ hồ. Hàng loạt từ ngữ, hình ảnh đến âm thanh đều có khả năng gợi cái hoang vắng, hiu quạnh, lơ thơ, đìu hiu. Cái buồn được gợi lên ở tiếng xao xác chợ chiều, từ thoáng hơi của tiếng người nhưng rất mơ hồ và chỉ càng làm tăng thêm không khí tàn tạ, vắng vẻ, chia lìa.

– Hai câu thơ sau xuất hiện một hình ảnh mới lạ: Nắng xuống trời lên sâu chót lót – Sông dài trời rộng bến cô liêu. Đây là những câu thơ có giá trị tạo hình đặc sắc. Sâu gợi ấn tượng về sự thăm thẳm, hun hút khôn cùng. Chót vót khắc hoạ được chiều cao dường như vô tận. Càng rộng, càng sâu, càng cao thì càng tăng thêm cái vắng lặng, cái mênh mông, càng làm nổi bật ấn tượng về sự cô liêu, đơn côi bé nhỏ bến cô liêu. Nỗi buồn tựa hồ như thấm vào không gian ba chiều. Hình ảnh con người càng trở nên bé nhỏ rợn ngợp trước vũ trụ rộng lớn, vĩnh hằng và vũ trụ dường như cũng lây phải cái buồn của hồn thi sĩ ảo não Huy Cận.

d) Khổ thơ thứ ba: Nhà thơ tìm về cuộc sống con người nhưng cũng thất vọng.

– Sầu não trước không gian vũ trụ, trước sông nước mênh mông xa vắng, hồn thơ Huy Cận tìm đến với sự sống con người nhưng không gặp gỡ nên thất vọng và sầu buồn. Hình ảnh thơ đầy tâm trạng: Bèo dạt về đâu hàng nối hàng, tạo ra sự trùng điệp ý thơ nối tiếp về những hình ảnh thuyềnnước, hình ảnh cành củi khô lạc lõng, bồng bềnh trên mặt nước ở khổ thơ thứ nhất, tăng thêm ấn tượng về sự chia lìa tan tác, gợi sâu thêm về một nỗi buồn mênh mông, càng thấm thía hơn cái thế lương, bi đát của một kiếp người.

– Cảnh mênh mông buồn vắng được nhấn mạnh hơn bằng hai lần phủ định không một chuyến đò, không cầu. Từ không như một lời than. Nhưng không để mà có: có cái cô đơn, có cái khao khát tình đời, khao khát tình người gắn bó, hoà nhập. Nhà thơ dường như đang rơi vào cái không gian cô tịch, lặng lẽ, hình bóng con người đã tan biến vào thiên nhiên. Sự cô quạnh đã được đặc tả độc đáo bằng chính cái không tồn tại. Nỗi buồn lúc này không chỉ còn là nỗi buồn mênh mông trước trời rộng sông dài nữa mà chính là nỗi buồn nhân thế, nỗi buồn trước cuộc đời.

e) Khổ thơ thứ tư: Nỗi sầu cứ mở đến chân trời xa

– Cảm giác không gian vẫn là cảm giác trội nhất, bao trùm suốt bài thơ. Hình ảnh: Lớp lớp mây cao đùn núi bạc tạo được ấn tượng về sự hùng vĩ của thiên nhiên. Trên nền sông nước bao la và hùng vĩ ấy bỗng hiện lên một cánh chim bé bỏng, nó chỉ cần nghiêng cánh là cả bóng chiều sa xuống. Câu thơ với thủ pháp tạo hình đối lập khiến cánh chim càng trở nên tội nghiệp, nhỏ nhoi, mong manh đến vô cùng dưới vòm trời kì vĩ. Sự đối lập giữa cánh chim nhỏ bé với vũ trụ bao la, hùng vĩ càng làm cho cảnh thiên nhiên rộng hơn, thoáng hơn và đặc biệt cũng buồn hơn.

– Trong trạng thái tâm hồn cô đơn, lòng người bao giờ cũng đi tìm một nơi nương tựa. Cả không gian và thời gian đầu như cùng đánh thức nỗi nhớ nhà da diết của người lữ thứ: Lòng quê dờn dợn vời con nước – Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà. Thôi Hiệu ngày xưa nhìn những làn khói trên sông mà lòng buồn nhớ quê nay chẳng cần làn khói ấy Huy Cận vẫn da diết nhớ nhà. Nỗi buồn nhớ quê hương của Huy Cận không phải do cảnh vật tác động mà là nỗi buồn có sẵn trong cái tôi cô đơn của ông. Nỗi nhớ của Huy Cận da diết hơn, thường trực hơn và cháy bỏng hơn. Câu thơ của Huy Cận mang đậm màu sắc cổ điển, tạo được nhiều ấn tượng mới lạ, diễn tả đúng tâm trạng sầu não của một lớp người mới. Cái buồn của Huy Cận là cái buồn trong sáng, cái buồn của cả một thế hệ và là cái buồn xuất phát từ một quan điểm mĩ học của các nhà thơ lãng mạn đương thời: cái đẹp thường đi sóng đôi với cái buồn. 

3. Giá trị nghệ thuật

a) Vẻ đẹp cổ điển của bài thơ Tràng giang thể hiện trước hết chính ở cách Huy Cận chọn thể thơ thất ngôn với âm điệu có sự hài hoà về nhịp điệu và thanh điệu. Thơ 7 chữ tăng tính trang trọng, gợi cái cổ kính. Nhịp thơ 2/2/3 có sự dàn trải, tạo được cái mênh mang, sâu lắng, phù hợp với việc thể hiện sự đồng điệu giữa hồn người và hôn tạo vật hoang sơ. Trên nền thanh điệu quen thuộc của thể thơ thất ngôn, nhà thơ đã có những hoà điệu riêng khi khai thác tối đa hiệu quả âm thanh và đưa vào rất nhiều hình ảnh thơ mới qua việc sử dụng rất nhiều từ láy: điệp điệp, song song, lớp lớp, dọn dợn… cùng với việc sử dụng nghệ thuật đối tài tình, tổ chức ngôn từ theo nguyên tắc song song trùng điệp: thuyền về – nước lại; nắng xuống – trời lên; sông dài – trời rộng; sau chót vót – bến cô liêu; hàng nối hàng, bờ xanh tiếp bãi vàng… tạo nên âm điệu chung của bài thơ là sự mênh mông, xao xuyến nhằm biểu hiện sự cảm thông sâu sắc của hồn người với thiên nhiên, sự đồng điệu giữa hồn thi nhân và hồn tạo vật.

b) Tràng giang là bài thơ tiêu biểu thể hiện rõ nhất phong cách nghệ thuật của nhà thơ Huy Cận. Bài thơ có ý vị cổ điển, tạo được những vang hưởng kì lạ, mang đậm phong vị Đường thi. Chất Đường thi thấm đượm từ thi đề, thi tứ đến thi liệu và những thủ pháp nghệ thuật. Huy Cận rất nhạy cảm trước các cảnh tượng thiên nhiên bát ngát, trước không gian vô tận, trước thời gian vĩnh hằng, tìm về cảnh xưa để khơi dậy mạch sầu nghìn năm, để khẳng định cái tôi bé nhỏ. Bức tranh thiên nhiên trong bài thơ được diễn tả bằng một hệ thống hình ảnh sinh động, đầy sáng tạo. Tác giả chỉ miêu tả một vài hình ảnh thơ gần gũi đời thường: một dòng sông, một con thuyền xuôi mái, một cành củi bồng bềnh, một cánh bèo lênh đênh, một chợ chiều của làng quê Việt Nam, một cánh chim trong buổi chiều tà nhưng tất cả đều chứa chan tình cảm dân tộc, tình yêu quê hương sâu sắc..

Tràng giang đúng là một bài thơ: ca hát non sông đất nước, do đó dọn đường cho lòng yêu giang sơn Tổ quốc (Xuân Diệu).

ĐỀ 250: Cảm nhận về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của bài thơ Tràng giang.
Đánh giá bài viết