Câu 1: Nêu tác dụng của yếu tố miêu tả trong một văn bản tự sự.

Câu 2: Thế nào là thuật ngữ ? Về nguyên tắc, thuật ngữ được dùng như thế nào trong lĩnh vực khoa học, công nghệ?

Câu 3: Giới thiệu về tác giả Viễn Phương, về hoàn cảnh sáng tác, chủ đề bài thơ Viếng lăng Bác.

Câu 4: “Kiều ở lầu Ngưng Bích là một trong những đoạn miêu tả nội tâm nhân vật thành công nhất trong Truyện Kiều, đặc biệt là bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình. Đoạn thơ cho thấy cảnh ngộ cô đơn, buồn tủi và tấm lòng thuỷ chung, hiếu thảo của Thuý Kiều” (sách Ngữ văn 9, tập một, trang 96).

Hãy phân tích đoạn trích để làm sáng rõ ý kiến trên.

GỢI Ý LÀM BÀI

Câu 1: Tác dụng của yếu tố miêu tả trong một văn bản tự sự.

Trong văn bản tự sự, việc miêu tả cụ thể, chi tiết về cảnh vật, nhân vật và sự việc có tác dụng làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn, gợi cảm, sinh động.

Câu 2: Thế nào là thuật ngữ ? Về nguyên tắc, thuật ngữ được dùng như thế nào trong lĩnh vực khoa học, công nghệ?

– Thuật ngữ là những từ ngữ biểu thị khái niệm khoa học, công nghệ thường được dùng trong các văn bản khoa học, công nghệ.

– Về nguyên tắc, trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, mỗi thuật ngữ chỉ biểu thị một khái niệm, và ngược lại mỗi khái niệm chỉ được biểu thị bằng một thuật ngữ. Thuật ngữ không có tính biểu cảm.

Câu 3:

a) Tác giả Viễn Phương

– Viễn Phương tên thật là Phan Thanh Viễn. Ông sinh 1928 tại An Giang.

– Ông là nhà thơ gắn bó với cuộc sống và chiến đấu của quê hương trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ.

– Thơ của ông sâu lắng, thiết tha. Ngôn ngữ thơ đậm màu sắc Nam Bộ.

b) Hoàn cảnh sáng tác

Năm 1976, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất. Vào tháng 4-1976, Viễn Phương ra thăm miền Bắc và vào lăng viếng Bác Hồ. Bài thơ Viếng lăng Bác được sáng tác trong thời gian đó và in trong tập Như mấy mùa xuân.

c) Chủ đề bài thơ: Bài thơ ca ngợi công ơn to lớn của Bác Hồ. Đồng thời bài thơ còn thể hiện lòng kính yêu và biết ơn của tác giả, của nhân dân miền Nam, của dân tộc Việt Nam đối với Bác.

Câu 4:

1. Đặt vấn đề: Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, đoạn trích:

– Truyện Kiều là tác phẩm tiêu biểu nhất của Nguyễn Du cũng là tác phẩm tiêu biểu nhất của thể loại truyện Nôm trong văn học trung đại Việt Nam. Viết Truyện Kiều, Nguyễn Du có dựa vào cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân bên Trung Quốc. Tác phẩm có giá trị lớn về mặt nội dung cũng như nghệ thuật.

– Đoạn trích nằm ở phần thứ hai: Gia biến và lưu lạc. Sau khi biết mình bị lừa vào chốn lầu xanh, Kiều uất ức định tự vẫn. Tú Bà vờ hứa chờ Kiều bình phục sẽ gả chồng cho nàng vào nơi tử tế, rồi đưa Kiều ra giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, đợi thực hiện âm mưu mới tàn bạo hơn, để tiện hơn.

– Đoạn thơ cho thấy cảnh ngộ cô đơn, buồn tủi và tấm lòng thuỷ chung, hiếu thảo của Thuý Kiều. 

2. Giải quyết vấn đề

a) Hoàn cảnh cô đơn, tội nghiệp của Kiều (6 câu đầu)

– Khung cảnh chung ở lầu Ngưng Bích: không gian, thời gian mênh mông, hoang vắng:

Bốn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia.

Chỉ với mười bốn chữ mà chữ nào cũng gợi lên thời gian, không gian mênh mông, hoang vắng. Cảnh non xa, trăng gần gợi hình ảnh lầu Ngưng Bích chơ vơ, cao ngất nghểu giữa mênh mang sông nước. Từ lầu Ngưng Bích nhìn ra chỉ thấy những dãy núi mờ xa, những cồn cát bụi bay mù mịt.

– Kiều sống cô đơn, tội nghiệp

+ Kiều sống một mình giữa cái lầu trơ trọi, giữa thời gian, không gian mênh mông hoang vắng. Cái lầu trơ trọi đã giam một thân phận trợ trọi, không một bóng người, không sự giao lưu giữa người với người.

+ Cụm từ “mây sớm đèn khuya” gợi thời gian tuần hoàn khép kín. Thời gian cũng như không gian giam hãm con người. Ở đó, sớm, Thuý Kiều làm bạn với mây trời, đêm, nàng làm bạn với ngọn đèn. Dù sớm hay đêm nàng vẫn chỉ thui thủi một mình.

=> Thật thương cho nàng Kiều. Mới hôm nào Kiều cùng hai em đi du xuân trong tết thanh minh mà bây giờ nàng phải sống cô đơn, buồn tủi ở lầu Ngưng Bích.

b) Nỗi thương nhớ Kim Trọng, thương nhớ cha mẹ của Kiều

– Nỗi thương nhớ Kim Trọng

Khi ở lầu Ngưng Bích, Kiều nhớ Kim Trong trước, nhớ cha mẹ sau. Điều đó hoàn toàn phù hợp với logic tâm trạng. Kiều đã bị Mã Giám Sinh làm nhục và đang bị ép tiếp khách làng chơi nên Kiều nhớ tới Kim Trọng với một nỗi nhớ thương day dứt:

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
Tin sương luống những rày trông mai chờ.
Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.

Nhớ Kim Trọng là nhớ đến tình yêu nên bao giờ Kiều cũng nhớ lời thề đôi lứa. Nàng đã cùng Kim Trọng thề nguyền dưới ánh trăng. Giờ đây nàng tưởng tượng, ở nơi xa Kim Trọng cũng đang hướng về mình, đang chờ mong tin tức của mình. Nàng nhớ về Kim Trọng với tâm trạng đau đớn xót xa. Bởi vì, tình yêu son sắt, trắng trong mà nàng thể trao tặng, gắn bó trọn đời với chàng đã bị lũ buôn bán người dập vùi hoen ố. Nàng đã hứa hẹn nhưng rồi vì hoàn cảnh gia đình nàng đã bán mình chuộc cha, cứu em. Nàng đau đớn còn bởi lẽ vết nhơ bẩn bọn buôn người gây ra làm sao có thể gột rửa cho sạch mà mong xứng đáng với chàng. Kiều không chỉ đau đớn mà còn day dứt, tự hổ thẹn vì đã phụ tình yêu, niềm tin, lòng mong mỏi, sự gửi gắm của Kim Trọng. Những chi tiết miêu tả nỗi dày vò, đau đớn đến xót xa của Kiều đã giúp ta hiểu được tấm lòng nàng. Một số từ ngữ “tưởng”, “trông”, “chờ”, “bơ cơ”, “gột rửa”, “phai”,… đã liên kết thành một hệ thống ngôn ngữ độc thoại biểu đạt nội tâm nhân vật trữ tình. Kiều nhớ người yêu khôn nguôi, xót xa cho mối tình trong sáng, sâu nặng lời thề mà bị tan vỡ.

– Nỗi nhớ thương cha mẹ của nàng Kiều

Nghĩ đến cha mẹ, Kiều thương và xót. Nàng thương cha mẹ khi sáng khi chiều tựa cửa ngóng tin con, trông mong sự đỡ đần. Nàng xót xa lúc cha mẹ tuổi già sức yếu mà không được chăm nom. Nàng còn lo lắng không biết bây giờ ai đang chăm sóc cho song thân:

Xót người tựa cử hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ ? 

Thành ngữ “quạt nồng ấp lạnh”, điển cố “sân Lai”, “gốc tử” đều nói lên tâm trạng nhớ thương, tấm lòng hiếu thảo của Kiều. Nàng tưởng tượng nơi quê nhà tất cả đã đổi thay mà đổi thay lớn nhất là “gốc tử đã vừa người ôm”, nghĩa là cha mẹ ngày một thêm già yếu. Cụm từ “cách mấy nắng mưa” vừa nói được thời gian cách xa bao mùa mưa nắng, vừa nói lên được sức mạnh tàn phá của tự nhiên, của nắng mưa đối với cảnh vật và con người. Nhớ về cha mẹ, Kiều luôn ân hận vì nàng cho rằng mình đã phụ công sinh thành, phụ công nuôi dưỡng của cha mẹ.

=> Chỉ bằng tám câu thơ mà Nguyễn Du đã miêu tả thật trọn vẹn nỗi nhớ của Thuý Kiều về Kim Trọng, về cha mẹ, người đã sinh thành và nuôi dưỡng mình khôn lớn. Nỗi nhớ thật sâu lắng và da diết.

c) Tâm trạng đau buồn của Thuý Kiều hiện lên qua bức tranh cảnh vật (8 câu cuối)

Cảnh lầu Ngưng Bích được nhìn qua tâm trạng Kiều: cảnh được quan sát từ xa đến gần. Về màu sắc thì được miêu tả từ màu nhạt đến đậm. Về âm thanh, tác giả lại miêu tả từ tỉnh đến động. Nỗi buồn thì tác giả miêu tả từ nỗi buồn man mác dân tăng lên nỗi lo âu, kinh sợ. Ngọn gió cuốn mặt duềnh và “Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi” là cảnh tượng hãi hùng, như báo trước dông bão của số phận sẽ nổi lên, xô đẩy, vùi dập cuộc đời Kiều. Và quả thực, ngay sau lúc này, Kiều đã bị Sở Khanh lừa và dấn thân vào kiếp sống long đong lận đận của 15 năm lưu lạc.

Bằng hai câu hỏi tu từ “Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?”, “Hoa trôi man mác biết là về đâu?”, tác giả đã làm nổi bật lên tâm trạng của Thuý Kiều. Đó là tâm trạng cô đơn lẻ loi, là tâm trạng lo sợ hãi hùng. Kiều nghĩ đến tương lai mờ mịt, héo tàn của mình. Như vậy, cũng là tả cảnh những bức tranh cảnh vật ở đây được quan sát qua tâm trạng của nàng Kiều. Chỉ trong tám câu thơ nhưng điệp ngữ “buồn trông” xuất hiện tới bốn lần. Càng buồn thì càng trông. Càng trông lại càng buồn vì ở lầu Ngưng Bích Kiều sống cô độc, lẻ loi. Cửa bể mênh mông lúc ngày tàn càng làm tăng nỗi buồn đau của kiếp người lưu lạc. Cánh cửa bể chiều hôm với cánh buồm thấp thoáng xa xa càng làm cho Kiều suy nghĩ đến thân phận bơ vơ của mình nơi đất khách quê người. 

3. Kết thúc vấn đề

– Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích là một trong những đoạn thơ hay nhất trong truyện Kiều. Bởi vì, qua đoạn trích, người đọc cảm nhận được tâm trạng cô đơn, buồn tủi, tấm lòng thuỷ chung, hiếu thảo của Thuý Kiều. Đồng thời, qua đoạn trích, người đọc thấy rõ nghệ thuật khắc hoạ nội tâm nhân vật qua ngôn ngữ độc thoại và nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đặc sắc.

– Học đoạn trích ta cũng thấy được tấm lòng nhân đạo của nhà thơ. Nhà thơ đã xót thương cho một người con gái tài hoa mà bạc mệnh như nàng Kiều.

 

ĐỀ 13 – Bộ đề thi ngữ văn vào lớp 10
Đánh giá bài viết