Câu 1: Có mấy cách thức phát triển từ vựng? Cho ví dụ minh hoạ.

Câu 2: Sửa lỗi dùng từ trong các câu sau:

a) Lĩnh vực kinh doanh béo bổ này đã thu hút sự đầu tư của nhiều công ti lớn trên thế giới.

b) Báo chí đã tấp nập đưa tin về sự kiện SEA Game 22 được tổ chức tại Việt Nam.

Câu 3: Dựa vào đoạn trích Cảnh ngày xuân, hãy viết một đoạn văn kể về việc chị em Thuý Kiều đi chơi trong buổi chiều ngày Thanh minh. Trong khi kể chú ý vận dụng yếu tố miêu tả để tả cảnh ngày xuân.

Câu 4: “Đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn nói lên sự đối lập giữa thiện và ác, những nhân cách cao cả và những toan tính thấp hèn, đồng thời thể hiện thái độ quý trọng và niềm tin của tác giả đối với nhân dân lao động” (sách Ngữ văn 9, tập một, trang 121).

Dựa vào đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn đã học, anh (chị) hãy làm sáng rõ ý kiến trên.

GỢI Ý LÀM BÀI

Câu 1: Có hai cách thức phát triển từ vựng: phát triển nghĩa của từ ngữ và phát triển số lượng các từ ngữ.

a) Sự biến đổi và phát triển nghĩa của từ ngữ

– Phát triển nghĩa của từ ngữ trên cơ sở nghĩa gốc của chúng là một trong những cách phát triển từ vựng tiếng Việt. – Hai phương thức chủ yếu để phát triển nghĩa của từ ngữ:

+ Phương thức ẩn dụ: gọi tên các sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật hiện tượng khác có nét tương đồng.

+ Phương thức hoán dụ: gọi tên của sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có quan hệ gần gũi. 

Ví dụ: So sánh nghĩa của từ cổ trong khăn quàng cổ với nghĩa của từ cổ trong cổ chai, và từ cổ trong từ cổ áo.

– Nghĩa gốc của danh từ cổ là bộ phận của cơ thể nối đầu với thân. Khăn quàng cổ.

– Chỗ eo lại ở phần đầu của một số đồ vật (như lọ, chai) có hình dáng và vị trí giống với cổ; vì thế nó đã được gọi tên bằng từ cổ như cổ chai, cổ lọ. Sự chuyển nghĩa này theo phương thức ẩn dụ.

– Bộ phận của áo, yếm hoặc giày bao quanh cổ hoặc cổ chân được gọi là cổ áo hoặc cổ giày vì nó có quan hệ gần gũi (tiếp giáp) với cổ. Sự chuyển nghĩa này theo phương thức hoán dụ.

Như vậy, từ nghĩa gốc cổ là bộ phận cơ thể nối đầu với thân, từ cổ đã có thêm hai nghĩa mới:

+ Chỗ eo lại ở phần đầu của một số đồ vật. Ví dụ: cổ chai, cổ lọ. 

+ Bộ phận của áo, yếm hoặc giày bao quanh cổ hoặc cổ hoặc cổ chân. Ví dụ: cổ áo, cổ giày.

b) Sự phát triển số lượng các từ ngữ:

Phát triển số lượng từ ngữ bằng hai cách: tạo từ ngữ mới và mượn từ ngữ của tiếng nước ngoài.

– Tạo từ ngữ mới để cho vốn từ tăng lên cũng là một cách phát triển từ vựng. Ta có thể tạo thêm nhiều từ ngữ mới. 

Ví dụ: sách điện tử, thư điện tử,…

– Mượn từ ngữ của tiếng nước ngoài cũng là một cách để phát triển từ vựng.

Để đáp ứng yêu cầu giao tiếp trong đó có yêu cầu biểu thị những khái niệm, sự vật mới trong đời sống, tiếng Việt phải vay mượn từ ngữ của tiếng nước ngoài. Ví dụ:

+ Mượn tiếng Hán: ca sĩ, biên phòng, bộ hành, tảo mộ, thanh minh,…

+ Mượn tiếng nước ngoài khác: xà phòng, ô xi, ra-đi-ô, ca-nô,… .

Câu 2: Sửa lỗi dùng từ trong các câu như sau:

a) Lĩnh vực kinh doanh thu nhiều lợi nhuận này đã thu hút sự đầu tư của nhiều công ti lớn trên thế giới.

b) Báo chí đã liên tiếp đưa tin về sự kiện SEA Game 22 được tổ chức tại Việt Nam.

Câu 3: Để viết được đoạn trích theo yêu cầu, các em cần chú ý mấy điểm sau:

– Nhớ lại thế nào là đoạn văn tự sự.

– Trong đoạn trích, Nguyễn Du đã chọn lọc những chi tiết gì để làm nổi bật cảnh sắc mùa xuân?

Ví dụ:

Vào tết Thanh minh, chị em Thuý Kiều cùng đi chơi xuân. Buổi sáng, lễ tảo mộ và hội đạp thanh thật đông vui, náo nhiệt, rộn ràng. Từ khắp mọi nơi, người người đổ về dự hội. Từng đoàn người nhộn nhịp đi chơi xuân ríu rít như chim én, chim oanh giữa bầu trời xuân. Rồi lễ hội cũng tan, chị em Thuý Kiền “dan tay ra về”. Cảnh vẫn mang cái thanh, cái dịu của mùa xuân. Nhưng tất cả đang nhạt dần, lặng dần. Mọi chuyển động đều nhẹ nhàng. Mặt trời từ từ ngả về tây, bước chân người thơ thẩn, dòng nước uốn quanh, nhịp cầu nho nhỏ bắc ngang cuối ghềnh. Chị em Kiều ra về trong cảnh chiều xuân đẹp mà đượm buồm…

Câu 4:

1. Đặt vấn đề: Giới thiệu về tác giả, tác phẩm

– Truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu là một tác phẩm có sức sống mạnh mẽ và lâu bền trong lòng nhân dân, đặc biệt là nhân dân Nam Bộ. Không có một người chài lưới hay người lái đò nào lại không ngâm vài ba câu “Lục Vân Tiên” trong khi đưa đẩy mái chèo. Điều đặc biệt là: chỉ khoảng mười năm sau khi tác phẩm ra đời, một người Pháp đã dịch tác phẩm này ra tiếng Pháp. Ông xem tác phẩm Lục Vân Tiên như là một trong những sản phẩm hiếm có của trí tuệ con người.

– Nhân vật chính trong tác phẩm là Lục Vân Tiên, một người tuấn tú, văn võ song toàn, nhưng cuộc đời gặp nhiều hoạn nạn.

– Đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn nằm ở phần thứ hai của truyện. Vân Tiên và tiểu đồng đang bơ vơ nơi đất khách quê người thì gặp Trịnh Hâm đi thi trở về. Vốn đã có lòng đố kị, ganh ghét tài năng của Vân Tiên, Trịnh Hâm lợi dụng cơ hội để hãm hại chàng. Hắn lừa tiểu đồng vào rừng trói lại rồi giả bộ đưa Vân Tiên xuống thuyền, hứa sẽ dẫn về quê nhà. Đợi đến đêm khuya vắng vẻ, hắn mới thực hiện hành động tội ác của mình.

Phân tích đoạn trích, chúng ta hiểu được sự đối lập thiện – ác và niềm tin của tác giả vào những điều tốt đẹp ở đời.

2. Giải quyết vấn đề

a) Đoạn trích lên án những hành động độc ác, bất nhân, bất nghĩa của nhân vật Trịnh Hâm

– Trước hết, Trịnh Hâm là kẻ có tính đố kị, ghen ghét tài năng. Tính đố kị của Trịnh Hâm bắt đầu thể hiện từ khi chứng kiến tài năng hơn người của Vân Tiên khi gặp Vân Tiên ở kinh đô. Đến bây giờ gặp lại Vân Tiên khi Vân Tiên đã bị mù, không còn có khả năng ảnh hưởng đến con đường khoa cử của mình nhưng Trịnh Hâm vẫn cố tình hãm hại. Điều đó, chứng tỏ sự ác độc dường như đã ngấm vào máu thịt hắn, đã trở thành bản chất của hắn.

– Trịnh Hâm là một kẻ bất nhân, bất nghĩa. Bất nhân vì hắn đang tâm hãm hại một con người tội nghiệp, đang cơn hoạn nạn, không nơi nương tựa. Hắn là kẻ bất nghĩa bởi vì Vân Tiên là bạn của hắn, từng “trà rượu” và làm thơ với nhau.

– Trịnh Hâm còn là kẻ độc ác và có âm mưu thâm độc. Hành động độc ác và âm mưu thâm độc của Trịnh Hâm trước hết thể hiện ở sự toan tính, âm mưu sắp đặt kế hoạch hại Lục Vân Tiên. Trịnh Hâm đã lập kế hoạch khá kĩ lưỡng và chặt chẽ. Thời gian gây tội ác: giữa đêm khuya, khi mọi người đã ngủ say. Không gian: giữa khoảng trời nước mênh mông “mịt mờ sương bay”. Trịnh Hâm bất ngờ xô Vân Tiên xuống khoảng nước rộng. Vân Tiên bị mù lại bị xô xuống nước bất ngờ nên không kịp kêu lên một tiếng. Đến lúc biết không ai có thể cứu được Vân Tiên nữa, Trịnh Hâm mới “giả tiếng kêu trời”, la lối om sòm, rồi “lấy lời phui pha”, kiếm lời lấp liếm nhằm che đậy tội ác của mình. Nhờ gian ngoan, xảo quyệt mà Trịnh Hâm đã phải sạch tay, không mảy may cắn rứt lương tâm. Trong khi đó, những người trên thuyền chưa hề quen biết Vân Tiên đều kêu la và thương xót Vân Tiên “Đều thương họ Lục xót xa tấm lòng”.

+ Bằng cách sắp xếp các tình tiết hợp lí, diễn biến hành động nhanh gọn, lời thợ mộc mạc, giản dị, chỉ với tám dòng thơ, tác giả đã lột tả được tâm địa bất nghĩa, bát nhân và tội ác tày trời của Trịnh Hâm.

b) Đoạn trích ca ngợi việc làm nhân đức và nhân cách cao cả của ông Ngư

– Vân Tiên được giao long dìu vào trong bãi. Dẫu đây chỉ là chi tiết mang màu sắc hoang đường nhưng cũng đủ cho chúng ta thấy một sự thật cay đắng trong cuộc đời. Đến con vật còn cứu giúp người bị hoạn nạn mà con người lại hãm hại người hoạn nạn. Một lần nữa, tác giả khẳng định, Thịnh Hâm còn độc ác hơn cả loài vật.

– Tấm lòng nhân đức và nhân cách cao cả của ông ngư trước hết thể hiện qua hành động cứu giúp người bị nạn: “Ông chài xem thấy bớt ngay lên bờ”. Cụm từ “bớt ngay lên bờ” thể hiện sự khẩn trương, hối hả cứu người chết đuối của ông. Trịnh Hâm, một người đã từng là bạn đi thi, đã từng ăn học để theo đuổi đường công danh mà lại hãm hại người. Còn ông ngư, một người dân chài bình dị lại có hành động cứu người bị nạn. Đặt hai hành động bên cạnh nhau, ta càng cảm phục và trân trọng hành động cứu vớt người bị nạn của ông ngư, ta cũng càng căm ghét Trịnh Hâm.

– Tấm lòng nhân đức và nhân cách cao cả của ông ngư còn được thể hiện qua chi tiết ông hổi vợ con cùng mình cứu giúp người bị nạn:

Hội con dây lửa một giờ,
Ông hơ bụng dạ, mụ hơ mặt mày.

Câu thơ mộc mạc không đẽo gọt trau chuốt, chỉ để lại sự việc một cách tự nhiên như nó xảy ra, nhưng lại gợi được mối chân tình của cả gia đình ông ngư đối với người bị nạn. Nào ông, nào bà, nào con, tất cả đều khẩn trương, hối hả lo chạy chữa để cứu sống Vân Tiên. Từ “hốt” mang nghĩa là giục.

Ông giục vợ con mau mau cứu người bị nạn. Việc ông giục vợ con cùng mình cứu người bị nạn chứng tỏ ông ngư có tấm lòng thương người, luôn sẵn sàng cứu giúp những người khác. 

– Sau khi cứu sống Vân Tiên, biết tình cảnh khốn khó của chàng, ông ngư sẵn lòng cưu mang chàng dù chỉ là chia sẻ một cuộc sống đói nghèo, thiếu thốn “Hôm mai hẩm hút với giá cho vui”. Khi Vân Tiên nói đến ơn nghĩa lấy gì báo đáp, ông đã bộc bạch tấm lòng mình “Dốc lòng nhơn nghĩa há chờ trả ơn”. Ông giúp người không vì mục đích chờ người báo đáp mà vì tấm lòng nhân nghĩa của ông. Đây là một trong những phẩm chất đáng quý của ông ngư cũng là phẩm chất đáng quý của những người lao động.

– Cái thiện, cái cao cả còn được biểu hiện qua cuộc sống đẹp của ông ngư. Cuộc sống thanh bần nhưng lại đem niềm vui đến cho ông, cho gia đình. Ông không bị vướng vào cái vòng danh lợi của cuộc đời. Cuộc sống phóng khoáng hoà hợp với với thiên nhiên:

Rày doi mai vịnh vui cây
Ngày kia hứng gió đêm này chơi trăng.
Một mình thong thả làm ăn
Khoẻ quơ chài kéo; mệt quảng câu dầm.

Lời nói của ông ngư về cuộc sống của mình cũng chính là tiếng lòng của Nguyễn Đình Chiểu, những khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp, về một lối sống đáng mơ ước đối với con người. Cảm xúc chủ quan của nhà thơ làm cho cuộc sống của người dân chài trên sông nước có vẻ như được thi vị hoá, trở nên thi vị hơn, nhưng cốt lõi của nó vẫn là chân thực. Đây là cuộc sống tự do phóng khoáng giữa đất trời cao rộng. Con người hoà nhập, bầu bạn với thiên nhiên, thảnh thơi giữa sông nước, gió trăng. Cuộc sống ấy hoàn toàn xa lạ với cuộc sống nhỏ nhen, ích kỉ, mưu danh, trục lợi. Ca ngợi cuộc sống thanh bần của ông ngư cũng chính là tác giả ca ngợi cuộc sống của những người lao động.

3. Kết thúc vấn đề

– Đoạn trích lên án những hành động độc ác, bất nhân, bất nghĩa của nhân vật Trịnh Hâm, cũng là lên án những tội ác trong xã hội lúc bấy giờ.

– Đoạn trích ca ngợi việc làm nhân đức và nhân cách cao cả của ông ngư cũng chính là ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người lao động.

– Gửi gắm khát vọng vào niềm tin về cái thiện, vào con người lao động bình thường, Nguyễn Đình Chiểu đã bộc lộ một quan điểm nhân dân rất tiến bộ. Ông hiểu rằng, cái xấu, cái ác thường được lẩn khuất sau những mũ cao, áo dài của bọn người có địa vị cao sang (như Thái sư Võ Công, Trịnh Hâm, Bùi Kiệm), nhưng vẫn còn những cái tốt đẹp, cái đáng khao khát, tồn tại bền vững nơi những người lao động nghèo khổ mà nhân hậu, vị tha, trọng nghĩa, khinh tài.

– Tác giả đã sử dụng yếu tố thần kì đan xen với yếu tố hiện thực. Điều đó, vừa tạo sự hấp dẫn vừa thể hiện niềm tin và ước mong của những con người bị áp bức, thấp cổ bé họng, khó bề chống đỡ giữa cái xã hội đầy rẫy áp bức, bất công.

 

ĐỀ 16 – Bộ đề thi ngữ văn vào lớp 10
Đánh giá bài viết