HƯỚNG DẪN 

I. TÁC GIẢ HUY CẬN

1. Huy Cận (1919 – 2005) tên khai sinh là Cù Huy Cận, quê ở huyện Hương Sơn (nay là huyện Vũ Quang), tỉnh Hà Tĩnh. Ông học trung học ở Huế, năm 1939, ra Hà Nội học ở trường Cao đẳng Canh nông. Huy Cận tham gia Mặt trận Việt Minh từ năm 1942, sau Cách mạng, ông liên tục giữ nhiều trọng trách trong Chính phủ: Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Bộ trưởng đặc trách công tác Văn hoá – nghệ thuật tại Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ tịch Uỷ ban Trung ương liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam,… Năm 1996, Huy Cận được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

2. Huy Cận là một trong những gương mặt tiêu biểu của thi ca Việt Nam hiện đại. Cùng với Xuân Diệu, ông nổi danh từ phong trào Thơ mới và đôi bạn Xuân – Huy đã trở thành bạn thơ thân thiết gắn bó suốt cuộc đời. Thơ Huy Cận hàm súc, giàu chất suy tưởng và mang tính triết lí. Cảm hứng vũ trụ được thắp lên từ thời Lửa thiêng vẫn tiếp tục được khơi nguồn trong hàng loạt thi phẩm nhà thơ sáng tác sau Cách mạng.

3. Tác phẩm chính của Huy Cận: các tập thơ Lửa thiêng (1940), Vũ trụ ca (1942), Trời mỗi ngày lại sáng (1958), Đất nở hoa (1960), Bài thơ cuộc đời (1963), Hai bàn tay em (1967), Những năm sáu mươi (1968), Chiến trường gần đến chiến trường xa (1973), Ngày hằng sống, ngày hằng thơ (1975), Ta về với biển (1997),… 

II. BÀI THƠ TRÀNG GIANG

Tràng giang được sáng tác vào mùa thu năm 1939, in lần đầu trong tập Lửa thiêng (NXB Đời nay, Hà Nội, 1940). Đây là một trong những bài thơ hay nhất của Huy Cận và cũng là một thi phẩm xuất sắc phong trào Thơ mới.

NỘI DUNG

Nhan đề Tràng giang và câu thơ đề từ Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài đã cho thấy cảm hứng chủ đạo của bài thơ, không gian mênh mông của đất trời gợi trong sâu thẳm lòng người nỗi bâng khuâng trước sông dài biển rộng. Cảm hứng đó được triển khai qua bốn khổ thơ.

1. Khổ 1: Nỗi sầu vời vợi triền miên được gợi lên từ hình ảnh con thuyền gác mái trôi xuôi theo dòng nước (Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp – Con thuyền xuôi mái nước song song). Đây là một tứ thơ cổ điển mang âm điệu buồn bã của Đường thi, nhưng hai câu cuối lại điểm xuyết một hình ảnh với cách nhìn mới lạ: Củi một cành khô lạc mấy dòng – một cành củi nhỏ bé như một thân phận đơn côi không biết trôi dạt về đâu đã làm mênh mông thêm khoảng trời sông nước… 

2. Khổ 2: Nỗi buồn vô định của tràng giang bao trùm lên toàn bộ cảnh vật (Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu – Đâu tiếng làng xa mãn chợ chiều), các từ ngữ và hình ảnh lơ thơ, đìu hiu, vãn chợ chiều càng tô đậm thêm sự quạnh vắng và cảm giác mông lung. Một không gian vô định được mở ra đến không cùng bằng hai câu chiếu cái nhìn ra bốn hướng: Nắng xuống, trời lên sân chót vót – Sông dài, trời rộng, bến cô liêu. Cả bốn hướng đều thăm thẳm, còn trơ lại bến cô liêu. Không có hình ảnh con người nhưng trong cái cô liêu ấy dường như chứa đựng cả nỗi sầu ngàn năm của con người trước vũ trụ bao la.

3. Khổ 3: Vẫn là một tràng giang chở nỗi buồn vô định như cánh bèo lênh đênh trôi dạt. Khổ thơ toàn nhắc đến những gì không có (không đò, không cầu) mà gợi nên bao nỗi bâng khuâng về những gì đã có: một con đò trở mũi sang ngang, một chiếc cầu tre lắt lẻo, những nương dâu, bãi bờ trù phú,… trên khắp làng quê đất nước mình. Nỗi sầu trước sông dài biển rộng ở đây chứa đựng cả lòng bâng khuâng nhớ về một cuộc sống nào đó rất xa xôi – một nỗi buồn nhân thế.

4. Khổ 4: Lớp lớp mây cao đùn núi bạc – Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa… hình ảnh rất đẹp và gợi cảm nhưng vẫn là cái đẹp cổ điển có tính ước lệ. Đến hai câu kết bài thì mới thấy được cái đặc sắc của tứ thơ:

Lòng quê dợn dợn vời con nước,         
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà. 

Thôi Hiệu xưa kia nhìn khói hoàng hôn trên sông nước mà nhớ về quê cũ: Quê hương khuất bóng hoàng hôn – Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai? Mượn tứ thơ cổ, Huy Cận đầy cảm xúc lên một cấp độ cao hơn: Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà: Nỗi nhớ của con người hiện đại được thể hiện một cách cháy bỏng, da diết hơn. Cuối cùng thì cảm xúc vô định của tràng giang cũng tìm được về nơi neo đậu, đó là chốn quê hương của mỗi tâm hồn.

Tràng giang là cảm hứng về một vũ trụ vô cùng vô tận và sự nhỏ nhoi của kiếp người với nỗi sầu thiên cổ. Trong bài thơ, cảnh thiên nhiên đất nước được gợi lên bằng những hình ảnh thơ mộng, buồn và đẹp. Không nặng tình với non sông đất nước, không thể viết nên những vần thơ trĩu nặng cảm xúc như vậy. Vừa khai thác tối đa hiệu quả của điệu thơ Đường luật, vừa thổi một hồn thơ hiện đại vào trong thi tứ, đó là sáng tạo độc đáo của Huy Cận.

NGHỆ THUẬT

1. Toàn bài thơ luôn duy trì một âm điệu trầm buồn, sâu lắng rất thích hợp để diễn tả sự chảy trôi của tràng giang cùng nỗi buồn triền miên vô định. Âm điệu này được tạo nên bởi nhịp đều đều chậm rãi của thể thơ thất ngôn (2/2/3 hoặc 4/3) với rất nhiều thanh bằng nằm ở vần thơ.

2. Một số biện pháp tu từ được sử dụng rất hiệu quả trong bài thơ: phép đối và phép điệp. Câu thơ có thể đối xứng về hình ảnh (sóng gợn tràng giang 7 con thuyền xuôi mái…; sâu trăm ngả/ lạc mấy dòng), hoặc đối ý (thuyền về nước lại, một cành khô lạc mấy dòng; nắng xuống trời lên; sông dài/ trời rộng,…). Phép đối được sử dụng rất linh hoạt làm tăng sức gợi của hình ảnh thơ. Các điệp từ dùng rất đúng chỗ cũng phát huy tác dụng của nó: điệp điệp, song song đặt cuối dòng thơ như nối dài âm điệu, tạo dư ba. Các từ láy đìu hiu, chót vót, dợn dợn cũng được dùng rất đắc địa.

3. Bài thơ vừa có ý vị cổ điển vừa có sắc màu hiện đại: âm điệu trầm lắng và hình ảnh có tính chất ước lệ thường gặp trong thơ cổ (tràng giang, sông dài trời rộng, bến cô liêu, mây cao, núi bạc, cánh chim nhỏ, bóng chiều sa, khói hoàng hôn,…) đã tạo nên không khí cổ điển cho bài thơ; nhưng cái nhìn và cảm xúc của con người hiện đại đã làm cho tứ thơ có sắc thái mới lạ (Củi một cành khô lạc mấy dòng; Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà,…).

ĐỀ 249: Phân tích nội dung và nghệ thuật bài thơ Tràng giang của Huy Cận.
Đánh giá bài viết