BÀI LÀM

Từ lâu, nhân cách và đạo đức đã trở thành chuẩn mực, thước đo về giá trị của một con người. Đạo đức đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Chính vì thế ai ai cũng ra sức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức.

Vậy đạo đức là gì? Đạo đức chính là những quy tắc, chuẩn mực trong xã hội nhằm điều chỉnh và đánh giá cách ứng xử trong mối quan hệ giữa người với người. Đạo đức được thể hiện qua hành động, lối sống và vẻ đẹp tâm hồn của con người. Để bước vào đời thì những tri thức về khoa học chưa đủ mà cần rèn luyện cả về đạo đức. Bác Hồ cũng đã từng đánh giá rất cao về vai trò của đạo đức: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Một con người muốn thành công phải có sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố “tài” và “đức”. Không có đạo đức thì sẽ trở thành người vô dụng.

Đạo đức không phải là những lời nói suông sáo rỗng, trước hết nó phải xuất phát từ tấm lòng nhân ái, yêu thương con người với cái tâm trong sáng. Trước tiên, để có được đạo đức tốt ta phải coi trọng chính mình, vì khi bạn tôn trọng chính mình thì mới nhận được sự tôn trọng của người khác. Phải cư xử làm sao cho đúng với các chuẩn mực về đạo đức, lời ăn tiếng nói, hành vi phải phù hợp: kính trên nhường dưới, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, sống hòa thuận với anh chị em, chan hòa với mọi người,… Nhiều cá nhân có đạo đức tốt hợp lại cả xã hội sẽ có đạo đức tốt, làm nền cho sự phát triển xã hội. Đạo đức có vai trò quan trọng đưa đất nước đi lên. Ngược lại, nếu xã hội có đạo đức không tốt thì sẽ nhanh chóng bị tiêu vong.

Thật đáng buồn vì trong xã hội ngày nay, khi đất nước ngày càng phát triển thì sự suy đồi về đạo đức ngày càng nghiêm trọng. Những lối sống ích kỉ, nhỏ nhen đã làm băng hoại đạo đức. Mỗi tối đi ngủ ta cũng bắt gặp những hành động thiếu văn hóa, mỗi sáng thức giấc đã thấy những câu nói thô lỗ. Đó còn là những hành vi vô văn hóa: vợ đánh chồng, con cãi lời cha mẹ, ra đường cứ xích mích là lại dùng hành động,… Nền đạo đức đang xuống cấp trầm trọng ở mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, ngay cả những người có ăn học, làm những công việc rất cần đến đạo đức thì họ lại đánh mất đạo đức của bản thân. Những hành vi vô đạo đức đó đã và đang phá hoại đi bao giá trị vật chất và tinh thần của cả nhân loại.

Đáng nghiêm trọng hơn đó là thói “đạo đức giả”. Đây là một loại rất khó phát hiện, những kẻ này luôn giả vờ tử tế để che giấu đi những dã tâm đen tối của bản thân, đó là những kẻ “miệng nam mô, bụng một bồ dao găm”. Căn bệnh này xuất hiện tràn lan khắp mọi nơi, từ gia đình đến trường lớp, cơ quan,… Những kẻ đạo đức giả sẽ dần dần bị loại trừ, sẽ phải nhận sự xa lánh của mọi người.

Đạo đức có vai trò thật quan trọng đối với từng cá nhân và cả xã hội. Vậy nên bản thân mỗi người hãy tự tích cực trau dồi nhân cách, bồi đắp những giá trị đạo đức, sống chân thành, thẳng thắn, vạch trần thói vô đạo đức, đạo đức giả vẫn đang tồn tại ngày ngày trong xã hội.

Vì chính tương lai của bản thân nói riêng và xã hội nói chung, hãy tự rèn luyện đạo đức để trở thành một người công dân có ích cho gia đình, quê hương và đất nước.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 95: Bàn luận về vấn đề đạo đức
Đánh giá bài viết