HƯỚNG DẪN

I. TÁC GIẢ NGUYỄN TUÂN

1. Nguyễn Tuân (1910 – 1987) sinh trong một gia đình nhà nho, quê ở làng Mọc, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ông thừa hưởng ở người cha – cụ tá Nguyễn An Lan – vốn học vấn, lòng yêu văn chương cùng lối sống của lớp nhà nho tài hoa tài tử. Nguyễn Tuân viết văn và làm báo từ năm 20 tuổi, có lúc còn diễn kịch, đóng phim. Sau Cách mạng, ông tích cực tham gia cả hai cuộc kháng chiến của dân tộc và giữ trọng trách Tổng thư kí Hội Văn nghệ Việt Nam suốt một thời gian dài (từ 1948 đến 1958). Năm 1996, ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học và nghệ thuật.

2. Nguyễn Tuân là một nhà văn tài năng, có công lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển, hoàn thiện thế kỉ và nâng cao khả năng biểu hiện của ngôn ngữ văn xuôi hiện đại. Ông còn là một nhà văn hoá lớn với vốn kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực: lịch sử, hội hoạ, âm nhạc, địa lí, sinh học… Những kiến thức ấy hiện diện trong cả tác phẩm phê bình lẫn sáng tác văn chương của Nguyễn Tuân, luôn mang lại nhiều điều kì thú cho bạn đọc. Phong cách nghệ thuật tài hoa và độc đáo của Nguyễn Tuân đã định hình từ rất sớm, ngay trong những thiên truyện đầu tay. Nói như một nhà phê bình văn học, ông “tiếp cận thế giới nghiêng về phương diện văn hoá, nghệ thuật, phương diện thẩm mĩ; tiếp cận con người nghiêng về phương diện tài hoa nghệ sĩ” (Nguyễn: Đăng Mạnh). Ở Nguyễn Tuân có sự thống nhất cao độ giữa cái “ngông” trong tính cách con người và cái “ngông” thể hiện thành phong cách trong văn chương.

3. Tác phẩm chính của Nguyễn Tuân: Một chuyến đi (1938), Vang bóng một thời (1940), Chiếc lư đồng mắt cua (1941), Đường vui (1949), Tình chiến dịch (1950), Sông Đà (1960), Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi (1972) Chuyện nghề (1986),… 

II. TRUYỆN NGẮN CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ .. 

– Truyện ngắn này in lần đầu trên tạp chí Tao đàn (1938) dưới cái tên Dòng chữ cuối cùng, khi đưa vào tập truyện ngắn Vang bóng một thời (NXB Tân Dân, Hà Nội, 1940), tác giả đã đổi tên truyện thành Chữ người tử tù.

Vang bóng một thời gồm 11 truyện ngắn, được coi là “một văn phẩm gần tới sự toàn thiện toàn mĩ” (Vũ Ngọc Phan). Nhân vật của Vang bóng một thời là những nhà nho cuối mùa, không chịu chạy theo danh lợi mà cố giữ lấy cái “thiên lương” trong sạch của mình. Họ phô diễn một lối sống tài hoa tài tử, lấy cái thanh cao để đối lập với thói đời phàm tục, lấy thái độ “ngông nghênh” để phản ứng lại trật tự xã hội đương thời. Huấn Cao trong Chữ người tử tù là một nhân vật tiêu biểu cho lớp nhà nho tài hoa và giàu khí phách đó. Nhiều ý kiến cho rằng Nguyễn Tuân đã lấy cảm hứng từ nguyên mẫu là nhà thơ Cao Bá Quát để xây dựng nhân vật này, bằng chứng là Huấn Cao cũng như Cao Bá Quát đều nổi tiếng về tài viết chữ đẹp, người làm giáo thụ, người làm huấn đạo và cả hai đều là người cầm đầu quân khởi nghĩa chống lại triều đình phong kiến.

NỘI DUNG

1. Chữ người tử tù được sáng tác trong cảm hứng chung của Nguyễn Tuân về những vẻ đẹp “vang bóng một thời”. Đây là vẻ đẹp tài năng, tâm hồn và tính cách của lớp nhà nho tài hoa tài tử phản kháng lại trật tự xã hội phong kiến đương thời. Nhà văn đã tạo ra một không khí cổ xưa cho câu chuyện, xây dựng một hình tượng ít nhiều mang màu sắc “huyền thoại”, đặt nhân vật vào một tình huống đầy kịch tính,… để làm nổi bật những phẩm chất ưu tú đặc biệt của một lớp người xưa theo quan niệm thẩm mĩ của mình.

2. Ở nhân vật Huấn Cao nổi bật lên hai phẩm chất: anh hùng và nghệ sĩ. Tuy cuộc nổi loạn chống lại triều đình của Huấn Cáo không được miêu tả trực tiếp mà chỉ được nhắc đến qua lời nói và thái độ của các nhân vật khác, nhưng khí phách “chọc trời quấy nước” và tư thế hiên ngang của người anh hùng xả thân vì nghĩa lớn vẫn hiện lên rờ rỡ trong tác phẩm. Kể cả khi đã “sa cơ”, rơi vào chốn tù ngục chờ án tử hình, dũng khí và tài năng của người tử tù này vẫn là một sức mạnh vô hình khiến những kẻ đối nghịch phải e dè, kính sợ. Phẩm chất anh hùng của một dũng tướng dã là một vẻ đẹp phi thường, rất đáng ca ngợi, nhưng ở đây, Nguyễn Tuân đặc biệt để cao vẻ đẹp tài năng và tâm hồn nghệ sĩ của nhân vật Huấn Cao.

Tài viết chữ đẹp đến mức siêu phàm của người tử tù này đã thành huyền thoại, đến nỗi có kẻ mất ăn mất ngủ vì chỉ muốn có được vài ba chữ của ông Huấn. Vốn là người coi khinh tiền bạc, bất chấp cường quyền và bạo lực, “nhất sinh không vì vàng ngọc và quyền thế mà ép mình” nên suốt nửa tháng trong tù, Huấn Cao luôn tỏ ra cao ngạo, khinh bạc, không thèm đếm xỉa đến sự biệt đãi của ngục quan hay ngón đòn trả thù tàn bạo. Nhưng đến ngày cuối cùng khi biết được tâm sự của viên quản ngục, Huấn Cao đã thay đổi hẳn thái độ. Con người có thừa dũng khí và tài năng này lại là một tâm hồn nghệ sĩ để rung cảm với cái đẹp, cái “thiên lương”. Trước “tấm lòng biệt nhỡn liên tài” của ngục quan, Huấn Cao đã dành trọn đêm cuối cùng của đời mình để làm y thỏa nguyện.

Cảnh cho chữ trong tù là cảnh tượng lẫm liệt, hào hùng nhất của thiên truyền, tôn vinh vẻ đẹp cả về nhân cách lẫn tài năng của người anh hùng – nghệ sĩ trong thân phận tử tù. Có thể nói, cảnh tượng này là sự thăng hoa của hình tượng nhân vật, từ vị thế của kẻ tử tù, Huấn Cao vụt trở thành người hướng đạo, chỉ giáo cho ngục quan. Hình tượng Huấn Cao cũng là sự thăng hoa của ngòi bút lãng mạn Nguyễn Tuân. Với Huấn Cao, Nguyễn Tuân đã xây dựng thành công một nhân vật theo quan niệm thẩm mĩ của mình: đó là sự thống nhất giữa cái tài, cái đẹp và cái “thiên lương”.

3. Các nhân vật “viên quản ngục”, “thầy thơ lại” cũng là một vẻ đẹp được tác giả khai thác ở một phương diện khác. Đây là hai kẻ nằm ngay trong bộ máy chính quyền tàn bạo, đang thực thi nhiệm vụ giam giữ sáu tên tù án chém. Nằm trong guồng máy đó, nhưng quản ngục lại là một kẻ lạc lõng, “tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trong người ngay” của y là một “thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”. Cả quản ngục và thơ lại hình như đã “chọn nhầm nghề”, bởi “ông trời nhiều khi chơi ác, đem đày ải những cái thuần khiết vào giữa đống cặn bã”. Điều đó giải thích vì sao ngục quan và thuộc hạ của y có sự “biệt đãi” đối với Huấn Cao. Từ hai phía đối lập, Huấn Cao, quản ngục và thơ lại đã gặp nhau ở tấm lòng “biệt nhơn liên tài”. Họ có thể không run sợ trước cường quyền và bạo lực (quản ngục và thơ lại bất chấp sự nguy hiểm có thể bị tố giác để “biệt đãi” Huấn Cao) nhưng lại biết “cúi đầu” trước cái đẹp, cái “thiên lương”. Cảnh cho chữ trong tù là một cảnh tượng “xưa nay chưa từng có”, ca ngợi sự gặp gỡ của những tấm lòng tri kỉ.

NGHỆ THUẬT

1. Nổi bật trong truyện ngắn này là nghệ thuật tạo dựng tình huống. Chọn một hoàn cảnh oái oăm (trong đề lao của tử tù), tác giả để cho ba nhân vật (Huấn Cao, viên quản ngục, thầy thơ lại) gặp nhau, buộc họ phải tìm cách ứng xử và bộc lộ tính cách, Họ tuy có điểm gần gũi nhau (đều biết quý trọng cái đẹp và cái “thiên lương”) nhưng lại ở hai vị thế đối nghịch (kẻ tử tù và ngục quan), luôn va chạm với nhau trong một hoàn cảnh bất thường,… tất cả tạo nên kịch tính và sự hấp dẫn của câu chuyện.

2. Nghệ thuật khắc họa tính cách nhân vật ở đây mang nhiều dấu ấn của chủ nghĩa lãng mạn. Khác với chủ nghĩa hiện thực, nhân vật của chủ nghĩa lãng mạn mang nhiều yếu tố phi thường, được tô vẽ theo ý đồ chủ quan của tác giả. Huấn Cao là một nhân vật như vậy. Để xây dựng hình tượng một con người vừa mang khí phách của người anh hùng cái thế “chọc trời khuấy nước” vừa mang tâm hồn cao thượng của người nghệ sĩ tài hoa, Nguyễn Tuân đã sử dụng một cách có hiệu quả các thủ pháp nghệ thuật như cường điệu (tiếng đồn về tài “bẻ khoá vượt ngục” của Huấn Cao, sự nhún nhường quá mức của quản ngục,…), tương phản (thái độ cao ngạo của Huấn Cao – sự kính nể, e dè của ngục quan; nét đẹp tâm hồn của kẻ tử tù và ngục quan – chốn tù ngục tàn bạo, xấu xa), đối lập (kẻ tử tù – quan coi ngục, ánh sáng của “thiên lương” – bóng tối trong đề lao),…

3. Cách tạo không khí cổ xưa cho câu chuyện cũng là một biện pháp nghệ thuật đáng chú ý. Cảnh đề lao, quan coi ngục và tử tù đều mang dáng dấp của cảnh vật và con người thời xưa. Giọng điệu nhân vật, cách xưng hô hay lời dẫn chuyện cũng rất cổ kính với nhiều từ Hán Việt. Diễn biến sự việc cũng như nhịp điệu câu văn đều chậm rãi như nhịp sống của người thời xưa. Không có những hiểu biết sâu sắc về lịch sử, về văn hoá xã hội, lối sống và phong tục,… không thể tái hiện một không gian mang tính lịch sử thích hợp với nhân vật như vậy. Cách đẩy nhân vật và sự việc về một thời quá khứ cũng là một biện pháp khiến tác giả có thể hư cấu mọi chuyện theo dụng ý của mình, thoát khỏi sự kiểm duyệt của bộ máy nhà nước đương thời, và hình tượng cũng dễ có sức thuyết phục hơn.

ĐỀ 138: Nội dung và nghệ thuật truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân.
Đánh giá bài viết