Đề 90 – Thuyết minh về con trâu

BÀI LÀM

Có lẽ không người Việt nào không biết đến những câu ca chan chứa tình cảm này:

“Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”.

Việt Nam là đất nước nông nghiệp. Bởi thế con trâu với người nông dân vô cùng gần gũi và quan trọng. Sự gần gũi đã tạo nên quan hệ gắn bó thân thiết của người với trâu. Trâu là bạn, là tài sản lớn, là phương tiện giúp người nông dân trong quá trình lao động. Có biết bao nhiêu câu chuyện cảm động về mối quan hệ giữa con người với loài vật hiền lành này được lưu truyền trong dân gian.

Con trâu vốn có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp. Ở nước ta từ xa xưa trâu đã được nuôi để phục vụ cho việc sản xuất của nhà nông. Con trâu trong đời sống nông nghiệp được xếp lên hàng đầu “con trâu là đầu cơ nghiệp”. Nhưng do tình hình kinh tế đất nước phát triển, con trâu lại được sử dụng thêm vào nhiều mục đích khác. Ngoài mục đích khai thác sức kéo, trâu còn được nuôi để lấy thịt, và lấy sữa. Trâu là động vật được liệt vào hàng lục súc: trâu, chó, lợn, ngựa, bò, dê. Trâu nặng khoảng một vài tạ, cao ngang hoặc hơn người, có nguồn gốc từ trâu rừng. Trâu Việt Nam thuộc loại trâu đầm lầy, có sừng dài, thon, cong hình bán nguyệt, đuôi sừng nhọn. Đầu to, trán phẳng, hẹp, mặt ngắn, mõm rộng, tai to và rộng, cổ dài, thắng. Thân ngắn, chân thấp và mảnh, vai đầy, ngực lép, bụng to, mông thấp, đuôi ngắn, móng xoè. Trâu ta có lông thưa, da dày, màu xám tro sẫm, đa số có vệt khoang trắng ngang phía dưới cổ và một vệt phía trên ngực. Thời gian mang thai của trâu khá dài khoảng hơn ba trăm ngày, mỗi lần chỉ sinh một con và thường sinh ba năm hai con hoặc mỗi năm một con. Trâu con sinh ra được gọi là nghé. Trâu có khối lượng sơ sinh từ hai mươi đến hai lăm ki-lô-gam, lúc một năm tuổi đạt hơn một trăm ki-lô-gam. Lúc hai năm tuổi đạt hơn hai trăm. Bắt đầu từ thời điểm này trâu được huấn luyện cho cày kéo hoặc vỗ béo lấy thịt là thích hợp. Trâu có ưu điểm là dễ nuôi, sử dụng thức ăn đa dạng, chịu đựng kham khổ tốt, dễ thích nghi với điều kiện ngoại cảnh và chống đỡ bệnh tật cao. Trong hệ thống tiêu hoá của trâu có hệ vi sinh vật dạ cỏ phong phú, nên có thể tiêu hoá chất khô, đặc biệt là chất xơ, cao hơn các gia súc khác. Trâu có thể tận dụng được nhiều loại cỏ, lá cây, một số loại cỏ nước và phế phụ phẩm của trồng trọt mà các gia súc khác (kể cả bò) không sử dụng được. Trâu là loại động vật nhai lại có dạ dày bốn ngăn: dạ cỏ, dạ tổ ong, dạ lá sách và dạ múi khế. Trâu được nuôi chủ yếu bằng cỏ, rơm, các sản phẩm phụ của trồng trọt, những thức ăn có chất lượng thấp, tỷ lệ xơ cao, hàm lượng protein thấp… Khi thức ăn được nhai cắt thành những mẩu nhỏ, nhào trộn với nước bọt và trôi xuống dạ cỏ, nhờ sự co bóp của dạ cỏ những mẫu thức ăn có kích thước lớn được đưa trở lại miệng để nhai lại.

Ở nước ta, trâu đã được thuần hoá từ lâu và được sử dụng chủ yếu cho cày kéo. Nông nghiệp nước ta với lúa nước là cây trồng chính, quy mô hộ gia đình nhỏ, trâu là nguồn sức kéo chính khó thay thế cho sản xuất nông nghiệp, là nguồn năng lượng rẻ tiền, dễ sử dụng, đầu tư ít và còn có khả năng tái sản xuất. Trâu có thể cày bừa ở bất cứ loại đất nào, nhất là ở những vùng đất trồng lúa lầy thụt, nặng nhọc mà bò không thể đảm đương, thậm chí máy cũng khó khăn, với năng suất từ hai đến ba sào một buổi. Ngoài ra người ta cũng có thể dùng trâu để kéo xe, để khai thác sữa, sừng trâu làm đồ mỹ nghệ, thịt trâu là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và rất ngon nếu biết chế biến… Bởi vậy trâu là một con vật đem lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế.

Trâu còn có mặt trong đời sống tinh thần, tình cảm, trong văn hoá của người Việt. Với trẻ em hình ảnh con trâu ung dung gặm cỏ non, xanh mát và trên trời là những cánh diều bay cao giữa không trung đã in sâu trong tâm trí. Chăn trâu thả diều là một trong những trò chơi của trẻ em nông thôn. Trên lưng trâu còn có bao nhiêu là trò như đọc sách, thổi sáo… Ngoài ra trâu còn gắn liền với những lễ hội truyền thống như chọi trâu, đâm trâu. Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn – Hải Phòng khá nổi tiếng :

“Dù ai buôn đâu, bán đâu
Mồng chín tháng tám chọi trâu thì về
Dù ai bận rộn trăm bề
Mồng chín tháng tám nhớ về chọi trâu.”

Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. Là một sinh hoạt văn hoá, tôn giáo, nghệ thuật truyền thống phản ánh cuộc sống vật chất và tâm linh của một cộng đồng trong quá khứ gắn liền việc thờ cúng thuỷ thần với nghi lễ chọi và hiến sinh trâu, có cả sự giao thoa giữa những yếu tố văn hoá nông nghiệp đồng bằng với văn hoá cư dân ven biển. Ngày nay lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn còn là điểm du lịch hấp dẫn với mọi người.

Trâu cũng là con vật tình nghĩa, thủy chung, xa cách nhiều năm vẫn nhớ chủ, đi xa vẫn nhớ đường về, trả công cho người chăm sóc hậu hĩ, xứng đáng, đến chết lại xả thân vì con người. Bản tính hiền lành, nhiều khi quá thật thà nên phải chịu thiệt thòi, song trâu cũng là một loài vật dũng mãnh, thiện chiến, không dễ bắt nạt. Với sức khỏe phi thường “ốm trâu hơn khỏe bò” và cặp sừng lợi hại, trâu là một chiến binh xuất sắc. Câu chuyện “Trâu đoàn kết giết hổ” là một bài học về tinh thần đoàn kết, hiệp đồng sức mạnh để chống lại kẻ thù. Giai thoại dân gian cũng kể rằng cậu bé Đinh Bộ Lĩnh thuở nhỏ chăn trâu đã lấy cờ lau tập trận, sau thành Vạn Thắng Vương lẫy lừng. Người nông dân Việt Nam tìm thấy trong con trâu sức mạnh quật cường của một dân tộc yêu hòa bình nhưng thượng võ, bất khuất, kiên cường. Và như một lẽ tự nhiên, con trâu đã đi vào nghệ thuật, trở thành đề tài, nguồn cảm hứng phong phú của văn học, hội họa, điêu khắc, âm nhạc… Thật khó mà thống kê hết các tác phẩm nghệ thuật có liên quan đến hình tượng con trâu. Trong kí ức của mọi người vẫn có một hình ảnh chủ bé chăn trâu thổi sáo của bức tranh làng Hồ nổi tiếng gợi không gian thanh bình của làng quê sau luỹ tre làng bao đời êm ấm chở che và nuôi dưỡng tâm hồn Việt… Bài đồng dao “Ai bảo chăn trâu là khổ?” rồi con trâu trong các bài thơ của các danh nhân như Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến, Hồ Chí Minh. Cũng không ai quên hình ảnh chú trâu vàng khoẻ khoắn tươi cười chào bạn bè quốc tế trong Seagame 22.

Với tất cả những đặc điểm trên trâu đã và mãi mãi là bạn của người dân đất Việt, cùng đồng hành trên hành trình đi tới giàu mạnh dù cuộc sống có nhiều đổi thay.

Đề 90 – Thuyết minh về con trâu
Đánh giá bài viết