HƯỚNG DẪN 

1. TÁC GIẢ

Nguyễn Tuân (190 – 1987) quê ở xã Nhân Mục, thôn Thượng Đình, nay là phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ông sinh ra trong một gia đình nhà Nho khi nền Hán học đã lụi tàn. Trước khi trở thành một nhà văn có tên tuổi, Nguyễn Tuân đã từng tham gia bãi khóa khi chưa học xong bậc thành chung (THCS bây giờ). Ông đi đây đi đó nhiều, thậm chí có lúc ông sang Thái Lan mà không được phép nên đã bị bắt giam và quản thúc tại Thanh Hoá. Hết hạn quản thúc, ông ra Hà Nội sống bằng nghề viết văn, làm báo. Ông thật sự đi vào nghề văn từ những năm 30 của thế kỉ XX. Hàng loạt truyện in trong nhiều tạp chí nổi tiếng lúc bấy giờ sau được tập hợp lại thành tập truyện đầu tay Vang bóng một thời (in năm 1940). Năm 1941, tham gia chính trị, một lần nữa ông lại bị bắt giam ở Vụ Bản, Quan Nho hơn một năm thì được tha về. 

Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Tuân nhiệt tình chào đón và tham gia để rồi nhanh chóng trở thành một cây bút văn xuôi tiêu biểu của nền văn học mới. Năm 1948, ông được bầu làm Tổng thư kí Hội Văn nghệ Việt Nam và giữ chức vụ này cho đến năm 1958. Thời gian kháng chiến chống Pháp ông công tác ở Hội Văn nghệ tại Việt Bắc, từng tham gia nhiều chiến dịch và có đi thực tế vào vùng hậu địch. Từ năm 1958, ông là Uỷ viên Ban Chấp hành hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam. Ông mất ngày 28-7-1987 tại Hà Nội.

Sự nghiệp sáng tác của ông được chia làm hai thời kì. Trước Cách mạng, ông là một cây bút văn xuôi tiêu biểu cho khuynh hướng lãng mạn. Tác phẩm của ông thời kì này đều cố gắng làm nổi bật một cái tôi tài hoa, không ưa khuôn khổ, trật tự. Cái Tôi khẳng định mình bằng lối sống ngông nghênh tài tử, thích săn tìm vẻ đẹp của một thời còn vương sót lại. Tiêu biểu hơn cả cho thời kì sáng tác trước Cách mạng chính là tập truyện đầu tay Vang bóng một thời. Nhân vật chính của tập truyện là những Nho sĩ hết thời, có tài, bất đắc chí, không hoà nhập được với trật tự xã hội đã tìm đến lối sống tiêu dao nhàn tản, tìm đến những thú vui mang tính văn hoá như uống trà, chơi cờ, thưởng rượu, chơi thư pháp,… Tác phẩm thế hiện thái độ bất hợp tác với thời cuộc và sự trân trọng những nét đẹp văn hoá cổ truyền của cha ông.

Sau Cách mạng tháng Tám, tâm hồn Nguyễn Tuân thực sự bừng tỉnh, nhà văn tuyên bố lột xác để trở thành người chiến sĩ trên mặt trận văn hoá – văn nghệ. Tuỳ bút là thể loại ưu thế của Nguyễn Tuân ở giai đoạn này, hàng loạt tác phẩm có giá trị ra đời trong thời kì này như Tùy bút kháng chiến (1955), Sông Đà (1960), Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi (1972), Cảnh sắc và hương vị đất nước (1988)…Vẫn thống nhất với phong cách nghệ thuật trước Cách mạng, nhưng ở giai đoạn sau ông đã có cái nhìn gần gũi, chân thực hơn về con người trong lao động, chiến đấu, về cảnh sắc quê hương. Ngoài tuỳ bút, ông còn viết nhiều tiểu luận phê bình văn học xuất sắc.

Nguyễn Tuân là một nhà văn có phong cách nghệ thuật độc đáo. Những trang viết của ông thể hiện cái tài hoa hết mực của người viết. Trong văn của mình, ông thường nhìn con người ở góc độ nghệ sĩ, còn cảnh vật thì ở phương diện văn hoá, mĩ thuật. Ngòi bút của ông rất uyên bác, ông thường sử dụng kiến thức của nhiều lĩnh vực khoa học và nhiều ngành nghệ thuật khác để tăng cảm xúc cho văn chương. Ông còn là người ưa những cái mới lạ, độc đáo, không ưa sự nhợt nhạt trong văn chương nghệ thuật. Ông tâm đắc với V. Huy gô: cái bình thường là cái chết của nghệ thuật. Cả đời ông luôn khát khao tìm kiếm thực phẩm cho tâm hồn, thay thực đơn cho giác quan. Góp phần làm nên phong cách nghệ thuật độc đáo của ông là bút pháp đa dạng, kết hợp nhuần nhuyễn giữa hiện thực lãng mạn, tự sự với trữ tình, cổ kính mẫu mực với phóng túng, hiện đại. Ngôn từ nghệ thuật của Nguyễn Tuân tạo nên những ấn tượng mạnh mẽ. Văn của ông là một hệ thống ngôn ngữ phóng túng, mới lạ, giàu âm thanh và nhạc điệu. Người ta gọi ông là thầy phù thuỷ của ngôn từ, là bậc thầy của nghệ thuật sử dụng tiếng Việt. Phong cách nghệ thuật độc đáo ấy đã tìm được một thể loại thích hợp để thể hiện, đó là tuỳ bút. Bởi vậy, sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân đã trở thành vua của thể loại này.

– Ông là một trí thức yêu nước, là con người đa tài, là một nghệ sĩ lớn. Năm 1996, vinh dự được nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I).

II. TÁC PHẨM

1. Tên tác phẩm 

Chữ người tử tù (trích trong tập Vang bóng một thời, 1940) là một truyện ngắn đặc sắc của Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám. Cách đặt tên tác phẩm đã thể hiện rõ dụng ý nghệ thuật của tác giả. Tên tác phẩm hướng tới chữ (nghệ thuật thư pháp), chữ trong tác phẩm là yếu tố quan trọng để từ đó xây dựng tính cách nhân vật và tình huống truyện. Đây là một thú chơi thanh cao, trang nhã, sang trọng, là một nét đẹp văn hoá của người Việt. Tên truyện thể hiện rõ chủ đề ưa thích. của Nguyễn Tuân trước Cách mạng: đi tìm nét đẹp văn hoá Việt trong cốt cách những tài tử lỡ vận.

2. Hình tượng Huấn Cao

Huấn Cao là hình tượng mang vẻ đẹp hài hoà giữa Tài hoa, Khí phách và Thiên lương; là biểu tượng của những nhân cách lớn, có bóng dáng nhân vật lịch sử .. mà ông ngưỡng mộ: Cao Bá Quát. Huấn Cao là hiện thân cho lí tưởng thẩm mĩ của Nguyễn Tuân trước Cách mạng.

Huấn Cao là người tài hoa xuất chúng

– Tài hoa của Huấn Cao được giới thiệu ngay từ đầu truyện, qua lời đồn thổi của các nhân vật khác. Nhân vật chính chưa xuất hiện nhưng đã được giới thiệu là một người mà cùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ nhanh và rất đẹp, là người văn võ đều có tài. Nguyễn Tuân đã chú ý giới thiệu cái tài hoa của Huấn Cao trước khi giới thiệu nhân vật.

– Cái tài hoa của Huấn Cao nổi tiếng đến mức viên quản ngục chấp nhận đãi ngộ y suốt cả tháng trời để hi vọng xin được chữ, bất chấp thái độ đầy khinh bạc của kẻ tử tù.

– Trong cảnh cho chữ, tài hoa thực sự toả sáng đã tạo nên không khí thiêng liêng khiến cho những con người xa cách về vị thế xã hội đã chụm đầu vào nhau say sưa hướng tới cái đẹp.

Miêu tả cái tài hoa tuyệt đích của Huấn Cao cũng chính là cách để Nguyễn Tuân thể hiện quan niệm liên tài của mình. Cái tài là thứ quý hiếm đáng được tôn thờ và ngưỡng mộ; phải là cái phát lộ nên tuyệt đích, phải có giá trị thanh lọc tâm hồn con người.

Huấn Cao là người có khí phách phi thường

– Khí phách khác người của Huấn Cao cũng được giới thiệu ngay từ đầu truyện, trước khi nhân vật xuất hiện. Qua lời bình luận của các nhân vật chốn tù ngục, Huấn Cao là người văn võ đều có tài, là người có nghĩa khí, chọc trời quấy nước… Khí phách của Huấn Cao gợi đến những bậc anh hùng ngang tàng Chọc trời khuấy nước mặc dầu / Dọc ngang nào biết trên đầu có ai. 

– Khí phách ấy còn thể hiện rõ bằng những hành động và cách ứng xử của Huấn Cao trong ngục: thái độ thản nhiên đến lạnh lùng nhận rượu thịt suốt nửa tháng trời, khinh bạc trước trò tiểu nhân, không hạ thấp mình khi rơi vào hoàn cảnh ngục tù. Huấn Cao vẫn sống ung dung, đường hoàng trong những ngày chờ ra pháp trường.

– Trong cảnh cho chữ, con người ngang tàng ấy cổ đeo gông, chân vướng xiềng vẫn say sưa sáng tạo, không thèm nghĩ đến cái chết đã kề cổ.

Huấn cao là người có thiện lương rực rỡ 

Ông là một người có nhân cách cao cả, chữ chính là cái Tâm của ông. Đối với Huấn Cao, chữ là thứ quý nhất trên đời sống không vì thế mà đổi chữ lấy vàng bạc, quyền thế. Chữ chỉ dành cho những người tri kỉ, cho chữ viên quản ngục tức là Huấn Cao đã xem quản ngục là người tri kỉ. Chữ không thể treo chỗ tối tăm, bẩn thỉu cũng có nghĩa là cái đẹp không thể tồn tại bên cái xấu xa. Chữ thể hiện hoài bão của một đời người. Nét chữ vuông vức, tươi tắn ấy chính là tinh hoa của đời Huấn Cao khiến quản ngục phải nghẹn ngào vái lạy.

Nhân vật Huấn Cao là một vẻ đẹp hội tụ của tài hoa, khí phách và thiên lương. Qua nhân vật này chúng ta thấy rõ nét phong cách nghệ thuật nổi bật của Nguyễn Tuân: ông ưa tìm những cái biệt lệ, độc đáo và Huấn Cao là thứ hiếm lạ còn sót lại của một thời vang bóng. Nhân vật được nhìn ở góc độ tài hoa nghệ sĩ. Cũng qua Huấn Cao chúng ta thấy rõ quan niệm của Nguyễn Tuân về cái Đẹp: cái đẹp phải là cái độc đáo phi thường, quý hiếm, phải có sức cảm hoá con người, cải tạo hoàn cảnh.

3. Hình tượng quản ngục

Nếu nhân vật Huấn Cao được nhìn ở phương diện con người sáng tạo cái đẹp thì quản ngục được nhìn ở phương diện con người hưởng thụ cái đẹp. Quản ngục là nhân vật giúp làm nổi bật vẻ đẹp của Huấn Cao, thể hiện quan điểm liên tài của Nguyễn Tuân. 

a) Quản ngục là người khát khao hưởng thụ cái đẹp, ngưỡng mộ người tài:

– Chưa gặp Huấn Cao nhưng lòng ông đã một mực kính phục con người nổi tiếng tài hoa và khí phách của tỉnh Sơn. Khi nhận tù, trái hẳn với ngày thường, y nhìn tù với con mắt hiền lành, lòng kiêng nể, biệt nhỡn với Huấn Cao khiến bọn lính thấy lạ. Khi bị Huấn Cao mắng vẫn lễ phép rút lui

– Thái độ kiên nhẫn dâng rượu thịt suốt cả tháng trời mong mỏi ngày Huấn Cao dịu tính nết để xin chữ, chuẩn bị sẵn chục vuông lụa trắng, khổ tâm vì chưa xin được chữ, lo lắng vì sợ không kịp,… khiến chúng ta thực sự cảm động về khát vọng cái đẹp của y.

– Khi nghe tin ngày mai Huấn Cao sẽ ra pháp trường, hốt hoảng vì dự định chưa thành, viên quản ngục tái nhợt người gọi thầy thơ lại để tâm sự. Cảm kích trước khát vọng chính đáng của quản ngục, thầy thơ lại đã chạy xuống buồng giam thổ lộ nỗi lòng quản ngục cho Huấn Cao biết.

b) Quản ngục là người có nhân cách cao đẹp

– Phải là người có nhân cách cao đẹp quản ngục mới trong người tài và ngưỡng mộ cái đẹp đến thế (Một kẻ biết tiếc, biết trọng người có tài, hẳn không phải là kẻ xấu).

– Nhân cách cao đẹp của viên quản ngục bộc lộ thật cảm động trong cảnh cho chữ. Nhận được chữ, trước lời khuyên chân thành của Huấn Cao, y đã khúm núm vái lạy, nhỏ dòng nước mắt nghẹn ngào: Kẻ mê muội này xin được bái lĩnh. Cái vái lạy và dòng nước mắt không làm người ta trở nên nhỏ bé, đê hèn mà ngược lại làm cho hình tượng quản ngục trở nên đẹp và cao cả hơn. Người đọc cảm thấy tin tưởng ở tấm lòng tốt đẹp đó qua kết truyện đầy sức gợi. Lí tưởng hướng tới cái cao cả, đẹp đẽ giúp quản ngục vượt ra khỏi cái tầm thường, tránh xa chốn xô bồ cặn bã mà giữ mình.

4. Đặc sắc nghệ thuật

– Nghệ thuật xây dựng nhân vật : Bút pháp lãng mạn xây dựng nhân vật Huấn Cao với những nét tính cách được lí tưởng hoá, đối lập với hoàn cảnh, đứng cao hơn hoàn cảnh. Nét tính cách nào của nhân vật cũng được tuyệt đối hoá đến độ phi thường. Nếu Huấn Cao được khắc họa thiên về hành động thì quản ngục được khắc họa thiên về chiều sâu tâm lí. Độc thoại nội tâm được sử dụng để soi rõ từng biến động tinh vi nhất trong tâm hồn nhân vật, qua đó, nhân vật tự thể hiện mình một cách chân thành nhất.

– Truyện đã xây dựng được một tình huống đặc biệt, đó là cảnh cho chữ. Cảnh cho chữ là một cảnh xưa nay chưa từng có, được dựng bằng bút pháp tương phản đối lập, chứa đựng những yếu tố khác thường để làm nổi bật cái đẹp, cái lí tưởng; qua đó để thể hiện tính cách nhân vật, thể hiện quan điểm của tác giả về cái đẹp.

– Ngôn ngữ tác phẩm giàu tính tạo hình, sử dụng nhiều từ Hán Việt, từ cổ để tạo dựng không khí thời đại và con người một thời vang bóng.

ĐỀ 139: Cảm nhận truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân.
Đánh giá bài viết