BÀI LÀM 

“Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê viết về ba cô gái trong một tổ trinh sát mặt đường làm nhiệm vụ phá bom trên tuyến đường Trường Sơn đạn bom khốc liệt. Phương Định là người kể chuyện và cũng là cô gái để lại trong lòng người đọc nhiều ấn tượng nhất.

Truyện viết về đề tài chiến tranh tất nhiên là nói về bom đạn, chiến đấu, hi sinh, gian khổ nhưng những giây phút bình yên là nơi trú chân cho những cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật làm nên vẻ đẹp tâm hồn con người, nhất là người phụ nữ trong chiến tranh. Công việc của họ vô cùng nguy hiểm và gian khổ. Khi có bom nổ thì chạy lên đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ, phá bom. Họ bị bom vùi luôn. Công việc của họ đầy hiểm nguy, thần chết luôn lẩn khuất trong những quả bom, ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh.

Cả ba cô, cô nào cũng đáng mến, đáng cảm phục. Nhưng Phương Định là cô gái để lại trong lòng ta nhiều ấn tượng sâu sắc nhất. Phương Định là một cô gái thủ đô, từng là học sinh, có cái thời áo trắng ngây ngô, vô tư, hồn nhiên. Đôi mắt Định được các anh lái xe bảo là “có cái nhìn sao mà xa xăm”. Cô có vẻ kiêu kì làm “điệu” khi tiếp xúc với một anh bộ đội “nói giỏi” nào đấy, nhưng trong suy nghĩ của cô thì “những người đẹp nhất, thông minh, can đảm và cao thượng nhất là những người mặc quân phục, có ngôi sao trên mũ”. Cơn mưa đá ngắn ngủi đột nhiên xuất hiện ở cuối truyện ngay sau trận phá bom đầy nguy hiểm đã đánh thức trong cô bao kỉ niệm: cô nhớ về mẹ, cái cửa sổ căn nhà, những ngôi sao trên bầu trời thành phố,… Nó thức dậy những kỉ niệm và nỗi nhớ về gia đình, thành phố, về tuổi thơ thanh bình của mình. Những thử thách, nguy hiểm ở chiến trường không làm mất đi cái hồn nhiên, ngây thơ trong tâm hồn cô. Cô là người nhí nhảnh, vui tươi, yêu đời, giàu cá tính và thích hát. Khi còn ở nhà, cô có thể ngồi lên thành cửa sổ căn phòng nhỏ bé nhà mình “hát say sưa ầm ĩ”. Cô đem cả lòng say mê ca hát vào chiến trường Trường Sơn ác liệt, cô thích hát những khúc ca bộ đội, những bài quan họ, giọng của Phương Định chắc là hay lắm nên chị Thao bắt cô hát suốt ngày, cô còn có tài bịa ra cả lời bài hát nữa.

Phương Định là cô gái xinh xắn. Cũng như các cô gái mới lớn, cô luôn nhạy cảm và quan tâm đến hình thức của mình. Cô biết mình luôn được mọi người để ý, điều đó làm cho cô thấy vui và tự hào. Biết thế nhưng cô “không săn sóc, vồn vã”, không biểu lộ tình cảm của mình, chưa để lòng mình xao động vì ai: “Thường đứng ra xa, khoanh tay lại trước ngực và nhìn đi nơi khác, môi mím chặt”. Đó là cái vẻ kiêu kì đáng yêu của cô gái Hà Nội mà cô thú nhận. Cô luôn yêu mến đồng đội của mình, yêu mến và cảm phục những chiến sĩ mà cô đã từng gặp.

Cô nói về công việc của mình gọn gàng, khô khốc, tĩnh nhẹ như không: “việc của chúng tôi là ngồi đây. Khi có bom nổ thì chạy lên đo khối lượng đất lấp vào hố bom, khi bom chưa nổ và nếu cần thì phá bom”. Phương Định nghĩ về công việc của mình quá giản dị, cô cho đó là cái thú vui riêng. “Có ở đâu như thế này không: đất bốc khói, không khí bàng hoàng, máy bay đang ầm ì xa dần. Thần kinh căng như chão, tim đập bất chấp cả nhịp điệu, chân chạy mà vẫn biết rằng khắp chung quanh có nhiều quả bom chưa nổ. Có thể nổ bây giờ, có thể chốc nữa. Nhưng nhất định sẽ nổ..”. Giản dị mà cũng thật anh hùng. Cái hoàn cảnh khốc liệt ấy đã hun đúc nên phẩm chất kiên cường của cô. 

Tâm lí của Phương Định được biểu lộ một cách cụ thể nhất, tinh tế nhất khi cô phá bom. Một mình phá quả bom trên đồi. Quang cảnh “vắng lặng đến đáng sợ” rồi “Tôi đến gần quả bom. Cảm thấy có ánh mắt các chiến sĩ dõi theo mình, tôi không sợ nữa. Tôi sẽ không đi khom. Các anh ấy không thích cái kiểu đi khom khi có thể cứ đàng hoàng mà bước tới”. Lòng tự trọng trong cô đã thắng cả bom đạn. Khi ở bên quả bom, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, từng cảm giác của Phương Định bỗng trở nên sắc nhọn hơn. Cô bình tĩnh trong các thao tác chạy đua cùng thời gian để vượt qua cái chết: “Thỉnh thoảng lưỡi xẻng chạm và quả bom. Một tiếng động sắc đến gai người, cứa vào da thịt tôi. Tôi rùng mình và bỗng thấy tại sao mình lại làm quá chậm. Nhanh lên một tí! Vỏ quả bom nóng. Một dấu hiệu chẳng lành. Hoặc là nóng từ bên trong quả bom. Hoặc là mặt trời nung nóng”. Những cảm giác tinh tế đó không chỉ là sự nhạy cảm vốn có mà còn là sự tích lũy kinh nghiệm sau nhiều lần phá bom ở tuyến lửa. Công việc khủng khiếp bóp nghẹt trái tim ấy không chỉ đến một lần trong đời mà đến hằng ngày: “Quen rồi. Một ngày tôi phá bom đến năm lần. Ngày nào ít: ba lần. Tôi có nghĩ đến cái chết. Nhưng một cái chết mờ nhạt, không cụ thể”.

Cảm xúc và suy nghĩ thực của cô đã truyền sang cho người đọc nỗi niềm đồng cảm, yêu mến và sự kính phục. Một cô nữ sinh nhỏ bé, hồn nhiên, giàu mơ mộng, nhạy cảm và cũng thật anh hùng, thật xứng đáng với những kì tích khắc ghi trên những tuyến đường Trường Sơn bi tráng. Một ngày trong những năm tháng ở Trường Sơn của cô là như vậy. Những ngày tháng chẳng bao giờ quên.

Ngòi bút của Lê Minh Khuê đã miêu tả tâm lí của nhân vật rất sinh động và rất thực. Một thế giới nội tâm phong phú, đa dạng và rất trong sáng của nhân vật được hiện lên như vốn có, Cách nhìn, cách thể hiện những vẻ đẹp của những con người trên tuyến đầu của Tổ quốc theo khuynh hướng sử thi ấy chính là vũ khí góp phần động viên toàn dân tham gia kháng chiến.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 83: Cảm nghĩ của em về nhân vật Phương Định trong “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê
Đánh giá bài viết