Câu 1: Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn sau và nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật tu từ đó:

Trời xuân chỉ hơi lạnh một chút vừa đủ để giữ một vệt sương mỏng như chiếc khăn voan cắt hờ hững trên sườn đồi. Rừng hôm nay như một ngày hội của màu xanh, màu xanh với nhiều sắc độ đậm nhạt, dày mỏng khác nhau. Những mầm cây bụ bẫm còn đang ở màu nâu hồng chưa có đủ chất diệp lục để chuyển sang màu xanh. Những lá cây non mới thoáng một chút xanh vừa ra khỏi màu nâu vàng. Những lá sưa mỏng tang và xanh rờn như một thứ lụa xanh màu ngọc thạch với những chùm hoa nhỏ li ti trắng như những hạt mưa bay. Những chiếc lá ngoã non to như cái quạt lọc ánh sáng xanh mờ mờ. Tất cả những sắc xanh non tơ ấy in trên nền xanh sẫm đậm đặc của những tán lá già của những cây quéo, cây oải, cây dâu da, cây chùm bao…

Ngô Quân Miện

Câu 2: Nêu những nét chính về tác giả Nguyễn Khoa Điềm và hoàn cảnh sáng tác bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ.

Câu 3: Tìm từ Hán Việt trong đoạn trích sau:

“Kẻ bạc mệnh này duyên phận hẩm hiu, chồng con rẫy bỏ, điều đâu bay buộc, tiếng chịu nhuốc nhơ, thần sông có linh, xin ngài chứng giám. Tiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mị Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mĩ. Nhược bằng lòng chin dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều qua, và xin khắp mọi người phỉ nhổ”.

(Nguyễn Dữ – Chuyện người con gái Nam Xương)

Câu 4: “Với giọng điệu tâm tình tự nhiên, hình ảnh giàu tính biểu cảm, Ánh trăng của Nguyễn Duy như một lời tự nhắc nhở về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu. Bài thơ có ý nghĩa gợi nhắc, củng cố ở người đọc thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”, “ân nghĩa thuỷ chung cùng quá khứ”. (Sách Ngữ văn 9, tập một, trang 157).

Phân tích bài thơ Ánh trăng để làm sáng rõ ý kiến trên.

GỢI Ý LÀM BÀI

Câu 1:

* Biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn: so sánh. Cụ thể:

– “… vệt sương mỏng như chiếc khăn voan…”

– “ Rừng hôm nay như một ngày hội của màu xanh,…

– “ Những lá sưa… như một thứ lụa xanh màu ngọc thạch”.

– “… những chùm hoa nhỏ li ti trắng như những hạt mưa bay.

– “… những chiếc lá ngoũ non to như cái quạt lọc ánh sáng xanh mờ mờ.

* Tác dụng: Làm nổi bật vẻ đẹp của mùa xuân. Các hình ảnh được miêu tả vừa dễ hiểu, dễ cảm vừa sinh động hấp dẫn.

Câu 2: Nêu những nét chính về tác giả Nguyễn Khoa Điềm và hoàn cảnh sáng tác bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ.

a) Tác giả:

– Nguyễn Khoa Điềm sinh năm 1943 tại thôn Ưu Điểm xã Phong Hoà, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế, trong một gia đình trí thức cách mạng.

– Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, Nguyễn Khoa Điềm vào quê hương miền Nam tham gia chiến đấu.

– Ông từng là Tổng thư kí của Hội Nhà văn Việt Nam.

– Từ năm 2000, ông giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương.

– Ông thuộc lớp nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.

b) Hoàn cảnh sáng tác bài thơ: Bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ được Nguyễn Khoa Điềm sáng tác năm 1971, khi đang công tác ở chiến khu miền tây Thừa Thiên.

Câu 3:

Những từ Hán Việt trong đoạn trích là: bạc mệnh, duyên phận, thần, linh, chứng giảm, thiếp, đoan trang, tiết, trinh bạch, ngọc (không kể tên riêng trong đoạn trích).

Câu 4: 

1. Đặt vấn đề

– Trăng là đề tài được nhiều thi nhân thể hiện. Trần Đăng Khoa có “Trăng sáng sân nhà em”. Chính Hữu có bài Đồng chí với hình ảnh “Đầu súng trăng treo”. Ta bắt gặp hình ảnh anh bộ đội đã cùng trăng vượt lên mọi tàn phá huỷ diệt của bom đạn kẻ thù: “Và vầng trăng, vầng trăng Đất nước; Vượt qua quầng lửa mọc lên cao” của Phạm Tiến Duật.

– Nguyễn Duy viết về trăng bằng cảm nhận rất riêng của một người lính trong thời bình. Bài ánh trăng được ông sáng tác vào năm 1978, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

– Có thể nói “Với giọng điệu tâm tình tự nhiên, hình ảnh giàu tính biểu cảm, Ánh trăng của Nguyễn Duy như một lời tự nhắc nhở về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu. Bài thơ có ý nghĩa gợi nhắc, củng cố ở người đọc thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”, “ân nghĩa thuỷ chung cùng quá khứ”.

2. Giải quyết vấn đề

a) Bài thơ trước hết là một lời tự nhắc nhở về những năm tháng gian lao, gắn bó với thiên nhiên, với đất nước bình dị, hiền hậu

– Nhớ về vầng trăng của tuổi thơ và vầng trăng thời chiến tranh:

Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ.

+ Vầng trăng của tuổi thơ là vầng trăng trải rộng trên một không gian bao la. Hình ảnh không gian “đồng”, “sông”, “bể” ở đây là những miền quê đặc trưng cho thiên nhiên đất nước Việt Nam bình dị. Vầng trăng là người bạn tri kỉ của tuổi thơ.

+ Nhớ về vầng trăng của những năm tháng chiến tranh ở rừng. Những năm tháng chiến đấu gian khổ, người lính ở rừng làm bạn với ánh trăng. Trăng trở thành người bạn “tri kỉ” của họ. Từ “tri kỉ” thể hiện sự gắn bó, hoà hợp giữa người lính với ánh trăng.

– Tác giả nhớ về ánh trăng “tình nghĩa” bằng sự “hồn nhiên”, chân thành của người lính:

Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa.

+ Hai khổ thơ đầu là nỗi nhớ quá khứ của tác giả. Nhớ về tuổi thơ với ánh trăng sáng trên bầu trời bao la, nhớ về vầng trăng “nghĩa tình” một thời là bạn tâm giao cùng người lính trong những năm tháng chiến tranh.

b) Bài thơ thể hiện tâm trạng của tác giả trước ánh trăng nơi thành phố hiện đại

– Trong những năm tháng chiến tranh, người lính ở trong rừng làm bạn với ánh trăng. Chiến thắng, người lính về thành phố. Cuộc sống đổi thay. Người lính được sống trong những nhà cao tầng khang trang, đầy đủ tiện nghi “có ánh điện, cửa gương”. Ánh trăng “tri kỉ”, “tình nghĩa” năm nào bỗng trở thành “người dưng” đi qua ngõ. Bằng biện pháp nhân hoá, tác giả nói về ánh trăng mà như nói về một con người “Vầng trăng đi qua ngõ”. Giọng thơ thầm thì như trò chuyện. Đó là lời tự bộc bạch nỗi lòng mình của nhà thơ trước ánh trăng hay trước một trời gian khổ mà mặn nồng và nghĩa tình của quá khứ.

– Nơi thành phố hiện đại lắm ánh điện, cửa gương, người ta ít khi chú ý đến ánh trăng. Thật bất ngờ, điện mất, từ ngôi nhà cao tầng nhà thơ đã nhìn thấy vầng trăng tròn qua một ô cửa sổ. Trong phút chốc, sự xuất hiện đột ngột của vầng trăng làm ùa dậy trong tâm trí nhà thơ bao kỉ niệm của năm tháng gian lao, bao hình ảnh của thiên nhiên, đất nước hiền hậu và bình dị. Nhà thơ thấy “rưng rưng”. Từ “rưng rưng” diễn tả nỗi xúc động đang dâng trào trong lòng tác giả, làm cho nước mắt cứ chực trào ra. Một thoáng quên đi vầng trăng tình nghĩa để rồi lại nhớ hơn những kỉ niệm đã qua.

c) Bài thơ còn là lời gợi nhắc, củng cố ở người đọc thái độ sống “Uống nước nhớ nguồn”

Trăng cổ tròn vành mạnh
kể chi người vô tình
Ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.

Câu thơ “Trăng cổ tròn vành vạnh” tượng trưng cho quá khứ đẹp đẽ, vẹn nguyên chẳng thể phai mờ. “Ánh trăng im phăng phắc” chính là người bạn – nhân chứng nghĩa tình mà nghiêm khắc đang nhắc nhở nhà thơ và nhắc nhở mỗi chúng ta. Con người có thể vô tình, có thể lãng quên, nhưng thiên nhiên, nghĩa tình quá khứ thì luôn tràn đầy, bất diệt.

3. Kết thúc vấn đề

– Bài thơ trước hết là một lời tự nhắc nhở về những năm tháng gian lao, gắn bó với thiên nhiên, với đất nước bình dị, hiền hậu.

– Bài thơ thể hiện tâm trạng của tác giả trước ánh trăng nơi thành phố.

– Bài thơ còn là lời gợi nhắc, củng cố ở người đọc thái độ sống “Uống nước nhớ nguồn”.

– Giọng điệu tâm tình bằng thể thơ năm chữ. Nhịp thơ khi thì trôi chảy tự nhiên, nhịp nhàng theo lời kể, khi thì ngân nga thiết tha cảm xúc, lúc lại trầm lắng biểu hiện sự suy tư.

– Từ một câu chuyện riêng, bài thơ cất lên lời tự nhắc nhở thấm thía về thái độ, tình cảm đối với những năm tháng quá khứ gian lao tình nghĩa, đối với thiên nhiên đất nước bình dị, hiền hậu.

ĐỀ 22 – Bộ đề thi ngữ văn vào lớp 10
Đánh giá bài viết