1. GỢI Ý LÀM BÀI 

Đề bài thuộc dạng nghị luận về một bài thơ.

a) Yêu cầu về nội dung

– Luận đề: Nét đặc biệt về hình ảnh thiên nhiên và những cảm xúc của nhà thơ Huy Cận biểu hiện trong những hình ảnh đó.

– Các ý lớn: Có thể dựa vào bố cục bài thơ để hình thành 3 ý lớn sau:

+ Khổ 1: Cảnh sóng gợn, dòng sông buồn thể hiện cảm xúc buồn, xót thương kiếp nhân sinh của cái tội thi sĩ.

+ Khổ 2, 3: Cảnh làng xóm, bãi bồi mênh mang, trống vắng thấm đẫm nỗi buồn thương về kiếp người bơ vơ, lạc lõng…

+ Khổ 4: Ngoại cảnh và tâm cảnh không hài hoà nhưng càng thấm thía nỗi thương nhớ quê hương, tổ quốc.

b) Yêu cầu về cách viết 

– Bố cục: Theo “mô hình” chung, chia bài thơ theo chiều ngang để phân tích. 

– Thao tác lập luận: chủ yếu dùng phân tích, chứng minh và bình luận.

– Trong khi “giải mã” nội dung thơ (thiên nhiên và cảm xúc nhà thơ) cần kết hợp nhận xét, đánh giá những yếu tố nghệ thuật đặc sắc của bài thơ.

2. BÀI LÀM

– Huy Cận là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca Việt Nam hiện đại. Ông nổi danh từ phong trào Thơ mới với tập thơ đầu tay Lửa thiêng. Tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà thơ trong tập thơ này đó là Tràng giang. Qua bài thơ, Huy Cận đã khắc hoạ cảnh thiên nhiên trời rộng sông dài mênh mang, rợn ngợp và biểu hiện một cái tôi thi sĩ mang đậm nỗi sầu nhân thế và tình yêu quê hương thiết tha, thầm kín.

Trước hết, Tràng giang là một không gian mênh mông, vô tận làm cho thi sĩ thấm thía một nỗi buồn sông nước. Không phải ngẫu nhiên mà Huy Cận đã viết đề từ cho bài thơ là “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”. Ngay cái tên bài thơ cũng gợi cảm giác mênh mông, hoang vắng: Tràng giang. Vì sao không phải là “Trường giang” mà lại là “Tràng giang”? Bởi “Tràng giang” không chỉ nói độ dài mà âm “ang rộng mở còn gợi cảm giác về chiều rộng. Vậy là ngay từ nhan đề bài thơ, nhà thơ đã lưu ý người đọc về thiên nhiên mênh mông, hùng vĩ cùng với cái tôi thi sĩ “bâng khuâng” trước trời rộng sông dài. 

Khổ đầu bài thơ mở ra một bức tranh sông nước mênh mang: 

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song,
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả;     
Củi một cành khô lạc mấy dòng.        

Câu thơ thứ nhất đặc tả mặt nước và những con sóng của tràng giang với hình ảnh “sóng gợn”. Câu thơ thứ hai đặc tả những luồng nước trên sông. Nếu câu trên, sự vô biên được mở ra với hình ảnh những lớp sóng tiếp nối nhau, xô đuổi nhau “điệp điệp”, thì ở câu dưới nó lại được đặc tả qua hình ảnh con thuyền buông mái chèo trôi mãi về phía cuối trời. Huy Cận thật tài tình khi đẩy hai từ láy “điệp điệp” và “song song” xuống cuối câu khiến cho lời thơ đã hết mà âm hưởng của nó vẫn còn đọng lại. Hai câu thơ tiếp chứa đựng hai hình ảnh đối lập rõ nét:

Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả,
Củi một cành khô lạc mấy dòng.   

Ở đây có sự đối lập giữa cái động và cái tĩnh, giữa vật đi xa và vật ở lại: thuyền thì trôi xuôi, nước thì ở lại. Ngoài ra còn một hình ảnh đối lập nữa – đối lập giữa cái nhỏ và cái lớn: “củi một cành khô” – “mấy dòng”. Ở đây, cái nhỏ nhoi của con thuyền, cành củi khô càng làm nổi bật cái rộng dài vô tận của dòng sông. Không chỉ sử dụng nghệ thuật đối lập, Huy Cận còn dùng đảo ngữ ấn tượng, không viết “một cành củi khô” mà tách “củi một cành khô” khiến cho ấn tượng về cành củi khô khốc, tàn tạ bị nhấn mạnh. Đồng thời hình ảnh ấy còn ẩn dụ cho những kiếp người bơ vơ, trôi dạt giữa vũ trụ bao la, trong bức tranh thiên nhiên và trong cuộc đời bấy giờ, trong đó có chính nhà thơ. Từ những nét thiên nhiên tạo vật mênh mông, rợn ngợp, đẹp mà buồn ấy, nhà thơ bày tỏ cảm xúc buồn man mác, một cái tôi bơ vơ, lạc lõng để rồi dấy lên nỗi xót thương kiếp người nhỏ bé, phiêu dạt giữa vũ trụ bao la vô định.

Đến khổ thơ thứ hai, bức tranh “Tràng giang” có thêm âm thanh sự sống con người nhưng nỗi buồn không vơi mà như càng thấm sâu vào cảnh vật:

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,          
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều. 
Nắng xuống, trời lên sâu, chót vót,
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.     

Dường như điểm nhìn của nhà thơ đã mở rộng, ôm trùm khoảng không gian lớn hơn, xa hơn bao gồm cả làng xóm, bờ bãi, dòng sông. Nhưng ở đây tất cả dường như đều vắng lặng, yên ả, chỉ có mặt nước mênh mông, đôi bờ hoang vắng, cồn cỏ lơ thơ heo hút. Lắng nghe đâu đây từ làng xa vắng lại tiếng “chợ chiều” đã “vãn”. Tuy có chút âm thanh cuộc sống nhưng âm thanh ấy thật yếu ớt, mơ hồ. Khung cảnh hoang vắng ấy gợi nhớ đến những vần thơ của Bà Huyện Thanh Quan trong Qua Đèo Ngang:

Lom khom dưới núi tiều vài chú.
Lác đác bên sông chỉ mấy nhà.   

Cùng là cảnh buồn, đìu hiu, vắng lặng nhưng ở Qua Đèo Ngang nữ sĩ còn thấy thấp thoáng bóng dáng con người “tiều vài chú”, “chợ mấy nhà” thì ở đây, con người chỉ được cảm nhận bằng âm thanh và âm thanh đó cũng thật mơ hồ. Trong ánh chiều tắt dần, bóng tối xuống dần, nỗi buồn cô đơn của thi sĩ dường như lan toả, thấm vào không gian cảnh vật, dâng cao mãi hun hút đến tận đỉnh trời. Câu thơ “nắng xuống trời lên sâu chót vót” thật độc đáo. Tác giả không viết “sâu thăm thẳm”, “cao chót vót” mà viết “sâu chót vót” có lẽ nhằm tả cảnh ánh chiều in bóng xuống dòng sông rồi lại hắt lên bầu trời. Đây là hình ảnh của một không gian ba chiều rợn ngợp. Với nghệ thuật sử dụng từ cổ điển, phép chuyển đổi cảm giác mới lạ, cảnh thiên nhiên trở nên mênh mông hơn, sống thêm dài, trời thêm rộng và cái tôi trữ tình thêm cô đơn, nhỏ bé giữa vũ trụ bao la.

Nét cảnh bờ bãi đìu hiu ấy tiếp tục được thể hiện qua khổ thơ thứ ba:

Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;               
Mênh mông không một chuyến đò ngang.
Không cầu gợi chút niềm thân mật,          
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.                  

Hình ảnh “bèo dạt về đâu, hàng nối hàng” một lần nữa gợi sự liên tưởng về kiếp người nhỏ nhoi, trôi dạt. Không gian “tràng giang tiếp tục được mở rộng mênh mang, hiu quạnh. Sự mênh mông, vắng lặng ấy được nhấn mạnh bằng hai lần phủ định: không một chuyến đò ngang / không cầu gợi chút niềm thân mật”. Tác giả còn đưa vào bài thơ nhiều thanh bằng khiến cho người đọc có cảm giác “tràng giang” tiếp tục trôi xuôi với âm điệu trầm buồn. Cảnh thấm đẫm nỗi sầu của lòng người.

Nỗi buồn “điệp điệp” triền miên trong lòng người lan toả vào cảnh vật trở nên khắc khoải, day dứt nhất ở khổ thơ cuối với những nét thiên nhiên nổi bật sự đối lập.

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,               
Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa. 
Lòng quê dợn dợn vời con nước,             
 Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.       

Cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp nhưng vẫn mang nét cô đơn. Mây cao đùn “lớp lớp” như che phủ “núi bạc” đối lập với hình ảnh một cánh nhỏ nhoi, nghiêng ngả vừa gợi bức tranh hoàng hôn trong bài thơ Chiều hôm nhớ nhà của Bà Huyện Thanh Quan:

Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi,    
Rặng liễu sương sa khách bước dồn. 

 Vừa tiếp tục ẩn dụ về kiếp nhân sinh. Do đó, niềm cảm thương nhân thế của Huy Cận càng đậm nét: thương người rồi thương mình cũng đang trong cảnh cô đơn. Bởi thế, đến cuối bài thơ, thi sĩ trực tiếp bày tỏ thân phận riêng của mình:

Lòng quê dợn dợn vời con nước,       
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà. 

Huy Cận đã học tập và sáng tạo hình ảnh thơ Thôi Hiệu trong bài Hoàng hạc lâu:

Quê hương khuất bóng hoàng hôn,    
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.

Điều khác biệt ở Huy Cận là sự đối lập giữa ngoại cảnh và tâm cảnh: Người lữ khách trong thơ Thôi Hiệu nhìn thấy khói sóng mà nhớ quê hương còn nhân vật trữ tình trong “tràng giang” đứng trước cảnh sông nước “không khói hoàng hôn” mà vẫn rưng rưng “nhớ nhà”. Điều đó chứng tỏ cảm xúc nhớ thương của nhà thơ luôn thường trực, đã xuất hiện từ câu thơ đầu, nối tiếp, nâng cao và xoáy sâu để đến đây tất cả lên thành đỉnh cao nỗi nhớ thương mình, thương nhà cũng là thương đời thương nước.

Với thể thơ thất ngôn tứ tuyệt liên hoàn, âm điệu trầm lắng, nhẹ nhàng và ngôn từ hình ảnh vừa hiện đại, vừa cổ điển, trang trọng, Tràng giang vừa là tiếng thơ tả cảnh thiên nhiên, đất nước thơ mộng, đẹp mà buồn, vừa thể hiện cảm hứng nhân sinh, nỗi buồn nhân thế, yêu quê hương tha thiết của Huy Cận. Tràng giang không chỉ đơn thuần là bài thơ tả cảnh thiên nhiên mà đúng như Xuân Diệu nhận xét: “Đó là tiếng thơ mở lòng cho tình yêu Tổ quốc”. 

 Vậy là, với Tràng giang, nhà thơ Huy Cận đã đem đến cho đời, cho người yêu thơ bức tranh thiên nhiên “tràng giang” mênh mông, rợn ngợp cùng hình ảnh về cái tôi trữ tình yêu nước, thương nhà, thương người sâu lắng, tha thiết. Bài thơ xứng đáng và tiêu biểu cho dòng thơ lãng mạn Việt Nam 1930 – 1945 và thơ Huy Cận trước Cách mạng tháng Tám. Nó sẽ sống mãi trong lòng tôi và trong lòng bạn đọc nhiều thời như một áng thơ bất hủ.

ĐỀ 251: Thiên nhiên và cái tôi trữ tình trong bài thơ Tràng giang của Huy Cận.
Đánh giá bài viết