Câu 1: Viết một đoạn văn phân tích khổ thơ cuối bài Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận.

Câu 2: Giới thiệu những nét chính về tác giả Nguyễn Thành Long, về hoàn cảnh sáng tác và chủ đề truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa.

Câu 3: Chỉ ra biện pháp tu từ trong câu thơ sau và nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó:

Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tại một lần.

(Nguyễn Du – Truyện Kiều)

Câu 4: “Tình yêu làng quê và lòng yêu nước, tinh thần kháng chiến của người nông dân phải rời làng đi tản cư đã được thể hiện chân thực, sâu sắc và cảm động ở nhân vật ông Hai trong truyện Làng”. (Ngữ văn 9, tập một, trang 174).

Phân tích nhân vật ông Hai để làm sáng rõ ý kiến trên.

GỢI Ý LÀM BÀI

Câu 1: Bài viết cần đạt được những yêu cầu sau:

– Giới thiệu được nét chính về tác giả, về bài thơ và vị trí khổ thơ.

– Phân tích được nội dung của khổ thơ.

– Phân tích được những biện pháp nghệ thuật trong khổ thơ.

– Nêu được ý nghĩa khái quát của khổ thơ. Ví dụ :

Huy Cận là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền thơ ca hiện đại Việt Nam. Ông sáng tác rất nhiều thơ, trong đó tiêu biểu là bài Đoàn thuyền đánh cá. Bài thơ được sáng tác năm 1958, trong một chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng mỏ Quảng Ninh của tác giả. Bài thơ được in trong tập thơ Trời mỗi ngày lại sáng. Khổ thơ cuối trong bài miêu tả cảnh đoàn thuyền đầy ắp cá trở về bến vào lúc bình minh và niềm vui của người lao động:

Câu hát căng buồm với giá khơi,
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
Mặt trời đội biển nhỏ màu mới,
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.

Sau một ngày lao động mệt nhọc mà tiếng hát của người lao động vẫn vang lên giữa biển khơi. Đây là tiếng hát mừng vui thắng lợi. Bằng biện pháp nhân hoá “Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời”, tác giả nhấn mạnh con người đang chạy đua với thời gian để nhanh chóng đem cá tươi về bến. Nhịp thơ nhanh, mạnh diễn tả được nhịp sống lao động khẩn trương và sôi nổi. Một ngày vui mới lại đến được bắt đầu bằng “Mặt trời đội biển nhô màu mới”. Đó là ngày lao động đánh cá trên biển bao la mà lúc cập bến “Thuyền về đầy ắp cá”. Câu thơ cuối “Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi” vừa tả được vẻ đẹp lung linh, tráng lệ của biển khơi lúc bình minh vừa nói lên được niềm vui của người lao động trước một mùa cá bội thu. Khổ thơ là một lời khẳng định về niềm vui lao động trong cuộc sống mới. Đó là niềm vui của những người được làm chủ cuộc đời, làm chủ thiên nhiên giàu đẹp của mình.

Câu 2:

a) Giới thiệu những nét chính về tác giả Nguyễn Thành Long

– Nguyễn Thành Long sinh năm 1922 và mất năm 1991.

– Quê ông ở Duy Xuyên, Quảng Nam.

– Ông viết văn từ thời kì kháng chiến chống Pháp.

– Ông là cây bút chuyên về truyện ngắn và kí.

Các tác phẩm tiêu biểu: Tập truyện: Giữa trong xanh, Ly Sơn mùa tỏi, Sáng mai nào, xế chiều nào,…

b) Hoàn cảnh sáng tác: Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa được viết vào mùa hè năm 1970, trong chuyến đi thực tế tại Lào Cai của tác giả.

c) Chủ đề: Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa ca ngợi những con người lao động bình thường, mà tiêu biểu là anh thanh niên làm công tác khí tượng trên đỉnh núi cao. Qua đó, truyện khẳng định vẻ đẹp của người lao động và ý nghĩa của những công việc thầm lặng.

Câu 3: 

a) Biện pháp tu từ trong câu thơ là biện pháp chơi chữ: tác giả lợi dụng đặc sắc về âm, về nghĩa của từ để tạo sắc thái dí dỏm, hài hước.

b) Tác dụng: Làm cho câu thơ thêm hấp dẫn và thú vị.

Câu 4: Phân tích nhân vật ông Hai trong truyện Làng của Kim Lân.

1. Đặt vấn đề

– Kim Lân là nhà văn có sở trường về truyện ngắn.

– Ông gắn bó và am hiểu sâu sắc về con người và cuộc sống ở nông thôn. Kim Lân hầu như chỉ viết về sinh hoạt làng quê và cảnh ngộ của người nông dân.

– Truyện ngắn Làng được viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp và đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ năm 1948.

– Nhân vật chính trong truyện là ông Hai. Phân tích nhân vật này, chúng ta sẽ thấy được tình yêu quê hương, đất nước, sự giác ngộ của những người nông dân hiền lành chất phác trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.

2) Giải quyết vấn đề

a) Hoàn cảnh sống của nhân vật

– Ông Hai quê ở làng Chợ Dầu

– Quê ông xảy ra chiến sự ác liệt nên ông cùng gia đình (bà Hai, ba đứa con) phải rời làng đi tản cư đến một vùng quê khác.

– Bà Hai bán hàng vặt ở nơi sơ tán để lấy tiền trang trại cuộc sống gia đình.

b) Ông Hai là người siêng năng cần cù

– Ở quê, ông hay lam hay làm “ở quê ông làm suốt ngày, không mấy lúc chịu ngơi chân, ngơi tay”. Đi cày, đi cuốc, gánh phân, tát nước…. ông đều làm rất giỏi. Ngay đến những việc phụ như đan rổ, đan rá,…ông cũng làm rất khéo. Ông còn nhiệt tình tham gia cùng anh em đào đường, đắp ụ, xẻ hào, khuân đá,…nhằm ngăn bước kẻ thù.

– Ở nơi sơ tán ông cũng không chịu ngồi không. “Ông hì hục vỡ một vạt đất rậm ngoài suối để trồng thêm vài trăm gốc sắn ăn vào những tháng đói sang năm”.

c) Ông Hai là người có tình yêu làng, yêu nước sâu sắc

– Tình yêu làng, yêu nước thể hiện ở thái độ của ông Hai khi nghe tin làng ông theo giặc, làm Việt gian.

+ Khi nghe tin đột ngột ấy, ông Hai quá sững sờ: “Cổ ông lão nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rần rần. Ông lão lặng đi, tưởng như đến không thở được. Một lúc lâu, ông mới rặn è è, nuốt một cái gì vướng ở cổ”.

+ “Ông gầm mặt xuống mà đi”.

+ “Về đến nhà, ông Hai nằm vật ra giường”.

+ Ông thấy tủi nhục, nước mắt ông giàn ra.

+ Suốt mấy ngày, ông không dám đi đâu. Ông chỉ quanh quẩn ở nhà, nghe ngóng binh tình bên ngoài. “Một đám đông xúm lại, ông cũng để ý, dăm bảy tiếng cười nói xa xa, ông cũng chột dạ. Lúc nào ông cũng nơm nớp tưởng như người ta đang để ý, người ta đang bàn tán đến chuyện ấy”, “Thoáng nghe những tiếng Tây, Việt gian, cam nhũng, là ông lủi ra một góc nhà, nín thít. Thôi lại chuyện ấy rồi !”.

– Tình yêu làng, yêu nước được thể hiện qua cách ông lựa chọn theo cách riêng của mình.

+ “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Ở đây ta thấy tình yêu nước đã rộng lớn hơn, bao trùm lên tình cảm với làng quê. Nhưng dù đã xác định như thế, ông vẫn không thể dứt bỏ được tình cảm với làng quê.

+ Ông tâm sự với thằng con út. Đây là một đoạn văn diễn tả rất cảm động tâm trạng của ông Hai. Trong tâm trạng bị dồn nén và bế tắc, ông chỉ còn biết trút nỗi lòng của mình vào những lời thủ thỉ tâm sự với đứa con nhỏ còn rất ngây thơ. Những câu ông hỏi con rồi những câu ông tự trả lời đã giúp ta hiểu được nỗi lòng của một người nông dân yêu làng, yêu nước. Ông muốn đứa con nhỏ ghi nhớ “Nhà ta ở làng Chợ Dầu”

+ Tấm lòng thuỷ chung với kháng chiến, với cách mạng, với Cụ Hồ ở ông thật đáng trân trọng: “Anh em đồng chí biết cho bố con ông. Cụ Hồ trên đầu trên cổ xét soi cho bố con ông”. Tình cảm ấy rất sâu nặng, rất thiêng liêng và bền chặt: “Cái lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai”.

– Tình yêu làng, yêu nước của ông còn được thể hiện qua tâm trạng, thái độ và hành động của ông Hai khi ông chủ tịch của làng lên cải chính tin đồn làng ông làm Việt gian.

+ “Cái mặt buồn thỉu mọi ngày, bỗng tươi vui rạng rỡ hẳn lên.”

+ Ông chạy hết nhà này đến nhà khác để báo tin vui: làng ông không theo giặc, không làm Việt gian: “Ông chủ tịch làng em vừa lên cải chính cái tin làng Chợ Dầu chúng em Việt gian ấy mà. Ra láo! Lào hết, chẳng có gì sát, Toàn là sai sự mục đích cả”.

+ Ông kể lại hôm Tây vào khủng bố, dân quân tự trong làng bố trí, cầm cự ra sao bằng giọng hào hứng cứ như ông là người đã trực tiếp có mặt làng để tham chống Tây vậy.

3. Kết thúc vấn đề

– Truyện Làng của Kim Lân đã thể hiện chân thực và sinh động một tình cảm bền chặt mà sâu sắc, tình yêu làng quê thống nhất với lòng yêu nước và tinh thần kháng chiến qua tâm trạng của nhân vật ông Hai – một người nông dân phải rời làng đi tản cư.

– Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật sâu sắc và tinh tế. Ngôn ngữ nhân vật giàu tính khẩu ngữ và thể hiện cá tính của từng nhân vật. Cách trần thuật của tác giả linh hoạt tự nhiên…

– Tình yêu làng phải đặt trong tình yêu nước, thống nhất với tinh thần kháng chiến khi đất nước đang bị xâm lược và cả dân tộc đang tiến hành cuộc kháng chiến.

– Ông Hai tiêu biểu cho những người nông dân Việt Nam. Những phẩm chất tốt đẹp của ông, như cần cù lao động, yêu làng yêu nước cùng chính là những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

ĐỀ 23 – Bộ đề thi ngữ văn vào lớp 10
Đánh giá bài viết