Câu 1: Tìm và chỉ ra những câu, chữ thể hiện rõ tính chất nghị luận trong đoạn trích sau:

Chao ôi ! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc bà bần tiện, xấu xa, bỉ ổi… toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn, không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương, không bao giờ ta thương… Vợ tôi không ác nhưng thị khổ quá rồi. Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất. Tôi biết vậy, nên tôi chỉ buồn chứ không nỡ giận.

(Nam Cao, Lão Hạc)

Câu 2: Tóm tắt tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du trong khoảng 20 dòng.

Câu 3: Thế nào là hiện tượng chuyển nghĩa của từ ? Cho ví dụ minh hoạ.

Câu 4: Phân tích những phẩm chất của nhân vật Lục Vân Tiên qua hành động đánh cướp và qua cách cư xử với Kiều Nguyệt Nga trong đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga.

GỢI Ý LÀM BÀI

Câu 1: Đoạn trích là suy nghĩ nội tâm của nhân vật ông giáo trong truyện Lão Hạc của Nam Cao. Như một cuộc đối thoại ngầm, ông giáo đối thoại với chính mình rằng vợ mình không ác để “chỉ buồn chứ không nỡ giận” để đi đến kết luận ấy, ông giáo đưa ra các luận điểm và lập luận theo lôgíc sau:

– Nêu vấn đề: Nếu ta không cố tìm mà hiểu những người xung quanh thì ta luôn có cớ để tàn nhẫn và độc ác với họ.

– Phát triển vấn đề: Vợ tôi không phải là người ác, nhưng sở dĩ thị trở nên ích kỉ, tàn nhẫn là vì thị đã quá khổ. Vì sao vậy?

+ Khi người ta đau chân thì chỉ nghĩ đến cái chân đau (từ một quy luật tự nhiên). 

+ Khi người ta quá khổ thì người ta không còn nghĩ đến ai được nữa (theo quy luật tự nhiên).

+ Vì cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất.

– Kết thúc vấn đề: “Tôi biết vậy nên tôi chỉ buồn chứ không nỡ giận”.

Về hình thức, đoạn văn chứa rất nhiều từ, câu mang tính chất lập luận. Các câu văn trong đoạn trích là các câu hô ứng thể hiện các phán đoán dưới dạng nếu… thì ; vì thế… cho nên ; sở dĩ… là vì ; khi A… thì B… Các câu văn trong đoạn trích đều là những câu khẳng định, ngắn gọn, khúc triết như diễn đạt những chân lí.

Tất cả các đặc điểm nội dung, hình thức và cách lập luận đều rất phù hợp với tính cách của nhân vật ông giáo trong truyện Lão Hạc – một người có học thức, hiểu biết, giàu lòng thương người, luôn suy nghĩ, trăn trở, dằn vặt về cách sống, cách nhìn đời, nhìn người.

Câu 2: Tóm tắt tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du

Truyện kể về người con gái tài sắc mà gặp nhiều bất hạnh – Vương Thuý Kiều. Gia đình Thuý Kiều có ba chị em: Thuý Kiều, Thuý Vân, Vương Quan. Vào tết Thanh minh, ba chị em đi tảo mộ, Thuý Kiều gặp bạn của Vương Quan là Kim Trọng, hai người cảm mến nhau. Kim Trọng thuê nhà trọ ở gần nhà Thuý Kiều. Một đêm trăng, hai người đã thề nguyền đính ước. Kim Trọng phải về quê chịu tang cho chú. Gia đình Thuý Kiều bị thằng bán tơ vu oan. Kiều phải bán mình chuộc cha. Trước khi đi, Kiều trao duyên cho Thuý Vân. Thuý Kiều bị bọn buôn người là Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh lừa gạt đẩy vào lầu xanh. Thúc Sinh, một khách làng chơi đã cứu vớt cuộc đời Kiều. Hoạn Thư, vợ Thúc Sinh ghen, hành hạ, đày đoạ nàng. Kiều trốn nương nhờ nơi cửa Phật. Sư Giác Duyên vô tình gửi nàng cho Bạc Bà, kẻ buôn người như Tú Bà, Kiều rơi vào lầu xanh lần thứ hai. Thuý Kiều gặp Từ Hải. Từ Hải lấy nàng và giúp nàng báo ân báo oán. Do bị mắc lừa Hồ Tôn Hiến, Từ Hải bị giết. Thuý Kiều phải hầu rượu Hộ Tôn Hiến rồi bị ép lấy một viên thể quan. Đau đớn, tủi nhục, Kiều nhảy xuống sông tự tử. Kiều được sự Giác Duyên cứu và lần thứ hai Kiều nương nhờ cửa Phật. Sau khi chịu tang chú trở lại, biết gia đình Kiều bị vu oan, Kiều phải bán mình chuộc cha. Tuy kết duyên với Thuý Vân nhưng Kim Trọng chẳng bao giờ quên được Thuý Kiều. Kim Trọng và Vương Quan đầu làm quan. Hai người đi tìm Thuý Kiều. Nhờ gặp sự Giác Duyên nên họ tìm và gặp được nhau. Chiều ý mọi người, Thuý Kiều nối lại duyên với Kim Trọng nhưng cả hai cùng nguyện ước “duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bây”.  

Câu 3: Thế nào là hiện tượng chuyển nghĩa của từ ? Cho ví dụ minh hoạ.

– Hiện tượng chuyển nghĩa của từ là hiện tượng biến đổi nghĩa trên cơ sở nghĩa gốc của từ.

– Ví dụ: từ chân có nghĩa gốc là: bộ phận dưới cùng của cơ thể người hay động vật, dùng để đi đứng. Từ nghĩa gốc, từ chân còn có thêm một số nghĩa chuyển như sau:

+ Bộ phận dưới cùng của một số đồ dùng có tác dụng đỡ cho các bộ phận khác như chân bàn, chân ghế, chân tủ,…

+ Phần dưới cùng của một số vật, tiếp giáp và bám chặt vào mặt nền như chân đế, chân núi,…

Hai nghĩa chuyển này có mối liên hệ với nghĩa gốc của từ chân (cùng chỉ phần dưới cùng của một vật); mối liên hệ đó chính là nguyên nhân tạo ra sự chuyển nghĩa.

Câu 4: Phân tích những phẩm chất của nhân vật Lục Vân Tiên qua hành động đánh cướp và qua cách cư xử với Kiều Nguyệt Nga trong đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga.

1. Đặt vấn đề

– Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu là một tác phẩm có sức sống mạnh mẽ và lâu bền trong lòng nhân dân, đặc biệt là nhân dân Nam Bộ. Không có một người chài lưới hay người lái đò nào lại không ngâm vài ba câu “Lục Vân Tiên” trong khi đưa đẩy mái chèo. Điều đặc biệt là: chỉ khoảng mười năm sau khi tác phẩm ra đời, một người Pháp đã dịch tác phẩm này ra tiếng Pháp. Ông xem tác phẩm Lục Vân Tiên như là một trong những sản phẩm hiếm có của trí tuệ con người.

– Nhân vật chính trong tác phẩm là Lục Vân Tiên, một người tuấn tú, văn võ song toàn. Đây là nhân vật thể hiện lí tưởng của Nguyễn Đình Chiểu.

– Đoạn trích Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga nằm ở phần đầu của truyện. Qua đoạn trích, chúng ta bắt gặp một Lục Vân Tiên vừa anh hùng, tài năng vừa chính trực, hào hiệp trọng nghĩa khinh tài.

2. Giải quyết vấn đề

a) Lục Vân Tiên là người anh hùng tài ba, dũng cảm

– Trên đường xuống núi, hăm hở về kinh đô ứng thí, giữa đường, Vân Tiên thấy nhân dân rất khốn khổ “Đều đem nhau chạy vào rừng lên non”bèn hỏi thăm và được biết ở đó bọn cướp Phong Lai hung hãn đang hoành hành. Vân Tiên đã ân cần hỏi han đầu đuôi và quyết ra tay đánh cướp để cứu dân lành:

Tôi xin ra sức anh hào
Cứu người cho khỏi lao đao buổi này.

Mọi người khuyên chàng không nên chuốc lấy nguy hiểm vì bọn cướp thì quá đông mà lại hung hãn còn Vân Tiên chỉ có một mình mà trông lại rất thư sinh, hiền lành:

Dân rằng lũ nó còn đây
Qua xem tướng bậu thơ ngây đã đành
E khi hoạ hổ bất thành
Khi không mình lại xô mình xuống hang.

– Trước một đối thủ nguy hiểm như vậy nhưng Vân Tiên không hề run sợ. Chàng căm giận lũ bất lương. Lòng căm thù ấy được biến thành hành động cụ thể:

Vân Tiên ghé lại bên đàng
Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô.

Vân Tiên đã quát vào mặt bọn cướp:

 Kêu rằng: “Bớ đảng hung đồ,
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân”.

Ngôn ngữ của Vân Tiên cũng phần nào thể hiện được chàng là người thanh niên dũng cảm.

– Sự tài ba, dũng cảm của Vân Tiên được thể hiện đầy đủ trong quá trình đánh cướp. Hình ảnh Vân Tiên đánh cướp được khắc hoạ tài tình. Chàng chỉ có một mình, hai tay không trong khi bọn cướp đông người, gươm giáo đầy đủ, thanh thế lẫy lừng “Người đều sợ nó có tài khôn đương”. Tướng cướp Phong Lai thì mặt đỏ phừng phừng trông thật hung dữ. Vậy mà Vân Tiên vẫn xông vô đánh cướp. Hình ảnh Vân Tiên đánh cướp được miêu tả rất đẹp:

Vân Tiên tả đột hữu xông
Khác nào Triệu Tử phá vòng Đương Dang.

Tác giả đã so sánh hình ảnh Vân Tiên đánh cưới đẹp như hình ảnh Triệu Tử Long, một tướng trẻ có tài thời Tam quốc. Khi Lưu Bị bị quân Tào Tháo đánh đuổi chạy đến Đường Dương (nay thuộc tình Hồ Bắc – Trung Quốc), phải bỏ cả vợ con chạy về phía nam. Tử Long một mình phá vòng vây của Tào Tháo, bảo vệ A Đẩu, con nhỏ của Lưu Bị. Vẻ đẹp của Vân Tiên trong trận đánh cướp mang vẻ đẹp của người anh hùng tráng sĩ ngày xưa.

+ Hành động của Vân Tiến chứng tỏ Vân Tiên là người vì việc nghĩa quên thân mình, cái tài của bậc anh hùng và sức mạnh bênh vực kẻ yếu, chiến thắng những thế lực bạo tàn.

b) Vân Tiên là người chính trực, trọng nghĩa khinh tài

Thái độ cư xử với Kiều Nguyệt Nga sau khi đánh cướp lại bộc lộ tư cách con người chính trực hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài, cũng rất từ tâm, nhân hậu của Lục Vân Tiên.

+ Khi thấy hai cô gái còn chưa hết hãi hùng,Vân Tiên động lòng tìm cách an ủi họ và ân cần hỏi han:

Vân Tiên nghe nói động lòng
Đáp rằng: “Ta đã trừ dòng lâu la…”

+ Khi nghe họ nói muốn được lạy tạ ơn, Vân Tiên đã cười và khiêm nhường trả lời: “Làm ơn há dễ trồng người trả ơn”. Chàng không muốn nhận cái lạy tạ ơn của hai cô gái. Chàng từ chối về thăm nhà của Nguyệt Nga để được cha nàng đền đáp. Dường như đối với Vân Tiên, làm việc nghĩa là một bổn phận, một lẽ tự nhiên, chàng không coi đó là công trạng. Đó là cách cư xử mang tinh thần nghĩa hiệp của các bậc anh hùng hảo hán. Vân Tiên quan niệm:

Nhớ câu kiến ngãi bất bi,
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.

Thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải là anh hùng. Hai câu thơ nêu lên một phương châm, một lẽ sống. Hai câu thơ đề cao tinh thần nghĩa hiệp, coi việc nghĩa ở đời là trách nhiệm cao cả, thiêng liêng.

3. Kết thúc vấn đề

– Vân Tiên là người tài ba, dũng cảm.

– Vân Tiên là người chính trực hào hiệp, trọng nghĩa khinh tài, cũng rất từ tâm, nhân hậu.

– Hình ảnh Lục Vân Tiên là một hình ảnh đẹp, hình ảnh lí tưởng mà Nguyễn Đình Chiểu gửi gắm niềm tin và ước vọng của mình. | – Ngôn ngữ mộc mạc, bình dị gần với lời nói thông thường trong nhân dân và mang đậm màu sắc địa phương Nam Bộ. Ngôn ngữ thiếu phần trau chuốt uyển chuyển nhưng lại phù hợp với ngôn ngữ người kể chuyện, rất tự nhiên, dễ đi vào quần chúng. Chính vì vậy, nhân vật Lục Vân Tiên mãi mãi sống trong lòng độc giả.

ĐỀ 17 – Bộ đề thi ngữ văn vào lớp 10
Đánh giá bài viết