BÀI LÀM

Kim Lân là một nhà văn chuyên viết về truyện ngắn, ông có vốn sống vô cùng phong phú và sâu sắc về nông thôn Việt Nam nên hầu hết trong các sáng tác của mình, ông đều xoay quanh cảnh ngộ và sinh hoạt của người nông dân. Truyện ngắn “Làng” được sáng tác vào thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Ông Hai – nhân vật chính trong tác phẩm là một người yêu làng, yêu nước. Tình yêu làng ở ông có những nét đặc sắc, riêng biệt, được thể hiện thành một cá tính đáng quý.

Cũng như bao nhiêu người nông dân khác, vốn chất phác, thật thà, luôn chân lấm, tay bùn, suốt đời gắn bó với ruộng đồng, với luỹ tre xanh, ông Hai yêu cái làng Chợ Dầu của mình da diết. Yêu đến nỗi đi đâu ông cũng khoe về nó một cách nhiệt tình, hào hứng: “Ông nói về cái làng ấy một cách say mê lạ thường, hai mắt sáng hẳn lên” mà không cần biết người nghe có chú ý hay không. Qua lời nói của nhân vật, người đọc có thể hình dung làng Chợ Dầu của ông giàu và đẹp lắm: chòi phát thanh cao bằng ngọn tre, phòng thông tin, tuyên truyền sáng sủa, nhà ngói san sát, sầm uất, đường trong làng lát toàn bằng đá xanh, 

bùn không dính đến gót chân. Ngày mùa phơi rơm, phơi thóc tốt thượng hạng. Đối với ông, cái gì của làng cũng đẹp, cũng đáng tự hào. Trước Cách mạng tháng Tám, ông Hai khoe về cái sinh phần của viên Tổng đốc. Nhưng khi cách mạng thành công, ông hiểu được sự sai lầm này của mình, và từ đó, mỗi khi nói về làng là ông khoe về những ngày khởi nghĩa dồn dập, những buổi tập quân sự có cả cụ già râu tóc bạc phơ tham gia. Ông còn khoe cả những hố, những ụ, những hào… lắm công trình không để đâu hết. Điều ấy cho thấy, bây giờ người nông dân này đã tiếp xúc với cách mạng, với đấu tranh. Vì thế, vẫn là khoe làng, vẫn là tình yêu làng của con người hiền lành, chất phác song trong tình yêu ấy đã có một tình cảm khác trỗi dậy, lớn mạnh, cao cả và thiêng liêng hơn. Việc khoe làng ở ông đã trở thành một cái tật, một thử nghiện không dễ gì dứt bỏ.

Tự hào và yêu nơi chôn rau cắt rốn của mình là thế, nhưng chính cái tình huống ngặt nghèo khi giặc tràn vào làng buộc ông phải rời xa làng quê yêu dấu của mình để đi tản cư lên nơi ở mới. Xa làng, ông Hai mang theo tất cả niềm thương, nỗi nhớ. Ở nơi tản cư, nhân vật luôn nhớ về làng, theo dõi tin tức kháng chiến. Ông khổ tâm, day dứt, nhớ anh em đồng chí. Từ đó ta thấy, cách mạng và kháng chiến đã khơi dậy ở người nông dân tình cảm yêu nước rộng lớn, hoà vào tình cảm với làng quê.

Ngòi bút miêu tả tâm lý của Kim Lân đã tỏ ra thật đặc sắc khi đặt nhân vật chính – ông Hai, vào một tình huống thử thách để làm nổi bật chiều sâu tâm trạng, làm nổi rõ hơn tình yêu làng, yêu nước của nhân vật – Đó là khi ông Hai đột ngột nghe tin làng Chợ Dầu theo giặc. Cái tin ấy quả là ghê gớm và khủng khiếp. Vốn tự hào và hãnh diện về làng mình là thế nên khi nghe cái tin chết người này, ông lão đã sững sờ: “cổ nghẹn ắng hẳn lại, da mặt tê rần rần. Ông lão lặng hẳn đi, tưởng như đến không thở được”. Khi trấn tĩnh lại được phần nào, ông còn cố chưa tin cái tin ấy. Nhưng rồi những người tản cư đã kể rành rọt quá, lại khẳng định họ “vừa ở dưới ấy lên” làm ông Hai không thể không tin. Cái cảm giác ngạc nhiên, đau đớn lúc này đang đan xen trong lòng. Tiếng chửi của người đàn bà cho con bú văng vẳng bên tai khiến ông tê tái cả cõi lòng. Mọi cái như sụp đổ trước mắt. Ông lão mới tội nghiệp làm sao!

Từ lúc ấy, tâm trí ông Hai chỉ còn cái tin dữ ấy xâm chiếm. Về đến nhà, “ông lão nằm vật ra giường”, cảm thấy tủi thân, khi nhìn đàn con “nước mắt ông lão cứ giàn ra”: “Chúng nó cũng là trẻ con của làng Việt gian đấy ư? Chúng nó cũng bị người ta rẻ rúng, hắt hủi đấy ư?”. Ông chán chường, ông căm thù những kẻ theo Tây, phản bội làng. Ông lão nắm chặt hai tay lại mà rít lên: “Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt gian bán nước để nhục nhã thế này?”. Ông kiểm điểm lại từng người trong óc, thấy họ đều có tinh thần cả “có đời nào lại dám can tâm làm cái điều nhục nhã ấy”. Niềm tin và nỗi nghi ngờ giằng xé trong tâm hồn nhân vật. Đêm đến, ông không làm sao ngủ được, không muốn trò chuyện với ai, kể cả với người vợ thân yêu của mình. Có lúc lại “lặng hẳn đi, chân tay nhũn ra”. Nhân vật này đang lo sợ lắm.

Suốt mấy ngày sau, người nông dân hiền lành, chất phác này không dám đi đâu mà chỉ quanh quẩn trong gian nhà chật hẹp, lắng nghe động tĩnh bên ngoài. “Một đám đông tụm lại, ông cũng để ý, dăm bảy tiếng cười nói xôn xao, ông cũng chột dạ”. Lúc nào cũng nơm nớp, tưởng như người ta đang để ý, bàn tán đến chuyện của làng mình nên hễ nghe mấy tiếng Việt gian, cam nhông là ông lại “lủi ra một góc nhà nín thít”. Điều ấy cho thấy, nỗi ám ảnh day dứt nặng nề đã biến thành sự sợ hãi thường xuyên trong lòng nhân vật. Ông đau đớn, tủi hổ như chính mình là người có lỗi.

Và rồi, cái điều mà ông lo sợ đã thực sự xảy ra: mụ chủ nhà đã ngỏ ý không cho gia đình ông Hai ở nhờ nữa vì nghe nói có lệnh không được chứa chấp những người của cái làng Chợ Dầu theo Tây. Ông lão rơi vào tuyệt vọng: “Thật là tuyệt đường sinh sống”. Trong hoàn cảnh bế tắc này, có lúc ông đã thoáng nghĩ: “Hay là quay về làng”. Nhưng rồi, ý định vừa mới nhen nhóm ấy đã bị dập tắt ngay bởi: “làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây rồi thì phải thù”. Có thể nói, với nhân vật này, làng và nước bây giờ đã trở thành đối địch. Tình yêu nước của ông Hai đã lớn hơn tình yêu làng.

Rõ ràng, trong mỗi một con người chúng ta, tình yêu làng và tình yêu nước luôn thống nhất làm một. Nhưng trong hoàn cảnh chiến tranh, khi có nghịch cảnh xảy ra, cần có sự lựa chọn thì bất cứ người dân nào cũng sẵn sàng đặt tình yêu nước lên trên hết. Những người trai làng trong thơ của Chính Hữu cũng sẵn sàng từ biệt những gì là thân thiết, gắn bó nơi làng quê yêu dấu của mình để bước vào cuộc đời người lính, bảo vệ độc lập tự do cho dân tộc đó thôi: 

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày 
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay 
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính.
(Đồng chí) 

Vì lẽ đó, ta có thể hiểu được cái quyết định dứt khoát “không về làng” của ông Hai. Có phải ông không còn yêu làng mình nữa? Không đâu, bởi lẽ ông nào đã thôi hết buồn đau, day dứt. Những lời trò chuyện của ông Hai với đứa con út cũng là những lời bộc bạch nỗi lòng và bày tỏ rõ hơn tình yêu làng, yêu nước, yêu kháng chiến, Cụ Hồ của ông lão. Ông mong “anh em, đồng chí biết cho bố con ông, cái lòng bố con ông là thế đấy, có bao giờ dám đơn sai, chết thì chết có bao giờ dám đơn sai”. Tấm lòng ấy thật sâu nặng, thiêng liêng.

May mắn thay, tin đồn thất thiệt về làng được cải chính. Ông Hai sung sướng như được sống lại. Người đọc cũng cảm thấy vui lây khi ông lão trở về “cái mặt buồn thiu mọi ngày bỗng tươi vui, rạng rỡ hẳn lên”. Ông chia bánh rán đường cho con và khoe cái tin ông chủ tịch vừa lên cải chính: làng Chợ Dầu không theo giặc. Kể cả tin “Tây nó đốt nhà tôi rồi, bác ạ! Đốt sạch! Đốt nhẵn”. Tài sản lớn nhất của cuộc đời ông lão là cái nhà nhưng bây giờ nó đã bị thiêu trụi. Lẽ ra, ông phải đau xót, bàng hoàng lắm mới phải. Nhưng nhân vật này đã mừng đến rạng rỡ cả khuôn mặt. Đến đây, ta mới hiểu rằng: ông Hai nói riêng và toàn thể người dân Việt Nam nói chung, cái mà họ quý nhất không phải là lợi ích vật chất mà đó chính là quê hương, đất nước. Làng theo kháng chiến là ông cảm thấy hạnh phúc lắm rồi.

Để xây dựng thành công nhân vật ông Hai với tình yêu làng, yêu nước sâu sắc, Kim Lân đã rất thành công trong việc tạo một cốt truyện tâm lí, miêu tả thành công diễn biến tâm trạng của nhân vật thông qua ngôn ngữ đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm. Truyện có những tình huống gay cấn, đẩy nhân vật vào chỗ đấu tranh nội tâm gay gắt, để qua đó làm nổi bật hơn tình yêu làng, yêu nước của nhân vật.

Ngôn ngữ mang đậm tính chất khẩu ngữ và lời ăn tiếng nói của người nông dân. Ngôn ngữ của ông Hai trong cả lời đối thoại và độc thoại đều hiện rõ là lời ăn, tiếng nói của một nông dân chất phác, gắn bó thiết tha với làng quê và rất thành tâm với cách mạng, với kháng chiến.

Với những nghệ thuật đặc sắc, truyện ngắn “Làng” đã góp phần xây dựng nên cuộc sống của người nông dân Việt Nam qua nhân vật ông Hai. Qua nhân vật này, ta hiểu hơn về vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân Việt Nam thời kì kháng chiến chống Pháp, yêu làng quê, yêu nước, gắn bó với kháng chiến. Đến với “Làng” của Kim Lân, ta cảm thấy yêu hơn làng quê – nơi mà sinh ra và lớn lên; yêu hơn đất nước Việt Nam ta đang trên đà “thay da đổi thịt mỗi ngày.

  Nguồn website giaibai5s.com     

Đề 34: Cảm nghĩ về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân
Đánh giá bài viết