BÀI LÀM 

1. Đây là hồi V trong vở Vũ Như Tô, gồm 9 lớp kịch, diễn tả cái kết thúc bi tráng của việc xây Cửu Trùng Đài.

Bi là bởi hồi kịch đem đến cho người đọc, người xem tình cảm hãi hùng, thương xót. Hãi hùng vì trước mối nguy, hai con người cao đẹp, đáng sống là Vũ Như Tô và Đan Thiềm lại không chịu lánh đi, để rơi vào cảnh cùng đường, vào nơi tử địa. Hãi hùng vì cảm giác về sự tàn bạo, chết chóc cứ lớn mãi lên, từ chỗ chỉ nghe kể lại, đến chỗ diễn ra ngay trên sân khấu. Còn đau thương là vì cái đẹp đã thất bại, công . trình đẹp bị tiêu huỷ, hai con người là hiện thân cho sự đẹp đẽ bị giết hại, cái ác đang thắng thế, tấm màn nhung khép lại trong lời nói cay đắng của Vũ Như Tô: “Thôi thế là hết. Dẫn ta tới pháp trường.” 

Hùng tráng là bởi hồi kịch đã gợi lên tình cảm về sức mạnh và cái cao cả vượt lên trên sự tầm thường. Cảm giác về sức mạnh trong hồi kịch đến từ cảnh gươm giáo sáng loè, tiếng hò reo, tiếng đổ ầm ầm, ánh lửa đốt dài cháy rực, hay những lời nói có sức quyết định tính mạng con người. Nhưng sức mạnh còn lớn hơn nữa trong những tinh thần chính trực, bất khuất, khinh rẻ bạo tàn, bình thản trước sự sống chết của bản thân. Những con người cao cả như Vũ Như Tô và Đan Thiềm, giữa khi nguy khốn nhất, vẫn chỉ đau đáu nghĩ về một đất nước trong vẻ đẹp kiêu hãnh, trường tồn, được làm nên bởi những bàn tay tài giỏi. Những người như thế, dẫu tay không tấc sắt, dẫu bị bắt trói, nhưng tầm vóc vẫn uy nghi cao lớn hơn bọn tiểu nhân đắc thế, vũ khí đầy mình.

2. Mâu thuẫn kịch trong Vũ Nhu Tô ở hồi V đã lên tột đỉnh. Bản chất của các nhân vật, đặc biệt là Vũ Như Tô và Đan Thiềm vì thế cũng được bộc lộ tới tận cùng.

a) Đầu hồi kịch, ta sẽ gặp một Đan Thiềm hốt hoảng trước tin có loạn. Rồi ta lại chứng kiến một Đan Thiềm quỳ gối trước một tên loạn tướng bạo tàn, dù trước đó, nàng đã tỏ thái độ khinh bỉ cùng cực trước sự quỳ gối hèn hạ của Kim Phượng và bầy cung nữ.

Có điều, đó không phải là sự hốt hoảng hay cầu xin cho bản thân mình. Đan Thiềm chỉ lo lắng cho Vũ Như Tô, sẵn sàng làm tất cả vì Vũ Như Tô, hay đúng hơn, vì một đất nước “còn cần nhiều thợ tài để tô điểm”. Nỗi thất vọng duy nhất của Đan Thiềm chỉ là Vũ Như Tô đã chẳng nghe mình mà trốn chạy. 

Đan Thiềm không phải bậc tài hoa. Nhưng Đan Thiềm tri kỷ với người tài, thiết tha với hoài bão về một cái đẹp muôn đời, vẻ đẹp còn tồn tại mãi, cả sau khi cái ác đã mất đi. Tên tuổi Đan Thiềm, do đó, gắn liền với Cửu Trùng Đài. Và Đan Thiền sẽ cùng chết với Cửu Trùng Đài, trong nỗi đau xót mênh mông: “Đài lớn tan tành? ông Cả ơi! Xin cùng ông vĩnh biệt”. 

b) Nếu có ai mà vận mệnh gắn bó máu thịt với Cửu Trùng Đài còn hơn cả Đan Thiềm thì người đó chỉ có thể là Vũ Như Tô. Cơn nguy khốn có lẽ đã khiến Vũ Như Tô hiểu hơn bao giờ hết, rằng: “Hồn tôi để cả đây”, và hơn thế, “Đời ta không quý bằng Cửu Trùng Đài”.

Cho đến lúc chết, Vũ Như Tô vẫn tin rằng mình “chính đại quang minh” khi xây Đài lớn. Đã không chỉ một lần ông nói rằng mình dành công trình ấy cho đất nước và dân tộc. “Ta chỉ có một hoài bão là tô điểm, đất nước, đem hết tài ra xây cho nòi giống một toà đài tráng lệ”. Vì thế, người nghệ sĩ ngơ ngác trước sự biến: “Ta tội gì?”, “Ta xây Cửu Trùng Đài có phải đâu để hại nước?”. 

Không phải Vũ Như Tô không đau xót trước các tai hoạ của người dân xây Cửu Trùng Đài. Nhưng dường như ông cho đó là cái giá đáng phải trả để có một cảnh Bồng Lai giữa cõi trần lao lực. Con người mơ mộng ấy không biết rằng, chính đấy là lí do khiến ông dần trở nên đối lập với phần lớn binh lính, thợ thuyền. Họ sẽ gắn tên ông với phe bạo chúa, sẽ đòi giết bỏ ông và phá tan công trình nghệ thuật vĩ đại của ông.

Vũ Như Tô là một nhân vật bi kịch điển hình. Ông là hiện thân của mối mâu thuẫn giữa một lí tưởng huy hoàng với tình trạng không thể thực hiện được lí tưởng ấy trong hiện thực

ĐỀ 114: Cảm nhận đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài.
Đánh giá bài viết