Câu 1: Giải thích ý nghĩa của thành ngữ sau và cho biết thành ngữ Đó có liên quan đến phương châm hội thoại nào :

– Ông nói gà, bà nói vịt 

Câu 2: Nêu chủ đề tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương.

Câu 3: Viết một văn bản thuyết minh (khoảng một trang giấy) về chủ đề tà áo dài Việt Nam.

Câu 4: Phẩm chất và số phận người phụ nữ thời phong kiến qua nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ.

GỢI Ý LÀM BÀI

Câu 1: Ông nói gà, bà nói vịt

– Ý nghĩa: mỗi người nói một đằng, nói không khớp với nhau, không hiểu nhau.

– Phương châm hội thoại liên quan: phương châm quan hệ

Câu 2: Nêu chủ đề tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương.

– Chủ đề: Qua câu chuyện về cuộc đời và cái chết thương tâm của Vũ Nương, Chuyện người con gái Nam Xương thể hiện niềm cảm thương đối với số phận oan nghiệt của Vũ Nương nói riêng, người phụ nữ Việt Nam nói chung dưới chế độ phong kiến, đồng thời khẳng định vẻ đẹp truyền thống của họ.

Câu 3: Viết một văn bản thuyết minh về tà áo dài Việt Nam.

Ví dụ: Các em có thể tham khảo bài viết sau đây:

Tà áo dài Việt Nam

Phụ nữ Việt Nam hay mặc áo lối mớ ba, mớ bảy, tức là mặc nhiều áo cánh lồng vào nhau. Tuy nhiên, với phong cách tế nhị, kín đáo, người phụ nữ Việt Nam thường mặc chiếc áo dài thẫm màu bên ngoài, lấp ló bên trong mới là các lớp áo cánh nhiều màu (vàng mỡ gà, vàng chanh, hồng cánh sen, hồng đào, xanh hồ thuỷ…)

Từ đầu thế kỉ XIX đến sau 1945, ở một số vùng, người ta mặc áo dài kể cả khi lao động mệt nhọc. Áo dài phụ nữ có hai loại: áo tứ thân và áo năm thân. Phổ biến hơn là áo tứ thân, được may từ bốn mảnh vải, hai mảnh sau ghép liền ở giữa sống lưng. Đằng trước là hai tà vạt) áo không có khuy, khi mặc bỏ buông hoặc buộc thắt vào nhau. Áo năm thân cũng may như áo tứ thân, chỉ có điều vạt trước phía trái may ghép từ hai thân vải, thành ra rộng gấp đôi vạt phải.

Từ những năm 30 của thế kỉ XX, chiếc áo dài cổ truyền được cải tiến thành chiếc áo dài “tân thời”. Chiếc áo dài tân thời là sự kết hợp hài hoà giữa phong cách dân tộc tế nhị, kín đáo với phong cách phương Tây hiện đại, trẻ trung.

Áo dài trở thành biểu tượng cho y phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Trong tà áo dài, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam như đẹp hơn, tự nhiên, mềm mại và thanh thoát hơn.

Theo Trần Ngọc Thêm

Câu 4: Bài làm cần đầy đủ những ý sau:

1. Đặt vấn đề: Giới thiệu về tác giả, tác phẩm, nhân vật

– Nguyễn Dữ là một trong những tác giả nổi tiếng ở thế kỉ XVI, học rộng, tài cao nhưng chỉ làm quan một năm rồi sống ẩn dật.

Chuyện người con gái Nam Xương có nguồn gốc từ một truyện dân gian (truyện thứ 16 ) trong số 20 truyện của tác phẩm Truyền kì mạn lục.

– Vũ Nương là nhân vật chính của câu chuyện. Đây là người phụ nữ có nhan sắc, có đức hạnh nhưng phải chịu một số phận bất hạnh.

2. Giải quyết vấn đề

a) Vũ Nương là người có phẩm chất tốt đẹp

– “Tính đã thuỳ mị nết na lại thêm tư dung tốt đẹp”.

– Là người biết giữ gìn khuôn phép “không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hoà”.

– Là người chung thuỷ chờ chồng “cách biệt ba năm giữ gìn một tiết”.

– Là người mẹ hiền, dâu thảo, người vợ đảm đang: một mình nuôi dạy con thơ, chăm sóc mẹ già. Nàng chăm sóc khi mẹ chồng đau ốm, ma chay chu đáo khi mẹ chồng qua đời.

b) Vũ Nương là người phụ nữ có số phận bất hạnh

– Là nạn nhân của chế độ nam quyền: cuộc hôn nhân không xuất phát từ tình yêu.

– Phải đằng đẵng chờ chồng vì chồng đi chiến trận.

– Bị chồng nghi ngờ lòng chung thuỷ, bị chồng mắng nhiếc, đánh đuổi đi.

– Bị dồn vào đường cùng, Vũ Nương đã phải nhảy xuống sông tự tử.

– Đoạn kết của truyện tuy để cho vợ chồng Vũ Nương nhìn thấy nhau, Vũ Nương được minh oan nhưng kết thúc tác phẩm vẫn là một bi kịch. Nàng không thể trở về dương thế để sống bên chồng con được nữa.

c) Từ nhân vật Vũ Nương khái quát lên phẩm chất, số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến

– Vũ Nương mang nhiều phẩm chất tốt đẹp tiêu biểu cho người phụ nữ trong xã hội phong kiến: đảm đang, đức hạnh, hiền thục, hiếu thảo… Qua nhân vật Vũ Nương, ta thấy được những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ trong xã hội phong kiến trước đây.

– Số phận của Vũ Nương thật bi thảm, bất hạnh:

+ Phải nuôi con, nuôi mẹ một mình.

+ Chờ chồng đằng đằng nhiều năm trời.

+ Phải chết oan. Đây cũng là số phận bất hạnh của những người phụ nữ có hoàn cảnh như Vũ Nương. Họ chịu đau khổ vì những luật lệ hà khắc của xã hội phong kiến hoặc của những cuộc chiến tranh phi nghĩa xảy ra liên miên.

3. Kết thúc vấn đề

– Tác giả đã đặt Vũ Nương vào nhiều hoàn cảnh khác nhau để làm nổi bật lên những phẩm chất tốt đẹp cũng như số phận bất hạnh, bi thảm của nàng.

– Qua nhân vật Vũ Nương, tác giả cất lên tiếng nói thông cảm, bênh vực người phụ nữ, đồng thời tố cáo xã hội phong kiến bất công, vô nhân đạo.

– Cách dẫn dắt tình tiết sinh động, hấp dẫn, sự đan xen những yếu tố kì ảo với yếu tố hiện thực khiến cho nhân vật vừa mang những đặc điểm nhấn vật của thể loại truyền kì vừa gắn với cuộc đời thực.

– Qua câu chuyện, ta hiểu thêm phẩm chất, số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến càng thấy tính ưu việt của xã hội hôm nay.

ĐỀ 03 – Bộ đề thi ngữ văn vào lớp 10
Đánh giá bài viết