BÀI LÀM 

Thu đến dễ mang lại cho con người cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến của buổi giao mùa. Với người thi sĩ, họ còn là người nhạy cảm hơn ai hết trước những chuyển mình của đất trời. Hữu Thỉnh cũng không phải là ngoại lệ. Trước khoảnh khắc giao mùa từ hạ sang thu đã khơi dậy trong lòng ông bao xúc cảm. Chính vì thế ông đã viết bài “Sang thu” để thể hiện những cảm nhận mới mẻ của mình với thiên nhiên.

Ngay từ khổ thơ đầu tiên, người đọc đã được hòa mình vào trong bức tranh thu độc đáo:

Bỗng nhận ra hướng đi      
Phả vào trong gió se           
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.             

Thu đến thật nhẹ nhàng nhưng cũng đủ để khiến người ta bất ngờ rồi chợt bàng hoàng nhận ra “bỗng nhận ra” sự thay đổi của cảnh sắc thiên nhiên. “Hương ổi” là hương vị quen thuộc của làng quê nhưng lại là hình ảnh vô cùng mới mẻ trong thơ ca. Giữa bao nhiêu cảnh vật của mùa thu, Hữu Thỉnh lại lựa chọn “hương ổi” bởi có lẽ hướng đi làm ông nhớ đến những hương vị của tuổi thơ, hương vị đặc sắc của quê hương ông. Cái mùi hương quen thuộc, dân dã, mộc mạc luôn vấn vương mãi trong tâm hồn người của người con yêu quê hương, được trở lại những kỉ niệm tuổi thơ vẫn mãi là điều hạnh phúc nhất. Mùi hương ấy không quá nồng nàn, ngào ngạt mà chỉ thoang thoảng, nhờ có cơn gió se đưa đến. Rồi mùa thu còn là những hàng sương nhẹ lướt qua con ngõ nhỏ tựa bóng dáng thướt tha của người thiếu nữ đánh thức tâm hồn người thi sĩ. Sương cứ chùng chình ở đó như không muốn bước chân đi, như vẫn còn lưu luyến con người. Trước bức tranh thiên nhiên ấy con người ngập ngừng nhận ra “hình như thu đã về”. Chưa thật chắc chắn nhưng cũng phải thật đủ tinh tế mới nhận ra. Sự ngập ngừng, e dè đó lại thật dễ thương. Nhưng sang đến khổ thơ thứ hai không còn là sự phỏng đoán nữa mà là điều chắc chắn:

Sông được lúc dềnh dàng 
Chim bắt đầu vội vã          
Có đám mây mùa hạ         
Vắt nửa mình sang thu.      

Dòng sông “dềnh dàng” lững lờ trôi gợi ra trong ta cảm giác về một mùa thu êm đềm, đang thư thái vừa đi vừa thưởng thức sắc trời mùa thu. Bức tranh thu được mở rộng ra. Trái lại với sự dềnh dàng của dòng sông là sự “vội vã” của những cánh chim bay đi tránh rét. Bằng phép nhân hóa nhà thơ đã khắc họa cảnh vật mùa thu cũng giống như con người, cũng có những cảm xúc cụ thể khi thiên nhiên chuyển mùa. Không gian trở nên xôn xao, không tả âm thanh nhưng vẫn rất sinh động. Hai câu thơ đối nhau rất nhịp nhàng, dựng lên hai hình ảnh đối lập, ngược chiều nhau: sông ở dưới thấp, chim ở trên trời cao, sông thì dềnh dàng, chim thì vội vã. Đó là sự khác biệt của vạn vật trên cao và dưới thấp khi thiên nhiên giao mùa. Cả bầu trời cũng có sự thay đổi. Những đám mây vẫn còn lại một vài tia nắng ấm của mùa hạ như đang kéo dài ra, trôi nhẹ như tấm lụa giữa bầu trời trong xanh, cao rộng. Đây là một sự liên tưởng đầy thú vị và giàu chất thơ, những khoảnh khắc tuyệt diệu ấy được cảm nhận từ một tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, độc đáo, để lại trong lòng người đọc những bâng khuâng trước vẻ dịu mát của mùa thu. Bức tranh thu trở nên hữu tình và chan chứa thi vị.

Tiếp nối dòng cảm xúc ấy, sang khổ thơ cuối tác giả bộc lộ suy ngẫm của mình về con người, cuộc đời:

Vẫn còn bao nhiêu nắng 
Đã vơi dần cơn mưa       
Sấm cũng bớt bất ngờ     
Trên hàng cây đứng tuổi. 

Nắng và mưa vốn là những hiện tượng trong thiên nhiên, vận hành theo quy luật vốn có của nó. Ấy thế mà Hữu Thỉnh cũng nhận ra những sự thay đổi ấy. Không còn cái nắng chói chang của mùa hạ thay vào đó là những cơn nắng nhẹ cùng với những làn gió thu. Mưa cũng đã vơi dần. “Bao nhiêu” vốn là từ ngữ chỉ số lượng lớn, không đếm được, cũng như “vơi”, tất cả chỉ là ước tính mà thôi, không có gì là cố định. Khi mưa đã vơi đi thì “sấm” cũng bớt bất ngờ và dữ dội, nó không còn những tiếng đùng đoành khiến ta giật mình, sợ hãi. Cảnh vật, thời tiết thay đổi để rồi lặng lẽ vào thu qua con mắt quan sát và sự cảm nhận tinh tế của tác giả.

Hai câu kết bài thơ không chỉ mang ý nghĩa tả thực mà còn mang ý nghĩa ẩn dụ, gợi ra những triết lí về cuộc đời. “Sấm” là những vang động bất ngờ của ngoại cảnh, hay đó cũng chính là những khó khăn, tai họa có thể ập đến bất cứ lúc nào với con người. “Hàng cây đứng tuổi” ở đây là những con người từng trải, họ đã đi qua hơn phân nửa cuộc đời. Giọng thơ trầm hẳn xuống, câu thơ không chỉ đơn thuần là giọng kể mà đó còn là sự cảm nhận, suy nghĩ, chiêm nghiệm về cuộc đời con người. Mùa thu của đời người khép lại những tháng ngày sôi nổi với những bất thường của tuổi trẻ và mở ra một mùa thu mới, một không gian mới cũng như một cuộc đời mới. Sang thu không chỉ còn là chuyển giao của đất trời mà nó còn là sự chuyển giao của đời người.

Như vậy, bằng những hình ảnh thơ giản dị nhà thơ đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên chuyển mùa thật nên thơ, trữ tình, gây bao niềm bâng khuâng trong lòng người đọc. Qua đó, tác giả cũng thể hiện những triết lí sâu sắc về cuộc đời, về con người.

Nguồn website giaibai5s.com

Bài 71: Cảm nhận của em về bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh
Đánh giá bài viết