HƯỚNG DẪN LÀM BÀI 

Trước hết phải thấy được Vũ Như Tô là một nghệ sĩ có tài và có hoài bão lớn: Ông là một kiến trúc sư thiên tài có khả năng “tranh tinh xảo với hóa công”. Ông muốn đem tài năng nghệ thuật của mình để phục vụ đất nước, muốn xây dựng cho đất nước một tòa lâu đài vĩ đại, để cho “dân ta nghìn thu còn hãnh diện”. Nhưng hoàn cảnh đất nước không tạo điều kiện cho Vũ Như Tô thực hiện khát vọng sáng tạo vĩ đại, chân chính đó.

Cuối cùng, Vũ Như Tô đành mượn uy quyền và tiền bạc của tên hôn quân Lê Tương Dực để thực hiện hoài bão lớn lao của mình. Nhưng tiền bạc mà tên hôn quân bạo chúa đó có được chính là lấy từ nhân dân. Và vô tình Cửu Trùng Đài xây trên tiền bạc, mồ hôi và xương máu của nhân dân nhưng nếu được hoàn thành thì nó cũng chỉ là nơi ăn chơi sa đọa của vua chúa nên ông đã bị nhân dân oán ghét, bị coi là kẻ thù.

Như vậy, chính niềm khao khát được cống hiến, được sáng tạo nghệ thuật chân thành của Vũ Như Tô đã đẩy ông vào tình trạng đối nghịch với lợi ích trực tiếp và thiết thực của nhân dân và bị nhân dân oán ghét.

Mặc dù rất yêu nhân dân, muốn cống hiến tài năng của mình để đem lại niềm tự hào và vinh quang cho đất nước, nhưng Vũ Như Tô lại bị nhân dân nhất là những người trực tiếp tham gia xây dựng coi ông là kẻ thù của họ. Muốn thực hiện lí tưởng nghệ thuật thì lại rơi vào tình trạng đi ngược lại quyền lợi trực tiếp của nhân dân, nếu xuất phát từ lợi ích thiết thực của nhân dân thì không thể thực hiện được ước mơ nghệ thuật muôn đời của mình. Đó chính là nguồn gốc sâu xa của tấm bi kịch không lối thoát của thiên tài Vũ Như Tô.

Có tài và có hoài bão lớn lao, muốn cống hiến hết mình cho đất nước nhưng Vũ Như Tô không giải quyết được mối quan hệ phức tạp giữa nghệ thuật và đời sống, không giải quyết được vấn đề sáng tạo nghệ thuật cho ai và để làm gì. Chính vì vậy mà ông đã phải trả giá bằng sinh mệnh và cả công trình nghệ thuật của mình.

ĐỀ 115: Hãy phân tích bi kịch của nhân vật Vũ Như Tô.
Đánh giá bài viết