Câu 1: Giải thích nhan đề tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái và Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du.

Câu 2: Thế nào là phương châm về lượng ? Cho ví dụ minh hoạ.

Câu 3: Viết một văn bản nghị luận (khoảng một trang giấy) về chủ đề môi trường.

Câu 4: Nêu cảm nghĩ của em sau khi đọc bài “Đấu tranh cho một thế giới hoà bình” của tác giả G.G. Mác- két.

GỢI Ý LÀM BÀI

Câu 1: Giải thích nhan đề tác phẩm:

Hoàng Lê nhất thống chí: ghi chép về sự thống nhất của vương triều nhà Lê.

– Đoạn trường tân thanh: tiếng kêu mới (về nỗi đau) đứt ruột.

Câu 2: Thế nào là phương châm về lượng? Cho ví dụ minh hoạ.

a) Phương châm về lượng là: khi giao tiếp cần nói cho có nội dung; nội dung của lời nói phải đáp ứng đúng yêu cầu của cuộc giao tiếp, không thiếu, không thừa.

b) Ví dụ: Tuấn và Dũng đối thoại với nhau

Tuấn: Cậu có biết bơi không?

Dũng: Biết chứ, thậm chí còn bơi giỏi nữa.

Tuấn: Cậu học bơi ở đâu vậy?

Dũng: Mình học ở Câu lạc bộ bơi lội Quận 5.

Câu 3: Bài làm cần trình bày được các ý sau:

a) Về hình thức: Trình bày bài viết đúng với yêu cầu của đề: văn bản nghị luận có đủ ba phần (mở bài, thân bài, kết bài). Bài viết khoảng một trang giấy.

b) Về nội dung:

– Giải thích khái niệm: Môi trường là toàn bộ những điều kiện tự nhiên, xã hội, trong đó con người hay sinh vật tồn tại, phát triển trong quan hệ với con người, với sinh vật ấy.

– Các thành phần môi trường là các yếu tố tạo thành môi trường: không khí, nước, đất, âm thanh, ánh sáng, lòng đất, núi, rừng, sông, hồ, biển, sinh vật, các hệ sinh thái, các khu dân cư, khu sản xuất, khu bảo tồn thiên nhiên,…

– Vị trí, vai trò: Môi trường có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống của con người. Nó tác động trực tiếp đến sức khoẻ, đến công việc làm ăn của con người. Nếu môi trường bị ô nhiễm, các loại bệnh tật gia tăng, các thảm hoạ như hạn hán, bão lụt sẽ xảy ra liên miên, trực tiếp đe doạ đến cuộc sống của con người.

– Bàn bạc mở rộng:

+ Việc bảo vệ môi trường không phải của một cá nhân nào mà của cả nhân loại. Con người phải nhanh chóng tìm ra cách tốt nhất để bảo vệ môi trường. Việc bảo vệ phải thể hiện qua những hành động cụ thể chứ không chỉ trên lời nói. Những người có quyền hạn phải có kế hoạch lâu dài trong việc bảo vệ môi trường. Chúng ta phải trồng cây gây rừng, giữ nguồn nước sạch, bảo vệ chăm sóc các loài vật có ích,…

+ Ta phải đấu tranh quyết liệt với những hành vi phá hoại môi trường như: chống khai thác bừa bãi, chống săn bắn thú rừng bừa bãi, chống buôn bán động vật hoang dã, chống lại những hành động làm ô nhiễm nguồn nước, làm ô nhiễm không khí…

+ Bản thân khuyên bảo bạn bè, các em nhỏ, người xung quanh giữ vệ sinh chung, không xả rác bừa bãi, chấp hành đầy đủ những nội quy quy định về việc bảo vệ môi trường.

Câu 4: Bài làm cần đạt được các ý sau:

1. Đặt vấn đề: Giới thiệu tác giả, tác phẩm

– Mác-két sinh năm 1928, người Cô-lôm-bi-a. Ông là tác giả của nhiều | tiểu thuyết và tập truyện ngắn theo khuynh hướng hiện thực huyền ảo. Ông được nhận giải thưởng Nô-ben về văn học năm 1982.

– Tháng tám năm 1986, nguyên thủ sáu nước Ấn Độ, Mê-hi-cô, Thuy Điển, Ác-hen-ti-na, Hi Lạp, Tan-da-ni-a họp tại Mê-hi-cô đã ra một bản tuyên bố kêu gọi chấm dứt chạy đua vũ trang, thủ tiêu vũ khí hạt nhân để giữ vững hoà bình thế giới. Nhà văn Mác-két được mời tham dự cuộc gặp gỡ này. Đấu tranh cho một thế giới hoà bình được trích từ tham luận của ông.

– Đọc Đấu tranh cho một thế giới hoà bình, ta khâm phục sự hiểu biết của tác giả, khâm phục nhiệt huyết đấu tranh vì một thế giới hoà bình của ông.

2. Giải quyết vấn đề

a) Ta cảm phục trước những dẫn chứng hùng hồn mà tác giả đưa ra: Nhân loại đang đứng trước hiểm hoạ hạt nhân.

– 50.000 ngàn đầu đạn hạt nhân đang được bố trí trên khắp hành tinh. Bình quân mỗi người, không trừ trẻ con, đang ngồi trên một thùng 4 tấn thuốc nổ…

– Với số vũ khí hạt nhân ấy nó có thể tiêu diệt tất cả các hành tinh đang xoay quanh mặt trời, cộng thêm bốn hành tinh nữa, và phá huỷ thế thăng bằng của hệ mặt trời.

– Do sự tồn tại của vũ khí hạt nhân mà chúng ta sẽ dần mất đi cuộc sống tốt đẹp.

b) Tác giả đưa ra sự tốn kém trên thế giới do chạy đua vũ khí hạt nhân

– Chi phí bỏ ra cho 100 máy bay ném bom chiến lược B.1B của Mỹ và cho dưới 7.000 tên lửa vượt đại châu có thể giải quyết vấn đề cấp bách cho 500 triệu trẻ em nghèo khổ về y tế, giáo dục sơ cấp, cải thiện điều kiện vệ sinh, tiếp tế thực phẩm, nước uống…

– Giá của 10 chiếc tàu sân bay mang vũ khí hạt nhân cũng đủ để thực hiện chương trình trong 14 năm bảo vệ cho hơn 1 tỉ người khỏi bệnh sốt rét và cứu hơn 14 triệu trẻ em, riêng cho châu Phi mà thôi.

– Năm 1985, thế giới có 575 triệu người thiếu dinh dưỡng. Số lượng ca-lo trung bình cần thiết cho những người đó chỉ tốn kém bằng 149 tên lửa MX.

– Tiền cho 27 tên lửa MX đủ trả tiền nông cụ cần thiết cho các nước nghèo để họ có thực phẩm trong bốn năm.

– Tiền chi phí để có hai chiếc tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân là đủ tiền xoá nạn mù chữ cho cả thế giới.

– Chạy đua vũ khí hạt nhân còn đi ngược lại cả lí trí tự nhiên. Chẳng lấy gì làm tự hào khi phát minh ra việc chỉ cần bấm nút một cái là đưa quá trình của hàng bao nhiêu triệu năm trở lại điểm xuất phát của nó. Nghĩa là sự sống trên trái đất bị huỷ diệt hoàn toàn. D.

c) Tác giả kêu gọi đấu tranh vì một thế giới hoà bình

– Kêu gọi mọi người chống lại cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân.

– Mọi người có cuộc sống hoà bình, công bằng.

– Mở ra nhà băng lưu trữ trí nhớ có thể tồn tại được sau thảm hoạ hạt nhân để cho nhân loại biết sự sống đã từng tồn tại.

– Lên án những thủ phạm luôn chạy đua vũ khí hạt nhân, gây ra đau khổ, lo sợ cho con người.

3. Kết thúc vấn đề

– Cảm phục trước trí tuệ và tâm hồn của tác giả. Ông đã đưa ra những dẫn chứng cụ thể, hùng hồn không thể bác bỏ được.

– Bài trích trong bản tham luận của ông đầy sức thuyết phục. Nó vừa có sức mạnh tố cáo những kẻ có âm mưu chạy đua vũ khí hạt nhân, vừa là lời kêu gọi mọi người hãy đấu tranh vì một thế giới hoà bình. Trong thế giới ấy, mọi người được sống bình đẳng, công bằng, bình yên…

ĐỀ 04 – Bộ đề thi ngữ văn vào lớp 10
Đánh giá bài viết