Câu 1: Nêu tầm quan trọng của việc trau dồi vốn từ. Có mấy hình thức trau dồi vốn từ?

Câu 2: Trình bày những nét chính về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của tác giả Nguyễn Đình Chiểu.

Câu 3: Thế nào là nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ? Yêu cầu cần thiết khi làm một bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ.

Câu 4: Phân tích đoạn thơ Thuý Kiều báo ân báo oán (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du).

GỢI Ý LÀM BÀI

Câu 1:

– Tầm quan trọng của việc trau dồi vốn từ: Trong cuộc sống hiện nay, có nhiều từ mới xuất hiện mà ta chưa nắm được nghĩa của nó. Thực tế đó buộc mỗi người phải có ý thức tìm hiểu những từ mình chưa biết hoặc chưa rõ nghĩa và biến chúng thành vốn từ của mình. Như vậy việc trau dồi vốn từ rất quan trọng vì nó giúp ta nâng cao hiệu quả sử dụng ngôn từ.

– Có hai hình thức trau dồi vốn từ:

+ Rèn luyện để nắm vững nghĩa của từ và cách dùng từ: Chúng ta phải có ý thức tìm hiểu nghĩa khác nhau của một từ nhiều nghĩa và những nét nghĩa khác nhau của từ đồng nghĩa để nắm được đầy đủ và chính xác nghĩa của từ và cách dùng từ.

+ Rèn luyện để làm tăng vốn từ: Rèn luyện để mình biết thêm những từ mà mình chưa biết, làm tăng thêm vốn từ.

Cần tích luỹ vốn từ qua việc học tập lời ăn tiếng nói của nhân dân, học tập cách dùng từ của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng trong sách báo, phải ghi chép lại những từ ngữ mới cần phải tìm hiểu để khi cần ta có thể sử dụng.

Câu 2:

a) Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu:

– Ông sinh năm 1822 và mất năm 1888.

– Quê cha: xã Bồ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

– Quê mẹ: làng Tân Thới, tỉnh Gia Định (nay thuộc TP Hồ Chí Minh).

– Năm 1843 (21 tuổi): ông thi đỗ tú tài. 6 năm sau, ông bị mù.

– Nguyễn Đình Chiểu về Gia Định dạy học và bốc thuốc cho dân.

– Khi thực dân Pháp xâm lược Nam Kì, ông tích cực tham gia phong trào kháng chiến bằng cách cùng các lãnh tụ nghĩa quân bàn bạc việc đánh giặc và sáng tác thơ văn khích lệ tinh thần chiến đấu của nhân dân.

– Khi Nam Kì rơi vào tay giặc, ông về sống tại Ba Tri, Bến Tre. Ông luôn giữ trọn lòng trung thành với Tổ quốc, với nhân dân cho đến lúc mất.

b) Sự nghiệp sáng tác: Nguyễn Đính Chiểu là nhà thơ lớn của dân tộc. Ông đã để lại nhiều áng văn chương có giá trị:

– Truyện Lục Vân Tiên

– Dương Từ – Hà Mậu

– Chạy giặc

– Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

– Thơ điếu Trương Định

– Ngư Tiều y thuật vấn đáp

=> Các tác phẩm của ông có giá trị nhằm truyền bá đạo lí làm người, cổ vũ lòng yêu nước, ý chí cứu nước,…

Câu 3:

– Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ là trình bày nhận xét, đánh giá của mình về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ ấy.

Yêu cầu cần thiết khi làm một bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ:

+ Nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ được thể hiện quan ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu,… Bài nghị luận cần phân tích các yếu tố ấy.

+ Bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ cần có bố cục mạch lạc rõ ràng; có lời văn gợi cảm, thể hiện rung động chân thành của người viết.

Câu 4: Phân tích đoạn thơ Thuý Kiều báo ân báo oán (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du).

1. Đặt vấn đề: Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, đoạn trích:

– Truyện Kiều là tác phẩm tiêu biểu nhất của Nguyễn Du cũng là tác phẩm tiêu biểu nhất của thể loại truyện Nôm trong văn học trung đại Việt Nam. Viết Truyện Kiều, Nguyễn Du có dựa vào cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân bên Trung Quốc. Tác phẩm có giá trị lớn về mặt nội dung cũng như nghệ thuật.

– Đoạn trích nằm ở cuối phần thứ hai (Gia biến và lưu lạc). Rơi vào lầu xanh lần hai, Kiều chịu bao đau khổ, tủi nhục, đoạ đày. Ở đây, Kiều gặp được Từ Hải. Từ Hải đã cứu thoát nàng khỏi lầu xanh và giúp nàng đền ơn trả oán. Đoạn trích tả cảnh Thuý Kiều báo ân, báo oán.

– Phân tích đoạn trích ta sẽ thấy được tấm lòng nhân nghĩa cao thượng của Thuý Kiều và ước mơ công lí trong thời đại Nguyễn Du. Đồng thời, ta cũng thấy được tài năng nghệ thuật xây dựng nhân vật của tác giả trong việc khắc hoạ tính cách nhân vật qua ngôn ngữ đối thoại.

2. Giải quyết vấn đề

a) Thuý Kiều báo ân Thúc Sinh (12 câu đầu)

– Sau khi mắc lừa Sở Khanh, Thuý Kiều bị Tú Bà bắt ép làm gái lầu xanh. Ở lầu xanh lần thứ nhất, Kiều đã gặp Thúc Sinh. Thúc Sinh là con rể của quan Thượng thư. Lúc đầu chỉ là “trăng gió”, nhưng về sau, Thúc Sinh đã chuộc Thuý Kiều ra khỏi lầu xanh và lấy nàng làm vợ lẽ. Mặc dù sau này bị Hoạn Thư (vợ Thúc Sinh) đánh ghen, làm nhục nhưng dù sao Thúc Sinh cũng là người đã đưa Kiều ra khỏi chốn lầu xanh. Thúc Sinh cũng đã nói với Hoạn Thư để Kiều ra chép kinh tại Quan âm các. Thúc Sinh là người có ơn với Kiều.

– Ở lầu xanh lần thứ hai, Thuý Kiều được Từ Hải chuộc ra khỏi chốn thanh lâu. Kiều trở thành một mệnh phụ phu nhân và được Từ Hải giúp báo ân báo oán. Người đầu tiên Kiều nghĩ đến báo ân chính là Thúc Sinh:

Cho gươm mời đến Thúc lang
Mặt như chàm để mình dường dẽ run.

Thúc Sinh được mời tới trong cảnh oai nghiêm của nơi Kiều xử án. Trước những gươm lớn giáo dài, Thúc Sinh hoảng sợ đến mức mặt mất cả thần sắc “như chàm đô”, người run lên như đi không vững “mình dường dẽ run”. Từ “mời” nói lên thái độ trân trọng của Thuý Kiều dành cho Thúc Sinh. Bởi Thuý Kiều rất trân trọng tấm lòng và sự giúp đỡ mà Thúc Sinh đã dành cho nàng trong khi nàng gặp hoạn nạn.

– Thuý Kiều nhắc lại những ngày tháng sống cùng Thúc Sinh êm ấm trong cuộc sống gia đình. Nàng gọi đó là “nghĩa nặng nghìn non”. Kiều đã dùng một số từ ngữ như “Sâm Thương”, “chữ tòng”, “người cũ”, “cố nhân” để biểu lộ một tấm lòng trân trọng và biết ơn người đã từng yêu thương, cứu với mình. Có thể nói cái ân nghĩa của Thúc Sinh đối với Thuý Kiều những ngày ở Lâm Tri là rất sâu nặng. Vì thế, lễ vật báo ân thật hậu hĩnh:

Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân
Tạ lòng dễ cứng báo ân gọi là.

Với Kiều thì dầu có “Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân” cũng chưa dễ xứng với ơn nghĩa của Thúc Sinh. Tấm lòng “nghĩa nặng nghìn non” thì gấm vóc bạc vàng nào có thể cân cho được.

– Khi đang báo ân Thúc Sinh, Thuý Kiều đã nhắc đến Hoạn Thư (vợ của Thúc Sinh). Điều đó chứng tỏ vết thương lòng mà Hoạn Thư đã gây ra cho Kiều quá đau đớn, quá xót xa. Lúc nói về Hoạn Thư ngôn ngữ của Kiều rất nôm na bình dị. Nàng dùng những thành ngữ quen thuộc: “kẻ cắp bà già gặp nhau”, “kiến bò miệng chén”. Theo quan điểm của nhân dân trừng phạt cái ác phải được diễn đạt bằng lời ăn tiếng nói của nhân dân.

=> Qua việc báo ân Thúc Sinh, ta thấy Thuý Kiều là một người ân nghĩa thuỷ chung, nhân tình, nhân hậu.

b) Thuý Kiều báo oán Hoạn Thư

* Thái độ, lời nói của Thuý Kiều:

Trót lòng gây bể chông gai,
Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng.

+ Qua lời lẽ và thái độ nhận tội của Hoạn Thư, một lần nữa ta thấy Hoạn Thư quả là con người “Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời”.

* Thái độ và quyết định của Kiều:

– Kiều khen Hoạn Thư khôn ngoan, nói năng phân trần phải lẽ.

– Kiều quyết định tha cho Hoạn Thư vì nàng nghĩ :

Tha ra thì cũng may đời
Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen.

+ Việc Kiều tha bổng cho Hoạn Thư không phải hoàn toàn do lời phân trần có tình có lí của Hoạn Thư mà còn bởi lí do chính là Kiều có tấm lòng độ lượng bao dung. Qua đó, ta thấy Kiều là người có tấm lòng vị tha, nhân hậu.

3. Kết thúc vấn đề

– Đoạn trích Thuý Kiều báo ân báo oán thể hiện được tấm lòng nhân nghĩa, cao thượng của Thuý Kiều.

– Đoạn trích phản ánh ước mơ công lí chính nghĩa của thời đại Nguyễn Du.

– Đoạn trích cho ta thấy được thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Du: khắc hoạ tính cách qua ngôn ngữ đối thoại.

 

ĐỀ 14 – Bộ đề thi ngữ văn vào lớp 10
Đánh giá bài viết