Tấm gương trong sáng phản chiếu những nét sinh hoạt thân quen của làng quê là cái ao làng.

Phần lớn làng quê ta đều có ao, dù ao to, ao nhỏ đều gây ấn tượng tươi mát cho làng quê, thanh cảnh. Ao làng làm cho thôn xóm thêm thơ mộng mà không màu sắc hội hoạ và thân bút của hoạ sĩ nào có thể đạt tới hoàn mĩ, sinh động, lấp lánh diệu kì như thiên nhiên và cuộc sống con người tạo nên. Qua nhiều làng quê đất nước ta, tôi đã gặp những ao làng trong mát, đàn vịt trắng hụp bơi lơ lửng. Bên bờ ao có cây muỗm giá gốc sần sùi, lá xanh tốt toả bóng râm che cho người làm đồng trưa tránh nắng đến ngồi nghỉ; cho trâu bò đến nằm nhai uể oải, vẫy tai, ngoe nguẩy đuôi xua ruồi muỗi, mắt hờ khép lim dim.

Có ao làng ở gần đình, gió đùa giỡn lá sen xanh đảo, chao như những chiếc nón lật ngửa bồng bềnh trên mặt nước, lòng lá đọng giọt nước láng lánh như giọt thuỷ ngân. Giữa đám lá xanh loáng thoáng điểm một vài bông hoa, chóp nụ nhú hồng. Thi thoảng gió mồ côi đưa hương ngan ngát. Mùi hương thuần khiết, thanh tao, tản mạn theo tiếng chuông buông lắng hoàng hôn với tiếng mõ thưa, mau đưa lòng người lâng lâng vào cõi thoát tục.

Ao làng sinh nở ra những bông sen bừng tươi cánh hồng, trang nhã. Cánh trắng tinh khôi như những đoá mây mùa hạ. Đáng yêu sao màu | hồng rạo rực như tuổi dậy thì, màu trắng mát tươi như làn da trinh nữ mà những mùa hè diễm lệ đã tạo thành thi tứ cho ao làng.

Có ao làng rộng, dài, giữa ao xây lên một ngôi thuỷ đình nho nhỏ có mái ngói cổ, bốn góc mái cong lượn đầu đao. Trong gian thuỷ đình để cờ, lọng, trống, chiêng. Hàng năm, đến ngày hội làng có thi bơi chải, đua thuyền rồng. Người thi là những trai làng có thân hình khoẻ. Vào hội thi, người của đôi bên mặc áo xanh, áo đỏ để phân biệt. Mỗi chiếc thuyền rồng có từ 12 đến 16 người ngồi. Sau hồi trống giục, chiêng reo, cờ phất mở đầu cuộc thi, những tay đua thuyền nhất loạt đồng đều khoát nhanh, khoát mạnh tay chèo vục nước đều đều vượt những vòng bơi quanh ao đưa thuyền lướt nhanh tới đích. Trẻ con, người lớn chen chúc, xúm xít đứng xem quanh bờ ao hò reo, vỗ tay cổ vũ, nói, cười rôm rả.

Màu sắc ao làng cũng đổi thay theo bốn mùa với xanh bèo cốm, tím bèo sen, ngẩn ngơ hoa súng, vàng tươi, đỏ khá hoa dong giềng.

Nói đến ao làng là nhớ đến cái cầu ao bắc bằng tấm ván có ruỗi xuyên ngang lộ hai cọc tre cũng đóng chắc nhô lên khỏi mặt ao. Xưa nay, cầu ao vẫn là cái dấu nối tình làng, nghĩa xóm, thân thương. Nơi người già, người trẻ gặp nhau thường ngày bên cầu ao hoặc bờ ao bày tỏ câu tâm tình, bầu bạn chuyện nhà, chuyện làng xóm, trao đổi chuyện cày, bừa, trồng trọt, gieo cấy chăm bón, gặt hái, chuyện lúa má, hoa màu, chăn nuôi xây dựng. Nói chung là những chuyện làm ăn nơi ruộng, vườn, mua, bán nơi chợ búa mỗi khi đi làm hoặc đi chợ về. Cầu ao là nơi cọ, rửa, tắm, giặt, gánh nước tưới cho hoa màu, cây quả ở vườn nhà. 

Tuổi thơ tôi gắn bó với ao làng từ những trưa hè nắng oi ả, tôi từng lội, bơi, tắm mát, đùa nghịch với trẻ con cùng làng hoặc cho trâu lội xuống ao đầm mình khi chiều về. Tôi thường câu cá bằng chiếc cần câu làm bằng cành tre chặt ở luỹ tre làng và chiếc lưỡi câu mua của cô hàng xén ở chợ quê. Chỉ vài hạt cơm nguội, môi giun cũng câu được mấy chú cá xin xít, rồng rồng cho mèo ăn hoặc những con cá rô hạt bưởi mang về rán hoặc nấu bát canh hành năm thơm ngọt tình dân dã…

Có trưa nắng, tôi vo áo gối đầu nằm thiu thiu ngủ dưới bóng cây bên bờ ao nghe cá quẫy và tiếng sáo diều vo ve, lơ lửng trên trời cao xanh ngắt.

Cảnh vật bình dị ở ao làng khiến lòng tôi xao động với chiếc thuyền thúng nhỏ nhoi, len lỏi giữa đám lá xanh nhấp nhô vành nón trắng của gái quê với đôi bàn tay mềm mại rẽ nước bằng đôi mái chèo chân vịt chở thuyền đi hái sen.

Cánh xanh chim bói cá lao vụt xuống mặt ao loang tăm bèo, dùng mổ cắp nhanh lấy con tép mại trắng ngời ánh bạc rồi bay vút lên đậu ở đầu chiếc sào cắm bên bè rau muống. Nó ngóc mỏ, nghển cổ nuốt con tép một cách ngon lành rồi tỉa lông, nghiêng ngó đôi mắt thản nhiên nhìn trời. 1. Hoàng hôn lấp lánh mặt nước ao như màu vàng bóng lên trong bức sơn mài; dưới đám cỏ hoang, ngô dại, tiếng cuốc kêu ra rá rộn lòng bao nỗi nhớ mùa hè.

Trên con đường làng chạy qua bờ ao, một vài người đàn ông vác cày, mấy người đàn bà gánh lúa vàng, gánh cỏ nối bước nhau về thôn. Ánh chiều dần tắt, bóng tối buông toả nhá nhem mặt người, từng dưới đám bèo tấm lập loè đom đóm bay lên.

Những ngày mưa rào, sấm rộn mặt ao dềnh đầy nước, tiếng ếch, tiếng châu chuộc đan xen kêu đểnh đoảng.

Những sớm mùa thu heo may trở gió, tôi cưỡi trâu ra đồng chăn. Ngồi trên lưng trâu gặm cỏ ung dung, tôi mở quyển sách quốc văn giáo khoa thư lớp đồng ấu học nhẩm thuộc lòng bài thơ “Ao thu” của thi sĩ 

Nguyễn Khuyến cảm hoài cùng với cái nhìn “Thu ẩm…” của thi nhân đẹp như cái nhìn của một nhà hiền triết đạo lão, đã pha màu ảo mộng cho ao làng

“Lưng dậu phất phơ màu khói nhạt

Làn ao lóng lánh bóng trăng loe…” .

Bờ ao là nơi hẹn hò của trai thôn, gái xóm gặp nhau tình tự, người đưa trầu, kẻ trao khăn với giọng nói chân tình và tiếng cười khúc khích làm duyên. Còn già đằm thắm hơn tâm tình của anh trai thôn cảm nhận cảnh đẹp ao làng qua nước mắt người tình chung:

“Ao làng trăng tắm, mây bơi

Nước trong như nước mắt người tôi yêu…”

Trong nỗi nhớ quê hương có nỗi nhớ ao làng đã từng trăn trở lòng người ra đi, kẻ trở về.

Ơi, cái ao làng thân yêu gắn bó với tôi như làn khói bếp chiều toả vờn mái rạ, khóm khoai nước bên hàng rào râm bụt, tiếng lợn ỉ – eo cậy chuồng rịt mũi vòi ăn. Cái ao làng chan chứa tình quê mà những ngày thơ ấu tôi từng nằm võng với mẹ tôi, ôm tôi vào lòng, châm bệp vỗ về rót vào tâm hồn trong trắng, thơ ngây của tôi những lời ru nồng nàn, thiết tha, mộc mạc:

Con cò mày đi ăn đêm

Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao..

Vũ Duy Huân (Trích Hà Nội mới số 53 (367)) – Giaibai5s.com

Bài số 66: Ao làng
4.2 (84%) 5 votes