HƯỚNG DẪN 

I. KIẾN THỨC CHUNG VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

1. Nguyễn Bính (1918 – 1966), tên khai sinh là Nguyễn Trọng Bính, sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Thiện Vịnh, xã Đồng Đội (nay là xã Cộng Hoà) huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Mồ côi mẹ từ rất sớm, 10 tuổi Nguyễn Bính đã phải theo anh lên Hà Nội kiếm sống. Biết làm thơ từ năm 13 tuổi rồi năm 19 tuổi (1937) được nhận giải khuyến khích về thơ của Tự lực văn đoàn. Năm 1943, Nguyễn Bính vào Nam Bộ rồi ở lại tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc tham gia công tác văn nghệ và báo chí ở Hà Nội, Nam Định. 

2. Về sáng tác, trước Cách mạng có: Tâm hồn tôi, Lỡ bước sang ngang, Hương cố nhân, Mười hai bến nước, Cây đàn tì bà (Truyện thơ). Sau Cách mạng có: Ông lão mài gươm, Gửi người vợ miền Nam, Tiếng trống đêm xuân (truyện thơ), Đêm sao sáng, Cô Son (chèo), Người lái đò sông Vị (chèo).

Với đóng góp không nhỏ, Nguyễn Bính được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (năm 2000).

Bài Tương tư rút trong tập Lỡ bước sang ngang.

3. Trong phong trào Thơ mới, thơ Nguyễn Bính có một gương mặt riêng. Nếu hầu hết các nhà thơ cùng thời chịu ảnh hưởng của thơ phương Tây thì thơ Nguyễn Bính tìm về hồn thơ dân tộc. Nhưng trong số không nhiều nhà thơ đi về hướng ấy, thơ Nguyễn Bính cũng có một giọng điệu riêng. Có người so sánh: “Nếu Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân là những hoạ sĩ vẽ nên những “bức tranh quê” thì Nguyễn Bính là một ca sĩ hát về những mối tình quê”. Đó là sự gắn bó với quê hương đất nước và nhất là những mối tình trai gái yêu nhau với rất nhiều cung bậc và cảnh ngộ. Nhưng dù viết về đề tài gì, thơ Nguyễn Bính cũng toả sáng một thứ hồn quê. Tính nhất quán, đồng bộ, nguyên khối trong thơ Nguyễn Bính còn có sự hỗ trợ đắc. lực của giọng quê, ngôn ngữ quê, cách so sánh ví von của ca dao. Dường như công việc làm thơ với Nguyễn Bính không có gì là lao tâm khổ tứ. Chỉ cần có một cái cớ nào đấy là thi mạch tuôn trào mà tất cả nên thơ, nên nhạc – thơ, nhạc của một thứ đồng quê và rất đỗi chân quê.

II. GIÁ TRỊ

1. Giá trị tư tưởng

Giá trị nhân văn của bài thơ là sự mạnh dạn giãi bày một cái tôi mộng tưởng. Như ta biết trong các sáng tác thơ ca của thời trung đại không có tình yêu, chỉ có hôn nhân. Đến thời kì của Thơ mới, đề tài tình yêu như một sự khai mờ nhằm giải phóng con người. Vì vậy nó được khai thác riết róng trên nhiều tầng bậc khác nhau. Nhưng nếu yêu nhau mà được suốt đời gắn bó thì chẳng có điều gì đáng nói. Còn yêu nhau mà “cách trở đò giang” thì đó là cảm hứng của bao nhiêu nỗi niềm cần đến thơ ca nói hộ. Tương tư đã đi theo hướng ấy. Nhưng trong cái hướng bi kịch này lại không được sẻ chia để vơi bớt, cảm thông. Ở vào một thế đơn phương, tâm trạng thơ dồn nén bao nhiêu ẩn ức. Song, một tình yêu không có hồi âm, không hi vọng tuy có mang màu sắc bị thương nhưng vẫn còn chỗ cho một trái tim trong trẻo, một cái gì tươi tắn, hồn nhiên và rất đỗi chân thành.

2. Giá trị nghệ thuật

Giá trị trước hết của bài thơ là cách bộc lộ một tâm trạng đa chiều: lúc trần tình kể lể (Thôn Đoài ngôi nhớ thôn Đông – Một người chín nhớ mười mong một người… Ngày qua ngày lại qua ngày – Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng). Khi thở than trách móc (Hai thôn nhưng lại một làng – Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?). Rồi mơ ước, khát khao (Bao giờ bến mới gặp đò – Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau). Những tâm trạng đa chiều ấy là bạn của Thơ mới nhưng lại diễn đạt một cách duyên dáng của ca dao, Rõ nhất là những chi tiết cặp đôi giống như những mối tình lí tưởng, sự gắn kết giữa bóng với hình: thôn Đoài – thôn Đông, tôi – nàng, bên này – bên ấy, bến – đò, hoa – bướm, nhà anh – nhà em, trầu – cau. Cùng với thể thơ lục bát còn là những sáng tạo ngôn từ và nhịp điệu nữa. Về ngôn từ, có những định ngữ độc đáo và hay như “hoa khuê các”, “bướm giang hồ”, có hình ảnh gợi tả như “cây lá vàng”. Về nhịp điệu có lúc kéo dài ra như vô tận một nỗi nhớ mong (Một người chín . nhớ mười thương một người), có khi dồn, lặp một cách đơn điệu (Ngày qua ngày lại qua ngày) hay tức tưởi một đại từ “ai” (Biết cho ai, hỏi ai người biết cho).

ĐỀ 242: Giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật của bài thơ Tương tư.
Đánh giá bài viết