I. Yêu cầu

– Kiểu bài giải thích kết hợp với chứng minh.

– Biết vận dụng kết hợp đưa yếu tố miêu tả, tự sự và biểu cảm vào bài văn nghị luận.

– Nội dung : giải thích ý nghĩa lời dạy của Bác để làm rõ vai trò việc học tập của thanh thiếu niên là rất quan trọng đối với tương lai đất nước. Từ đó, giúp người đọc hiểu vấn đề, thấy được việc học tập khi ngồi trên ghế nhà trường là cần thiết, phải học tập cho tốt.

– Đây là một trong những bài làm văn cuối cùng trong chương trình Ngữ văn lớp 8 về văn nghị luận. Vì vậy, các em cần thực hiện thuần thục các kĩ năng nghị luận : phân tích đề, tìm ý, lập dàn ý, dựng đoạn,…

II. Gợi ý

– Mặc dù là đề bài đưa ra câu hỏi “Em hiểu lời dạy của Bác như thế nào ?” nhưng cũng không nên coi đó là yêu cầu đơn thuần chỉ giải thích ý nghĩa lời Bác mà phải làm rõ sự đúng đắn của lời dạy đó để thuyết phục người đọc làm theo lời Bác dạy.

– Như vậy, phải kết hợp giải thích với chứng minh vấn đề.

+ Lí lẽ giải thích lấy từ thực tế đời sống, nên xoay quanh câu hỏi tại sao việc | học tập của học sinh lại ảnh hưởng đến tương lai đất nước.

+ Dẫn chứng đưa ra để làm rõ vấn đề cần tiêu biểu, toàn diện để thấy lời Bác là chân lí đã được thực tế minh chứng.

– Những yếu tố biểu cảm, tự sự cần đưa vào bài viết một cách tự nhiên, khi nêu và phân tích dẫn chứng.

– Trước khi giải thích, chứng minh vấn đề cần làm cho người đọc hiểu ý nghĩa lời Bác – tức là có phần giải thích ngắn gọn ý nghĩa câu nói của Bác.

– Đích cuối cùng của bài viết là giúp các bạn trẻ thấy việc học hành chăm chỉ, giỏi giang để sau này giúp ích cho đất nước là cần thiết.

III. Lập dàn ý

A. Mở bài

Nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Bác đã viết thư cho các cháu học sinh, trong đó có câu :

“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.”

B. Thân bài

1. Giải thích câu nói

+ Dùng những hình ảnh đẹp đẽ, Bác đã cho ta hiểu “công học tập” của học sinh hôm nay sẽ ảnh hưởng đến tương lai đất nước.

+ Bác khẳng định vai trò của tuổi trẻ với tương lai dân tộc, việc học tập của học sinh là quan trọng với đất nước.

+ Như vậy : Bác động viên các cháu học tập tốt.

2. Vì sao việc học tập của thế hệ trẻ lại ảnh hưởng đến tương lai đất nước ?

+ Thanh niên học sinh hôm nay sẽ là thế hệ tiếp tục bảo vệ, xây dựng đất nước sau này.

+ Vốn tri thức được học và nếp đạo đức được nhà trường giáo dục là quan trọng, cơ bản để tiếp tục học cao, học rộng, đem ra thực hành trong cuộc sống khi trưởng thành.

+ Một thế hệ trẻ giỏi giang có đạo đức hôm nay hứa hẹn một lớp công dân tốt của tương lai gần. Do đó, việc học hôm nay là rất cần thiết.

+ Thế giới không ngừng phát triển, muốn “sánh vai các cường quốc” thì đất nước phải phát triển về khoa học kĩ thuật, văn minh – điều đó do con người quyết định mà nguồn gốc sâu xa là từ việc học tập, tu dưỡng thời trẻ.

3. Việc học tập của tuổi trẻ tác động đến tương lai đất nước như thế nào ?

+ Ngày xưa : những người tài như Lí Công Uẩn, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi,… từ thời trẻ đã chăm chỉ luyện rèn, trưởng thành lập những chiến công… làm rạng danh đất nước.

+ Ngày nay : Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng. Các nhà khoa học, xã hội có nhiều đóng góp cho đất nước trong mọi lĩnh vực (kể một số gương sáng).

C. Kết bài 

– Làm thế nào để thực hiện lời dạy của Bác ?

+ Mỗi học sinh phải hiểu lời Bác, chăm chỉ học hành, rèn luyện đạo đức. 

+Nhà trường phải đẩy mạnh công tác giáo dục thế hệ trẻ về tài, đức.

IV. Bài tham khảo

Từ lâu, ta đã hiếu học tập là hành trang không thể thiếu cho mỗi người khi bước vào đời. Bàn về việc học, Lê-nin có câu : “Học, học nữa, học mãi”. Trong thư gửi thiếu nhi Việt Nam, Bác Hồ cũng viết : “Non Sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.”.

Câu nói ấy thực chất là lời động viên học tập Bác dành cho các cháu. Ta cảm nhận được tình thương mà Người dành cho thiếu nhi qua cách răn dạy vừa sâu sắc lại vừa thiết tha, gần gũi. Bác nêu lên vai trò của tuổi trẻ đối với tương lai đất nước, trong đó việc học tập giữ vai trò rất quan trọng. Chỉ học tập, ta mới có thể giúp đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Việc học tập ở thiếu nhi là rất cần thiết.

Việc học tập của các em thiếu nhi bây giờ ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai đất nước sau này. Bây giờ, các em còn bé, các em sẽ là những học sinh giỏi, những “cháu ngoan Bác Hồ”. Nhưng chỉ nay mai thôi, các em sẽ khôn lớn, trưởng thành, sẽ gánh vác trách nhiệm cao cả của những người Công dân. Như cha mẹ các em, các em thiếu nhi hôm nay sẽ chính là những người nắm trong tay vận mệnh của đất nước. Nước ta sẽ ra sao ? Sẽ giàu có, phát triển hay tụt hậu, nghèo đói ? Tất cả đều phụ thuộc vào trình độ hiểu biết và quyết định của các em.

Vốn tri thức mà học sinh học ở nhà trường là cơ sở cho những kiến thức cao rộng mai sau. Bất cứ giáo sư, bác sĩ, nhà khoa học nào… cũng đều phải trải qua thời học sinh. Họ cũng phải học đọc, học viết, làm tính. Đó chính là nền tảng vững chắc, giúp họ đạt được thành công trong tương lai với con đường mình đã chọn.

Vì vậy, một thế hệ học sinh giỏi, có đạo đức sẽ hứa hẹn một lớp công dân mới giỏi giang, có trách nhiệm. Giáo dục lớp học sinh hôm nay là ta đang tạo dựng lớp công dân tương lai. Họ là thế hệ mới quyết định vận mệnh đất nước !

Thế giới ngày càng phát triển, nhiều cường quốc đang tiến lên với tốc độ chóng mặt. Trung Quốc – đất nước láng giềng với chúng ta, đã phóng được tàu vũ trụ. Xing-ga-po bé nhỏ là vậy mà vẫn được mệnh danh là “Con rồng châu Á” với đời sống hiện đại, nền kinh tế phát triển mạnh mẽ vượt qua cả nhiều nước châu Âu. Nhật Bản dù phải đối mặt với nhiều thiên tai, vẫn cố gắng đạt được những thành tựu gây sửng sốt trên toàn thế giới. Để có thể sánh vai với các cường quốc như vậy không phải dễ ! Đất nước ta cần phải đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, biến Việt Nam thành một quốc gia văn minh và phát triển, tất cả những điều đó sẽ được tạo ra bởi chính chúng ta – lớp công dân mới có ích. Muốn vậy, ta cần có kiến thức, mà nền tảng là việc học ở trường. Từ những viên gạch đầu tiên ấy, chúng ta mới có thể xây dựng nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Thật dễ dàng để nhận ra việc học tập khi còn nhỏ có ảnh hưởng to lớn đến tương lai mỗi con người cũng như tương lai đất nước. Xưa kia, những bậc vĩ nhân như Lí Công Uẩn, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi,… đều phải tự nhiên mà đạt được những chiến công hiển hách, danh tiếng lẫy lừng, có công dựng nước, giữ nước. Đó là thành quả của bao nỗ lực không ngừng, phấn đấu rèn luyện từ thời niên thiếu. Ngày nay, học tập vẫn là con đường dẫn tới thành công. Bao tấm gương sáng thành công trong sự nghiệp cũng chính nhờ quyết tâm học tập ấy.

Đặc biệt, Bác Hồ chính là minh chứng xác thực nhất khẳng định vai trò việc học hành với tương lai đất nước. Với đức tính cần cù, ham học hỏi, Bác đã thu nhận được nguồn kiến thức to lớn khiến người đời thán phục. Người đã dùng sức mạnh của tri thức để giải phóng dân tộc, trở thành một trong những hình ảnh đẹp, tiêu biểu cho giai cấp vô sản toàn thế giới. Việc đọc thông viết thạo gần mười thứ tiếng là chiếc cầu đắc lực nối liền Người với giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới, trở thành bạn bè, cùng chung chí hướng với họ. Vốn tri thức sâu rộng khiến Người vừa là nhà quân sự đai tài chỉ huy chiến trận, lại vừa là nhà chính trị, nhà ngoại giao cứng rắn mà mềm mỏng với quân thù. Người là nguồn gốc mọi chiến thắng !

Làm theo lời Bác dạy, thiếu nhi chúng ta cùng thi đua chăm chỉ học hành. Không chỉ bồi đắp tài năng, rèn luyện đạo đức cũng là việc làm cần thiết. Về phía nhà trường phải đẩy mạnh công tác giáo dục thế hệ trẻ, tiếp tục thực hiện công việc cao quý “trồng người”.

Kiến thức nhân loại là vô hạn, do đó việc học của mỗi con người cũng không bao giờ kết thúc. Mỗi chúng ta hãy cố gắng học thật giỏi để trở thành những công dân có ích theo lời dạy của Bác kính yêu.

Đề: Trong Thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Bác Hồ thiết tha căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở Công học tập của các em”. Em hiểu lời Bác dạy như thế nào?
4 (79.27%) 331 votes