HƯỚNG DẪN 

1. Trong khổ thơ đầu của bài thơ: nhân vật trữ tình từ thời điểm hiện tại đã kể lại câu chuyện giấc mơ đêm qua (Đêm qua chẳng biết có hay không). Vấn đề được đặt ra là có hay không câu chuyện lên đọc thơ hầu trời. Nhưng cũng chính người hỏi lại quả quyết chuyện lên tiên là có thật! Thật hồn! Thật phách! Thật thân thể! Từ khổ thơ đầu người đọc ít nhiều bị cuốn hút vào chất thú vị của câu chuyện lên tiên sướng lạ lùng đó. 

 – Cách vào vấn đề của bài thơ giản dị mà lại khá ấn tượng. Bài thơ có cách dẫn dắt gợi cảm giác hư hư thực thực, mơ mơ, tỉnh tỉnh, thu hút người đọc theo dõi câu chuyện tác giả muốn kể và giãi bày. 

2. Bài thơ Hầu Trời kể về câu chuyện một người cõi thế được mời lên cõi trời đọc thơ cho trời và chư tiền thưởng thức. Trong bối cảnh của câu chuyện hiện lên đầy đủ và khá sinh động hai kiểu nhân vật là người đọc và người nghe.

+ Người đọc thơ trong cơn phấn chấn đầy hứng khởi trước một cử tọa biết nghe thơ và biết khen thơ đã đọc từ loại thơ này sang loại thơ khác, đọc từ văn vần sang văn xuôi, đọc trong sự thích thú đầy cảm hứng, trong sự sảng khoái đầy đắc ý khi tự cảm nhận mình Văn dài hơi tốt ran cung mây

– Người thưởng thức đắm mình vào thế giới văn chương. Trời khen hết lời (Văn thật tuyệt, chắc có ít, đẹp như.., mạnh như…). Chư tiên im lặng thưởng thức, rồi hoàn nghênh (Tâm… vỗ tay).

Đó là câu chuyện về sự đồng điệu trong văn chương. Có người biểu diễn và có người hâm mộ, tri âm.

Tùy từng thời điểm, từng sự tình của câu chuyện mà tác giả chọn giọng kể phù hợp bằng ngôn ngữ thơ. Nhìn chung, giọng kể của tác giả tự nhiên, biên hoá, dí dỏm và như cố tình làm ra vẻ tự đắc, rất sát hợp với câu chuyện đọc thơ ở cõi trời.

– Tâm hồn và khát vọng của người kể: Đằng sau câu chuyện đọc thơ hầu Trời là sự phản ánh cá tính cũng như tâm hồn và khát vọng của Tản Đà. Đó là cá tính của một con người thật sự có bản lĩnh, có tài văn chương, có cốt cách, có tâm hồn phóng khoáng nhưng lại sinh ra trong một thời buổi xã hội không đề cao văn chương và giá trị tâm hồn, một thời buổi xã hội quá khuôn phép đến mức trói buộc, không cho người nghệ sĩ được sống chân thực với sự hơn đời của mình. Tản Đà đành mượn việc đọc thơ cõi trời để bày tỏ sự ngông chính đáng của mình. Chỉ cõi trời mới xứng đáng có tri âm. Thi nhân cũng khẳng định mình là người của cõi ấy, bị đày xuống trần gian làm người của cõi – không – tri – âm. Nói theo kiểu Tản Đà, ông là trích tiên bị Đày xuống hạ giới vì tội ngông.

Tâm hồn của Tản Đà vốn dĩ là một tâm hồn sôi nổi, tràn đầy mộng mơ và khao khát. Sống trong thời buổi thực dụng đến tầm thường của xã hội thuộc địa phong kiến, tâm hồn đó chỉ còn cách tìm lên tiên giới để thoả mãn mơ ước của mình dẫu hiểu rằng cõi trời và cõi tiên cũng chỉ là cõi ảo, cũi không bao giờ có thật cho ông và người cùng thời nương náu. Qua câu chuyện đọc thơ khác thường đó, phải chăng tác giả đã thành thật bày tỏ những khát vọng thiết tha đến mức bức xúc là muốn được có người hiểu mình, hiểu tài năng văn chương của mình; rộng hơn là muốn có một cuộc sống đủ đầy cho người nghệ sĩ mà lẽ ra họ xứng đáng được hưởng.

3. Bài thơ là sản phẩm của một tâm hồn và một ngòi bút lãng mạn. Cảm hứng chủ đạo chi phối toàn bài thơ là cảm hứng lãng mạn. Chuyện người nghệ sĩ được mời lên trời đọc thơ chỉ là chuyện trong khát khao ngập tràn cảm xúc, chuyện trong mơ tưởng. Mộng mà cũng rất hiếm khi mới được sống trong giấc mộng kiểu ấy. Ngay như Tản Đà con người của những giấc mộng lớn, giấc mộng bé, giấc mộng con – cũng phải đối diện với một sự thật là Một năm ba trăm sáu mươi đêm – Sao được mỗi đêm lên hầu Trời!

– Đằng sau lãng mạn là hiện thực, ẩn trong mộng là nỗi buồn đau hiện thực và niềm khát khao rất thực. Ngày ấy, cuộc sống của những nhà văn (đặc biệt là những nhà văn mở đường cho nghề văn như Tản Đà) quá khốn khó. Hầu hết họ đều không cửa nhà (Bẩm Trời, cảnh con thực nghèo khó – Trần gian thước đất cũng không có). Họ không có phương tiện và điều kiện để kinh doanh bằng nghề văn, tất cả đều làm thuê và mướn (Giấy người mực người thuê người in – Mướn cửa hàng bán phường phố). Cả văn chương lẫn người viết đều bị xem là thứ bọt bèo, rẻ rúng (Văn chương hạ giới rẻ như bèo – Kiếm được đồng lãi thực rất khó – Kiếm được thời ít tiêu thời nhiều – Làm mãi quanh năm chẳng đủ tiêu). Quả rằng, cuộc đời thực của Tản Đà Vợ con thời có của nhà thời không được phản chiếu rất thực qua những câu thơ trong Hầu Trời.

4. Không cần rào đón quanh co hoặc giả vờ khiêm nhường, nhà thơ khẳng định ngay tài văn thơ của mình qua câu chuyện hầu Trời trong sự đắc ý đầy hồn nhiên và chân thành. Trong thơ trung đại cho đến thời Tản Đà, chưa có ai dám nói thẳng cái “hay”, cái “tuyệt” của văn thơ mình như vậy. Tản Đà mượn Trời để khen mình:

Trời lại phê cho: “Văn thật tuyệt!      
Văn trần được thế chắc có ít!              
Nhời văn chuốt đẹp như sao băng!      
Khí anh hùng mạnh như mây chuyển!
Em như gió thoảng, tinh như sương!    
Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết!…”   

Tình huống hầu Trời đã cho nhà thơ một cơ hội hợp lí để phô bày một cách cởi mở tài năng của mình một điều không thể làm ở làng văn trong xã hội lúc bấy giờ.

– Qua chuyện hầu Trời Tản Đà đã gián tiếp phát biểu quan niệm về nghề văn. Ít nhiều có thể xem đó là “tuyên ngôn nghệ thuật” của thi sĩ. Với Tản Đà, văn chương là một nghề kiếm sống mới, có người bán, kẻ mua, có thị trường tiêu thụ với tính chất phức tạp của nó. Người nghệ sĩ kiếm sống bằng nghề văn rất chật vật, nghèo khó vì Văn chương hạ giới rẻ như bèo. Để sống được với đời, nhà văn phải chuyên tâm với nghề, phải có vốn sống phong phú, phải viết một cách đa dạng về loại, thể.

ĐỀ 192: Suy nghĩ và cảm nhận của anh (chị) về bài thơ Hầu Trời.
Đánh giá bài viết